Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội (bình luận bản thảo)
Tóm tắt nội
dung
- Là công trình tuyển chọn
có tính hệ thống và đầy đủ, về thể loại tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội từ văn
học chữ Hán đến nay. Bộ sách sẽ phác họa tiến trình phát triển của thể loại
tiểu thuyết nói riêng cũng như văn học của Hà Nội và đất nước nói chung
- Tiêu chí tuyển chọn: các tác
phẩm tiêu biểu về nội dung, tư tưởng và chất lượng nghệ thuật; đại diện cho
tinh hoa tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội.
- Công trình mang ý nghĩa tổng
kết thành tựu của tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm. Trước khi đi
vào giới thiệu các tác phẩm, nhóm biên soạn đã
tiến hành khảo sát kỹ lưỡng lịch sử hình thành thể loại, nêu bật được những thành
tựu quý báu và giới thiệu được những cây bút tiểu thuyết tiêu biểu nhất về Thăng
Long - Hà Nội. Trong bài viết, một mặt các nhà nghiên cứu đã chú ý thích đáng đến
các điều kiện lịch sử - xã hội - văn hóa ảnh hưởng đến văn học và hiện thực đời
sống được miêu tả trong văn học, mặt khác, phân tích được chiều sâu tư tưởng và
nghệ thuật của tiểu thuyết về Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình không chỉ
phục vụ rộng rãi đối tượng bạn đọc yêu văn học Hà Nội mà còn có giá trị thâm khảo
đối với người nghiên cứu.
Bình luận
* Nhận xét
của GS. Nguyễn Đình Chú (Bình luận bản thảo)
I. Tôi
hoàn toàn tán thành lời nhận xét của nhà văn Lê Minh Khuê - chủ biên công trình
“Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội”
trong văn bản “Báo cáo tình hình biên soạn” rằng: “đặc biệt bài Tổng quan do các
GS. Trần Nghĩa và Phong Lê viết rất công phu”. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nói một đôi
điều còn có chút băn khoăn để hai vị và nhóm biên soạn nghĩ thêm xem sao.
II. Một đôi điều là:
1- Về tính nhất thể của hai phần tổng quan:
1.1. Giữa hai tiêu đề A và B: A. “Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội giai đoạn 1010 - 1900”, B. “Hà Nội với, và Hà Nội trong tiểu thuyết Việt
Nam
thời hiện đại”. Một bên là theo phong cách chân phương. Một bên là hơi thiên
về sự độc đáo. Nhưng đây là một công trình trong đó có 2 phần nhưng là một chỉnh
thể. Vậy nên chăng, có sự thống nhất trong cách đặt tiêu đề, mà đơn giản hơn là
theo phong cách chân phương, cổ điển?
1.2. Riêng về tiêu đề A ghi: “Giai đoạn 1010 - 1900” lại có
chuyện ít nhiều vênh so với thực tiễn lịch sử tiểu thuyết, lịch sử Tiểu thuyết
Thăng Long - Hà Nội. Sau 1010 mấy thế kỷ mới bắt đầu có tiểu thuyết và tiểu
thuyết Thăng Long - Hà Nội chứ (văn bản đã nói: “Nam Ông mộng lục mở đầu dòng tiểu thuyết cổ
nước ta, tức đầu thế kỷ thứ 15 kia mà”).
1.3. Từ thắc mắc như trên, nên chăng hai tiêu đề là:
A. Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội thời trung đại
B. Tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội thời hiện đại
2. Về sự cân đối giữa hai phần tổng quan
Phần A: 46 trang
Phần B: 31 trang
So sánh về thành tựu tiểu thuyết nói chung, tiểu thuyết
Thăng Long - Hà Nội nói riêng, như thế có mất cân đối trong phạm vi một công trình
có tính nhất thể không?
3. Cũng
vẫn thuộc yêu cầu nhất quán trong một chỉnh thể là “Tiểu thuyết Thăng Long - Hà
Nội” từ thời trung đại đến thời hiện đại, có vấn đề giới thuyết, xác định nội hàm
của khái niệm tiểu thuyết và tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội sao cho nhất quán
trong đó có sự vận động của nội hàm khái niệm trong thời gian, một cách trị giá
hơn, sáng rõ hơn nữa, thuận theo khả năng tiếp nhận của người đọc hơn nữa. Ở đây,
có mấy vấn đề xin được nêu lên để bàn bạc thêm:
3.1. Ở
phần A: có hai điều có thể có thắc mắc là:
a) Có thể nói tác giả đã dựa theo cách phân loại tiểu
thuyết trung đại ở Trung Quốc để phân loại tiểu thuyết trung đại ở Việt Nam gồm
7 loại như thế, trong khi ở Việt Nam, hầu hết không ai phân loại như thế. Ở ta,
hầu hết các công trình văn học sử đều không coi bút ký, du ký (hay ký sự) như Thượng Kinh ký sự, Tang thương ngẫu lục, Vũ
trung tuỳ bút… là tiểu thuyết. Nay thay đổi như thế, liệu có được đồng tình
không?
b) Vả chăng ở đây, GS. Trần Nghĩa giới thuyết như vậy,
nhưng trong thực tế biên soạn - qua bản “mục lục” thì lại vắng bóng mấy tác phẩm
được coi là tiểu thuyết bút ký, du ký, rất nổi tiếng đó. Người đọc sẽ nghĩ đến
sự không nhất quán, không thống nhất giữa người giới thiệu và người tuyển chọn
văn bản chăng?
3.2. Ở
phần B: cũng có điều tôi muốn có mà chưa có, tôi muốn cần có
là sự giới thuyết khái niệm tiểu thuyết. Bởi lẽ, ở phần A đã có giới thuyết nhưng
chỉ là cho phần trung đại, chứ chưa bao gồm phần hiện đại. Trong khi, ở thời hiện
đại, bản thân khái niệm tiểu thuyết tự nó cũng có một quá trình vận động theo hướng
ngày một riêng biệt hơn. Trước, tiểu thuyết là bao gồm cả truyện ngắn, truyện vừa,
truyện dài được gọi là đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết, trường
thiên tiểu thuyết. Sống chết mặc bay
chỉ 3 trang, mà vẫn được gọi là tiểu thuyết (tiểu thuyết tả chân). Nhưng đến đầu
những năm 30, với Nam phong tạp chí thì đã xuất hiện khái niệm truyện ngắn để vừa thay thế khái niệm
đoản thiên tiểu thuyết, vừa để phân biệt với tiểu thuyết như sau này.
Tóm lại là tôi rất muốn 2 giáo sư có thêm sự thống nhất
và nhất quán thêm trong việc giới thuyết nội hàm thuật ngữ tiểu thuyết cho công
trình chung này và phần A sẽ làm nhiệm vụ giới thuyết đó cho cả công trình. Chẳng
những thế, cũng phải có sự ăn khớp giữa người giới thiệu tiểu thuyết và người
tuyển chọn tiểu thuyết hơn nữa.
4. Thêm một đôi điều riêng với phần A và phần B
4.1. Phần
A
- Tr.4: chú thích 2: Lời dịch nghĩa câu “Đạo thích đồ thuyết, đức chi khí giã” có
cần thêm ý: “ắt phần nhiều vô căn cứ” không?
- Tr.5: dòng 10 từ dưới lên: “tay đóng khung” hay “tuy đóng
khung”?
- Tr.7, tr.14, tr.21: có cái bảng danh mục như thế là
rất quý. Nếu thêm được địa danh quê quán cụ thể của tác giả thì còn quý hơn.
- Tr.10, dòng 10 - 11: hình như cách nói: “sử” dừng lại
ở chuyện đời thường, còn “tiểu thuyết” lại có thể “vươn tới những bến bờ xa lạ…”
vẫn có cái gì đó chưa thật chuẩn, chung quanh khái niệm “đời thường”. Sử chép
toàn chuyện quốc gia đại sự, sao gọi là đời thường. Còn trong tiểu thuyết, khái
niệm “đời thường” cũng được nói đến như là một dấu hiệu tiến lên so với tiểu
thuyết sử thi.
- Tr.21, dòng thứ 8: “Về vấn đầu” sửa lại “về vấn
đề”
- Tr.25: đoạn nói về “Hoàng Lê nhất thống chí”, e còn phiến diện, so với chủ đề của tác
phẩm. Với tôi: “Hoàng Lê nhất thống chí”
là tác phẩm kết tinh trên cơ sở quy luật: văn, sử bất phân. Trong đó, có sự vênh
nhau giữa thế giới quan và cảm hứng hiện thực của nhà văn. Về thế giới quan, tác
giả viết về tư tưởng chính thống, bảo vệ sự nhất
thống của nhà Lê. Nhưng với cảm quan hiện thực (có liên quan đến cảm quan lịch
sử, tư duy lịch sử), tác phẩm lại phơi bày hai sự thật lớn: quy luật (khách
quan) dẫn đến sự sụp đổ của chế độ phong kiến Lê - Trịnh và sự vùng lên của
phong trào nhân dân với vai trò chủ lực của nông dân, chống phong kiến nhiều thời
chiến thắng nhưng rút cục vẫn thất bại.
- Tr.26: “chĩa
nhau” phải chuyển thành “chia nhau”
- Tr.28, dòng 6, nên chăng thêm hai chữ “ngược lại” sau “viết về số này”, dòng 15: nói “Lê
Thái Tổ và Nguyễn Quang Trung là hai vị vua tiêu biểu nhất thời kỳ Trung đại”,
e chưa ổn. Để khỏi thắc mắc, nên thêm hai chữ “trong số” sau “hai” (Lê Thái Tổ
và Quang Trung sao mà hơn được Trần Nhân Tông…).
- Tr.29: Tôi muốn sửa lại lời dịch nghĩa câu ở chú thích
(1) như thế này, liệu có được không: “cái
đức cao nhất là cái đức không cần nói là đức thì nó mới là đức thực sự”.
- Tr.37: Đoạn nói về “Hoàng Lê nhất thống chí”…“tác
phẩm tuy thực mà hư, tuy hư mà thực”, tôi e không chính xác. Muốn hiểu đúng
hiện tượng bút pháp của Hoàng Lê nhất
thống chí là phải quán triệt quy luật văn sử bất phân, khác với tiểu thuyết
lịch sử về sau trong văn học hiện đại, trong quan hệ giữa văn và sử (vấn đề này
sẽ có dịp nói thêm).
- Tr.41: dòng 16 từ dưới lên, nói ““ảo hoá” có thể hiểu như “thần tự” hoặc
“truyền thần””. Tôi e chưa chính xác.
- Tr.42: đoạn nói “chính
cái “thật hơn” đó…qua sự trừu tượng hóa, khái quát hoá…của tiểu thuyết”. Tôi
muốn thêm hai chữ “hình tượng hoá” vì đây là đặc chất của tư duy tiểu thuyết.
- Tr.43: “Thủ
tướng” phải chuyển thành “Thủ tượng”
“con
đi hành khất” phải chuyển thành “còn….”
- Tr.44: “gương
tất” phải chuyển thành “gương tốt”?
4.2. Phần
B
- Tr.47: Tôi muốn thêm một vài tên: Trọng Khiêm với “Kim Anh Lệ sử”, Từ Ngọc với “Cậu bé nhớ quê”.
- Tr.49: “Chateaubriant”
chuyển thành “Chateaubriand”
- Tr.56: “chồng
chét” chuyển thành “chồng chết”
- Tr.65: viết “kẻ
Sỹ” được không?
- Tr.73: Nói Nguyễn Đình Thi bắt đầu viết sau 1945 là
nói riêng về tiểu thuyết thôi chứ. Nếu thế thì phải thêm hai chữ “tiểu thuyết” để
khỏi hiểu lầm, vì trước 1945, vì Nguyễn Đình Thi đã viết sách triết học.
- Tr.74: “ích
Phong” chuyển thành “Ích Phong”.
Với phần B số trang ít hơn phần A và vì tiểu thuyết
sau này, gần đây lại nói quá ít. Liệu có thể viết thêm không? Tôi muốn thêm. Và
còn muốn tác giả làm rõ thêm điều mà tác giả đã nêu ở tiêu đề là “Hà Nội trong
tiểu thuyết”. Ở đây có 2 phương diện:
a) Tác giả là người Hà Nội, sống ở Hà Nội để viết tiểu
thuyết và dĩ nhiên trong tiểu thuyết của họ có cả một thế giới nghệ thuật rộng
lớn, không riêng gì về Hà Nội.
b) Trong tiểu thuyết của các tác giả, có phần viết trực
tiếp về Hà Nội. Ví như “Vỡ bờ” của
Nguyễn Đình Thi thì không gian nghệ thuật là Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Tôi
có nhận xét này, không biết chính xác không, nhưng cứ muốn nói là ở phần B, phần
trực tiếp “nói về Hà Nội” chưa nổi so với phần chung kia. Lấy ngay trường hợp
Nam Cao, phần xuất sắc nhất thì hình như cũng không thuộc phạm vi trực tiếp của
Hà Nội.
Kết luận chung
Tôi kính nể những gì hai vị đã viết. Tôi tự thấy mình
không viết được như thế. Tuy nhiên, muốn có một công trình về “Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội”
hoàn chỉnh hơn, tôi mạnh dạn nêu lên một đôi điều như vậy. Mong được hai tác giả
và nhóm soạn giả, kể cả Nhà xuất bản tham khảo, xem thêm xem thế nào?
Nhà xuất bản Hà Nội