Tóm tắt
nội dung:
- Tác phẩm này sẽ tập
hợp, tuyển chọn toàn bộ những truyền thuyết, truyện cổ tích, giai
thoại, truyện cười về Thăng Long - Hà Nội, hoặc lưu truyền ở Hà Nội; nhằm phản
ánh giá trị của truyện kể dân gian Thăng Long - Hà Nội làm tư liệu tra cứu cho
các nhà nghiên cứu.
- Ở Hà Nội hiện nay có một
kho tàng truyện kể dân gian phong phú, có giá trị. Tuy nhiên, sách biên soạn về
mảng này của Hà Nội còn rải rác, chưa có hệ thống. Phần lớn tập trung trong các
tổng tập, tuyển tập về truyện kể dân gian cả nước. Nhóm biên soạn đã kế thừa
thành quả của các công trình trước để biên soạn cuốn “Truyện kể dân gian Hà Nội”.
- Về tiêu chí tuyển chọn:
+ Những truyện kể phản ánh
vùng đất, con người Hà Nội
+ Truyện nổi tiếng lưu
truyền ở Hà Nội
+ Truyện về danh thắng, di
tích ở Hà Nội
- Cách sắp xếp: phân chia
theo bốn thể loại, mỗi thể loại cố găng sắp xếp theo thời gian. Đồng thời cuối
mỗi truyện có ghi chú rõ nguồn.
Bình luận
* Nhận xét
của PGS.TS. Nguyễn Thị Huế (Bình luận bản thảo)
I. Nhận xét chung
Lịch sử của Hà Nội với tư cách là “kinh đô” bắt đầu từ
đầu thiên niên kỷ thứ hai. Từ đó, Hà Nội đã sớm trở thành một địa danh quan
trọng về văn hoá, tôn giáo, chính trị. Do đó, muốn khám phá bản chất cốt lõi
thật sự của Hà Nội cần phải tìm ở các tầng lịch sử và truyền thống văn hoá
động, đa dạng, phong phú và phức tạp của nó mà truyện dân gian hay kho tàng văn
học dân gian nói chung chính là một phần nền móng làm nên cơ tầng ấy.
Với vị trí quan trọng đó, cho đến nay cần phải có một
công trình mang tên Truyện kể dân
gian Hà Nội được xuất bản, cùng với một công trình về tục ngữ, ca dao, dân
ca cũng đang được biên soạn, điều đó khiến cho việc tìm hiểu truyền thống văn
hóa cũng như nhiều đặc điểm khác của vùng văn học dân gian độc đáo này ngày
càng được rõ hơn.
II. Nhận xét về kết cấu “TRUYỆN KỂ DÂN GIAN HÀ NỘI”:
1. Truyền thuyết
Nhìn chung các truyền thuyết tiêu biểu được sắp xếp theo thời gian mà
nội dung các truyền thuyết đó phản ánh, bao gồm 117 truyền thuyết với các nhóm
như:
- Thăng Long tứ trấn: gồm Long Đỗ (Tô Lịch) - thần
trấn phía Đông; Linh Lang - thần trấn phía Tây; Cao Sơn - thần trấn phía Nam;
Huyền Thiên Trấn Vũ - thần trấn phía Bắc
- Thánh Gióng và các tướng lĩnh, trong đó có: Lý Tiến,
Ông Hiển, Ông Dực - Ông Minh, Chàng Châu
- Các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, gồm: Đào Kỳ -
Phương Dung; Đông Bảng; Thuỳ Hải - Đăng Giang - Khổng Chúng; Vĩnh Huy; Thành
Công; Đô - Hiển - Lang; Khoả Ba Sơn; Nàng Quốc; Đống - Hựu; Đổng Nghi; Bà Y;
Nàng Tía; Tam Trinh; Quách Lãng - Đinh Bạch Nương - Đinh Tĩnh Nương; Vĩnh Gia; Ả Lã Nàng Đê - Chàng Quốc; Hiển Hựu - Quý
Minh - Phương Dung; Bảo Hoa
- Các nhân vật lịch sử như: Lý Thường Kiệt, Triệu
Quang Phục, Lê Lợi, Phùng Hưng, Phạm Cự Lượng…
- Truyền thuyết về các vị tổ nghề
2. Cổ tích
- Phần Cổ tích chung
gồm 20 truyện ( từ truyện số 1- truyện số 20).
Ở đây
các soạn giả chú ý đến mối quan hệ giữa tính phiếm chỉ của truyện cổ tích và
tính địa phương hóa của truyện cổ tích, để từ đó vừa nhận diện truyện cổ tích
mang yếu tố văn hóa Hà Nội với truyện cổ tích chung lưu truyền trong cả
nước.
- Phần Cổ tích về Hà Nội
gồm 51 truyện ( từ truyện số 22- truyện số 73).
Phần sưu tập này, các soạn
giả lại cần phân biệt truyện cổ tích Hà Nội với truyền thuyết Hà Nội. Nói chung
cách tuyển chọn của các soạn giả là có sự chọn lọc và hợp lý.
Trong quá trình biên soạn, các soạn giả đã cố gắng tìm
kiếm thêm từ nhiều nguồn tư liệu khác để bổ sung cho kho tàng truyện cổ tích Hà
Nội được một số lượng khá phong phú. Đây cũng là một ưu điểm của bản thảo này.
3. Giai thoại
Phần Giai thoại
gồm 104 mẩu truyện. Những câu chuyện hay, chuyện đẹp được lưu truyền trong dân
gian và cả trong sách sử của Thăng Long ngàn năm văn vật mà cuốn sách đã xuất
bản năm 1987 của Nhà xuất bản Hà Nội: Giai thoại Thăng Long (chuyện kẻ chợ,
chuyện kinh kỳ) do hai tác giả Vũ Ngọc Khánh - Đỗ Thị Hảo sưu tầm mới chỉ
là những “lượm lặt” “bước đầu sơ sài” (Lời nói đầu).
Các mẩu giai thoại được tập hợp ở sưu tập lần này hầu
như được chọn ở nhiều nguồn khác nhau phong phú. Đặc biệt có sự tham khảo bộ Tổng
tập văn học dân gian người Việt.
4. Truyện cười
Được tuyển chọn với 4 nhóm truyện cười tiêu biểu:
- Truyện Trạng
Lợn, 14 truyện;
- Truyện Trạng
Quỳnh, 44 truyện;
- Truyện Ba Giai
- Tú Xuất, 27 truyện;
- Một số truyện
cười khác , 29 truyện
Đây là những truyện cười nổi tiếng và khá tiêu biểu
của Hà Nội với những nhân vật mà không chỉ Hà Nội mà cả nước đều rất quen
thuộc. Số lượng truyện cười được tuyển chọn như vậy là phong phú và chất lượng.
Còn lại ở Phần
Truyện cười này chúng tôi không có
góp ý gì thêm
III. Góp ý cho bản thảo
- Bổ sung thêm phần Phàm lệ biên soạn, nói cụ thể hơn nữa các cách tuyển chọn các
truyện ở các phần, cách sắp xếp trước sau… Như vậy người đọc sẽ dễ dàng hơn khi
tiếp cận bản thảo.
- Phần cổ tích: Phần
Cổ tích chung nên giới thuyết rõ
lý do tuyển chọn.
- Phần truyện cười: cũng
cần phân biệt tại sao lại tuyển truyện chung và truyện riêng. Đặt tiêu đề như vậy
sẽ rất dễ gây thắc mắc cho người đọc.
- Phần Thư mục
tham khảo chưa đủ
IV.
Kết luận:
Bản thảo Truyện
kể dân gian Hà Nội là một sưu tập dày dặn, 944 trang chưa kể Mục lục, với nhiều khám phá lý thú về
truyện kể dân gian Hà Nội, đồng thời cũng cho thấy rất rõ nét sự chọn lọc, kế
thừa và phát triển những gì đã được các thế hệ đi trước bảo lưu. Đề nghị nghiệm
thu, các soạn giả sau khi bổ sung và sửa chữa theo góp ý của Hội đồng nghiệm
thu, bản thảo có thể xuất bản và công bố tới đông đảo độc giả cả nước nhân dịp
kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà xuất bản Hà Nội