Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển tập thơ văn Lý Trần (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 03:43
Tác giả: GS. Nguyễn Huệ Chi. Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn học – Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung

Đề tài nhằm mục đích giới thiệu cho bạn đọc một cách hệ thống diện mạo tiêu biểu nhất của thành tựu văn hóa, văn học dân tộc trong 5 thế kỷ đầu tiên của nền độc lập tự chủ dưới thời Trung đại, bao gồm trong nó 6 triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Đây là thành tựu rực rỡ khơi nguồn cho những truyền thống tốt đẹp bậc nhất của văn hóa Việt Nam với trung tâm là Thăng Long mà phong kiến phương Bắc đã tìm mọi cách phá hủy trong cuộc xâm lược của chúng vào 2 năm 1406-1407 và trong suốt hơn 20 năm đô hộ sau đó. Việc sưu tầm, nghiên cứu được đặt ra từ 1968, sau 40 năm đã công bố sơ bộ được 3 tập lớn nhưng còn để lại nhiều mảng trống, nhiều sai sót quá lớn về dịch thuật và khảo đính, chú giải. Nay chính là lúc bổ sung những chỗ còn khuyết trong văn nghiệp của nhiều tác giả, trong diện mạo chung của nhiều loại hình, cũng như chỉnh sửa một cách nghiêm túc những sai sót lớn trên mọi phương diện, để có thể công bố một công trìnhtinh tuyển đạt chất lượng cao cả về nghiên cứu cũng như dịch thuật làm một di sản tinh thần trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều ngành học thuật cũng như của bạn đọc rộng rãi, đồng thời cũng là để góp phần vào lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào năm 2010.
         Bộ sách nhằm hướng tới đối tượng độc giả rộng rãi: các nhà khoa học, người làm công tác nghiên cứu, học sinh, sinh viên, kể cả những ai muốn tìm ở đây một sự thưởng thức văn chương thuần túy cũng có thể được đáp ứng ở cả hai phương diện: chân xác, tin cậy về tính khoa học và tinh luyện về nghệ thuật ngôn từ. Đó là yêu cầu của thời đại và cũng là mong mỏi của giới nghiên cứu cũng như của độc giả trong nước và nước ngoài, mở đầu cho những công trình tìm về bản sắc dân tộc một cách cụ thể thiết thực, với những bằng chứng văn tự xưa nhất và quý giá nhất còn lại đến nay.

Bình luận

* PGS.TS. Đinh Khắc Thuân (Bình luận đề cương)

1. Trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, có tập sách “Tuyển tập thơ văn Lý Trần” là cần thiết.

Thơ văn Lý Trần đã được nghiên cứu, giới thiệu trong sách Thơ văn Lý Trần và được tuyển chọn, sử dụng lại trong Tổng tập văn học Việt Nam. tuy nhiên để đặt trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cần một tuyển tập Thơ văn Lý Trần được chọn lọc, chỉnh lý, bổ sung những tác gia tác phẩm Lý Trần tiêu biểu, nhất là những tác gia, tác phẩm xuất hiện ỏ Thăng Long - Hà Nội thời này.

2. Công trình do GS. Nguyễn Huệ Chi, người từng làm chủ biên tập sách Thơ văn Lý Trần, chủ trì là hoàn toàn phù hợp.

Vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ đề cương biên soạn sách Tuyển tập thơ văn Lý Trần.

3. Phần mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ được đề cương tập sách xác định là xác đáng. Đặc biệt nhấn mạnh “việt sưu tầm, nghiên cứu được đặt ra từ năm 1968, sau 40 năm đã công bố sơ bọ được 3 tập lớn, nhưng còn nhiều mảng trống, nhiều sai sót quá lớn về dịch thuật và khảo đính, chú giải. Nay chính là lúc bổ dung những chỗ còn khuyết trong văn nghiệp của nhiểu tác giả, trong diện mạo chung của nhiều loại hình...”.

Tiêu chí tuyển chọn, quy cách biên soạn cũng được đặt ra rất rõ ràng.

Kết cấu tập sách hoàn toàn hợp lý, gồm phần Nghiên cứu tổng quan văn học Lý Trần và Phần tuyển tập thơ văn: Thời Lý và thời Trần, cùng phần Phụ lục.

4. Tuy nhiên, có đôi điều cần trao đổi:

- Việc nghiên cứu về thơ văn Lý Trần thì hoàn toàn do Vện văn học khởi xướng, nhưng việc sưu tầm thì trước đó Học viện Viễn đông bác cổ Pháp đã có nhiều công lao sưu tập, cùng những phát hiện khác của các nhà nghiên cứu, cũng như Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục sưu tầm bổ sung trong nhiều năm gần đây. Trong số văn bản Lý Trần mới được bổ sung, có một lượng khá lớn tài liệu văn bia, mà kết quả là toàn bộ bản gốc văn bia Lý Trần đã được công bố trong Văn khắc Hán Nôm thời Lý Trần. Vì vậy khi đề cập đến vấn đề này, nên cụ thể hơn về công tác sưu tầm tư liệu thơ văn Lý Trần.

- Trong phần tuyển chọn văn bia có đôi chỗ cần cân nhắc lại, bởi có những bài văn bua có nội dung văn học tốt thì lược bỏ như bia Càn ni Hương Nghiêm tự bi minh soạn năm 1125, Cự Việt Thái úy Lý công thạch bi soạn năm 1159..., trong khi đó lại chọn văn bia có rất nhiều vấn đề về văn bản như bia Phụng Thánh phu nhân Lê thị mộ chí. Văn bia này được khắc lại vào thời Nguyễn có quá nhiều sai sót về văn bản.

- Thêm nữa khi đọc kỹ tên tác phẩm, tác giả tuyển chọn trong phần tuyển tập thơ văn, thì thấy hoàn toàn được chọn lọc từ 3 tập Thơ văn Lý Trần đã công bố. Có nghĩa là tập sách này mới chủ yếu tuyển chọn và chỉnh lý lại những tác phẩm đã giới thiệu trong Thơ văn Lý Trần. Số tác phẩm văn học thời Lý Trần khác, nhất là văn bia mới được phát hiện nhiều năm gần đây hầu như không có trong tuyển chọn này.

Chẳng hạn, minh chuông chùa Thiên Phúc (chùa Thày, Hà Tây), do Sa môn Thích Huệ Hưng soạn năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 tức năm 1109. Minh văn này khá nổi tiếng từng được Lê Quý Đôn nhắc đến, nhưng quả chuông bị phá hủy thời Tây Sơn, sau đó chuông được đúc lại và khắc lại bài minh văn này lên chuông.

Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh soạn năm 1157.

Văn bia Thiệu Long tự bi khắc năm 1226, xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Tây, đã được Đinh Khắc Thuân dịch, công bố trong Tạp chí Khảo cổ học số 2 năm 2001.

Ma Nhai kỷ công văn do Nguyễn Trung Ngạn soạn năm 1335, khắc tại Nghệ An.

Ngoài ra đặc biệt là còn một số văn bia thời Lý Trần ở Thăng Long Hà Nội.

Trước hết là minh chuông đền Nhật Tảo, hiện ở tại miếu thôn Nhật Tảo xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm. Minh văn khắc năm Mậu Thân niên hiệu Càn Hòa 6 (948), kể về việc làm bức tranh Tam Tôn năm 944, cùng 6 bản phớn và chuộc lại 1 quả chuông nặng 15 cân vào năm 948 do 20 người trong hội tông xã thôn Từ Liêm huyện Giao Châu.

Chuông chùa Thánh Quang ở chùa Thánh Quang thôn Yên Nội xã Liên Mạc huyện Từ liêm. Chuông hiện tại được đúc năm Tự Đức Ất Hợi (1875), trên chuông khắc lại bài minh văn trên chuông cổ của chùa này được đúc vào đời vủa Trần Nhân Tông (1279 - 1293). Ghi việc công chúa Túc Trinh cúng tiến ruộng vào chùa Thánh Quang để nhà chùa thu lợi lo đèn nhang thờ Phật. Công chúa là con gái thứ tư vua Trần Thánh Tông đã rời bỏ cung thành ra phía Tây bắc kinh thành chiêu tập dân nghèo, khai khẩn ruộng hoang, lập ra hai làng mới khai hoang được 650 mẫu. Đây là chứng tích của công cuộc khai hoang mở ấp của một công chúa thời Trần.

Chuông chùa Diên Thánh Báo Ân ở phường Đông Ngạc hương Từ  Liêm, nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm. Minh văn cho biết chùa này do bà Nguyễn Thị Thái Bình, có công nuôi nấng trông coi vua Lý, đứng ra xây dựng. Quả chuông được đúc ngay từ khi xây dựng ngôi chùa này, nhưng trong lần trùng tu vào thời Trần (1333) khắc minh văn này. Minh chuông được Lê Quý Đôn nhắc đến, nhưng chuông bị mất. Thơ văn Lý Trần cũng nhắc lại thông tin này và xác nhận chuông hiện không còn. Đúng là chuông không còn, song minh văn đã được chép trong sách “Kim văn loại tụ”, ký hiệu A.1059 thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Bia Cổ tích thần từ 1312 ở xã Lại An huyện Hoài Đức, nay thuộc Hà Nội, do Trương Hán Siêu soạn.

Các minh văn trên vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn học, hiện đã được sưu tập tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhưng đều chưa có trong Thơ văn Lý Trần và cũng chưa có trong đề cương tập sách Tuyển tập Thơ văn Lý Trần. Tập sách nên lựa chọn bổ sung số văn bia này.

5. Cuối cùng cần lưu ý khi sử dụng bản dịch của những người không phải là tác giả của nhóm biên soạn sách này, để tránh phiền phức về sau.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc biên soạn tập sách này và đề cương tập sách, song có đôi điều góp ý thêm để nhóm tác giả cân nhắc cho phù hợp với ý tưởng của người biên soạn của tập sách.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá