Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội (bình luận bản thảo)
Thứ tư, 24/08/2011 04:01
Tác giả: PGS.TS Ngô Đức Thọ (Chủ trì khảo cứu, giới thiệu, dịch chú). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung

Các tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám khởi dựng năm 1484 theo sáng kiến và sắc chỉ của vua Lê Thánh Tông, là một quần thể di sản văn hoá rất nổi tiếng và quan trọng của lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vua Lê Thánh Tông cho rằng các nhà trí thức khoa bảng là nhân tài của đất nước, tuy đương thời đã được tôn vinh, trọng dụng, “nhưng lời khen, tiếng thơm chưa đủ để lưu truyền lâu dài cho hậu thế, vì thế cho dựng bia ở cửa nhà Thái học để cho kẻ sĩ chiêm ngưỡng, hâm mộ phấn chấn, rèn luyện danh tiết, hăng hái tiến lên…”. Tất cả 89 khoa thi triều Lê đã được dựng bia, bị phá huỷ thất lạc 8 tấm. Nhà Mạc dựng 1 bia. Cộng với 1 bia nói về việc tu sửa vườn bia và dựng đình bia năm 1863, hiện còn tất cả 83 bia.

Đề tài này thuộc tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” sẽ giới thiệu lịch sử các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, nêu rõ ý nghĩa và tác dụng của di sản văn hoá nổi tiếng này, đồng thời cung cấp đầy đủ bản dịch ra tiếng Việt có chú thích các thông tin cần tìm hiểu về các nhà khoa bảng được ghi danh trên các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long.

           Bình luận sách

           * PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh (Bình luận bản thảo)

Văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một công trình có ý nghĩa quan trọng để hiểu về nền giáo dục Việt Nam suốt thời phong kiến, cho đến trước nhà Nguyễn. Nội dung các bài văn bia do các tiến sĩ soạn không những chỉ cho biết khoa thi ấy ai chấm, tổ chức như thế nào, đã lấy đỗ những ai... mà còn cho thấy được cả quan điểm giáo dục, thái độ tôn trọng trí thức, chính sách đào tạo nhân tài... của các triều đại. Ví dụ quan niệm Hiền tài là nguyên khí quốc gia được đề xướng từ thời Lê Thánh Tông nhưng đã được coi là phương hướng chỉ đạo về quan điểm giáo dục quán triệt suốt thời Lê... Thậm chí những biến cố lịch sử cũng có thể qua cách thi cử, qua việc dựng bia, hoặc không dựng bia, qua nội dung văn bia mà suy đoán được... Cho nên Văn bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một công trình hữu ích, rất quan trọng đối với giới nghiên cứu để tra cứu và để tham khảo.

Sách có ba phần: bài nghiên cứu đầu sách, phần văn bia (bao gồm dịch nghĩa, chú thích và giới thiệu văn bản, hiện vật) và phần tra cứu.

Bài nghiên cứu viết tốt, rõ ràng, những kiến giải tin cậy được.

Phần tra cứu có kèm chữ Hán và chỉ dẫn số trang, bảng tra cứu tác giả các văn bia, rất thuận lợi cho việc tra cứu.

Phần văn bản: đây là nội dung chính của sách. Vì không có văn bản chữ Hán nên không thể rà soát cụ thể được, nhưng đọc các bài văn bia thấy rõ ràng, dễ hiểu, những điển cố khó đều được dịch và có chú thích. Tôi tin đó là những bản dịch tin cậy.

Về các chú thích, chia làm hai phần như thế cũng thuận lợi cho người đọc. Các chú thích về cá nhân rõ ràng, cập nhật được những thay đổi về địa danh hành chính.

Chữ Hán và chữ Việt đẹp, dễ đọc, hầu như không có lỗi bản in.

Sau đây là một số điểm góp ý:

- Về dịch rà soát lại bản dịch, gắng sửa những từ nghe không thuận như: lớn nghĩ, ngước nghĩ...

- Cần giữa lại cách đọc truyền thống đối với một tên đất, niên hiệu, tên người như: Võ Giàng, Thái Bảo, Đông Ngàn, không nên trong cùng một trang mà trên thì Vũ Giang dưới thì Võ Giàng...

- Những chữ thêm trong ngoặc cần thống nhất với khảo đoán ở dưới, ví dụ dưới viết là "tương đương với... thượng phụ... " thì trên cũng phải viết đủ số chữ ấy và không đọc thượng là "sư" ...

- Có những trường hợp quê quán vị tiến sĩ được ghi trong bia khác với chú thích của các soạn giả, cần được ghi rõ.

- Chức tước của các vị tiến sĩ nên ghi một vài chức quan trọng và đến bậc cao nhất, cố gắng bổ sung thời gian các vị ấy làm quan dưới triều đại nào.

- Nên chú thích thêm về những người được đưa vào "hội đồng chấm thi" và tổ chức coi thi, cũng như chú thích về người soạn thảo văn bia... ; thỉnh thoảng có những chỉ dẫn mà địa chỉ được chỉ dẫn không có.

- Bia Đề danh bi đình cần được chú thích xuất xứ, bia đặt ở đâu, hiện trạng thế nào... giống như đã làm với bia Văn Miếu.

- Nếu có thể có nguyên văn chữ Hán thì rất tốt.

Chúng tôi đánh giá đây là một công trình cần thiết, quan trọng, cũng đã được xuất bản, vì vậy trong đợt xuất bản quan trọng này cần bổ sung phần mà các nhà nghiên cứu quan tâm nhất.

Kết luận: Bản thảo đạt chất lượng xuất sắc, chỉnh sửa thêm một số chi tiết mà chúng tôi vừa nêu là có thể xuất bản được.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá