Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tuyển thơ Thăng Long - Hà Nội mười thế kỷ
Thứ sáu, 12/08/2011 06:10
Nhà thơ Bằng Việt (Chủ trì). Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung

- Là tác phẩm tuyển chọn những sáng tác (chủ yếu thuộc thể loại thơ và một số bài kí, điệu từ mang đậm chất thơ) của các tác gia sinh ra ở Thăng Long - Hà Nội, từng sống và công tác ở Thăng Long - Hà Nội; có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, trong mười thế kỷ từ khi lập đô đến nay. Số lượng các tác gia, tác phẩm cho thấy vị trí của Thăng Long - Hà Nội cũng như tình cảm với vùng đất này của mỗi người.

- Tuyển tập nêu lên diện mạo của thơ Thăng Long - Hà Nội suốt 10 thế kỉ, thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên và tâm hồn, cốt cách người Thăng Long.

- Tác phẩm được tuyển chọn sẽ được chia thành các giai đoạn như sau:

  1. Từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV: Thơ thời Lý - Trần, thời Hồ và thời Hậu Trần.

  2. Từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI: Thơ thời Lê sơ [thời Hậu Lê].

  3. Từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII: Thơ thời Mạc,thời Lê trung hưng, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh  

  4. Từ giữa  thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XVIII: Thơ thời cuối Lê ,thời Tây Sơn.

  5. Thế kỷ XIX

  6. Thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: Thơ thế kỷ XX và sang cả đầu thế kỷ XXI có nhiều bước ngoặt quan trọng, có những thay đổi, khác biệt lớn  cả về phong cách, cả về bút pháp sau nhiều biến cố lịch sử dồn dập.

Bình luận sách

* Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (Bình luận bản thảo)

Tôi nhận được bản thảo sách “Tuyển thơ 10 thế kỷ Thăng Long - Hà Nội” từ 22/12/2008. Dung lượng sách tới trên 2.000 trang, mà chỉ có trên 1 tuần để đọc và viết nhận xét, hẳn ai cũng hiểu là chỉ có thể đọc lướt đọc thoáng qua. Nhưng thơ in trong Tuyển này phần lớn là từ các nguồn đã biết đối với những người hoạt động văn học. Vì vậy, có thể nêu một số nhận xét, dù là nhận xét bước đầu, nhưng không phải là sự nhận xét tùy tiện.

1/ Trước hết, tôi thấy, bộ Tuyển đã được giao cho những người đáng tin cậy về chuyên môn. Nhóm biên soạn được đặt dưới sự chủ trì của hai vị là nhà thơ Bằng Việt, − một nhà thơ mà gần 40 năm nay đã vừa sống và viết, vừa làm công tác quản lý trong giới văn học nghệ thuật thủ đô và toàn quốc, và nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi, − một chuyên gia mà thâm niên nghiên cứu là quá già dặn, đã từng cùng nhiều bậc đàn anh thực hiện công trình “Thơ văn Lý Trần” rất có giá trị, và nhiều công trình nghiên cứu, tuyển chọn thơ văn khác; bên cạnh hai vị chủ biên đó là những thành viên khác, vốn đều là những nhà nghiên cứu, nhà biên khảo đã quen thuộc với các mảng thơ mà bộ Tuyển này cần đề cập.

2/ Đi vào nội dung bộ Tuyển, tôi cho rằng nhìn chung, đây là một công trình tuyển chọn tác phẩm theo một số dấu hiệu đề tài và tác gia gắn với một địa phương: những tác gia đã từng sống hoặc từng đến Thăng Long - Hà Nội, thậm chí những tác gia chưa đặt chân đến nhưng có tác phẩm viết về địa danh này. Nhưng sự phức tạp và phần nào bất định (bất định cho việc xác định tác gia để chọn đưa vào Tuyển này) là do gắn với vị trí thủ đô, trung tâm chính trị văn hóa, của Thăng Long - Hà Nội: kể từ 1010 (thậm chí có thể kể từ đầu những năm 800, khi địa phận huyện Tống Bình ở phía nam sông Đuống gần sông Tô Lịch được quan cai trị nhà Đường chọn xây thành để đặt Đô hộ phủ, thay cho vị trí thành Long Biên ở phía bắc sông Đuống), địa chỉ này, chỉ không là kinh đô trong thời của vương triều Nguyễn (1802-1945) nhưng ngay trong giai đoạn đó nó cũng hoặc là thủ phủ Bắc Hà hoặc thủ phủ toàn cõi Đông Dương; vì vậy trong giới các quan chức kiêm tác gia người Việt chỉ có khá ít người không từng đặt chân tới Thăng Long - Hà Nội. Hệ quả là lực lượng được tính như tác gia của Thăng Long - Hà Nội là rất lớn, thậm chí ở thời trung đại thì gần như mọi tác gia Việt Nam đều có thể được tính như tác gia của Thăng Long - Hà Nội.

Lược qua các phần của Tuyển này, tôi thấy các phần thuộc về trung và cận đại thì việc chọn khá tốt, nhưng các phần thuộc nửa cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI thì việc chọn có vẻ chưa chặt chẽ. Đề nghị của tôi là ban tuyển chọn nên chặt chẽ hơn đối với mảng các tác gia nửa cuối thế kỷ XX - đầu XXI. Không nên chỉ căn cứ vào chỗ tác giả nào đó có một số bài thơ viết về Hà Nội; là vì với dấu hiệu này, số lượng tác giả được chọn vào Tuyển thơ này sẽ quá nhiều, và sẽ làm loãng, làm nhạt, làm giảm giá trị của Tuyển thơ này.

Nên cân nhắc thêm đến yếu tố: tác giả có thơ được đưa vào đây là tác giả đã định hình hẳn thành một tác gia, một phong cách được thừa nhận trong giới văn học Việt Nam thời hiện đại hay chưa? Nên cân nhắc điều này để loại bỏ bớt những tác giả vốn có mặt trong đời sống văn học ở những thể loại khác, như văn xuôi, thông tin báo chí, nghiên cứu phê bình, và chỉ có làm thơ như một thể tài mà người biết viết văn viết báo nào cũng có thể can dự, tuy có vài ba tập thơ đã công bố nhưng không thật định hình rõ một phong cách thơ. Đây là điều nên được đặc biệt lưu ý.

3/ Về cách sắp xếp tác gia trong Tuyển này, tôi thấy là hợp lý việc nhóm biên soạn sử dụng cách sắp xếp theo trật tự niên đại các tác gia. Điều tôi đề nghị là nên vận dụng nguyên tắc sắp xếp theo trật tự niên đại các tác gia làm nguyên tắc hầu như duy nhất trong toàn bộ Tuyển này. Nói thế nghĩa là cần xem lại và sắp xếp lại hai mảng ở cuối bộ Tuyển: mảng tác gia Việt từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, và mảng các tác giả nước ngoài viết về Thăng Long - Hà Nội.

Theo tôi, không có khó khăn gì để buộc phải rời bỏ nguyên tắc niên đại và chuyển sang dùng cách sắp xếp theo trật tự A, B, C… đối với riêng nhóm các tác gia Việt từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Vì hầu hết các tác gia đều đang sống chăng? Điều này thật ra không thành vấn đề, bởi trật tự sắp xếp chỉ căn cứ vào năm sinh mà thôi. Ai sinh năm trước xếp trước, tất cả chỉ có vậy. Cách sắp xếp này trong thực tế sẽ giúp người đọc cảm nhận một cách tự nhiên qua thơ trích tuyển những dấu hiệu về thời đại (gần gũi hoặc khác biệt nhau) được bộc lộ qua các dấu hiệu về thế hệ. Ngược lại, theo cách sắp xếp A,B,C… họ tên tác giả, một cách sắp xếp thuần hình thức (như đã thấy trong bản thảo), người ta sẽ khó thấy điều nêu trên hơn, thậm chí, với những người đọc Việt Nam, họ sẽ thấy có gì đó như phản cảm, như gặp phải cái gì đó lộn xộn, ví dụ, khi thấy tác gia sinh những năm 1930 lại được sắp xếp sau tác gia sinh những năm 1950.

Tóm lại, về tác gia Việt Nam suốt mọi thời đại lịch sử, tôi đề nghị áp dụng nhất loạt nguyên tắc sắp xếp theo niên đại các tác gia. Cách sắp xếp này thậm chí còn tạo thuận lợi cho các lần bổ sung Tuyển này về sau.

Đối với các tác gia nước ngoài có thơ về Thăng Long - Hà Nội, tôi thấy cũng nên dùng cách sắp xếp theo niên đại tác gia, và việc nắm được năm sinh của các tác gia này hẳn là không có khó khăn gì lắm.

(Nhân nói về mảng các tác gia nước ngoài, tôi thấy nhóm biên soạn nên tính đến những tác gia Trung Hoa thời trung đại. Bản thảo hiện tại chỉ cho thấy vài ba tác gia Trung Hoa hiện đại viết về Thăng Long - Hà Nội, trong khi trên thực tế, tác gia Trung Hoa có thơ viết về Việt Nam từ khá sớm. Tôi nói điều này để nhóm biên soạn Tuyển này cân nhắc và tìm hiểu thêm; và có thể việc xử lý cũng không hề đơn giản ngay khi nếu như ta có được văn liệu thi liệu về mảng này).

4/ Từ nguyên tắc sắp xếp tác gia trong Tuyển, tôi xin chuyển sang bàn thêm về việc phân chia Tuyển này thành các phần. Theo dõi bản thảo đã hình thành, tôi thấy Tuyển đã có gồm các phần:

          - I.   Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX: 174 tác gia

          - II.  Thế kỷ XX: 8 tác gia (?)

          - III. Từ 1930 đến 1954: khoảng 48 tác gia

          - IV. Từ 1954 đến 1975: khoảng 216 tác gia

          - V.  Từ 1975 đến 2010: khoảng 130 tác gia

Thoạt nhìn, sự phân chia này có khía cạnh hợp lý, nhưng xem xét lại và suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy nhiều điều không ổn.

Ngay phần I, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, là phần được thực hiện hợp lý hơn cả, thì đến gần cuối, cũng bộc lộ sự mâu thuẫn. Vấn đề là ranh giới thời gian được đề ra đó là mốc niên đại các tác gia hay mốc về hoạt động văn học, hoạt động thơ ca? Nếu là mốc về niên đại tác gia thì không có gì để tranh cãi, nhưng những dấu mốc niên đại cá thể đó có ý nghĩa gì nhiều khi mà điều cần nói là hoạt động thơ ca, hoạt động văn học? Mà xét về mặt này thì có một sự thật là: hầu hết những tác giả sinh khoảng giữa thế kỷ XIX trở về sau, đều hoạt động thi ca, hoạt động văn học chủ yếu ở đầu thế kỷ XX. Hãy kể ra vài ba người: Nguyễn Thiện Kế (sinh 1858), Lương Văn Can (sinh 1866), Nguyễn Thượng Hiền (sinh 1868), v.v… ta đều thấy họ hoạt động văn học trong thế kỷ XX cả; vậy thì sao lại tính họ vào thế kỷ XIX? Trong khi đó, tác gia Hồ Chí Minh (sinh 1890) lại được xếp vào thế kỷ XX?

Xem lại mấy phần sau, sẽ thấy không ít tác gia được xếp vào đoạn 1930-54 trong thực tế thơ trích lại vẫn có thơ viết sau 1954 như như Xuân Diệu có các bài “Đêm trăng đường Láng”, “Quả sấu non trên cao”, Lưu Trọng Lư có bài “Em thời gian ngừng tay”, Huy Cận có “Các vị la hán chùa Tây Phương”, “Anh viết bài thơ”, Chế Lan Viên có các bài “Tình ca ban mai”, “Vòng cườm trên cổ chim cu”, “Giữa tết trồng cây”, Nguyễn Bính có “Đêm sao sáng”, Tố Hữu có “Tiếng chổi tre”, “Bài ca xuân 61”, v.v. và v.v… Như thế, sự phân đoạn này không những là giả tạo, khiên cưỡng mà còn là vô duyên nữa.

Điều rất cần nhận rõ ngay trong đầu óc những người làm Tuyển thơ này, nếu theo đuổi việc xếp thơ được chọn theo một số dấu hiệu thời đại, là những sáng tác thơ ấy xuất hiện vào thời điểm nào, chứ không phải tác gia ấy sinh năm nào (tuy điều này cũng là dấu hiệu đáng kể, như đã thấy). Cho nên, nếu thấy có những bài thơ bị xếp trái hẳn giai đoạn đã phân chia, thì phải lập tức xem lại cách phân lập các mốc giai đoạn.

Từ một phía khác, chuyện chia các đoạn thời gian để trình bày sự phát triển thơ Việt Nam ở đây cũng phần nào là chuyện lặp lại những vấn đề mà ngành nghiên cứu văn học nhiều năm qua đã vấp phải: đó là việc phân kỳ văn học sử Việt Nam. Giới nghiên cứu đã đi từ chỗ đem sự phân kỳ lịch sử chính trị xã hội rập khuôn cho việc phân kỳ văn học sử đến chỗ tìm cách thoát ra khỏi sự rập khuôn đồng nhất ấy vì ngày càng thấy nó tỏ ra khiên cưỡng. Nhưng lấy gì làm chuẩn để phân kỳ văn học sử Việt Nam? Khá nhiều tranh cãi đã xảy ra, và gần đây nhất, ý tưởng có vẻ có cơ sở hơn cả trong phân kỳ là dựa vào điểm tựa then chốt sau đây: ngôn ngữ văn tự. Vì hoạt động văn học dựa vào chất liệu là ngôn ngữ văn tự, cho nên, trong sự phát triển thực tế, văn học của người Việt có hai bộ phận, cũng là hai giai đoạn phát triển rõ rệt: giai đoạn văn học viết bằng chữ Hán chữ Nôm, từ nguồn gốc đến đầu thế kỷ XX, và giai đoạn văn học viết bằng chữ quốc ngữ ( = tiếng Việt viết bằng hệ chữ cái latinh), lẻ tẻ từ nửa sau thế kỷ XIX và phổ biến từ những năm đầu thế kỷ XX trở đi; tất nhiên ngay điều vừa nói cũng chưa được hoàn toàn nhất trí trong giới nghiên cứu, giới giảng dạy đại học, song có thể thấy đó là giải pháp hợp lý.  

Trở lại việc sắp xếp tác gia thơ 10 thế kỷ Thăng Long – Hà Nội trong sự tương ứng với niên đại các tác gia và các thời đại phát triển văn học, tôi thấy thậm chí cứ thực hiện đúng trình tự niên đại tác gia Việt Nam cho toàn bộ Tuyển này, không cần quan tâm lắm đến việc đặt các tác gia ấy vào một số khung thời đại do nhóm soạn phân xuất ra, thì bức tranh về sự phát triển thơ ca Việt Nam đã đủ rõ. Ta sẽ thấy, ban đầu là những tác gia với các thể tài thơ chữ Hán, rồi đến các tác gia bên cạnh sáng tác chữ Hán có sáng tác chữ Nôm, rồi đến thời những tác gia có cả thơ chữ Hán, chữ Nôm lẫn thơ viết bằng quốc ngữ latin (như Hoàng Cao Khải là một ví dụ, dù có hay không có tác gia ấy trong Tuyển này), và gần về sau hầu như chỉ có những tác gia sáng tác bằng chữ Việt! (Tất nhiên gần như lúc nào cũng có ít nhiều những tác gia Việt viết bằng các ngôn ngữ văn tự khác, như chữ Hán, chữ Pháp, chữ Anh, v.v…, nhưng không phải là hiện tượng phổ biến và hầu như không thuộc các vấn đề mà Tuyển này phải giải quyết).

Như vậy, theo tôi, việc kết cấu và trình bày thơ trong Tuyển này không nhất thiết phải chia ra các “phần” hay “chương” với các dấu mốc thời gian. Tất cả các tác gia có thơ về Thăng Long - Hà Nội đều nằm trong Tuyển theo trật tự năm sinh tác gia. Chỉ có các tác gia nước ngoài là nên được tách thành một phần riêng đặt ở cuối sách, cũng sắp xếp theo trật tự năm sinh tác giả. Làm theo cách này sẽ tạp được nét phong cách nhất quán cho cả bộ Tuyển với tư cách một công trình có những nét mang tầm vóc văn học sử.

5/ Thời gian ngắn không cho phép đọc kỹ, song đôi khi dừng lại ở một số trường hợp, tôi nhận thấy có những chỗ việc chọn thơ của một số tác giả chưa thật chính xác, theo ý tôi. Chẳng hạn, với Văn Cao: bỏ quên “Ngoại ô mùa đông 1946”; với Nguyễn Vỹ: bỏ quên “Đức thánh đồng đen”. Nên nghĩ thêm hỏi thêm xem còn những bài thơ nào hay về Thăng Long - Hà Nội chưa được đưa vào bộ Tuyển của chúng ta?

6/ Bây giờ xin góp ý kiến về các công việc cụ thể của những người biên soạn. Đối với một số cuốn tuyển văn thơ được làm vội vã mà chúng ta đã gặp ít lâu nay, phần việc này thường được làm theo kiểu tùy tiện, gặp đâu hay đấy, tóm lại là thiếu tính chuyên nghiệp; kết quả là dưới mỗi tên tác gia có một số thông tin khá tùy hứng, mỗi trường hợp làm một kiểu. Thiết nghĩ, với bộ Tuyển này, nhóm biên soạn nên thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc soạn các dẫn giải về tác gia.

- Tôi tán thành cách xử lý khác nhau đối với hai thành phần tác gia: a/ đối với những tác gia thuộc quá khứ xa, tức là từ thế kỷ XIX về trước, có thể dẫn giải ít nhiều chi tiết hơn (như dạng đã thực hiện trên bản thảo); b/ đối với những tác gia Việt Nam ở thế kỷ XX - XXI, chỉ ghi mấy thông tin: năm sinh (và năm mất, nếu đã mất); quê; đã từng sống và viết ở Hà Nội; các tác phẩm thơ đã công bố.

- Bàn chi tiết hơn về cách dẫn giải đối với những tác gia Việt Nam thế kỷ XX về sau, theo tôi:

+ niên đại: chỉ ghi năm sinh (và năm mất, nếu đã mất), không ghi đến ngày tháng;

+ quê quán: chỉ ghi tên tỉnh, không ghi đến xã huyện;

+ đối với những người không sống toàn thời gian cuộc đời ở Hà Nội, ý chỉ dẫn “đã sống và viết ở Hà Nội” là cần, nhưng nên sửa là “từng sống và viết tại Hà Nội” (một mình từ “đã” không đủ rõ nghĩa quá khứ, nghe lại không xuôi tai; “từng” bao hàm được “đã” với nghĩa quá khứ, lại xuôi tai); đối với những tác gia định cư ở Hà Nội, chỉ nên ghi là “sống và viết ở Hà Nội”, không nên thêm “hiện” vào đằng trước;

+ tác phẩm: chỉ ghi tên các tập thơ lẻ đã công bố; vì đây là bộ sách nói riêng về thơ nên chỉ ghi tên các tập thơ đã in; lưu ý không ghi tên các cuốn hoặc bộ tuyển tập của tác gia ấy (đây là một nguyên tắc mà các sách của thế giới làm về các tác gia thường tuân thủ, riêng ở ta, giới làm sách chưa tinh nên hay lầm lẫn, không phân biệt việc liệt kê các tác phẩm được chính tác giả công bố ngay trong sinh thời mình, với việc những người khác vựng biên và tái công bố tác phẩm của tác gia ấy, thường là được thực hiện sau khi tác gia đã mất; nói gọn lại thì người ta kể các ấn phẩm thuộc tác quyền một tác gia theo hai loại: loại “các tác phẩm lẻ” và loại “tuyển biên, vựng biên”); ở đây ta chỉ thông tin rất ngắn gọn về tác gia nên chỉ ghi đến tác phẩm lẻ, không phản ánh việc biên tuyển mỗi tác gia. Ví dụ khi kể các tác phẩm thơ của Nguyễn Bính thì không kể “Nước giếng thơi” vì đây thực ra là một cuốn tuyển, cũng không kể các cuốn thực sự là tuyển như “Tuyển tập Nguyễn Bính”, v.v…

7/ Góp ý riêng về bài tổng luận

Bài của nhà thơ Bằng Việt ở đầu bản thảo hiện tại là một phác thảo cho thấy bài tổng luận của Tuyển này cần phải trình bày hai loại vấn đề: 1/ sự hình thành, ý nghĩa, giá trị của mảng thơ về Thăng Long - Hà Nội, và 2/ Các quy cách, quy ước, thể lệ biên soạn Tuyển này. Dù hình dung khác nhau ra sao thì cũng phải thấy mức khác biệt khá lớn về văn phong cần áp dụng cho hai loại nội dung nói trên. Vì vậy, theo tôi, người chủ biên công trình Tuyển này nên mạnh dạn tách riêng thành 2 bài khác nhau: một bài khái quát về nội dung, có thể viết theo mạch văn ít nhiều có sự ngẫu hứng, tăng mức xúc cảm cho người đọc; cạnh đó là một bài “phàm lệ” rất vắn gọn, ghi bằng gạch đầu dòng hoặc 1, 2, 3…, trung tính, chỉn chu, nói về các quy cách tập hợp tài liệu, quy cách tuyển chọn, biên soạn; bài này chỉ nên ký tên nhóm biên soạn.

8/ Xung quanh việc trình bày bộ Tuyển này:

+ Tôi chưa biết sách sẽ in làm mấy tập, sẽ chọn khổ sách nào (bản thảo cung cấp cho công tác giám định ở phần trung cận đại thì có dạng sách cỡ 16x24cm, phần hiện đại và đương đại lại có dạng sách 14x20cm). Dựa vào dung lượng đã biết, tôi nghĩ nên chọn khổ sách 16x24cm hoặc 14,5x20,5cm, không nên chọn khổ lớn hơn, vì sách in thơ không nên dùng khổ sách lớn, đỡ lãng phí giấy in; với khuôn khổ ấy, có thể san ra làm 2 hoặc 3 quyển, in đồng thời, đóng vào một hộp chung; nên làm cả sách bìa mềm; khẩu hiệu nên nghĩ tới là “sách in ra để cho người ta đọc, không phải chỉ để bày cho đẹp”.

+ Nên đặc biệt lưu ý đến khâu sửa in; dạng bản thảo hiện nay cho thấy lỗi đánh máy còn khá nhiều; thơ mà thiếu chính xác thì có thể xem như tai họa; vì thế, xin lưu ý các thành viên nhóm biên soạn phải tự mình tham gia đọc cho đến tận bản đưa in.

+ Bản thảo chưa cho thấy cách xử lý thỏa đáng về trình bày. Nhóm biên soạn nên lưu ý điều này: đâu là phần cần làm nổi trên mỗi trang in? do vậy cần xử lý cỡ chữ ra sao. Theo tôi, phần chính của từng trang sách Tuyển này là thơ, vậy nội dung các bài thơ phải được dùng cỡ chữ khá lớn so với cỡ chữ để ghi chú về tiểu sử tác giả hoặc chú thích dưới chân trang. Một số người in thơ gần đây thường chọn kiểu chữ nghiêng để in phần thơ, song chữ nghiêng thường mảnh, nên kết quả là phần thơ lại không trở nên nổi bật. Vì vậy, tôi đề nghị phần thơ nên dùng chữ đứng cỡ 12 hoặc lớn hơn; các ghi chú về tiểu sử tác giả và chú thích nên dùng chữ đứng cỡ 10 trở xuống, chỉ dùng chữ nghiêng để ghi tên các tác phẩm, ấn phẩm.

Trên đây là sự nhận xét và góp ý kiến của tôi về bản thảo “Tuyển thơ 10 thế kỷ Thăng Long - Hà Nội”.

Nhìn chung, đây là công trình đang được thực hiện khá tốt, nhưng cần được bổ sung, chỉnh sửa nhiều hơn nữa, để có thể tương đối hoàn thiện khi được xuất bản.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá