Tóm tắt nội dung:
-
Phong trào Tây Sơn là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dân tộc. Đáng tiếc
là nó tồn tại trong thời gian quá ngắn, lại bị triều Nguyễn sau đó tìm mọi cách
xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết của nó, khiến ngày nay chúng ta có quá ít tài
liệu để nghiên cứu. Công trình là một nỗ lực sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu
các di văn ra đời trên vùng đất “nghìn năm văn hiến” dưới hai triều Quang Trung
và Quang Toản, nhằm góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một
phong trào nông dân khởi nghĩa lớn nhất nước ta cuối thế kỷ XVIII.
-
Đối tượng phục vụ của công trình là giới nghiên cứu về Tây Sơn, về Thăng Long -
Hà Nội… Bạn đọc thông thường cũng có thể từ công trình này lý giải vì sao tượng
đài Quang Trung - Nguyễn Huệ lại được dựng lên tại gò Đống Đa trên đất Thủ đô..
- Để có một tập
sách mang ý nghĩa “tồn cổ” và góp phần làm sống lại nhiều mặt mà triều Tây Sơn
đã cung hiến cho đất nước, công trình trước hết quan tâm đến các văn bản khắc
trên bia, chuông khánh… nguồn tư liệu có độ tin cậy cao nhưng lại dễ hư hỏng,
mất mát. Thứ đến là mảng sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị…
trong đám “trí thức Bắc Hà” đã đồng hành cùng phong trào Tây Sơn, thể hiện qua
các bài biểu, thư, thơ, phú, văn tế… của họ. Và cuối cùng là những bài dụ,
chiếu, sắc của các vua Quang Trung, Quang Toản liên quan đến con người, sự
việc… ở “Bắc Thành”. Từ đây, ta hiểu được mối quan hệ hai chiều giữa Tây Sơn và
Thăng Long - Hà Nội..
Bình
luận sách
* PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ (Bình
luận đề cương)
1.
Về đề tài công trình:
Thời Tây Sơn (1788 -1802) tuy tồn tại
trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng là một thời đại đặc biệt với những
chiến công vô cùng hiển hách của phong trào Tây Sơn và thể hiện khí phách, trí
tuệ, tài ba tuyệt vời của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Đó quả
là một hiện tượng kỳ diệu trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta mà
cho đến nay vẫn còn nhiều điều, nhiều khía cạnh chưa được hiểu biết hết. Mặc dù
bị vương triều Nguyễn tìm mọi cách xuyên tạc, lấp xoá các dấu vết về thời Tây
Sơn nhưng qua các di sản Hán Nôm vẫn còn những tư liệu quý giúp ta tìm hiểu
nghiên cứu sâu thêm về mọi mặt chính trị, quân sự , kinh tế, văn hoá,... của
một giai đoạn hào hùng nhất trong lịch sử dân tộc. Nay nhân dịp sắp kỷ niệm một
nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng
Long - Hà Nội nếu được thực hiện sẽ là một công trình đáp ứng được sự mong
mỏi lâu nay của xã hội về mặt văn hoá lịch sử thời Tây Sơn, đặc biệt là những
di văn thời Tây Sơn trên đất Hà Nội. Qua bản đề cương và những điều tôi được
biết về lịch sử của đề tài này, tôi thấy đây là một đề tài hay, không bị trùng
lặp với các công trình đã công bố, rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, cần
được tiếp tục triển khai, khai thác, bổ sung, nghiên cứu hoàn thiện để dáp ứng
yêu cầu người đọc hiện nay.
2.
Về tính thực thi của đề tài:
Đề tài này có khả năng thực thi rất
cao vì chủ nhiệm đề tài và nhóm công trình đã từng thực hiện nhưng còn dở dang,
chưa công bố, nay trên cơ sở những kết quả đã làm được, bổ sung thêm tư liệu,
nâng cao thêm trình độ dịch thuật... tăng cường thêm tính chất nghiên cứu khoa
học là có thể hứa hẹn có một cuốn sách dày dặn có giá trị. Hơn nữa, đội ngũ
những người tham gia công trình đều là những người có bề dầy, nhiều kinh
nghiệm, có trình độ trong công tác nghiên cứu Hán Nôm, có uy tín chuyên môn, có
thể đảm bảo cho chất lượng của cuốn sách sau khi xuất bản.
3.
Về bố cục cuốn sách:
Theo như bản đề cương , cuốn sách sẽ
gồm 4 phần chủ yếu :
- Tổng quan.
- Di văn.
- Phụ lục.
- Sách và tài liệu tham khảo.
Trong đó, phần Tổng quan và phần Di
văn là 2 phần trọng tâm. Bố cục sách như vậy là hợp lý và khoa học.
4.
Về nội dung cuốn sách:
Từ hai nguồn tư liệu quan trọng là kho
thư tịch tài liệu Hán Nôm tại Viện NC Hán Nôm và kho thác bản minh văn của Ban
quản lý di tích và danh thắng Hà Nội thuộc Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội, sưu
tập và phát hiện thêm các di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội. Số
di văn thời Tây Sơn được chia ra làm 3 mảng lớn là: văn kiện triều đình, tác
phẩm danh nhân, di văn ở phường xã. Phần Tổng quan được xem như là phần khảo
cứu, giới thiệu về tình hình văn bản, giá trị văn bản và những đánh giá, nhận
định của nhóm công trình. Rất tiếc là ở đây chưa được biết phần này sẽ khoảng
bao nhiêu trang trong số 700 trang của cuốn sách. Với 700 trang sách thì số di
văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội đã được giới thiệu hết chưa hay
mới chỉ tuyển dịch?
Phần về các di văn sẽ được tuyển chọn
xếp theo từng mảng mỗi mảng đều được xếp theo hình thức thể loại, trong từng
thể loại các văn bản lại được xếp theo thứ tự thời gian. Đó là cách làm hợp lý,
mạch lạc, dễ theo dõi và logic với phần tổng quan.
Nhìn chung, qua bản đề cương chi tiết
đã có thể hình dung ra hình thức và nội dung của một cuốn sách có giá trị. Các phần còn lại đều cần thiết và
làm phong phú thêm cho cuốn sách.
5.
Kết luận:
Bản đề cương trình bầy đầy đủ, rõ ràng về công
trình Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội. Đây là một công
trình có tính khả thi cao, nếu được thực hiện sẽ cung cấp cho độc giả và bổ
sung vào tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến một cuốn sách phong phú về
nội dung, giàu ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Nhà xuất bản Hà Nội