Tóm tắt nội dung:
-
Câu đối (Đối liên, doanh
liên…): là một sản phẩm ngữ văn đặc biệt, một “thể loại văn học đặc biệt”, “một
loại thơ ngắn”… Nó hội tụ đầy đủ đặc trưng giá trị về nội dung, hình thức của
một tác phẩm văn học. Với hai vế đối liên nhau, câu đối đã ra đời sớm trong
lịch sử văn học Trung Quốc và Việt Nam thời Trung đại. Câu đối được sáng tác
bằng văn tự Hán và Nôm, rồi sau này người Việt còn sáng tác câu đối bằng chữ
Quốc ngữ (trên thực tế âm của chữ Quốc ngữ là âm Nôm). Khả năng phản ánh về
diễn đạt cuộc sống của câu đối cũng rất rộng và đa dạng.
Ngay
từ khi xuất hiện, câu đối đã gắn bó với nghệ thuật thư pháp, điêu khắc và sơn
thếp để trở thành một sản phẩm “văn học - nghệ thuật” đặc sắc, phát huy hiệu
quả trong đời sống và đặc biệt là trong trang trí của
các công trình kiến trúc như: Nhà cửa, đình chùa, đền miếu, cung điện… những
sinh hoạt văn hoá và đời sống hội hè, hiếu, hỉ…
- Hà Nội là
trung tâm chính trị, văn hoá, học tập và khoa cử,
nơi hội tụ nhân tài bốn phương. Trải qua lịch sử hàng nghìn năm, đã để lại trên
đất Kinh kỳ nhiều di tích văn hoá, lịch sử; gắn với các di tích là hệ thống câu
đối - hoành phi có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.
- Sách
chuyên khảo Câu đối và Hoành phi Thăng
Long - Hà Nội, tinh tuyển hệ thống câu đối tại các
di tích hoặc đã từng có tại các di tích văn hoá, lịch sử Thăng Long - Hà Nội là
chủ yếu và ở chừng mực trong các sử sách về Hà Nội. Trong số sáng tác đó, có một phần đáng kể là do các tác giả Hán Nôm, các
nhà Khoa bảng thứ bậc cao sáng tác, nó tiêu biểu cho chuẩn mực, của văn học
biền ngẫu.
-
Qua sách chuyên khảo và tinh tuyển câu đối - hoành phi này, nhóm
biên soạn ngoài việc chuyển tải tới độc giả giá trị nội dung chuẩn xác, thưởng
thức cái hay cái đẹp của văn từ, còn thưởng thức vẻ đẹp của văn tự Hán Nôm qua
thư pháp và nghệ thuật điêu khắc sơn thếp.
Bình luận sách
* PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Bình luận đề cương)
Có
thể thấy ngay đây là một đề tài cụ thể, hấp dẫn và đi vào các vấn đề văn hóa
của Thăng Long Hà Nội theo chiều sâu. Việc sáng tác, lưu truyền, thưởng thức
câu đối hoành phi của các địa phương, gắn với các di tích, danh nhân, thắng
cảnh đều thể hiện thái độ của cư dân địa phương, tâm thức văn hóa của người dân
nơi đó. Câu đối hoành phi Thăng Long cũng không nằm ngoài quy luật chung, nó
thể hiện tầm vóc văn hóa của vùng đất địa linh và nơi hội tụ anh tài bốn
phương. Đây là đề tài rất thích hợp với việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đối
với di sản văn vật Thăng Long, câu đối đại tự là một thành tố hợp thành quan
trọng, vì vậy sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu nó cho đông đảo độc giả là việc
làm rất có ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa dân tộc nói chung
và văn hóa Thăng Long nói chung. Có thể nói, nếu không gắn với việc kỷ niệm
1000 năm Thăng Long thì công việc này cũng cần thiết phải làm và nên làm từ
lâu.
Về
việc sưu tầm, dịch thuật và giới thiệu câu đối đại tự Thăng Long- Hà Nội đã có
một vài công trình lẻ tẻ, giới thiệu từng bộ phận, từng nhóm theo các di tích
hay lĩnh vực, nhưng sưu tầm và giới thiệu với quy mô và cách thức tiến hành như công trình này thì
theo tôi là chưa từng được tiến hành ở công trình nào. Vì vậy đề tài này có
tính mới và ý nghĩa khoa học, giá trị khoa học cao.
Đề
tài này hoàn toàn có tính khả thi, vì các lý do: Người chủ trì là người đã có
thời gian dài nghiên cứu về câu đối và câu đối Hà Nội, đã hướng dẫn nhiều luận
văn luận án về lĩnh vực này, người chủ trì cũng từng tham gia các hoạt động
sáng tác, tôn tạo phần di sản văn tự cho các di tích lớn của Hà Nội. Tính khả
thi của đề tài còn thể hiện ở quy mô chọn tuyển, dung lượng cuốn sách…
Đề
cương xét về các phương diện: Tiêu chí chọn tuyển, phạm vi chọn tuyển,
phương pháp chọn tuyển, cách thức tiến hành, phiên âm dịch nghĩa, giới thiệu
tổng quan, trình tự công việc… như trong đề cương đã trình bày theo tôi là
chấp nhận được và mang tính khả thi. Nếu đề cương này được hoàn thành và thực
hiện tốt thì tôi nghĩ rằng cuốn sách xuất bản sẽ rất hấp dẫn và có giá trị.
Một
vài điểm trao đổi thêm:
-
Theo tôi nên tách phần câu đối và hoành phi thành hai công trình riêng, bởi chỗ
chúng có thể tồn tại trong các công trình khác nhau được, trong khi chỉ tuyển
câu đối Thăng Long- Hà Nội đã là việc rất đồ sộ. Đưa hai phần vào có thể khiến
việc đề cập không tập trung và tỷ mỷ cho cả hai.
-
Đề tài nên lưu ý tỷ lệ câu đối Hán và Nôm sao cho thích đáng
-
Đề tài nên lưu ý tới việc khai thác các tài liệu sưu tầm ghi chép câu đối tại các di tích do các nhà Nho trước đây tiến
hành. Điều này có nhiều ý nghĩa bởi chỗ một số di tích hiện nay đã không còn và
một số câu đối được chép trước đây ngày nay đã thất lạc. Chính những ghi chép
này lưu được nhiều câu đối có niên đại sớm. Điều này đương nhiên chỉ là bổ trợ
còn công việc chính vẫn là điều tra, sưu tầm ghi chép thực địa tại các di tích
và các nơi có lưu giữa văn bản.
Kết luận: Đề tài này có ý nghĩa
khoa học, ý nghĩa văn hóa, hoàn toàn có tính khả thi. Đề cương được xây dựng
hợp lý.
Nhà xuất bản Hà Nội