Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Từ điển đường phố Hà Nội
Thứ bảy, 13/08/2011 04:07
Tác giả: TS. Nguyễn Viết Chức (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

- Đây là cuốn sách tra cứu về tên đường và phố Hà Nội. Cung cấp cho người đọc đẩy đủ, có hệ thống về tên đường phố Hà Nội giúp cho việc tra cứu, nghiên cứu về Hà Nội, đồng thời có thể dùng cho việc hướng dẫn, du lịch, tìm hiểu lịch sử và địa lý Hà Nội.

- Làm cơ sở để nghiên cứu quản lý đô thị, quy hoạch đô thị xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi khác cũng như xây dựng và quản lý giao thông đô thị và các ngành khác như điện, nước, môi trường…

- Góp phần quảng bá du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Bình luận sách

* NNC. Giang Quân (Bình luận đề cương)

I - Trước hết, tôi tán thành về yêu cầu, mục đích và đối tượng của Từ điển đường phố Hà Nội nêu trong đề cương chi tiết. Nói như vậy là đủ ý. Đạt được những tiêu chí ấy sẽ là một công trình đáng được ghi nhận trong số sách chào mừng Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội nghìn tuổi.

II - Với tư cách là người nghiên cứu về văn hoá Hà Nội và đã có sách xuất bản về tra cứu đường - phố - ngõ, công viên - quảng trường - hồ của Hà Nội (cuốn “Hà Nội phố phường”, Nxb Hà Nội, in lần đầu 1999, in lần 2 có bổ sung, phố mới năm 2003, phần Phố Hà Nội trong “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” (tập 1), Nxb. Văn hoá – Thông tin năm 2007 và đã hoàn thành bản thảo “Từ điển đường và phố Hà Nội” đang nằm ở phòng Biên tập NXB Hà Nội, bổ sung các đường phố tới hết năm 2008), tôi xin góp một số ý kiến về nội dung sách và một số chỗ chưa chính xác nên sửa lại như sau:

II.1. Về nội dung sách:

- Việc trích lục bản đồ từng tên phố có nên không, vì sẽ rất lắt nhắt và mất nhiều tốn kém khi in sách. Có lẽ nên in bản đồ chung từng quận, huyện một, chú ý một số đường phố kéo dài qua 2 - 3 quận, huyện để có chú thích. Cũng vì có một số đường, phố kéo dài như vậy nên lập bản đồ cho từng đường, phố là khá phức tạp, nếu in sách khó thể hiện bằng màu sắc. Nên có một số ảnh về các phố lớn, phố cổ, có cả ảnh xưa và nay đối chứng thì rất hay. Một số bản đồ Hà Nội các thời kỳ: 1900, 1945, 1954, 1980, 2008…).

II.2. Về trình bày mỗi mục tên phố, ngõ:

- Nên đưa tập trung cả vào cả đường - phố - ngõ để tiện tra cứu, không nên tách riêng ngõ ra. Để như vậy sẽ gọn hơn nếu tên phố trùng với tên ngỡ (VD: phố Bà Triệu, ngõ Bà Triệu) không phải nhắc lại hai lần, chỉ cần miêu tả phố trước, ngõ sau cùng trong một mục từ. Kể cả những phố của thành phố Hà Đông và Sơn Tây cũng nên tập trung, nếu trùng tên đưa cả vào một mục từ (ghi 1. phố (Hà Nội cũ) 2. ngõ cùng tên (Hà Nội cũ) 3. phố ở Hà Đông, 4. phố ở Sơn Tây)… Người đọc sẻ biết ngay có những phố nào trùng tên ở đâu, không nên chỉ ghi danh sách (như nói ở trang 7).

- Lý do và ý nghĩa của việc đặt, đổi tên phố từng thời kỳ không phải dễ diễn đạt vì không hẳn là có ý nghĩa nhất định đối với địa hình nơi được đặt. Nên cân nhắc hơn. Vài nét miêu tả cảnh quan hiện tại là cần thiết và sẽ khác những công trình đã xuất bản.

II.3. Về mẫu chi tiết giới thiệu phố và đường

Phố An Dương: Ở đoạn trên (trang 4 đề cương) có viết: “tên phố An Dương mới được đặt tháng 01 năm 1999”, cho nên không cần câu kết “Tháng 1 năm 1999 đáp ứng nguyện vọng của cư dân… đặt tên phố An Dương”.

Đường Nguyễn Văn Cừ: Có mấy chỗ cần sửa:

1. Đường nằm trên đất các xã Gia Thụy, Ngọc Lâm, Bồ Đề huyện Gia Lâm rồi thuộc thị trấn Gia Lâm trước đây, nay thuộc phường Ngọc Lâm (không phải thị trấn Gia Lâm vì không còn thị trấn) quận Long Biên từ 01/01/2004.

2. Tiểu sử: Tháng 6 - 1940 (không phải 1941) đồng chí bị Pháp bắt ở Sài Gòn và sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 23/11/1940, Pháp vin vào cớ đồng chí là một trong những người chỉ đạo, nên bị kết án và xử tử hình tại Bà Điểm - Hóc Môn ngày…

III. Một vài chỗ còn thiếu và chưa chính xác

Nên có một bảng liệt kê các sách nói về đường phố Hà Nội từ trước tới nay. Ở phần “ý nghĩa của việc biên soạn sách”, tác giả có nêu một số cuốn, nhưng còn thiếu nhiều. Ví dụ:

- Trong “Niên lịch thông thư” năm 1953, Nxb Cây Thông, Hà Nội thời tạm chiếm, có phần giới thiệu tên phố Hà Nội ngày đó.

- Cuốn “Lược sử tên phố Hà Nội” (không phải Lịch sử) là do Sở Văn hoá Hà Nội xuất bản năm 1964 (không phải 1965) và không phải do Nxb Hà Nội xuất bản (vì Nxb Hà Nội mãi tới 11/1979 mới ra đời).

- “Hà Nội địa danh” của Bùi Thiết, Nxb Văn hoá - Thông tin

- “Từ điển Hà Nội” của Nguyễn Bắc, Bùi Hạnh Cần… Nxb Hà Nội

- “Từ điển đường phố Hà Nội” của Nguyễn Hoài, Nguyễn Loan, Nguyễn Tuệ, Nxb Đại học Quốc gia, 2000.

- “Đường phố Hà Nội” (tập bản đồ tra cứu), Nxb Bản đồ, 2000.

- “Phố phường Hà Nội” của Giang Quân, Nxb Hà Nội, 1999, 2003, trong Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long (tập 1), Nxb. Văn hoá - Thông tin, 2007.

Có thể còn những cuốn khác mà tôi chưa biết. Nên tra cứu thư mục của thư viện Trung ương và Thư viện Hà Nội để đưa vào danh sách và cũng nên tham khảo những tư liệu đi trước này.

Ở mục V - Tổ chức thực hiện (trang 6), tiết 2: thời gian bắt đầu 12/2008, kết thúc 12/2009, xuất bản 3/2009 (?). Có thể đánh máy sai, phải là tháng 3/2010.

IV - Để “Từ điển đường phố Hà Nội” là một công trình mang tính bách khoa, các mục từ cần nêu các đặc điểm của đường, phố, ngõ ấy xưa và nay (về kinh tế, văn hoá, lịch sử), nằm trên địa bàn các phường thuộc quận nào, thị trấn và xã thuộc huyện nào, trên đường phố ấy có cơ quan công quyền nào, cơ sở dịch vụ công cộng lớn nào; di tích lịch sử, cách mạng, kháng chiến nào, nhà hát, rạp hát, nhà ga, bến xe… thì rất tốt và đầy đủ nhất so với các sách cùng đề tài đã in.

Với nội dung như vậy và số cộng tác viên như đã nêu, e rằng thời gian một năm là quá ngắn để hoàn thành.

 

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá