Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tục ngữ, ca dao, dân ca Hà Nội (bình luận bản thảo)
Thứ tư, 24/08/2011 04:10
Tác giả: ThS. Nguyễn Thuý Loan (Chủ trì sưu tầm, tuyển chọn). Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung

- Tác phẩm tuyển chọn những bài (câu) tục ngữ, ca dao, dân ca viết về cảnh và người Thăng Long - Hà Nội.

- Thăng Long - Hà Nội, một vùng đất ngàn năm văn hiến. Việc sưu tập, tuyển chọn, giới thiệu một cách có hệ thống ca dao, tục ngữ của Thăng Long, Hà Nội và viết về Thăng Long - Hà Nội là cần thiết và kết quả của đề tài sẽ đóng góp đáng kể cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội.

- Trên cơ sở những tư liệu tuyển chọn, công trình đã khái quát đầy đủ vị thế của Thăng Long - Hà Nội và những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian của Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh những khái niệm về tục ngữ, ca dao, dân ca nói chung, bài viết còn nhấn mạnh những nét khu biệt về bản sắc, những đặc điểm về địa lý, lịch sử, con người, truyền thống, văn hoá… có ảnh hưởng trực tiếp đến những nét riêng biệt của ca dao, dân ca, tục ngữ của Thăng Long - Hà Nội.nCông trình giới thiệu một cách tiếp cận mới từ việc nghiên cứu văn học dân gian để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

- Phần tuyển chọn các bài (câu) tục ngữ, ca dao, dân ca có trích dân nguồn, đưa ra các dị bản để bạn đọc đối chiếu so sánh.

Bình luận

  * Nhận xét của GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (Bình luận bản thảo)

1. Bà Nguyễn Thuý Loan cùng một số cộng sự ở Viện Nghiên cứu văn hoá đảm nhiệm công việc biên soạn công trình Tục ngữ, ca dao, dân ca Thăng Long - Hà Nội. Trong quá trình nhóm biên soạn làm việc, tôi không tham gia. Tuy nhiên, theo thông lệ của Nhà xuất bản, mỗi một quyển sách dạng này cần có một bài giới thiệu của một người đã quen biết với giới nghiên cứu. Tôi được chị Loan đề nghị viết và sẽ được nhận thù lao. Tôi nói rõ như vậy để những nhận xét dưới đây của tôi có tính khách quan, không phải là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

2. Kể cả bài giới thiệu (77 trang) toàn bộ công trình gồm 1055 trang đánh máy vi tính (khổ A4). Về hình thức, rất ít lỗi đánh máy, số trang được đánh máy liên tục. Có thể thấy nhóm biên soạn đã bộc lộ một cách làm việc nghiêm túc.

3. Về phương pháp biên soạn, nhóm biên soạn đã kế thừa cách biên soạn từ hai bộ sách lớn Kho tàng ca dao người Việt (Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật đồng chủ biên, Nxb. Văn hoá - Thông tin, tái bản năm 2001) và Kho tàng tục ngữ người Việt (Nguyễn Xuân Kính chủ biên, Nxb. Văn hoá - Thông tin, 2002). Trong hai bộ sách này, chị Nguyễn Thuý Loan đều tham gia với tư cách đồng soạn giả. Trong quá trình cộng tác vừa nêu, chị Loan đã có đóng góp có hiệu quả và là người làm việc nghiêm túc.

Trong bản thảo Tục ngữ, ca dao, dân ca Thăng Long - Hà Nội, nhóm biên soạn nên nói rõ là đã kế thừa kết quả sưu tầm tư liệu và phương pháp biên soạn từ hai bộ sách trên. Nếu đối chiếu quy cách biên soạn ở bản thảo này với quy cách biên soạn trong hai bộ sách trên, người đọc sẽ thấy nhiều chỗ, nhiều trang rất giống nhau. Trong quy cách biên soạn, nhóm công trình Tục ngữ, ca dao, dân ca Thăng Long - Hà Nội có nhắc đến các cuốn sách Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn Câu hát góp như sau: “Nhóm biên soạn sử dụng bản chụp do ông Nguyễn Khắc Xuyên (chụp từ Paris) cung cấp” (trang 84);  “Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xuyên đọc và chụp được tại TVQG bản in năm 1987 mang kí hiệu 80 Ya 2140. Ông đã cung cấp cho Nbs bản chụp này” (trang 85).

Viết như trên là chưa chính xác. Cụ Nguyễn Khắc Xuyên người Thường Tín, Hà Tây là một linh mục hoàn tục. Ông sống nhiều năm ở Pháp. Với tư cách là nhà nghiên cứu Việt kiều, ông đã chụp và cung cấp cho tôi hai bản chụp sách Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn Câu hát góp. Ông chụp ở Pháp (các thư viện ở Việt Nam không có các bản in sớm như ở Pháp đang lưu trữ). Trong hai bộ sách Kho tàng ca dao người Việt (tái bản) và Kho tàng tục ngữ người Việt, tôi đã nói rõ sự đóng góp của cụ Nguyễn Khắc Xuyên và vợ chồng tôi đã đem sách vào Nha Trang biếu cụ (mỗi năm cuối đời cụ đều dành nhiều tháng về Nha Trang). Khi tôi biếu cụ Kho tàng ca dao người Việt có GS. Trần Quốc Vượng chứng kiến. GS. Vượng còn nói vui là tôi chưa biếu ông sách (thực ra tôi đã biếu GS. Vượng bốn tập của bản in năm 1995). Còn Kho tàng tục ngữ người Việt thì trong một chuyến đi công tác với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, vợ tôi đã đến nhà cụ biếu sách (việc này có GS. Nguyễn Quang Hồng và một vài người khác ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm chứng kiến). Cụ Nguyễn Khắc Xuyên từ trần vào khoảng thời gian sau năm 2002 và trước tháng 8 năm 2005 tại Nha Trang. Cụ không có con. Một người cháu của cụ đã gọi điện báo tin cho GS. Trần Quốc Vượng và tôi. GS. Vượng bảo tôi gửi điện chia buồn.

Vậy, cụ Nguyễn Khắc Xuyên đã mất thì không thể cung cấp bản chụp cho nhóm biên soạn của chị Nguyễn Thuý Loan được.

Chị Loan là người đồng nghiệp tốt. Tôi đồng tình cho chị sử dụng các kết quả của hai bộ sách Kho tàng ca dao người Việt Kho tàng tục ngữ người Việt (chẳng hạn chị đã thực hiện với cuốn sách Tục ngữ trong sách Hán Nôm, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007). Tuy nhiên, việc sử dụng phải nói minh bạch trong lời nói đầu hoặc trong phàm lệ biên soạn.

Trong một công trình tập thể, nên nói rõ ai làm việc gì. Thí dụ, trong Kho tàng ca dao người Việt, những chú thích nào do GS. Phan Đăng Nhật thực hiện thì không có dấu hoa thị (*), những chú thích nào do nhà giáo Nguyễn Luân thực hiện thì có dấu hoa thị. Với tư cách là đồng chủ biên, tôi không đề một cách chung chung là chú thích của nhóm biên soạn hay là của hai vị trên. Tách bạch ra như thế để thấy rõ đóng góp và trách nhiệm. Nếu ông A chú giải sai thì uy tín khoa học của ông với bạn đọc phải suy giảm. Nếu ông có tìm tòi, khám phá thì những người biên soạn ở những thế hệ sau sẽ ghi nhận và khâm phục ông. (Hiện nay, trong giới nghiên cứu rất hiếm người đọc kỹ sách và trân trọng thành quả của người đi trước. Đây là nhược điểm lớn nhất của học thuật nước ta).

Tôi nói rằng, công trình của nhóm biên soạn do chị Loan đứng đầu đã tiếp thu tư liệu và phương pháp biên soạn của hai bộ sách mà tôi làm đồng chủ biên và chủ biên. Mặt khác, cũng có chỗ, bản thảo của nhóm chị Loan đã có bước tiến so với Kho tàng ca dao người Việt. Tại trang 364, nhóm biên soạn giới thiệu văn bản:

Phù Ninh dệt vải rời chân

Ninh Giàng(1) đốt gấu áo quần lọ lem.

CDHN 117   KTCD 1895

(1) Ninh Giàng: nay thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội, có nghề làm thuốc nam, thường sao những củ gấu làm vị thuốc.

Sửa lại: Ninh Giang…. CDHN   KTCD = Ninh Giàng

Sách Ca dao ngạn ngữ Hà Nội ghi là Ninh Giang, khi biên soạn Kho tàng ca dao người Việt, chúng tôi đã ghi theo như vậy. ở đây, có lẽ một thành viên của nhóm biên soạn do chị Loan phụ trách là con dâu của Ninh Hiệp nên đã sửa lại như trên.

Trong các sách xuất bản trước Cách mạng tháng Tám (1945), nhóm biên soạn của chị Loan đã tìm được cuốn Xẩm nhà trò của Nguyễn Thúc Khiêm xuất bản năm 1928 là một đóng góp đáng ghi nhận.

4. Về hai phần biên soạn tục ngữ và ca dao, thành công là chủ yếu. Nhưng phần dân ca thì còn nhiều điều để thảo luận. Về dân ca, nhóm biên soạn đưa ra tám mục đồng đẳng dưới đây:

+ Ca trù

+ Hát cửa đình Lỗ Khê

+ Chầu văn

+ Hát xẩm

+ Hát ru

+ Đồng dao

+ Hát ví

+ Vè

Về lôgíc, xếp hát cửa đình Lỗ Khê vào trong ca trù thì hợp lý hơn.

Có thể xem ca trù là một loại dân ca từ dân ca nghi lễ chuyển sang dân ca trữ tình sinh hoạt. Quan niệm ca trù là dân ca tức là phải xét tổng thể: lề lối ca hát, nghệ nhân, cách truyền nghề, cách thưởng thức, v.v… Còn nếu tách riêng lời ca (phần văn học) thì phải biện giải. Các bài Chí nam nhi (trang 418 - 419), Có chí thì nên (trang 419 - 420), Còn nhiều hưởng thụ (trang 420 - 422), Nước trời một vẻ (trang 422 - 423), Tây Hồ hoài cổ (trang 423 - 425), Thú rượu thơ (trang 425 - 427), Thú tổ tôm (trang 427 - 428), Trần ai ai dễ biết ai (trang 428 - 429), v.v… đều của Nguyễn Công Trứ. Nếu tách riêng phần văn học (của ca trù) ra và xếp vào đây thì cần có biện luận. Tôi đề nghị chỉ chọn hai bài là: Tây Hồ hoài cổ Thú rượu thơ của Nguyễn Công Trứ. Ngoài ra, nên chọn bài Núi cao trăng sáng của Cao Bá Quát, bài Gặp đào Hồng đào Tuyết của Dương Khuê, bài Hương Sơn phong cảnh của Chu Mạnh Trinh, bài Chơi chùa Thày của Nguyễn Thượng Hiền. Không đưa các bài khác của Nguyễn Công Trứ, các sáng tác của Ngô Thế Vinh, của Trần Tế Xương vào đây.

Hát xẩm cũng liên quan chặt chẽ với vè. Không nên đưa tất cả các bài của Xẩm nhà trò của Nguyễn Thúc Khiêm vào đây mà nên có chọn lọc.

Toàn bộ tiểu mục Hát ru (trang 759 - 808) không nên đưa vào đây. Vì nó là ca dao. Ta còn thấy ở phần Ca dao có bài (trang 320) trùng với bài sau ở phần Dân ca (trang 784):

Làng tôi có lũy tre xanh

Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng

Bên bờ vải nhãn hai hàng

Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.

MHR 78

5. Nhìn chung, nên bỏ bớt một số bài chưa hay ở phần ca dao, bỏ nhiều bài ở phần dân ca, đặc biệt là những bài có tên tác giả và bổ sung phần ca dao, dân ca của Hà Tây. Việc bổ sung này không khó khăn, bởi vì đã có các cuốn sách: Tục ngữ ca dao dân ca Hà Tây (Nhiều tác giả, 1975, tái bản có bổ sung năm 1993), Hát dô hát chèo tàu (Trần Bảo Hưng và Nguyễn Đăng Hoè, 1978), Kho tàng văn học dân gian Hà Tây (Nhiều tác giả, 2006), v.v…

Lý do của việc bổ sung: Từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, Hà Nội được mở rộng trên cơ sở sáp nhập tuyệt đại đa số (chỉ trừ một xã) diện tích và dân số của tỉnh Hà Tây, cả huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và bốn xã của tỉnh Hoà Bình.

6. Các chú thích chưa cập nhật. Thí dụ ở trang 306 viết “thị xã Hà Đông” (đúng ra là thành phố Hà Đông). ở trang 368 - 369 không chú thích Đồng Lầm, Đồng Chèm. Có chỗ nếu không chú thích thì sẽ phản tác dụng. Thí dụ ở trang 338 có văn bản sau:

Năm trai năm gái là mười

Năm dâu năm rể là đôi mươi tròn

Hai bên phụ mẫu song toàn

Rồi ra kéo được trâu vàng hồ Tây.

CDVHN 22

Nhóm biên soạn cần giải thích đây là quan niệm trước Cách mạng tháng Tám (1945): Mỗi con mỗi của, con đàn cháu đống là lý tưởng của người xưa. Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Chính phủ ta đã tuyên truyền:

Mỗi nhà ba trẻ là vừa

Năm năm một lứa con thưa mẹ nhàn.

Còn bây giờ, mỗi cặp vợ chồng chỉ dừng lại ở hai con.

7. Tài liệu tham khảo phong phú.

Tuy nhiên, có chỗ vẫn chưa hợp lý. Thí dụ, đã có tiểu mục Tài liệu chưa xuất bản thì phải có tiểu mục Tài liệu đã xuất bản. Tài liệu số 19, 77, 83, 89, 102, 134, 135, 162, 195, 212, 244, 287 là những tài liệu chưa xuất bản mà nhóm biên soạn đã xếp lẫn vào phần tài liệu đã xuất bản.

Có tài liệu chưa chính xác. Thí dụ tài liệu 96 ghi tên tác giả chưa thoả đáng, tài liệu 140 ghi sai tên nhà xuất bản.

Cần bổ sung thêm một số tài liệu khác. Thí dụ:

+ Kiều Thu Hoạch (2006), Văn học dân gian người Việt - góc nhìn thể loại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

+ Nguyễn Xuân Kính (2007), Thi pháp ca dao, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội (đây là bản sửa chữa, bổ sung gần đây nhất).

+ Vũ Tuân Sán (2007), Hà Nội xưa và nay, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

8. Kết luận: Nhìn chung (trừ bài giới thiệu) Tục ngữ ca dao dân ca Thăng Long - Hà Nội là một bản thảo công phu. Các soạn giả có kinh nghiệm biên soạn, có điều kiện để hiểu biết và thu thập được gần hết các tư liệu về tục ngữ, ca dao, dân ca. Sau khi các soạn giả sửa chữa, bổ sung theo góp ý của Hội đồng, công trình rất nên được xuất bản.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá