Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội
Thứ bảy, 13/08/2011 04:09
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh (Tuyển dịch, giới thiệu). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hoá - Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

- Kỳ Thi Đình (Đình đối) là kỳ thi cuối cùng và cao nhất của khoa thi Tiến sĩ. Các cống cử - những người đã đỗ kỳ thi Hội, thực chất là đã đỗ Tiến sĩ vào thi Đình là tham gia kỳ thi do Hoàng đế chủ trì. Bài thi của kỳ thi này, chỉ có một bài văn sách nên gọi là: Đình đối sách văn, trả lời câu hỏi do Hoàng đế ra - Sách vấn. Xét về bản chất, Thi Đình là cuộc thi hiến kế sách của các cống sĩ với Hoàng đế và giành thứ bậc cao thấp theo giáp đệ của Tiến sĩ, cao nhất là Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh tức Trạng nguyên. Kỳ thi này không đánh trượt người thi, tâm trạng nặng nề muôn thuở trong khoa trường “văn nhân lạc đệ” không còn mấy chi phối người thi. Họ được “tung hoành bút trận” - thao bút là lời mà Hoàng đế thường khuyến khích người thi trong Sách vấn của mình, về nội dung, văn chương và thư pháp.

Các Sách vấn của Hoàng đế thường hỏi về những vấn đề có tính “quốc gia đại sự”, “quốc kế dân sinh”… Chính vì vậy mà các bài Văn sách Đình đối trở thành những áng văn tiêu biểu về cả nội dung và nghệ thuật.

- Tập sách chuyên khảo chọn lọc các bài Văn sách Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần, Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra có mở rộng thêm một số Trạng nguyên quê tỉnh khác nhưng có gắn bó đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội thời Lý, Trần, Lê.

- Tập sách phản ánh thành tựu cao nhất của chế độ khoa cử Việt Nam, với những người đỗ thứ bậc cao của kỳ thi Tiến sĩ. Đương thời họ tiêu biểu cho nền học thuật giáo dục truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Văn sách thi đình tiêu biểu cho văn chương khoa cử Việt Nam, những áng văn chuẩn mực về văn tự, nghệ thuật và những nội dung xã hội.

- Tập sách có điều kiện vừa phục vụ đối tượng nghiên cứu và độc giả rộng rãi. Đây là dịp giới thiệu một trong những thành tựu văn hoá văn học tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bình luận sách:

* PGS TS Trần Nho Thìn (Bình luận đề cương)

1.     Về đề tài: Đây là đề tài quan trọng và có ý nghĩa nhiều mặt văn hóa, lịch sử, văn học, thiết thực đóng góp vào việc nhận diện vai trò trung tâm văn hóa của Thăng Long trong lịch sử. Góc nhìn văn hóa Thăng Long được đa dạng hóa, được bổ sung bằng những thông tin cho đến nay chưa được phổ biến rộng rãi sẽ có ích và chắc chắn được đón nhận. Đề tài này có tính khả thi rõ rệt, có đóng góp thiết thực cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

2.     Về nội dung: tán thành các nội dung dự kiến nêu lên trong Đề cương. Chỉ xin lưu ý: trong mục 13.2, Dự định tuyển chọn, các tác giả  đưa ra con số 14 người, sau đó là v.v…Như đã nói ở trang 3- có đến 5 bản văn sách của người Hà Nội đã được dịch- thì số lượng dịch mới chỉ còn lại khoảng 9, không nhiều, khó ứng với số kinh phí dự kiến. Theo tôi, sự kiện Thi đình là sự kiện quốc gia, khi diễn ra ở Thăng Long thì đây là tài sản của Thăng Long với tư cách Kinh đô cả nước nên cần chọn lấy tất cả các bài văn sách còn lại trong các kỳ thi đình từ triều Lê trở về trước, kể cả của các tác giả không phải người Thăng Long. Còn đối với các bài văn sách thi Đình triều Nguyễn thì chỉ chọn văn sách của người Hà Nội ( đã tính đến địa bàn mở rộng?) như đề cương là hợp lý.  Cả về mặt quan niệm khoa học và nội dung học thuật, về mặt kinh phí như vậy mới hợp lý. 

3.     Đề nghị thêm: để tăng thêm chất lượng học thuật của đề tài, cần có nghiên cứu so sánh với lịch sử khoa cử Trung Quốc, với Văn sách đình đối của Trung Quốc; cũng nên có phân tích đánh giá khách quan ý nghĩa văn hóa lịch sử tích cực của khoa cử và văn sách đình đối đồng thời cũng nên phân tích mặt hạn chế của khoa cử phong kiến nói chung. Tinh thần khách quan, khoa học, hiện đại theo tôi cần có trong các công trình khảo cứu cổ học.

4.     Chi tiết nhỏ: kinh phí dự trù ghi không khớp giữa con số và viết bằng chữ.

Kết luận: Tôi tán thành với Đề cương, đề nghị thông qua, sau khi tác giả giải đáp một vài nhận xét nêu trên.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá