Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tìm hiểu lễ hội ở Hà Nội (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 04:00
Tác giả: PGS.TS Lê Hồng Lý. Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung

- Từ trước đã có nhiều tác phẩm viết về đề tài này (kể cả kịch bản “10 lễ hội tiêu biểu của Hà Nội” do PGS Phan Khanh xây dựng), tuy nhiên đây là một đề tài được biên soạn lại trên cơ sở những nghiên cứu, tích luỹ của tác giả trong nhiều năm qua.

- Đề tài đi sâu nghiên cứu một cách hệ thống về lễ hội ở Hà Nội, tìm ra những nét đặc trưng, những vấn đề lịch sử và vai trò của lễ hội trong đời sống chính trị, văn hoá, tâm linh của người Hà Nội.

- Bổ sung tư liệu điền dã trên cơ sở điều tra khảo sát lại một số lễ hội tiêu biểu, nổi tiếng.

- Bổ sung khảo sát một số lễ hội mới như: giáng sinh, lễ tình yêu, quốc tế phụ nữ 8/3…

- Bản thảo đã khảo sát các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của Hà Nội, bổ sung được những lễ hội lớn. Lễ hội được tìm hiểu, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh không chỉ lịch sử, văn hoá mà trong đời sống xã hội hiện nay. Những vấn đề về lễ hội đặt ra hợp lý, thích đáng, rất đáng quan tâm trong thời điểm hiện nay.

 Bình luận

* PGS.TS Phan Khanh (Bình luận đề cương)

I. Về mục đích của công trình

          Thăng Long – Hà Nội thực sự có truyền thống lễ hội hàng ngàn năm văn hiến, rất phong phú và độc đáo vào bậc nhất trên cả nước. Truyền thống, nhu cầu văn hóa lễ hội đó vẫn đang phát triển trong cuộc sống hiện đại và càng có giá trị cao về tính đa dạng văn hóa trong hội nhập giao lưu quốc tế.

          Từ đổi mới đến nay, có nhiều công trình nghiên cứu, mô tả lễ hội ở Hà Nội, nhưng đúng như đề cương đã đề cập: vẫn còn thiếu một công trình nghiên cứu, một cuốn sách “nghiên cứu có hệ thống nhằm tìm ra những đặc trưng về lịch sử, những giá trị văn hóa đặc sắc, nét đặc trưng của Lễ hội ở Hà Nội” nhằm gìn giữ, bản sắc văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu không nghiên cứu gìn giữ, phát huy kịp thời các giá trị di sản văn hóa lễ hội, thì quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa có thể dẫn đến những mất mát đáng tiếc vốn di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quan trọng đó. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với mục đích của công trình đặt ra.

          2. Về nội dung công trình:

          Nhất trí với nội dung 5 chương của công trình và Phụ lục.

          Chương 1 “Bối cảnh kinh tế xã hội và môi trường địa lý của sự hình thành lễ hội ở Hà Nội” đề cập đến bối cảnh xã hội tụ hội dân cư nông nghiệp, làng nghề, buôn bán, môi trường của trung tâm kinh tế, chính trị, giao lưu buôn bán...tất yếu tạo nên nhu cầu sinh hoạt văn hóa lễ hội. Nội dung như thế là tốt, chấp nhận được. Nên chú ý đến nhu cầu tâm linh của cộng đồng của cả cư dân là vua quan trong triều đình, cư dân nông nghiệp, thủ công, buôn bán... qua lễ hội truyền thống.

           Tán thành nội dung của chương II. “Lễ hội ở Hà Nội trong quá khứ qua các tài liệu thư tịch “Nên chú ý khai thác thần tích và văn hóa dân gian đẻ có thể gợi lại bóng dáng các lớp lang cố truyền của lễ hội truyền thống cung đình và dân gian ở Thăng Long, Hà Nội xưa.

          Chương III “Những lễ hội cổ truyền trong quá khứ và hiện đang tồn tại trong đời sống”, nhất trí cần phân tích trong bối cảnh đô thị, cận đô thị đương thời và đương đại những giá trị, biến đổi, sắc thái riêng được gìn giữ, phát triển như thế nào. Đương nhiên, chọn những lễ hội tiêu biểu và chỉ ra cái được và chưa được để nhận thức và quản lý tốt lễ hội ở Hà Nội.

          Chương IV: “Những lễ hội mới ở Hà Nội” nội dung đề cập như thế là tốt. Nên đánh giá các lễ hội hiện đại chính thống, nhà nước và lễ hội hiện đại ngoại sinh của thị dân thời Mở cửa, Đổi mới.

          Chương V “Lễ hội ở Hà Nội trong thời kỳ hiện đại – xu thế, triển vọng và sự phát triển bền vững” hợp lý. Cần đánh giá vai trò của lễ hội nội sinh và ngoại sinh, hướng vào việc gìn giữ bản sắc dân tộc, đời sống ở cơ sở và đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch văn hóa.

          Tán thành hệ thống 10 chuyên đề (tr. 7- 8) để trên cơ sở đó biên soạn 5 chương của công trình.

          3. Kết luận

          Đề cương công trình nghiên cứu “Lễ hội ở Hà Nội” xứng đáng được thực hiện, xuất bản. Đây là công trình nghiên cứu có giá trị khoa học, hữu ích cho đông đảo người đọc, cũng là công trình nghiên cứu cần thiết hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vài điều góp ý để các đồng nghiệp tham khảo.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá