Tuyển tập tác phẩm về văn hoá ẩm thực Thăng Long - Hà Nội (bình luận đề cương)
Tóm tắt nội dung:
- Các công
trình nghiên cứu về văn hoá Việt Nam thường nghiên cứu văn hoá từ hệ thống giá
trị vật chất và tinh thần tới hệ thống các khái niệm, giá trị mang tính phổ
quát, tuy “có” nhưng “ít” chú ý đến khía cạnh ẩm thực nhất là ẩm thực Hà Nội
nho, khía cạnh của bản sắc văn hoá người Hà Nội. Khía cạnh ẩm thực thường bị
nhìn nhận như một tập quán, một thói quen, một phong tục, chưa nhìn nó trong sự
vận động. Đề tài tập hợp những trang viết tinh hoa nhất về món ăn, thú ăn văn
hoá ẩm thực của người Hà Nội như một đặc trưng, một nét trội của văn hoá Hà
Nội.
-
Qua văn hoá ẩm thực giới thiệu nét đẹp trong tính cách người Hà Nội; khẳng định
ý nghĩa tích cực và sự vận động của một số phương diện về văn hoá người Hà Nội
trong lịch sử.
Bình
luận sách
* GS.TS Kiều Thu Hoạch (Bình luận đề cương)
-
Theo tên sách dự kiến thì đây chính là một Tổng tập các tác phẩm về văn
hoá ẩm thực Hà Nội (VHÂTHN). Do đó, theo thông lệ, sách gồm có hai phần: phần
khảo luận chung về lịch sử vấn đề, về mục tiêu, và yêu cầu nhiệm vụ của cuốn
sách. Và tiếp theo là phần tuyển chọn văn bản tác phẩm.
- Phần Khảo luận (Tổng quan) trong sách này không phải là
công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá ẩm thực, do đó, không cần đề cập
rộng đến các vấn đề văn hoá, văn học nói chung. Từ lâu, ít ra là trong khoảng
vài chục năm trở lại đây, các nhà văn hoá học, nhân loại học thế giới đã mặc
nhiên coi lĩnh vực ẩm thực là một thành tố của văn hoá. Nhiều bài báo cũng như
giáo trình văn hoá học cũng không còn xa lạ gì với khái niệm văn hoá ẩm thực và
nhân loại học ẩm thực (Anthropology of Food). Vào năm 1968, tại Tokyo, “Uỷ ban
quốc tế về nhân loại học ẩm thực và tập quán ăn uống” (Committee for the
Anthropology of Food and Food Habits) đã được thành lập để xúc tiến việc nghiên
cứu vấn đề văn hoá ẩm thực toàn cầu.
- Ở Việt Nam, tại Hội nghị 14 TW Đảng khoá II (1955), Chủ
tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo khai mạc đã mở đầu bằng câu “Dân dĩ thực vi
thiên”. Và đồng chí Trường Chinh trong Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai,
tháng 7 năm 1948, đã đọc bản báo cáo nổi tiếng “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt
Nam”, ngay ở phần Mở đầu đã nói: “Người
ta sinh ra, ăn, mặc, ở trước, rồi mới hát, múa, vẽ, viết bàn triết lý sau”
(Thực ra, đây cũng là phỏng theo ý của Engels trong điếu văn đọc trước mộ Marx
ngày 17/3/1883: “Con người trước hết cần
phải ăn, uống, chỗ ở, và mặc đã, rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ
thuật, tôn giáo …”) Còn theo quan niệm của ông cha ta thì Ăn là đứng đầu trong “Tứ khoái”. Như
vậy, rõ ràng là từ lâu, ăn uống/ ẩm thực đã là một bộ phận không thể thiếu được
của văn hoá dân tộc nói chung. Do đó, Đề cương khỏi cần bàn về văn hoá
và văn hoá ẩm thực. Và như vậy nên bỏ hẳn muc I, mà nên bắt đầu ngay từ mục II
(Văn hoá ẩm thực Việt Nam và văn hoá ẩm thực Hà Nội).
- Khi bàn về văn hoá ẩm thực Việt Nam và Hà Nội đề nghị
nhóm công trình cũng chỉ bàn về hai vấn đề cơ bản: đó là Ăn cái gì? và Ăn
như thế nào? Cụ thể là cần làm rõ mấy vấn đề sau:
1. Vấn đề môi trường sinh
thái của châu thổ Bắc Bộ và vùng Hà Nội (thành phố sông hồ: Nhị Hà quanh Bắc
…/Kim Ngưu Tô Lịch …)
2. Vấn đề nguyên vật liệu
lương thực, thực phẩm.
3. Vấn đề chế biến thực
phẩm.
4. Vấn đề ăn uống và nghi
lễ (cơm thường và cỗ bàn).
5. Vấn đề ăn uống và tập
quán dân tộc, tập quán của người HN.
6. Vấn đề ăn uống và triết lý dân gian (kiêng kỵ,
hàn nhiệt âm dương trong điều chế món ăn …)
7. Vấn đề ăn uống và giao
lưu quốc tế (với văn hoá Trung Hoa, văn hoá Pháp, văn hoá Mỹ …)
8. Quy luật hội tụ, kết
tinh, lan toả trong văn hoá ẩm thực HN …
Bài
Tổng quan của Đề cương không sai nhưng có phần dàn trải và chưa
tập chung vào những vấn đề cốt yếu của văn hoá ẩm thực. Do vậy nên điều chỉnh
lại cho phù hợp. Xem lại và giải thích câu tục ngữ: Ăn Bắc mặc Nam, thường chỉ có câu tục ngữ Ăn Bắc mặc Kinh.
-
Phần tuyển chọn văn bản nên tập trung chủ yếu vào những tác phẩm có liên quan
đến VHÂTHN, tác phẩm nào không liên quan nên bỏ. Chẳng hạn với Lê Hữu Trác, nên
bỏ Thượng kinh ký sự vì không liên
quan gì đến VHÂTHN, mà nên thay bằng Nữ
công thắng lãm (Nxb Phụ nữ, 1971) có nói về cách chế biến 100 món ăn và cỗ
chay. Đời Nguyễn có Đại Nam hội điển sự
lệ có nói 149 món ăn cung đình Huế, nên tuyển để tham khảo so sánh với món
ăn Hà Nội. Các tác giả Nguyễn Loan, Nguyễn Hoài có Từ điển món ăn Việt Nam (Nxb VHTT, 1994) nên tham khảo. Nguyễn Thị
Bảy có luận án TS về VHÂTHN (2007) có thể tuyển một vài chương. Sách Địa chí VHDG Thăng Long Đông Đô HN, Nxb
HN vừa tái bản, có thể tuyển chọn Chương “Lễ
thức phong tục” có giới thiệu VHÂTHN.
Kết luận
-
Đây là một đề tài hay, thú vị, có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn và tính
cấp thiết trong tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
-
Chúng tôi đề nghị Hội đồng thông qua đề cương này (tuy nhiên nên bàn xem có cần
nói về ẩm thực Hà Tây vì nay đã sáp nhập vào Hà Nội).
Nhà xuất bản Hà Nội