Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội (bình luận bản thảo)
Thứ tư, 24/08/2011 04:06
Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp (Chủ trì sưu tầm, tuyển chọn). Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung:

- Là những bài ký, tản văn của nhiều tác giả hoặc vô danh được tuyển chọn lại trong suốt thời kỳ lịch sử từ năm 1010 - năm Lý Thái Tổ soạn “Thiên đô chiếu”, dời kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, lấy tên Thăng Long đến Hà Nội ngày nay.

- Trong suốt 10 thế kỷ với biết bao biến thiên, đổi thay của đất nước, của Thủ đô thì những bài ký, tản văn - với vai trò “được ghi chép” hay nói đúng hơn là mang dấu ấn trực tiếp của “sự kiện” đã thể hiện một bức tranh khá sinh động, chân thực và khá đầy đủ về cuộc sống xã hội, con người, văn hoá, lối sống phong tục truyền thống của kinh thành Thăng Long xưa (từ năm 1010) trải qua bao biến thiên lịch sử cho đến Hà Nội ngày nay.

- Trong tuyển tập ký, tản văn này đã thực sự dựng lại được sự hình thành và phát triển của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội qua mỗi giai đoạn lịch sử. Các bài viết đã thể hiện những gì rất đời thường, từ miếng cơm, manh áo đến những chiến tích, từ những người bình dị đến các danh nhân, anh hùng lịch sử. Bắt đầu từ cổ, trung đại đến hiện đại, Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên diện mạo của mình qua mỗi bài ký, tản văn.

Bình luận sách

* Nhận xét của PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh (Bình luận bản thảo)

Tuyển tập ký - tản văn Thăng Long - Hà Nội hiện chúng tôi có trong tay gồm một Lời giới thiệu Mục lục của 3 tập, chúng tôi xin có một số ý kiến dưới đây.

          1. Về bài Lời giới thiệu

Đây là bài viết nhằm cung cấp những giới thuyết chung giúp bạn đọc đông đảo có những kiến thức tối cần thiết để tiếp xúc với tác phẩm, đặc biệt là đối với văn học trung đại. Vì vậy bài viết cũng không cần chuyên sâu quá, những vấn đề nêu ra trong bài như vậy là đủ, nhẹ nhàng dễ đọc. Tác giả có thể điều chỉnh thêm một vài ý, ở một số trang, ví dụ trường hợp Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ nên nói rõ hơn hai ông là tác giả đặt nền móng và cũng đạt thành tựu cao ở thể loại truyện ngắn truyền kỳ, ngoài ra cũng có thành tựu mới ở Ký. Bởi vì ký theo quan niệm văn học trung đại chủ yếu là ghi chép, trong đó có khi là về người, có khi là sự việc, có khi là cảnh vật, cũng có nhiều tác phẩm đạt đến vẻ đẹp nghệ thuật, cũng chưa chắc đã không “theo đúng nghĩa”, hơn nữa văn chương cũng già dặn, chưa hẳn thua kém các bài ký trong hai tập truyện của Lê Thánh Tông và Nguyễn Dữ. Tôi xin nhấn mạnh thêm người xưa khen Truyền kỳ mạn lục đạt  đến trình độ “kỳ bút” đấy chủ yếu là nói về loại truyện truyền kỳ, nếu có tác phẩm nào đó có thể xem là truyện ký thì chất truyện cũng nặng hơn. Đoạn nói về Phạm Đình Hổ thì nên thêm Nguyễn án (tr. 8); cũng trong trang 8, từ Hà Nội (dòng 17, tính từ trên xuống) có lẽ là Thăng Long chăng? Về Tập II và Tập III có lẽ nên thêm một số bài ký viết hồi đầu cuộc Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những bài tiêu biểu cho phong cách thời đại.

2. Về nội dung tuyển chọn

Tập I: nên bỏ bớt những bài chỉ có tính chất ghi chép tên sông tên núi hoặc quá khô khan về số lượng, chú ý nhiều hơn đến tính mỹ cảm. Cụ thể:

- An Nam chí lược: nên bỏ phần Quận ấp, châu, huyện, Các châu quận huyện thuộc An Nam đô hộ đời Đường; thêm một số bài như Các khoản chuyển vận quân lương (tr.108-113, nhưng bài này cần chú thích rõ), Sự chinh phạt của các triều đại trước (...tr. 120), Hầu Nhân Bảo (tr. 206), Lê Hoàn, Lê (Phụng) Hiểu, Trần Lãm, Vạn Xuân Phi.

- Cần thêm ký của Trương Hán Siêu, Nguyễn Phi Khanh, Hồi ký chiến trận của Nguyễn Bá Xuyến, một số bài của Ngô gia (không trùng với Tuyển tập Ngô gia văn phái) và có thể ở một số tác giả khác.

- Bỏ tác phẩm Truyền kỳ tân phả, Truyện hai nữ thần trong Lê Thánh Tông di thảo.

- Xem lại các bài Văn bia Văn Miếu, đã có quyển này, vì thế chỉ chọn 1, 2 bài hay, tiêu biểu.

- Xem lại phần Địa chí trong Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình dư địa chí.

- Tác giả Sơn cư tạp thuật không phải tên là Đan Sơn, trong lời bài Tựa, ông chỉ nói là ông quê ở Đan Sơn, Thanh Hóa, không nói mình tên hiệu là Đan Sơn. (Nên tham khảo cách ghi của sách Truyện truyền kỳ Việt Nam của Nxb. Giáo dục).

Tập II nên chọn thêm một số tác phẩm thời kỳ đầu kháng chiến, như Nắng của Nguyễn Chinh (hay Trinh ?) Cơ, Bên đường 12 của Vũ Tú Nam,... nên dở các tuyển tập truyện ký trước đây mà chọn, những bài ký này rất tiêu biểu cho văn phong thời đầu kháng chiến chống Pháp.

Giai đoạn chống Mỹ cũng vậy, thời gian đầu rất nhiều tác phẩm hay, như Hương cỏ mật của Đỗ Chu, tác phẩm của Nguyên Ngọc, Nguyễn Thị Như Trang...và một số tác giả khác. Phần này theo tôi nên thêm; có thể trích cả Nhật ký... Trong Tập II phần này còn quá ít.

Theo tôi Tuyển tập này nên chọn những tác phẩm có tính mỹ cảm, văn chương hay.

Nhìn chung tác phẩm đã đạt được yêu cầu, các soạn giả nên cố gắng hoàn thiện thêm để đạt được chất lượng tốt hơn.

             

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá