Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Địa chí Cổ Loa (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 03:45
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc; PGS.TS. Vũ Văn Quân (Đồng Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Địa lý.

Tóm tắt nội dung:

- Cổ Loa có một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và của quốc gia độc lập thời Ngô Quyền với dấu vết còn lại đến ngày nay là một toà thành cổ có quy mô đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam. Với ý nghĩa như thế, Cổ Loa thu hút được sự quan tâm của đông đảo học giả với rất nhiều công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc nghiên cứu biên soạn Địa chí Cổ Loa là công trình lần đầu tiên thực hiện theo hướng có quy mô, hệ thống, phản ánh hết những đặc trưng của Cổ Loa, tổng kết các thành tựu nghiên cứu, bổ sung những kết quả nghiên cứu mới…

- Địa chí là công trình khoa học mang tính tổng hợp và liên ngành cao, trình bày một cách hệ thống và toàn diện về địa lý tự nhiên nhân văn vùng đất Cổ Loa (những biến đổi trong quá trình lịch sử; hiện trạng); về lịch sử (từ khởi nguồn cho đến hiên nay); về kinh tế (trong lịch sử, hiện trạng và những dự báo trong tương lai); về văn hoá (văn hoá vật thể và phi vật thể).

- Công trình có ý nghĩa khoa học và thực tiễn phục vụ đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

+ Về mặt khoa học sẽ góp phần giải quyết một trong những vấn đề quan trọng của lịch sử Cổ Loa: đó là kết hợp giữa công tác bảo tồn, gắn với phát triển theo hướng bền vững; những giá trị của công trình được xuất bản sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, là tài liệu khoa học cho học sinh, sinh viên…

+ Nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của nhân dân cả nước về Cổ Loa nói chung, về lịch sử Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá cho các thế hệ, nâng cao nhận thức của người dân địa phương…

Bình luận

* GS.TS. Ngô Đức Thịnh (Bình luận đề cương)

            1. Cổ Loa là địa danh, là di tích lịch sử cổ đại quan trọng vào bậc nhất của Việt Nam. Đặc biệt, có thể coi Cổ Loa là dấu tích đầu tiên của thành cổ nay còn sót lại, một chứng tích hùng hồn của sự hiện diện của quốc gia Âu Lạc, quốc gia đầu tiên của nước ta, cũng như sau này là kinh đô của Ngô Vương Quyền sau khi thoát khỏi sự đô hộ ngàn năm của phong kiến phương Bắc. Đó còn là cái mốc đánh dấu của sự khởi đầu quá trình đô thị hoá ở Việt Nam. Đấy là chưa kể tới biết bao di vật khảo cổ thời kim khí đã và đang được các nhà khảo cổ và cổ sử phát hiện; nơi mà trong tâm thức nhân dân còn lưu giữ bao huyền thoại lịch sử về việc xây thành, về chiến tranh Thục An Dương vương, về mối tình đẹp đẽ Mỵ Châu, Trọng Thuỷ. Có thể nói ít có vùng đất nào trên đất nước ta, cũng như của Hà Nội lại còn lưu giữ các chứng tích vật thể và phi vật thể về lịch sử cổ đại nước ta như Cổ Loa.

          Điều này càng trở nên quan trọng khi mà chúng ta đang chuẩn bị cho việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do vậy việc biên soạn và xuất bản một công trình về địa chí Cổ Loa là cần thiết. Đề tài vừa là lịch sử vừa hiện đại vì trong tâm thức nhân dân đất Cổ Loa còn lưu giữ được rất nhiều di tích vật thể và phi vật thể, những giai thoại phong phú nhất của Hà Nội.

          2. Được biết, các tác giả của bản đề cương này đã vừa nghiệm thu công trình “Địa chí Cổ Loa”, một công trình có quy mô nhất từ trước tới nay về Cổ Loa, đề cập một cách toàn diện đến các mặt kinh tế, tự nhiên, xã hội và văn hoá vùng đất này. Tuy nhiên, theo các tác giả, để xuất bản cần phải chỉnh sửa, lược bớt các phần quá đi sâu về chuyên môn, bổ sung thêm các bảng biểu, hình ảnh, xây dựng các công cụ tra cứu về danh nhân, địa danh, sự kiện (index) cho phù hợp với tính chất cuốn địa chí. Bởi vậy, việc thực hiện đề tài này, trên cơ sở kế thừa công trình địa chí trước trở nên dễ dàng và khả thi hơn bao giờ hết.

          3. Khác với nhiều bộ địa chí đã xuất bản, bộ địa chí Lổ Loa đã được biên soạn dựa trên các nghiên cứu công phu về phương diện khảo cổ, cổ sử, dân tộc học, xã hội học, địa lý và môi trường, địa danh học. Do vậy, cuốn địa chí không phải chỉ trình bày những hiện tượng văn hoá, lịch sử vốn có của của Cổ Loa, mà chắc chắn còn chứa đựng nhiều phát hiện khoa học về di tích lịch sử quan trọng này. Các nhà nghiên cứu tham gia biên soạn đã áp dụng các cách tiếp cận hệ thống, tiếp cận lịch sử, tiếp cận khu vực học, sử dụng các phương pháp nghiên cứu thống kê, phương pháp điều tra xã hội, khảo sát thực địa, phương pháp lôgic lịch sử, phương pháp bản đồ... Cách tiếp cận đầy đủ, khoa học trình bày được những phát hiện khoa học và tái hiện dưới hình thức địa chí.

          4. Tác giả công trình tập hợp những nhà chuyên môn có kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn nghiên cứu lịch sử nói chung và Cổ Loa nói riêng. Đó cũng là các tác giả đã vừa hoàn thành công trình “Địa chí Cổ Loa” và đã được nghiệm thu. Do vậy, công trình nghiên cứu và biên soạn cuốn Địa chí Cổ Loa này hoàn toàn mang tính khả thi.

          5. Kết cấu công trình chia thành 4 phần và 11 chương là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với cơ cấu sách địa chí mà lâu nay đã biên soạn. Tuy nhiên, với Cổ Loa, các tác giả đã chú ý tới tính đặc thù của nó, đó là vùng đất lịch sử gắn với lịch sử cổ đại của dân tộc, vùng đất còn lưu giữ các truyền thống văn hoá cả vật thể và phi vật thể. Do vậy cuốn địa chí này phản ánh bộ mặt lịch sử và văn hoá của Cổ Loa, tạo nên dấu ấn riêng của vùng đất này. Trong nội dung, các tác giả cũng đã chú ý đúng mức tới sự liên hệ của Cổ Loa với vùng xung quanh, cả trên các phương diện các di chỉ khảo cổ, các sự kiện lịch sử và văn hoá.

          Tuy nhiên, trong đề cương, các tác giả chưa nêu rõ phạm vi Cổ Loa trong lịch sử cũng như hiện tại. Chắc các tác giả sẽ lấy phạm vi Cổ Loa hiện tại để trình bày có kết hợp với diên cách lịch sử của Cổ Loa.

          Vì đây mới chỉ đề cương sách, chúng tôi chưa biết được cách trình bày thế nào về cuốn dịa chí này, tuy nhiên, như kinh nghiệm biên soạn nhiều bộ địa chí khác cho thấy, các tác giả dù trình bày các sự kiện hay các vấn đề khoa học mới, thì phong cách trình bày địa chí vẫn phải được đảm bảo.

Chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đề tài này rất quan trọng và cần có vị trí trong Tủ sách. Tôi chỉ có một chút băn khoăn: Có nên có 2 cuốn địa chí? hay từ cuốn “Địa chí Cổ Loa” ta mở rộng ra thành một cuốn sách hàm chứa cả những tài liệu khảo cổ mới tìm được ở trong nước và Trung Quốc.

Tuy vậy, tôi hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao bản đề cương biên soạn cuốn "Địa chí Cổ Loa" về phương diện nội dung và phương pháp thực hiện cũng như tính khả thi cao của nó. Đề tài xứng tầm với Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Hy vọng độc giả sẽ được đọc một cuốn địa chí Cổ Loa xứng với vị trí và tên tuổi của nó.

 

Nhà xuất bản Hà Nôi

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá