Tóm tắt nội dung:
*
Mục đích: Atlas
Hà Nội thể hiện một cách khái quát lịch sử hình thành, phát triển và các điều
kiện tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội hiện nay của thủ đô Hà Nội. Atlas Hà
Nội nhằm cung cấp thông tin nhiều mặt về
thành phố Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến trong quá khứ và hiện
tại cũng như tiềm năng để vươn tới những bước phát triển mới trong tương lai.
Atlas có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập về Hà Nội,
làm phương tiện để quảng bá và mở rộng hiểu biết về Hà Nội cho quảng đại quần
chúng nhân dân và cho người nước ngoài quan tâm, tìm hiểu Hà Nội.
* Ý nghĩa thực tiễn:
Atlas sẽ là tài liệu trực quan sinh động giới thiệu về phạm vi lãnh thổ, đặc
điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và sự thay đổi không gian đô
thị của thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ, góp phần tích cực đối với quy hoạch và
quản lý thủ đô Hà Nội.
* Ý nghĩa khoa học:
Atlas sẽ là tài liệu khoa học, cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa lý về điều kiện
tự nhiên, kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội.
* Đối tượng phục vụ của đề tài:
Đông đảo bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội theo nhiều mục đích khác
nhau.
Việc xây dựng Atlas Hà Nội là rất cần thiết, đặc biệt là
trong giai đoạn hiện nay. Atlas Hà Nội được thành lập, nó sẽ là tài liệu trực
quan rất có giá trị phục vụ năm kỷ niệm ngàn năm văn hiến Thăng Long Hà Nội, giới
thiệu với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, là tài liệu có giá trị khoa học
đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, quy hoạch, hoạch định khi nghiên
cứu, quản lý về thủ đô Hà Nội. Là cơ sở khoa học rút ra những quy luật của các
quá trình và hiện tượng diễn ra trong phạm vi lãnh thổ Hà Nội, là cơ sở khoa
học cho việc hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế xã hội
phù hợp với đặc trưng của thủ đô Hà Nội, giúp khai thác có hiệu quả các tiềm
năng và thế mạnh của lãnh thổ, bảo đảm sự phát triển bền vững của thủ đô.
Bình
luận sách
* TSKH. Phạm Hoàng Hải (Bình
luận đề cương)
I. Ý KIẾN NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ
1. Về mục tiêu của đề
án, ý nghĩa khoa học, tính thực tiễn, có trùng với các đề tài, đề án đã và đang
triển khai khác hay không (nếu có thì ở mức độ nào?)
Hướng
tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông
Đô - Hà Nội vào năm 2010, cả nước ta, đặc biệt là lãnh đạo và nhân dân thành
phố Hà Nội đang hết sức tích cực thi đua lập nhiều thành tích chào mừng ngày lễ
trọng đại đó. Cùng hoà chung với các hoạt động sôi nổi và tích cực đó, Hà Nội
đã và đang triển khai xây dựng Tủ sách “Thăng
Long ngàn năm văn hiến”, đặc biệt trong đó dự kiến sẽ xây dựng và xuất bản
tập Atlas Thăng Long - Hà Nội nhằm
phổ biến rộng rãi, theo chúng tôi là một việc làm hết sức có ý nghĩa, là một
công trình khoa học và lịch sử quan trọng có thể quảng bá rộng rãi không chỉ
riêng cho nhân dân Thủ đô mà còn để nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế
tham khảo, tìm hiểu, hiểu biết kỹ, cụ thể về Thủ đô của chúng ta nói riêng và
đất nước ta nói chung. Ngoài ra, tập Atlas còn là tài liệu tham khảo có giá trị
khoa học đối với các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà quy hoạch và
hoạch định chính sách trong quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội phù hợp với đặc trưng tiềm năng của Thủ đô, giúp khai thác một cách
đúng đắn và có hiệu quả các thế mạnh tiềm năng, hạn chế những bất cập về thiên
tai, môi trường cho phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Xuất
phát từ những ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng đây là nhiệm vụ cần thiết, quan
trọng, hết sức có ý nghĩa cả ở mặt khoa học và ứng dụng thực tiễn đối với Thủ
đô trong giai đoạn hiện nay.
Trong
đề cương đã xác định các mục tiêu rất rõ ràng đó là Atlas Hà Nội được xây dựng
sẽ thể hiện một cách trực quan và khái quát về quá trình phát triển, về các
điều kiện tự nhiên, tài nguyên, điều kiện dân cư, kinh tế - xã hội, cũng như sẽ
cung cấp thông tin nhiều mặt về Thủ đô trong quá khứ, hiện tại và triển vọng
phát triển trong tương lai. Các mục tiêu rất to lớn, cụ thể đó sẽ được thực
hiện dựa trên cơ sở phương pháp tiếp cận nghiên cứu, khảo cứu cả về vấn đề lý
luận, phương pháp luận và kinh nghiệm đã có cũng như xem xét rất kỹ, rất toàn
diện từ khía cạnh lịch sử phát triển của Thủ đô chúng ta. Đánh giá chung chúng
tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ cần thiết, quan trọng, đặc biệt nó càng có ý
nghĩa hơn khi đất nước chúng ta và Thủ đô Hà Nội
đã và đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế một cách toàn
diện.
Về
các nội dung với các vấn đề chính bao gồm hệ thống các bản đồ, sơ đồ, hình ảnh,
thuyết minh về Thủ đô Hà Nội ở các khía cạnh lịch sử phát triển, tự nhiên, kinh
tế - xã hội, đặc biệt trong hệ thống các bản đồ dự kiến thể hiện qua 4 nhóm ở
các giai đoạn lịch sử khác nhau trùng với các giai đoạn lịch sử phát triển quan
trọng của đất nước (khoảng 45 bản đồ) và kèm theo là 50 hình ảnh, 30 - 40 biểu
bảng, khoảng 50 trang thuyết minh theo chúng tôi sẽ hình thành được một tập
Atlas khá hoành tráng và cũng rất đầy đủ, hoàn toàn tương xứng với giá trị
nhiều mặt của Thủ đô của chúng ta.
Từ
các nhận xét cụ thể về mục tiêu, nội dung của đề án qua bản đề cương như trình
bày trên đây, có thể khẳng định rằng, đề án được đặt ra với các mục tiêu rất cụ
thể, các nội dung trình bày khá toàn diện, có hàm lượng thông tin khoa học,
lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội cao, do đó nó hết sức có ý nghĩa cả ở mặt
khoa học và ứng dụng thực tiễn.
Đây
là một công trình có thể có sự kế thừa về mặt thông tin ở một số khía cạnh nào
đó Atlas trích tập xuất bản vào năm 1984 nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô,
hay qua Atlas Quốc gia Việt Nam xuất
bản năm 2000. Tuy vậy theo chúng tôi các thông tin có thể kế thừa, tham khảo
này phần nhiều đã cũ, thiếu tính đầy đủ, đồng bộ và nhất là về thời gian đã qua
hơn 20 năm với nhiều thay đổi và có nhiều những vấn đề mới cần được cập nhật,
bổ sung, đặc biệt trong các lĩnh vực dân cư, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Do đó,
chúng tôi cho rằng đây là một đề án mới và hoàn toàn không trùng lặp với bất kỳ
đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu nào khác đã và đang được triển khai, đề án có tầm quan trọng, tính thời sự bức thiết và
có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn rất cao.
2. Về điều kiện khả thi
để triển khai đề tài, phương pháp tiến hành nghiên cứu và tổ chức thực hiện đề
tài.
Đề
án theo chúng tôi cũng như đã được các học giả bản đề cương khẳng định mang
tính tổng hợp rất cao và được thực hiện bởi nhiều chuyên gia có kinh nghiệm
trong lĩnh vực nghiên cứu sâu về bản đồ học cũng như của các nhà khoa học trong
nhiều lĩnh vực khác về tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội với sự tham gia góp ý
kiến của các nhà quản lý và các chuyên gia về Hà Nội học… Với phương pháp
nghiên cứu và cách thức tổ chức phù hợp cộng với năng lực, kinh nghiệm của chủ
nhiệm đề án cũng như của tập thể tác giả - các cộng tác viên như đã đề xuất
trong bản đề cương, chúng tôi cho rằng đề án hoàn toàn có điều kiện khả thi để
triển khai hiệu quả và có chất lượng cao.
3. Về dự toán kinh phí (có phù hợp với nhiệm
vụ của đề án không?)
Với
tổng kinh phí dự kiến được trình bày trong đề cương là 1.410 triệu đồng (một tỷ
bốn trăm mười triệu đồng) theo chúng tôi là một lượng kinh phí vừa phải, khiêm
tốn, có thể phù hợp với khuôn khổ và các quy định đối với một đề án cấp thành
phố. Các khoản dự toán chi tiết mà các tác giả đã lập trong bản đề cương theo
chúng tôi đánh giá là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên chúng tôi cũng cho rằng (góp
ý riêng của người nhận xét) trong quá trình thực hiện các nội dung tập thể tác
giả và chủ nhiệm đề án nên chủ động và tận dụng tối đa việc tham khảo, kế thừa
thông qua nhiều cách thức khác nhau các kết quả nghiên cứu chuyên ngành đã có
để giảm các chi phí đặc biệt đối với hệ thống các bản đồ lịch sử (nếu đã có và
với chất lượng tốt) để tập trung phần kinh phí lớn xây dựng các bản đồ mới sẽ
rất tốn kém và như vậy với tổng kinh phí như được nêu trên mới có thể đáp ứng
được. Dự toán chi tiết các khoản chi theo đánh giá chung của chúng tôi là phù
hợp.
4. Về kết quả dự kiến (các công trình sẽ công
bố, kết quả phục vụ đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ)
Các
kết quả đạt được của đề tài theo chúng tôi là rất lớn, gồm hệ thống các bản đồ,
sơ đồ, hình ảnh, thuyết minh về Thủ đô Hà Nội ở các khía cạnh lịch sử phát
triển, tự nhiên, kinh tế - xã hội, cụ thể trong đó là khoảng 45 bản đồ thể hiện
qua 4 nhóm ở các giai đoạn lịch sử khác nhau trùng với các giai đoạn lịch sử
phát triển quan trọng của đất nước, 50 hình ảnh, 30 - 40 biểu bảng, khoảng 50
trang thuyết minh. Các kết quả đạt được theo chúng tôi là rất tốt và đã đáp ứng
hoàn toàn yêu cầu chung về mục tiêu và nhiệm vụ của đề án “Xây dựng Atlas Thăng Long - Hà
Nội” như chúng tôi đã phân tích, đánh giá và trình bày ở trên.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG (có nên triển khai đề án
hay không, cần thay đổi, bổ sung, sửa chữa gì?)
Đánh
giá chung chúng tôi cho rằng đề án “Xây dựng Atlas Thăng Long - Hà Nội”
được đặt ra và được các tác giả thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển,
Đại học Quốc gia Hà Nội đăng ký chủ trì thực hiện là một công trình nghiên cứu
rất quan trọng, có tính cấp thiết và có ý nghĩa khoa học cũng như ứng dụng thực
tiễn thiết thực đối với Thủ đô của chúng ta trong giai đoạn hiện nay và do đó
cần được cho phép triển khai thực hiện. Các nội dung nghiên cứu, các kết quả dự
kiến đạt được hoàn toàn đáp ứng yêu cầu và có tính khả thi rất cao.
Tuy
vậy để đề án có thể thực hiện thành công, nâng cao giá trị khoa học, lịch sử và
ứng dụng thực tiễn các kết quả đạt được chúng tôi xin có một số ý kiến trao đổi
với tập thể tác giả bản đề cương đề án và đặc biệt kiến nghị với Nhà xuất bản
Hà Nội - cơ quan chủ quản của đề án như sau:
Về
mặt kinh phí như trên chúng tôi đã nêu với 1.410 triệu đồng là khá khiêm tốn và
yêu cầu cần có sự nỗ lực, cân đối trong chi phí rất cụ thể, chính xác của các
tác giả khi thực hiện mới có thể đáp ứng được. Tuy vậy có một vấn đề mới được
đặt ra như chúng ta đã biết về quyết định của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ
mở rộng không gian của Thủ đô Hà Nội và theo chúng tôi được biết lượng kinh phí
theo dự toán chỉ dành thực hiện cho lãnh thổ Hà Nội trước tháng 6/2008 thì vấn
đề này cần được giải quyết như thế nào?
Theo
ý kiến riêng của chúng tôi, do thời gian thực hiện không còn nhiều (đến kỷ niệm
của Thủ đô còn dưới 3 năm) do đó không gian nghiên cứu xây dựng tập Atlas Hà
Nội nên chỉ dừng lại ở phạm vi không gian chính thức của Thủ đô đến trước tháng
6/2008. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng trong các nội dung các trang bản đồ các tác
giả cần bổ sung thêm một bản đồ hành chính và bản giới thiệu cũng như các số
liệu cần thiết về Hà Nội mở rộng theo quyết định đã nêu. Như vậy, chúng tôi
cũng kiến nghị Nhà xuất bản Hà Nội - cơ quan chủ quản đề án xem xét bổ sung
thêm một lượng kinh phí cần thiết thực hiện nội dung này.
Qua
phân tích về tầm quan trọng, tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn to
lớn của đề án như nên trên, chúng tôi cho rằng đây là một đề án rất có giá trị
và kiến nghị Nhà xuất bản Hà Nội phê duyệt
và cho phép tập thể tác giả sớm triển khai thực hiện.
Kết luận: Đề cương nghiên cứu đã chuẩn bị được xếp loại Tốt.
Nhà xuất bản Hà Nội