Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI (Bình luận bản thảo)
Tóm tắt nội dung
- Tuyển chọn những ca khúc Hà Nội trong thế kỷ XX và
những năm đầu thế kỷ XXI đã được đời sống âm nhạc công nhận.
- Tiêu chí tuyển chọn: những ca khúc phản ánh, tinh thần cốt cách của người Hà Nội, những
sáng tác đậm dấu ấn Hà Nội lẫn những sáng tác mà Hà Nội không hiển hiện trên bề
mặt ca từ nhưng hồn Hà Nội vẫn chứa đựng bên trong và đều hướng đến ca ngợi,
tôn vinh vẻ đẹp của mảnh đất này. Qua đó không những ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội
như nguồn cảm hứng cho âm nhạc, thể hiện tình yêu của các nhạc sĩ dành cho mảnh
đất ngàn năm văn hiến mà còn khẳng định được diện mạo của nền âm nhạc Thủ đô.
- Ngoài các bản phổ được tuyển chọn là các bài viết dẫn
luận công phu về bối cảnh ra đời, nội dung, tính nghệ thuật của mỗi
thời kỳ. Dẫn luận cũng đặt ra những vấn đề lý luận, đối chiếu, từ thực trạng
sáng tác và thưởng thức âm nhạc của từng thời kỳ. Đây sẽ là nguồn tư liệu phục
vụ cho các nhà nghiên cứu âm nhạc, giảng viên, học sinh của các nhạc viện, Đại
học, cao đẳng âm nhạc cũng như người yêu nhạc.
- Các tác phẩm được tuyển chọn phong phú. Mỗi ca khúc
phản ánh được không khí của Hà Nội gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thể và hơn
hết là chứa đựng cái hồn của Hà Nội, tiếng lòng của Hà Nội và tình yêu đối với
mảnh đất này.
Bình luận
* Nhà thơ Bằng Việt (Bình luận bản thảo)
Đây là tập bản thảo đã được
các soạn giả bổ sung, tu chỉnh lại lần thứ ba sau các lần góp ý kiến của Hội
đồng thẩm định. Từ ý tưởng ban đầu là tập hợp 100 ca khúc hay về Hà Nội, các
soạn giả đã đưa lên đến 250 ca khúc, và đến lần này đã chốt lại với con số 300
ca khúc chẵn của 165 tác giả qua các thời kỳ. Số lượng ca khúc tăng đồng thời
với sự gia tăng đáng kể của các tác giả, đại diện cho nhiều giai đoạn sáng tác,
nhiều phong cách sáng tác, tạo nên sự đa dạng và phong phú, rất xứng đáng với sự
thăng hoa trong các sáng tác về Hà Nội - một thủ đô có thể tự hào là có nhiều
bài hát hay bậc nhất được khai thác và thể hiện về mình, cả trong chiến tranh
và trong xây dựng hòa bình.
Về tỷ lệ phân bố các bài, tôi cho là
cũng vừa phải. Nếu so sánh kỹ, thì thấy số bài được sáng tác trước Cách mạng
tháng Tám 1945, trong Kháng chiến chống Pháp và thời Hà Nội tạm bị chiếm 1947 -
1954 cộng lại, cũng chỉ chiếm độ 1/5 tập Tuyển, còn lại tới 4/5 là các bài hát
từ thời chống Mỹ đến thời Đổi Mới ngày nay. Phần hiện đại như vậy là chiếm tỷ
lệ áp đảo và cũng thể hiện được quan điểm “ôn cố tri tân”, nặng về tôn trọng
cái mới.
Các tác giả sáng tác ở vùng tạm bị chiếm trước
đây được tôn trọng và được đánh giá lại các giá trị một cách công bằng, thực sự
cầu thị, đó là ưu điểm thấy rõ của tập Tuyển này.
Bảy bài giới thiệu liên hoàn
các giai đoạn sáng tác ca khúc ở Hà Nội là 7 bài tiểu luận công phu, có chất
lượng và có dẫn chứng cụ thể, có phân tích và có độ nhấn cần thiết ở các trọng
tâm trọng điểm, đã giúp độc giả hiểu sâu hơn và hệ thống hơn về toàn bộ quá
trình phát triển của ca khúc Hà Nội qua các giai đoạn cũng như các đặc điểm
đáng quan tâm của mỗi thời kỳ, các tác giả có đóng góp nổi bật và những gì tạo
nên nét riêng của họ.
Chính vì đã có các bài viết này xếp
thành hệ thống trên hơn 100 trang in, đồng thời lại có các tác giả cẩn thận như
Hoàng Dương, vừa phân tích vừa liệt kê thành bảng xếp hạng đối với các tác giả
và tác phẩm tiêu biểu của từng giai đoạn, nhất là đối với giai đoạn 1930 - 1945,
thời kỳ mở đầu cho Tân nhạc Việt Nam, mà tôi thấy có thể hoàn toàn thỏa mãn với
việc Tuyển tập xếp theo thứ tự ABC theo tên các bài hát từ đầu đến cuối (Lẽ ra
tôi định góp ý kiến là xếp theo từng giai đoạn, ví dụ 1930 - 1945, tiếp đó là
1945 - 1954, rồi 1954 - 1975, và trong từng giai đoạn mới xếp theo ABC. Nhưng
sau khi đọc kỹ các bài giới thiệu mở đầu của 6 tác giả, thì tôi lại thấy không
cần phải làm như thế nữa và xin các anh cứ giữ nguyên cách sắp xếp theo ABC từ
đầu đến cuối, nó lại giữ được một chỉnh thể thống nhất của toàn bộ Tuyển tập,
xuyên suốt không cần cắt xén ra từng khúc!).
Tôi cũng hoan nghênh phần Phụ lục chân
dung tác giả (các nhạc sĩ) xếp theo ABC ở cuối sách, nó cũng giúp ích khá nhiều
cho bạn đọc không đủ thời giờ tra cứu ở Thư viện nhưng vẫn có đủ được sơ lược
tiểu sử các tác giả, rất cần thiết và lý thú cho bạn đọc.
Tuy nhiên, phần Phụ lục này tôi đề nghị
có thể mất công hơn làm kỹ thêm một chút thì sẽ còn bổ ích hơn nhiều. Ví dụ
nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, một trong các nhạc sĩ khởi đầu phong trào Tân nhạc, nhưng
tiểu sử quá sơ sài, sau những năm 30 làm gì không rõ, không có cả năm mất. Hay
nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, một nhạc sĩ quen biết đương đại, đã mất từ năm 1997 ở
TP Hồ Chí Minh, cũng chưa ghi vào. Rồi nhạc sĩ rất gần gũi với Hà Nội như Vĩnh
Cát, cũng sơ xuất ghi sai nơi sinh và quê quán. Còn nhạc sĩ Trần Văn Nhơn, có
tên thánh theo tên Pháp là Antoine - Philippe đều bị viết sai 3 lần (ở trang 43
và trang 657, là các lỗi typo không nên có). Đơn cử vài chỗ như vậy, chỉ như
các hạt sạn nhỏ trong một công trình lớn công phu, mong được các anh lưu tâm xem lại để hoàn chỉnh lần cuối.
Nhà xuất bản Hà Nội