Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Kẻ sĩ Thăng Long (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 04:03
Tác giả: Nhà thơ Bằng Việt (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung

- Thăng Long - Hà Nội là vùng đất là trung tâm của nền văn minh sông Hồng. Tại vùng đất địa linh nhân kiệt này đã hình thành một tầng lớp, một lớp người có phẩm cách, khí tiết và cách ứng xử đặc trưng riêng: kẻ sỹ. Kẻ sỹ Thăng Long đã được tôn vinh từ bao đời nay, là biểu tượng về trí tuệ cho nền văn hiến Thăng Long, đã được minh chứng qua nhiều giai đoạn lịch sử. Công trình lần đầu tiên soi rọi toàn bộ ưu điểm, đặc thù và những biểu hiện được minh hoạ cụ thể qua các giai thoại và truyện kể sinh động về tầng lớp trí thức này.

- Công trình là một cuốn biên khảo có chủ kiến và có minh chứng khoa học, đầy đủ, hệ thống để độc giả có thể hiểu sâu hơn về giá trị tinh thần của trí thức Thăng Long, từ đó có thể đặt vấn đề tiếp thu và phát huy thế mạnh đó của trí thức Thủ đô trong thời kỳ mới. 

Bình luận

* GS. Văn Tạo (Bình luận đề cương)

Tôi hoan nghênh việc thực hiện đề tài “Kẻ sĩ Thăng Long”. Tác giả đề cương đề xuất nhiều ý kiến xác đáng cho nội dung cần thực hiện của đề tài, đi vào các khía cạnh rất cần phải đi sâu, như về nguồn gốc xuất thân, trình độ tri thức, đạo đức, phẩm chất, phong cách, khí tiết, các mối quan hệ ngang dọc, tư duy khoa học, lối sống, cách thức ứng xử, đối nội, đối ngoại. Đồng thời, cũng không quên nói đến những hạn chế, khuyết, nhược điểm, cái mạnh, cái yếu của kẻ sĩ.

Bố cục cuốn sách gồm 6 chương bao hàm những đề án cần thiết để có được những đáp án vững vàng có sức thuyết phục.

Tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này, nay xin gợi ra những ý mà theo tôi đề cương chưa nghĩ đến, hay đã nghĩ đến mà còn phải đi sâu nghiên cứu mới giải đáp được trước khi viết ra:

1. Khái niệm: “Kẻ sĩ” là ai? Thì ở đây còn mập mờ như viết (trang 1) “lớp trí thức ưu tú dù làm nghề tự do”. Vậy trí thức không có bằng cấp đi vào kinh doanh công nghiệp, thương nghiệp như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi có phải là “kẻ sĩ” không?

Kẻ sĩ nhất thiết phải có bằng cấp cao không?

2. Tác giả ghi “Kẻ sĩ Thăng Long”“Sĩ phu Bắc Hà” dường như đồng nhất với nhau trong đề tài. Thực tế hai từ “kẻ sĩ” và “sĩ phu” đã có khác nhau về tư duy khi nó xuất hiện ra thành ngôn ngữ, biểu hiện của tư duy: Kẻ sĩ là chỉ nặng về khoa cử Nho giáo; sĩ phu là chỉ nặng về nhà khoa cử có tham gia chính trị tức Nho sĩ xuất hiện trong chính trường. Từ “Kẻ sĩ” là trọng về bằng cấp và tư duy Nho học. Sĩ phu là trọng về tư duy, ý thức và hoạt động chính trị. Các ông Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế được gọi là “sĩ phu” chứ không chỉ liệt vào “kẻ sĩ”

3. Về phạm vi không gian: không thể đồng nhất “Thăng Long” với “Bắc Hà”. Sĩ phu Bắc Hà xuất xứ từ thời kỳ Nam Bắc phân tranh. Thời Lê Trung hưng, Lê - Trịnh, Mạc: Sĩ phu Bắc Hà nổi tiếng hơn, và có ý so với đối trọng là sĩ phu Nam hà (chúa Nguyễn ở phương Nam). Kẻ sĩ Thăng Long thì mọi người đều thuộc sĩ phu Bắc Hà, nhưng số sĩ phu Bắc Hà (tính từ sông Gianh, Quảng Bình trở ra) như La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp lại không thuộc “Kẻ sĩ Thăng Long”, có nguồn gốc là “Kẻ sĩ Hồng Lĩnh”.

Với những suy nghĩ trên, tôi thấy phải làm rõ “Ai là kẻ sĩ Thăng Long” đã rồi hãy đi vào các mặt của “kẻ sĩ”.

Tôi nghĩ tuy là kẻ sĩ, là sĩ phu nhưng phải gắn bó với Thăng Long mới được gọi là Kẻ sĩ Thăng Long.

4. Đề cương chưa đề cập đến tư duy, triết học, tư tưởng Nho giáo, mà điều này rất cần thiết khi nói về cống hiến, khám phá, khí tiết và hạn chế của họ.

Nhìn chung các trí thức phong kiến ở Thăng Long từ thời Lý đến Trần, Lê, Tây Sơn… đều thuộc hệ tư tưởng Tống Nho. Mà Tống Nho lấy từ gốc Khổng Mạnh mà ra, nhưng đã có biến hoá cho phù hợp với yếu tố mới của Pháp trị (Khổng Mạnh còn nặng về nhân văn, nhân trị điều mà Hồ Chủ Tịch hay dẫn ra). Còn Tống Nho từ Chu Hy, Trình Hạo, Trình Di đã xiết chặt cương thường có tính áp chế nặng nề như Lỗ Tấn đã phê phán. Tư Duy Tống Nho hạn chế tính sáng tạo của con người, thích rập khuôn người xưa. Xã hội ta trì trệ lâu dài là ở chỗ ấy. Nhất là đến thời Nguyễn, khi ở Trung Quốc, Minh Nho (mà tiêu biểu là Vương Dương Minh) đã phát triển, đưa kinh tế hàng hoá và giao thông thương mại lên, thì nó đã không nhập được vào “Kẻ sĩ Việt Nam”. Đến cả thời Nguyễn, vẫn “đóng cửa khoá nước”, “bế quan toả cảng”.

5. Do tư duy triết học kể trên chi phối nên khi xem xét Kẻ sĩ Thăng Long phải thấy cái mạnh, cái yếu là ở chỗ nào? Nếu chỉ ca ngợi khí phách thanh liêm, tiết tháo mà không thấy cái bảo thủ, trì trệ, lạc hậu thì nói gì ra, để ngày nay trí thức noi theo?

6. Ý định của Đề cương là làm rõ được một cách khoa học, hệ thống là đúng, nhưng rất khó đấy.

Nếu so với trí thức Nam hà thời Nguyễn sau này như Võ Trường Toản và những học trò của ông là Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định… ta thấy có cái gì đó phóng khoáng, tự do cởi mở hơn?

Tất nhiên, thời Nguyễn, trung tâm khoa cử đào tạo trí thức đã chuyển về Huế, nhưng cũng nhiều trí thức từ Bắc vào như khoa thi mà Phan Thanh Giản đỗ Tiến sĩ là đã được lấy vớt làm Tiến sĩ để cho Nam Bộ có 1/10 Tiến sĩ khoa đó, còn 9 là từ phía Bắc (từ Bắc Trung kỳ trở ra) trong đó có Tiến sĩ Đỗ Quang là nổi tiếng tiết tháo, nhưng cuối cùng cũng là “Trả áo, trả quan” để chống lại đường lối chủ hoà, đầu hàng của vua tôi Tự Đức mà thôi. Còn Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu từ Nam ra cũng là tử tiết với thành Thăng Long mà thôi?

Cho nên, ý muốn “khoa học và hệ thống” đúng là khó lắm đấy.

Tôi chỉ gợi ý để tác giả suy nghĩ thôi. Còn nhìn chung, Đề cương đã có cách nhìn khá sâu sắc theo yêu cầu của Hà Nội hiện đại để tóm ra truyền thống quý báu của trí thức từ ngàn năm Thăng Long văn hiến cần cho ngày nay kế thừa.

Tôi ủng hộ đề cương này.

Chúng ta cứ quyết tâm đi vào, từ “cái khó sẽ ló cái khôn”. Hay là ta lấy tên đề tài là Trí thức Thăng Long Hà Nội, không lấy “Kẻ sĩ”. Tôi mạnh dạn nêu ra những gợi ý trên để chúng ta trao đổi thêm. Còn đi sâu thì khi có Đề cương chi tiết mới nói thêm được.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá