Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Thứ bảy, 13/08/2011 04:04
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu). Thể loại sách: Sưu tầm, Tuyển chọn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung

- Sưu tập, tuyển chọn những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Thăng Long - Hà Nội với ý nghĩa vinh danh lịch sử, cuộc sống, con người và cảnh quan thủ đô qua ngàn năm văn hiến.

          - Nhấn mạnh cảm hứng và tư duy "du ký", những trang ghi chép, hồi ký, hồi ức, kỷ niệm, tùy bút, bút ký, tản văn phản ánh sự cảm nhận và ấn tượng về truyền thống Thăng Long - Hà Nội.

          - Bao quát khối lượng tài liệu phong phú, trải rộng từ hệ thống thần thoại, truyện cổ tích, ca dao đến thơ ca đề vịnh, truyện ký tiêu biểu dưới thời trung đại, hiện đại và đương đại.

          - Mở rộng từ văn chương tới việc thu nhận một số tranh ảnh, âm nhạc liên quan tới Hà Nội để minh họa thêm. Đặc biệt chú ý những bài hồi ức, kỷ niệm liên quan đến quá trình sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về đề tài Hà Nội thời hiện đại..     

Bình luận

* GS.TS. Nguyễn Xuân Kính (Bình luận đề cương)

I/ Ưu điểm

Nếu xác định đây là một cuốn sách sưu tập những tác phẩm tiêu biểu và phù hợp với nhan đề Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long thì bản đề cương đã cho thấy nhóm biên soạn đã tìm được một số tác phẩm phù hợp với chủ đề này. Tôi đặc biệt đánh giá cao những tác phẩm được sưu tầm trên báo chí trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trên báo chí ở miền Nam trước ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975. Một số chỉ dẫn cho thấy PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn và các cộng sự đã tìm đến tài liệu gốc, chứ không phải tài liệu thứ cấp (loại tài liệu sử dụng qua soạn giả khác).

II/ Góp ý và trao đổi

Bản đề cương mà chúng tôi nhận được gồm 12 trang.

Lời dẫn (trang 3) chưa nêu cụ thể, chi tiết quy cách tinh tuyển văn bản. Chẳng hạn, lấy nguyên từ bản gốc hoặc có đính chính, sửa chữa hay không? Chẳng hạn, đối với vấn đề còn thảo luận thì như thế nào? Tôi là người ngoại đạo, nhưng chắc PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn biết rất rõ rằng GS. Hà Văn Tấn và PGS. Bùi Duy Tân đều khẳng định bài Nam quốc sơn hà là không phải của Lý Thường Kiệt. Một số người khác tuy không viết dứt khoát như PGS. Bùi Duy Tân, cũng viết “tương truyền là của Lý Thường Kiệt”. Vậy viết như PGS. Nguyễn Hữu Sơn (trang 4) thì đã thoả đáng chưa?

Có khá nhiều tác phẩm không thể hiện tình cảm của những người đi xa thương nhớ đất Thăng Long:

- Chiếu dời đô

- Truyện thần Long Đỗ

- Truyện Rùa vàng

- Sự cương trực của Chu Văn An

- Nam quốc sơn hà

- Múa hát lý liên đời Lý

- Hình tượng rồng Thăng Long thời Lý – Trần

- Mỹ thuật Thăng Long thời Lý – Trần

- Khảo cổ Thăng Long thời Lý – Trần

- Truyện kỳ ngộ ở Trại Tây

- Truyện yêu quái ở Xương Giang

- Truyện Hà Ô Lôi

- Góc thành Nam

- Long thành cầm giả ca

- Đài Khán Xuân

- Chùa Quán Sứ

- Đề đền Sầm Nghi Đống

- Cảnh Hà Nội

- Thạch Lam: Trước tết, tết và sau tết

- Nguyễn Đình Lạp: Phóng sự Hà Nội… giao thừa

- Nguyễn Tường Phượng: Nửa giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Trương Tửu - Thượng Sỹ - Nguyễn Đức Quỳnh: Cuộc hội đàm giữa Cụ Hồ Chủ tịch với ba đại biểu Liên đoàn văn hoá.

- Nguyễn Tường Phượng: Cuộc hội đàm giữa Hồ Chủ tịch với các nhà báo Hoa – Pháp – Việt – Mỹ.

V.v…

Vấn đề đặt ra là nếu để những tác phẩm này thì phải đổi tên sách Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Dù có đổi tên sách thì cũng không nên đưa tác phẩm Sương xuân và hoa đào của Vũ Thư Hiên (trang 11) vào sách này. Nhiều người biết Vũ Thư Hiên là người đã dịch rất thành công Bông hồng vàng của Pautôpxki. Nhưng Vũ Thư Hiên cũng viết một số tài liệu chống lại chế độ, nhà nước. Nhà nước ta cấp tiền để cho Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Cũng có những người trước đây chống lại nhà nước ta, nhưng bây giờ do độ lùi của thời gian, do quan niệm khép lại quá khứ, nhìn về tương lai, nhà nước ta đã cho họ về thăm Việt Nam. Nhưng vấn đề Vũ Thư Hiên còn khá mới, chưa đủ độ lùi và sự phai nhạt, rất không nên đưa tác phẩm của ông ta vào sách này.

Ở trang 6 ghi “Minh hoạ hình ảnh rồng, văn bia, kiến trúc thành cổ, đền, chùa, thư tịch Hán Nôm, di vật văn hoá Hà Nội thế kỷ X - XVII”. Ở đây đang nói về “Văn hoá - văn học thế kỷ XV – XVII” (trang 5). Vậy thế kỷ X là in sai.

Trang 10 ghi: “Lãng nhân ánh đèn trong đêm tối”, chính xác là “Lãng Nhân…”

*

*        *

Góp ý về THUYẾT MINH TỔNG THỂ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN “TỦ SÁCH THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN”

Bản thuyết minh này gồm 8 trang.

 - Trang 3 ghi: “Tổng tập Văn học Việt Nam, 42 tập. Tái bản. Viện KHXH Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1984 - 2000…”. Ghi như vậy là không chính xác. Xin thưa với PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn, Tổng tập văn học Việt Nam là một bộ sách đồ sộ do GS. Đinh Gia Khánh làm Chủ tịch Hội đồng biên tập. Theo kế hoạch ban đầu, bộ sách gồm 36 tập với khoảng hơn 40 quyển. Năm 1980, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố tập 1 và tập 36, tức là cắm hai cái mốc đầu tiên và kết thúc của bộ sách. Rất tiếc, trong quá trình biên soạn, do tình hình tư liệu, do có sự điều chỉnh trong việc đánh giá một số tác giả, trào lưu văn học, đến năm 1997 là lúc in xong tất cả công trình, bộ sách không chỉ không thống nhất về khổ sách giữa các tập mà còn vượt quá con số 36 tập, tuy rằng một số tập đã phải chia thành tập A, tập B. (Thí dụ, tập 28 dành để giới thiệu phần văn xuôi lãng mạn (các sáng tác văn xuôi của Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Thạch Lam, Xuân Diệu), do GS. Hà Minh Đức làm chủ biên, công bố năm 1994, in thành hai tập 28A và 28B). Các tập 37A, 37B, 37C do GS. Đặng Nghiêm Vạn làm chủ biên, in xong năm 1996, dành để giới thiệu văn học các dân tộc thiểu số.

Tập 1 và tập 36 xuất bản trước Đổi mới (1986) là sáu năm. Bản đề cương tổng thể của bộ tổng tập này được soạn trước năm 1980.

Tập 1 và tập 36 (in năm 1980) khổ sách 16 x 20cm. Sau này các tập khác in theo khổ lớn hơn (16 x 24cm), thí dụ tập 3A xuất bản năm 1991 là in theo khổ 16 x 24cm. Năm 1997, những người chủ trì phải in lại nội dung tập 1 và nội dung tập 36 với hình thức sách khổ 16 x 24.

Năm 2000 Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản Tổng tập văn học Việt Nam in thành 42 tập, trong lần in này không có hình thức một tập gồm nhiều quyển nữa. Khi tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm nước ta, các vị lãnh đạo nước ta đã tặng tổng thống bộ sách 42 tập này.

Chúng tôi nói dài dòng như trên để thấy: PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn đã ghi “42 tập. Tái bản” thì không thể ghi “1984”. Con số 1984 đã không chính xác lại chẳng nói lên một điều gì. Năm 2000 là lúc tên của cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Khoa học xã hội là Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, đến ngày 15 tháng 1 năm 2004 Trung tâm này mới đổi thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Trước những thông tin về bộ Tổng tập văn học Việt Nam, các sinh viên văn học năm cuối đều có thể tra cứu trên mạng và tận mắt đọc sách tại các thư viện lớn ở Hà Nội. Những thông tin mà ông Nguyễn Hữu Sơn ghi chưa thật chính xác sẽ làm cho người đọc băn khoăn rằng, về văn bản, về những tài liệu xuất bản trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những tài liệu được xuất bản ở miền Nam trước ngày giải phóng (tức là những tài liệu khó kiểm chứng hơn) thì mức độ chính xác của chúng trong cuốn sách do ông Sơn chủ trì sẽ như thế nào? Chúng tôi nhấn mạnh điều này để các soạn giả càng cẩn thận và càng chính xác bao nhiêu thì sau này sách của các vị sẽ càng có giá trị và sức sống bấy nhiêu.

- Trang 5, dòng 9¯, dòng 18¯, dòng 3­ tên các cơ quan ghi không chính xác, dòng 14­ cộng tác viên Phạm Lan Oanh phải ghi thêm học vị TS.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá