Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển tập Văn thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (bình luận đề cương)
Thứ tư, 24/08/2011 04:07
Tác giả: PGS. Trần Lê Sáng (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung:

- Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu là một danh nhân văn hoá lớn của đất Thăng Long - Hà Nội. Khối lượng tác phẩm Văn thơ của Nguyễn Văn Siêu để lại rất lớn, có giá trị, đặc biệt phần thơ cho đến nay hầu như chưa được quan tâm tuyển dịch.

- Công trình sẽ đưa ra một cái nhìn tổng quan về danh nhân văn hoá này, những cống hiến đóng góp của ông, cũng như bước đầu có những đánh giá về văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu về giá trị nội dung và nghệ thuật.

- Công trình sẽ tuyển chọn và cung cấp cho bạn đọc các bản dịch Văn thơ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu được chú thích một cách đầy đủ…

- Công trình nhằm phục vụ đối tượng bạn đọc rộng rãi.

Bình luận

* PGS.TS Trần Ngọc Vương (Bình luận đề cương)

1. Trong các danh nhân ngày trước quê gốc Hà Nội, Nguyễn Văn Siêu chắc chắn là người xứng đáng được biên soạn trước tác thành tuyển tập, bởi ông là một trong những danh sĩ nổi tiếng bậc nhất trên quy mô cả nước vào cuối thế kỷ XIX, còn bởi ông từng đóng một vai trò quan trọng kiến tạo nên diện mạo của Hà Nội trước khi nó từng bước Âu hóa, trở thành thành phố hiện đại. Vì lẽ đó, không gì phải băn khoăn khi trong Tủ sách dự kiến biên soạn nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có sự góp mặt những trước tác của ông.

2. PGS. Trần Lê Sáng là tên tuổi quá quen thuộc với tư cách nhà nghiên cứu Hán Nôm nói chung, văn học Hán Nôm nói riêng. Ông cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu sâu về văn hóa, văn học Hán Nôm thuộc địa bàn Hà Nội. Theo chỗ tôi biết, ông cũng từng nhiều năm tiếp cận và lao động trên các trước tác của Nguyễn Văn Siêu. Với những lý do đó, lần này Nhà xuất bản giao việc biên soạn và dịch tuyển tập văn thơ Nguyễn Văn Siêu cho nhà nghiên cứu này là đúng người, đúng việc.

3. Bản đề cương hai tập (văn, thơ) trong bộ tuyển tập Nguyễn Văn Siêu đã được PGS. Trần Lê Sáng và các cộng tác viên giới thiệu nội dung tương đối cụ thể, chi tiết. Dung lượng và các thành phần văn bản, thời gian và tiến độ thực hiện, dự trù kinh phí… nhìn chung hợp lý. Ngoài chủ biên, các cộng sự đều là những người có học vấn cơ bản về Hán Nôm, người nhiều người ít nhưng đều đã có “thâm niên” và kinh nghiệm xử lý các văn bản Hán Nôm có độ khó cao. Chắc chắn với các soạn giả này, chúng ta không phải lo lắng về độ tin cậy văn bản học.

4. Tuy nhiên, cũng có thể đưa ra một vài góp ý và đề nghị bổ túc cụ thể.

4.1 Trong bản đề cương có một số chi tiết thiếu chính xác, thiếu nhất quán hay mâu thuẫn, nhất là khi những điều đề cập liên quan trực tiếp đến Nguyễn Văn Siêu: đề nghị các tác giả xem lại các dữ kiện về niên đại (năm sinh, năm mất, tên theo can chi các năm đó), cách hình dung về hệ thống thể loại mà Nguyễn Văn Siêu sử dụng… Các soạn giả nhất thiết phải viết cho được những bài tổng luận đầu các tập có chất lượng học thuật và ít nhiều mang tính lý luận, biện giải và nêu bật cho được những đóng góp của Nguyễn Văn Siêu đối với lịch sử văn học, lịch sử trước thuật Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Sở dĩ tôi nêu yêu cầu này sớm, ngay từ bây giờ, vì căn cứ vào những gì soạn giả đã viết ở trong đề cương, tôi sợ rằng lỗi viết ấy chưa hứa hẹn những bài tổng luận có chất lượng cao.

4.2 Tiêu đề của tập I nên là Tuyển tập Văn mà không nên là Tuyển tập Văn xuôi. Trước hết, vì thời Nguyễn Văn Siêu sống và trước tác, tên gọi văn thể “văn xuôi” chưa xuất hiện. Nói khác đi, ta không thể gọi tên thể loại mà Nguyễn Văn Siêu không sử dụng, về mặt lý luận văn học, “văn xuôi” là khái niệm của lý luận văn học hiện đại (có nguồn gốc châu Âu), gọi tắt của một khái niệm đầy đủ hơn, là “văn xuôi nghệ thuật”. Trong khi, với khái niệm “văn” vào thời Nguyễn Văn Siêu, người ta có thể và cần phải hiểu một nội hàm rất khác với nội hàm của khái niệm “văn xuôi” sau đó dăm ba chục năm. Với tiêu đề Tuyển tập Văn, có thể dịch trọn vẹn “Phương Đình dư địa chí” (tôi cho rằng nên như vậy, bởi qua đó người đọc ngày nay nhìn rõ hơn một Nguyễn Văn Siêu học giả, nhà văn hóa). 

4.3 Các soạn giả nên cân nhắc lại ý định dịch thành thơ toàn bộ thơ của Nguyễn Văn Siêu. Theo tôi, hãy cứ làm việc in và phiên âm văn bản ra Hán Việt, dịch nghĩa cho thật chuẩn xác, còn phần dịch thơ, thì không nên gượng ép dịch tất cả, nếu thời gian và khả năng không cho phép. Về mặt nào đó, dịch, nhất là dịch thơ, là hành vi sáng tác. Không phải lúc nào người ta cũng “sáng tác” thành công. Nếu các soạn giả muốn dịch được nhiều bài “chất lượng cao” (việc nên làm) để thỏa mãn kỳ vọng của đông đảo độc giả được thưởng lãm thơ của “thần Siêu”, thì nên mời một số nhà thơ có vốn liếng Hán Nôm tối thiểu cộng tác.

Nhìn toàn bộ, trước tác của Nguyễn Văn Siêu cũng không phải quá đồ sộ. Đã có cơ hội lớn một lần, nên dịch hết những gì ông để lại mà hiện thời ta có (cơ hội “dịch bổ sung sau” cực khó xuất hiện trong tương lại gần!). Mong sẽ được thưởng lãm một Tuyển tập Nguyễn Văn Siêu càng đầy đủ càng tốt. 

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá