Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 03:39
Tác giả: Nhà văn Lê Minh Khuê (Chủ trì sưu tầm, tuyển chọn). Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung

- Là công trình tuyển chọn có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung

- Tiêu chí tuyển chọn: các tác phẩm tiêu biểu về nội dung, tư tưởng và chất lượng nghệ thuật; đại diện cho tinh hoa tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội.

- Công trình mang ý nghĩa tổng kết thành tựu của tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm. Trước khi đi vào giới thiệu các tác phẩm, nhóm biên soạn đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng lịch sử hình thành thể loại, nêu bật được những thành tựu quý báu và giới thiệu được những cây bút tiểu thuyết tiêu biểu nhất về Thăng Long - Hà Nội. Trong bài viết, một mặt các nhà nghiên cứu đã chú ý thích đáng đến các điều kiện lịch sử - xã hội - văn hóa ảnh hưởng đến văn học và hiện thực đời sống được miêu tả trong văn học, mặt khác, phân tích được chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết về Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình không chỉ phục vụ rộng rãi đối tượng bạn đọc yêu văn học Hà Nội mà còn có giá trị tham khảo đối với người nghiên cứu.

Bình luận

* PGS.TS. Hà Văn Đức (Bình luận đề cương)

1. “Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” nằm trong dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đây là dự án thuộc Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long của Nhà nước và Thủ đô Hà Nội. Việc thực hiện đề tài dự án này, theo tôi là cần thiết và có ý nghĩa về nhiều mặt.

2. Mục đích của đề tài là “tuyển chọn các tiểu thuyết có từ thời lập đô đến ngày nay, bao gồm đầy đủ các tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất, có giá trị lâu dài đã được khẳng định qua 1000 năm lịch sử”. Nhóm biên soạn cũng xác định rõ nội dung của các tác phẩm được tuyển chọn “đều thể hiện tinh thần trong sáng, cao quý của người Hà Nội. Phong thái, cốt cách, nếp sống hàng ngày trong chiến tranh cũng như chiến công của người Thăng Long – Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử”. Việc xác định mục đích và tiêu chí tuyển chọn của đề án théo tôi là phù hợp, đó là sẽ lựa chọn “Những tiểu thuyết tiêu biểu nhất viết về Thăng Long - Hà Nội từ khi có nền văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại đến những năm đầu thế kỷ XXI” (không nên phân biệt tác giả là người Hà Nội hay là ở các tỉnh khác viết về Hà Nội như một số đề án khác).

3. Nhóm biên soạn đã tuyển chọn các tác giả tác phẩm qua ba thời kỳ lớn:

A. Thời kỳ trung đại - tiểu thuyết chữ Hán (từ thế kỷ X đến 1900).

B. Thời kỳ 1900 - 1945

C. Thời kỳ 1945 đến nay

Cụ thể: Thời kỳ trung đại tuyển chọn 6 tác phẩm; thời kỳ 1900 - 1945; 8 tác phẩm; và thời kỳ 1945 đến nay là 13 tác phẩm. Nhận xét chung là nhóm biên soạn đã bao quát được những tác giả, tác phẩm tiêu biểu về Hà Nội. Những tác phẩm này phần lớn đều nằm trong mục đích, tiêu chí mà nhóm biên soạn đã đặt ra, nghĩa là đã thể hiện được đời sống tinh thần của người Hà Nội, hiện thực đời sống và những tính cách phong thái đặc trưng của người Thăng Long xưa và Hà Nội gần đây. Tôi tin là bộ tuyển chọn tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội này sẽ có quy mô khá đồ sộ về số trang và phong phú về nội dung phản ánh và đạt được hiệu quả mà nhóm biên soạn đề ra.

4. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt đã nêu ở trên, tôi muốn được trao đổi thêm với nhóm tác giả biên soạn một số điểm sau:

- Ở phần Tiểu thuyết chữ Hán thời kỳ trung đại, nếu như tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái dễ đạt được sự thống nhất thì những tác phẩm còn lại, như: Truyền kỳ tân phả của Nguyễn Du, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Hoa viên kỳ ngộ tập (khuyết danh), Việt Nam kỳ phùng sự lục (khuyết danh) khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Nếu xét về mặt thể loại thì những tác phẩm này nghiêng về thể loại ký và truyện truyền kỳ hơn là tiểu thuyết. Tất nhiên ở thời kỳ này, ranh giới về thể loại không được phân định một cách rạch ròi như thời kỳ hiện đại sau này. Những việc tuyển chọn cả những tác phẩm như Thượng kinh ký sự vào bộ tuyển chọn tiểu thuyết, theo chúng tôi là gượng ép và khiên cưỡng. Tôi được biết là một số tác phẩm thời kỳ trung đại này cũng được tuyển chọn trong Bộ tuyển ký tản văn. Việc một tác phẩm được chọn in ở cả hai bộ (thuộc hai thể loại khác nhau), lại nằm chung một dự án như vậy theo tôi là không nên. Quan điểm của nhóm biên soạn là: “Tuyển ký có thể chọn, nhưng tuyển tiểu thuyết vẫn chọn được vì mỗi người dịch mỗi khác, người hiệu đính khác…”, theo tôi là không khoa học và không có tính thuyết phục.

- Cần lưu ý tuyển chọn cả tiểu thuyết viết về Hà Nội của những tác giả ở hải ngoại (tất nhiên là chỉ chọn những tác phẩm nào có giá trị về nội dung và nghệ thuật, đạt yêu cầu tuyển chọn về tư tưởng chính trị).

- Nên chăng phần Phụ lục, cũng nên giới thiệu những cuốn tiểu thuyết của các tác giả nước ngoài viết về Hà Nội và con người Hà Nội. Điều này được thực hiện ở các bộ tuyển chọn thể loại khác, vậy tiểu thuyết có tuyển hay không?

 

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá