Tóm tắt nội dung
- Cuốn sách trình
bày một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề về chính quyền thành phố Hà Nội từ
1945 đến nay, bao gồm cả việc tổ chức bộ máy và hoạt động, đồng thời nhấn mạnh
đến các yếu tố đặc thù của địa phương Hà Nội. Cụ thể:
+ Sưu tầm, hệ thống hoá các
tư liệu về lịch sử hình thành và phát triển của chính quyền thành phố Hà Nội.
+ Tái hiện quá trình hình
thành, vận động và phát triển của chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến
2006.
+ Tổng kết, đúc rút những
bài học kinh nghiệm về quản lý và phát triển của chính quyền thành phố Hà Nội ở
từng chặng đường lịch sử.
- Việc biên soạn cuốn sách có ý nghĩa to lớn,
thiết thực:
+ Về mặt khoa học: Hệ thống
hoá các tư liệu về lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội từ 1945 đến nay. Trên
cơ sở tài liệu - sự kiện và phương pháp tiếp cận hợp lý sẽ cho phép rút ra
những bài học kinh nghiệm có giá trị khoa học, khắc phục những cách nhìn phiến
diện về lịch sử chính quyền thành phố vẫn ngự trị phổ biến trong nghiên cứu
hiện nay.
+
Về mặt thực tiễn: Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống lịch sử chính quyền thành phố
Hà Nội và đúc rút các bài học kinh nghiệm hữu dụng, đề tài sẽ góp phần cung cấp
những luận cứ khoa học cho việc nâng cao công tác quản lý đô thị, cải cách hành
chính, tăng cường hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trong
tình hình hiện nay - những việc làm thiết thực để tiến tới kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội.
Bình luận
*
PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng (Bình luận bản thảo)
Lịch
sử chính quyền Thành phố Hà Nội (1945 - 2005) là đề tài được xác định rất chính xác, nhằm cùng các đề tài
khác, giới thiệu đầy đủ về Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bởi, nghiên cứu và giới
thiệu về Thăng Long - Hà Nội, không thể không đề cập đến bộ máy chỉ đạo và điều
hành mọi hoạt động của Hà Nội, nhất là trong những năm tháng diễn ra các sự kiện
lịch sử đăc biệt quan trọng, những bước ngoặt của lịch sử dân tộc ta: Cách mạng
tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước cùng công
cuộc đổi mới đất nước. Sau khi nghiên cứu
bản thảo kể trên, chúng tôi xin nêu mấy ý kiến sau:
1. Bản thảo đã thể hiện một cách vừa khái
quát, vừa cụ thể về chính quyền Thành phố Hà Nội hơn 60 năm qua, cả phía chính
quyền cách mạng và chính quyền đối phương thời tạm chiếm với đầy đủ các lĩnh vực
cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, các mối quan hệ hữu quan và vai trò của bộ máy
đó. Những nét đặc trưng, thành công và hạn chế của chính quyền Hà Nội trong các
thời đoạn cũng được đề cập rõ.
2. Trong khi trình này về một chính quyền
quản lý thị - thành, các tác giả cũng ý thức đầy đủ về đặc tính một chính quyền
Thành phố - Thủ đô Hà Nội. Đây là nét khác giữa chính quyền Hà Nội với chính
quyền của các thành phố khác. Điều này chi phối chính quyền Hà Nội từ cơ cấu, tổ
chức, cơ chế, chức năng đến mọi hoạt động của chính quyền. Bởi nơi đây là trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… của cả nước, là nơi cơ quan đầu não của mọi thành
viên của hệ thống chính trị, của đại diện nước ngoài trú đóng và hoạt động. Các
tác giả cũng nêu được những đóng góp của chính quyền Hà Nội trên cương vị chính
quyền Thành phố - Thủ đô của mình.
3. Bám sát thực tế lịch sử và nét riêng của
từng thời đoạn, bản thảo trình bày rõ tính đa dạng của mô hình chính quyền thành
phố, việc tổ chức chính quyền thích hợp với điều kiện chính trị - xã hội, kinh
tế… từng thời đoạn lịch sử. Đó là “mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh” (1945
- 1946), “mô hình đa dạng” (1954 - 1975) và “mô hình ba cấp chính quyền” (1975 đến
nay), cùng những ưu điểm, hạn chế của các mô hình trên. Cùng với việc trình bày
nội dung trên, các tác giả cũng nêu rõ quá trình hiệu chỉnh cơ cấu, cơ chế, chức
năng nhiệm vụ… cùng việc từng bước luật pháp (hóa) chính quyền đô thị. Đây là một
trong những đóng góp tốt của bản thảo.
4. Một đóng góp khác cần nêu ở đây là bản
thảo đã trình bày tương đối đầy đủ, toàn diện về chính quyền Hà Nội thời tạm
chiếm, cả phía cách mạng và phía đối phương, khắc phục một khoảng trống (hoặc mờ
nhạt) của một số công trình lịch sử viết về Hà Nội.
5. Kết luận, trong đó có những bài học cơ bản, được rút ra là xác đáng.
6. Chúng tôi xin gợi mở đôi điều, giúp tác
giả nghiên cứu, hiệu chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa.
6.1. Nội dung và hình thức trình diễn đạt
của bản thảo khá dễ tiếp thu với những người đương thời. Tuy nhiên đây là công
trình cơ bản, cần chú ý đến đối tượng bạn đọc nhỏ tuổi và bạn đọc thế hệ sau.
Do vậy, trong khi trình bày nội dung, cần đưa vào đúng chỗ và đúng mức (qua sự
kiện và phân tích), chính quyền cách mạng Thành phố Hà Nội là chính quyền Nhà nước
kiểu mới. Kiểu mới thể hiện ở chỗ nào?
6.2. Cũng với tinh thần trên, trong khi bản
thảo nêu vai trò của Thủ đô với Trung ương khá rõ, nhưng vai trò của Trung ương,
Chính phủ…) với Thủ đô, có lẽ chưa đủ độ cần thiết, mặc dầu đối tượng nghiên cứu
là chính quyền cách mạng Thành phố… Điều này thể hiện ở rất nhiều chỗ, nhất là trong
những sự kiện lớn, diễn ra trên địa bàn Thủ đô, nhưng lại là của cả nước. Như sự
kiện 60 ngày đêm hồi đầu toàn quốc kháng Pháp, 12 ngày đêm cuối năm 1972… Đó là
chưa kể, khi liệt kê thành tích, thuật ngữ “quân và dân Hà Nội”, dù là phiếm chỉ,
nhưng không thể không nêu lực lượng nào đúng là thuộc Hà Nội, lực lượng nào (như
quân chủng Phòng không - Không quân…) thuộc Trung ương…
6.3. Tuy bản thảo đã nêu mặt hạn chế, yếu
kém của chính quyền Thành phố Hà Nội (cả về cơ cấu, cơ chế, hiệu quả hoạt động…),
nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa đủ độ cần thiết, nhất là những khó khăn về kinh tế
- xã hội trước Đổi mới (mặc dầu khó khăn do nhiều nguyên nhân tạo nên).
6.4. Khi trình bày chính quyền Thủ đô Hà
Nội trong chống Mỹ, cứu nước, chưa nêu đầy đủ tinh thần Hà Nội, cùng miền Bắc hậu
phương lớn, có vai trò quyết định nhất (miền Nam quyết định trực tiếp) đối với
sự phát triển của toàn bộ cách mạng nước ta, với sự nghiệp thống nhất nước nhà
của nhân dân ta. phong trào quần chúng ủng hộ miền Nam
(nhất là thanh niên, học sinh sinh viên), mít tinh, biểu tình, viết đơn xin vào
Nam
bằng máu…, còn mờ nhạt và thiếu sinh động.
6.5.
Diễn đạt (văn phong) sáng tỏ, song đôi chỗ còn vụng, có chỗ nhiều trang liên tiếp
nêu các Quyết định (tr.162-166, 169-172…) mà không thay đổi cách diễn đạt
(tr.49, khổ 3…)
6.6. Mấy ví dụ về sự thiếu chính xác của
sự kiện, thiếu ý, hoặc chưa chuẩn về ngôn - từ:
Tr.3: quân Nhật hoang
mang (đúng) nhưng rệu rã thì không
ổn.
Tr.17: thể hiện thiện chí hòa hoãn với quân Tưởng?, đã nêu “Hoa Việt thân thiện” cơ
mà…
Sau khi thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm
Nam Bộ, không đúng. Phải nói là sau khi quân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn -
Chợ Lớn (23/9/1945), chính quyền đã tổ chức nhân dân…
Tr.18: tổ chức đưa tiễn các đơn vị tình
nguyện của Hà Nội…, phải nói cả với nhiều đơn vị khác nữa.
Tr.21: đến giữa tháng 12/1946, thực dân
Pháp đã tập trung ở Hà Nội 6.500 quân… không đúng. Phải đợi đến khi viện binh
Pháp từ Hải Phòng lên tăng cường cho đồng bọn.
Tr.23: từ sự hỗ trợ của Ủy ban Bảo vệ Thành
phố… thực ra là chỉ đạo, tạo điều kiện.
Cần nêu khi chuẩn bị kháng chiến, Hà Nội
rất chú trọng chuẩn bị về tâm lý - tư tưởng cho quân và dân. Bên cạnh đó là chuẩn
bị về kế hoạch, cách đánh, vũ khí - hậu
cần, trận địa… Đương nhiên không đi sâu vì có công trình khác đã viết, nhưng khi
nêu các mặt chuẩn bị cần nêu cho đủ.
Tr.29: Chính phủ buộc phải phát động cuộc toàn quốc kháng chiến, hay kháng chiến toàn quốc (?)
Tr.47 và tiếp theo,
trong kháng Pháp, chính quyền Hà Nội đóng ở những đâu?
Tr.84: xung quanh vấn đề báo Nhân văn, cần
nghĩ cách trình bày những vấn đề “có vấn đề”, ngày nay cách nhìn nhận có khác.
Tr.140: nêu Bộ đội Phòng không - Không quân
như thế nào cho xác đáng?
Tr.143: 20 năm 1954 - 1975… chính quyền được
tổ chức theo phương thức “động”. Thực ra
đó là do hoàn cảnh, điều kiện chi phối, không do việc xác định phương thức tứ đấu.
Tr.156: “một khiếu thẩm mỹ thực sự XHCN”?
Tr.245: từ 1986 - 2005 cùng với động thái đổi mới (?)
Nhận xét về sự chật
hẹp của phạm vi đô thị cũ, cũng nên thận trọng khi mở rộng Thủ đô, mặc dầu do Quốc
hội quyết định vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Tr.249: có thể gộp bài học hai (bám sát đặc
trưng vai trò đô thị trung tâm chính trị - hành chính…) với bài học ba (lựa chọn
phương thức quản lý phù hợp đặc trưng một đô thị trực thuộc Trung ương…).
Trong các bài học cần bổ sung (và lồng ghép)
về chủ trương và giải pháp tận dụng chất xám - đội ngũ trí thức đông đảo…
7. Mặc dầu còn một số điểm cần bổ sung hoặc
chỉnh sửa, song đó là những điều không lớn. Nhìn chung bản thảo đạt chất lượng
tốt. Đề nghị Chủ dự án tạo điều kiện và các tác giả chọn lọc các ý kiến đóng góp
chỉnh sửa, nâng cao làm cho đề tài có chất lượng nhiều hơn nữa.
Nhà xuất bản Hà Nội