Tóm tắt nội
dung
- “Tuyển tập Ngô gia văn phái” là công trình
được đầu tư nghiên cứu từ nhiều năm nay, được đánh giá là thành tựu lớn nhất
trong dòng văn học đương đại cả về số lượng và chất lượng.
- Ngô gia văn phái là một “dòng văn” lớn chảy dài qua hai thế kỷ
18, 19, từ Ngô Thì Ức (đầu thế kỷ XVIII) đến Ngô Giáp Đậu (đầu thế kỷ XX). Số
tác gia có tác phẩm để lại chừng 15 người; số lượng trang khoảng 5000 trang chữ
Hán. Đặc biệt là tác phẩm của Ngô gia rất phong phú về môn loại, thể loại, đề
tài và đặc sắc nghệ thuật. Công trình đã đánh giá tổng quát toàn bộ thành tựu
của Ngô gia văn phái với ý nghĩa một dòng văn; bước đầu khái quát thành lý luận
về dòng văn trong văn học cổ điển Việt Nam đồng thời tuyển chọn và dịch các tác
phẩm của văn phái để đạt tới một bộ tuyển tập của Ngô gia hoàn thiện và đầy đủ.
- Việc tuyển chọn, sắp xếp các tác giả của dòng văn Ngô
gia theo diễn tiến thời gian cho thấy được đỉnh cao và thoái trào của dòng văn, có ý
nghĩa tích cực trong việc nghiên cứu về các dòng họ nổi tiếng hiện nay.
Bình luận
* Nhận xét của GS. Nguyễn Đình Chú (Bình
luận bản thảo)
1. Đây là một công trình rất có ý nghĩa trong việc làm
sống lại những giá trị di sản văn học dân tộc. Nhóm biên soạn do hai vị đồng
chủ biên là Trần Băng Thanh và Lại Văn Hùng cùng tập thể nhóm biên soạn là một
lực lượng không thể tốt hơn trong tình hình Hán học hiện thời ít ra là tại Hà
Nội.
Công trình đã được biên soạn một cách công phu chứng
tỏ các soạn giả đã có một sức bao quát, chiếm lĩnh đối tượng khá dày dặn, có
trình độ thao tác khoa học khá chững chạc. Phần “Tìm hiểu văn bản bộ sách Ngô gia văn phái”, “Mấy điều phi lộ về cách biên soạn”, rồi cả phần “Phụ lục” ở cuối công trình tuyển tập dễ
thường đã cho người đọc có ấn tượng về thế mạnh của nhóm soạn giả. Riêng ở phần
dịch thuật các văn bản Hán ra tiếng Việt trong phạm vi dịch mới thì để có một
sự đánh giá cuối cùng, thiết tưởng là Nhà xuất bản Hà Nội còn cần thêm một động
tác nữa là phải mời được một vài vị cao thâm về Hán học xem thêm cho, chứ Hội đồng
nghiệm thu này chắc chưa thể có thời gian, kể cả trình độ để có tiếng nói cuối
cùng.
2. Ở đây, xin được nói riêng về chuyên khảo “Ngô gia văn phái - Mấy điều khái quát”. Đúng
là qua những gì đã được viết ra, vẫn chứng tỏ tác giả là người đã chiếm lĩnh đối
tượng, xâm nhập tác phẩm Ngô gia văn phái, chắc là chưa có người thứ hai như
thế. Tuy nhiên, về mặt tổ chức nội dung, đánh giá về hiện tượng văn học thì chưa
thật gây được nhiều hứng thú cho người đọc. Chuyên luận quá dài dòng. 88 trang,
mà ấn tượng để lại cho người đọc về giá trị Ngô gia văn phái trong đó có ấn tượng
về một vài tác giả lớn nhất của văn phái là Ngô Thời Sĩ và Ngô Thời Nhiệm, về
một vài tác phẩm lớn nhất của văn phái là “Khuê
ai lục”, “Hoàng Lê nhất thống chí”…
chưa đủ độ cao mà người đọc muốn có.
Ở đây, trước một sự nghiệp văn chương vô cùng bề thế
của Ngô gia văn phái, quả có thể có nhiều hướng tiếp cận:
- Từ cách tiếp cận “mấy điều khái quát” như tác giả đã
làm.
- Từ cách tiếp cận thể loại
- Kể cả cách tiếp cận tác gia.
Tất nhiên là không nên cực đoan hoá tính năng một cách
tiếp cận nào, mà dù theo cách nào thì cũng ít nhiều có sự đan xen giữa các cách
tiếp cận đó. Vấn đề là vừa theo một cách tiếp cận chính vừa dung hoà với các
cách tiếp cận khác.
Với tôi, tôi thích tiếp cận thể loại vì dễ làm nhất và
cũng dễ cho người đọc thấy cái độ bề thế của Ngô gia văn phái hơn. Tiếp cận
theo thể loại, chính là hướng đi hiện đại mà khoa văn học sử gần đây rất coi
trọng. Bởi với cách này, việc khám phá giá trị văn phẩm dễ có tính văn hơn và
sát sao hơn. Trong khi tiếp cận theo thể loại, sẽ có điểm nhấn đối với tác phẩm
và tác giả. Với cách này thì cuối cùng vẫn cần kết lại bằng những cái nhìn khái
quát như tác gia chuyên luận đã nêu. Dĩ nhiên phải khái quát một cách đích đáng
hơn nữa. Dĩ nhiên là phải cô đúc hơn và tỏ ra có luận điểm sắc sảo.
3. Trên đây là cảm nghĩ chung của tôi về “Mấy điều khái quát” - nghĩ sao nói vậy -
mong tác giả xem xét xem sao.
Sau đây, tôi xin nói cụ thể thêm những điều mà tôi còn
băn khoăn ở “Mấy điều khái quát” đó:
Trước hết, hãy nhìn vào bố cục.
I. Ngô Thì, một gia tộc văn phái ở Tả Thanh Oai.
II. Văn nghiệp Ngô gia, một thành tựu trước tác lớn
1. Ngòi bút chép sử của Ngô gia và sử gia Ngô Thì Sĩ
2. Ngô gia văn phái và khuôn thước của Ngô gia
2.1. Quan niệm về văn, văn phái
2.2. Sự phong phú về nội dung đề tài
2.2.1. Xã hội Bắc Hà thế kỷ XVIII, một nội dung phong
phú, thể hiện cái nhìn sắc sảo và tinh thần nhân văn của văn phái.
2.2.2. Kẻ sĩ, hoài bão và thân phận trong thời đoạn
cuối mùa của nhà nước Lê Trịnh.
2.2.3. Chủ đề gia đình
và tình yêu, một nội dung đặc sắc của Ngô gia văn phái.
2.2.4. Triều đại Tây Sơn và nhân vật người anh hùng
Nguyễn Huệ
3. Đặc điểm và những đóng góp mới về nghệ thuật.
3.1. Chất ký sự phong phú trong văn xuôi và thơ Ngô
gia văn phái
3.2. Ngòi bút nghị luận sắc sảo giàu tinh thần phê
phán trong văn khải tấu
3.3. Ngòi bút trào phúng đa cung bực nhẹ nhàng mà sắc
sảo
3.4. Nghệ thuật dựng truyện và xây dựng nhân vật trong
tiểu thuyết chương hồi.
III. Lời kết
Kể ra với một trình độ tư
duy thông thường thì với một bố cục và những nội dung trong bố cục được nêu như
trên cũng chẳng có gì phải bàn lắm. Nhưng đây là một công trình đồ sộ để kỷ
niệm 1000 năm Thăng Long, cũng là công trình để đời cho hậu thế, đặc biệt lại đã
được các soạn giả - trước hết là chủ biên - đã tạo ra khá công phu, bề thế như
thế thì quả thật cách giới thiệu chung này chưa xứng lắm. Có thể có nhiều thắc
mắc như sau:
1. Tại sao lại không
trình bày quan niệm về văn và văn phái ngay ở mục I? Thêm nữa, phần này ít
nhiều lặp với phần “Tìm hiểu văn bản bộ
sách Ngô gia văn phái” ở sau. Cần có sự phối hợp.
2. Tại sao trong mục II,
điểm 1 “Ngòi bút chép sử…” lại nằm
ngoài điểm 2: “Ngô gia văn phái và khuôn
thước của Ngô gia”, “và khuôn thước”
là gì?
3. Điểm 2.2 mục II: “Sự phong phú về nội dung đề tài” cách
khái quát và nêu lên 4 nội dung như thế là vừa đúng vừa chưa thật đúng. Rồi
tiêu đề thì nói “… nội dung đề tài” nhưng ở điểm 2.2.3 lại nói “chủ đề
gia đình…” vậy “đề tài” và “chủ đề” là
một sao? Vả chăng nói chủ đề gia đình và tình yêu một nội dung đặc sắc của Ngô
gia văn phái thì tôi sợ chưa hoàn toàn chính xác. Vì đề tài gia đình thì tạm
cho là thế. Mặc dù nó cũng chưa đáng coi là đặc sắc, nhưng nó tương đối phổ
biến. Chứ về tình yêu thì liệu có thể không? Đành là nó đặc sắc đấy, nhưng nếu
tôi không lầm thì chỉ ở Ngô Thì Sĩ với “Khuê
ai lục” mà thôi. Chứ các tác giả khác có gì đáng kể đâu. Ở đây khác Tự lực văn đoàn, khác Thơ mới về sau vì tình yêu không chỉ là
của một thành viên mà của cả văn đoàn, của cả phong trào.
Quả ở đây có vấn đề ít
nhiều về cái gọi là khái quát đối với một công trình trong đó vừa mang tính
chung, vừa mang tính riêng. Khái quát về cái chung là phải tìm đúng cái chung
của nó. Chỉ lấy một cái riêng để gán cho cái chung thì tính khắc hoạ là chưa
tốt, nhất là một khi mà ý thức tự giác về văn phái của Ngô gia văn phái chưa
tới độ như tự lực văn đoàn về sau.
4. Bốn điểm nêu lên về
nghệ thuật đều có cả, đúng cả, nhưng người đọc vẫn có thể thắc mắc muốn hỏi:
Nội dung nghị luận gì? Nội dung trào phúng gì? mà có được nghệ thuật đó. Cách
dàn dựng vấn đề theo kiểu này quả là có ít nhiều bất lợi so với cách dàn dựng
vấn đề theo thể loại mà ở đó vừa nói được nội dung vừa nói được nghệ thuật.
5. Nhìn chung, còn có
một số chữ lặp, một số chỗ hơi lan man, một số chỗ mở rộng liên hệ với hiện tượng
ngoài Ngô gia văn phái cần được rà soát lại để bớt sự dài dòng. Ví dụ: Ở mục I
giới thiệu về văn phái Ngô gia thì chưa cần dẫn chứng tác phẩm mà nên dành cho
phần sau. Ngay ở tiểu tiểu mục 1.2.2. của tiểu mục 2.2. thuộc mục 2 (II) thì
phần nói về xã hội Bắc Hà cũng có phần chưa hợp lý. Vì nó là bối cảnh cho cả
các vấn đề khác nữa (kẻ sĩ, gia đình, tình yêu). Đây vẫn là chuyện bố cục nội
dung sao cho chặt chẽ hơn, hợp lý hơn.
6. Tôi muốn tác giả làm nổi bật hơn về hai tác phẩm đặc
sắc nhất của Ngô gia văn phái là “Khuê ai
lục” và “Hoàng Lê nhất thống chí”,
so với những gì đã viết:
6.1. Với “Khuê ai lục”:
phải thấy nó là một tác phẩm vào loại tiêu biểu nhất cho sự trỗi dậy của trào lưu
nhân văn của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII trong đó có sự trỗi dậy của cái tôi
cá thể (l’individu). Trong cái tôi cá thể đó, có cái tôi tình yêu, cái tôi cảm
xúc. Đây là cả một vấn đề rất lớn của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII đầu XIX mà
“Khuê ai lục” là một hiện tượng hiếm
lạ nhất (cùng với “Đoạn trường lục”
của Phạm Nguyễn Du).
6.2. Với “Hoàng Lê nhất thống
chí”: phải hiểu đúng những giá trị độc đáo, lớn lao của nó từ những ý cơ
bản hơn nữa như sau:
- Nó là tác phẩm kết
tinh trên cơ sở quy luật văn sử bất phân, vốn là một quy luật cơ bản của văn
học trung đại. Ở đây là 1 sự kết hợp kỳ diệu giữa sử bút và văn bút.
- Ở “Hoàng Lê nhất thống chí” là một sự tranh
chấp quan điểm chính thống với cảm quan hiện thực mãnh liệt của nhà văn và cũng
là nhà sử và sự chiến thắng của cảm quan hiện thực. Chính đây là điều cốt lõi để
cắt nghĩa sự phức tạp trong “Hoàng Lê
nhất thống chí”. Tác phẩm viết theo quan điểm chính thống, nói về sự nhất
thống của nhà Lê, nhưng cảm quan hiện thực đã lại phơi bày sự suy tàn, nhếch
nhác của nhà Lê. Quan điểm chính thống, nên vẫn coi Tây Sơn là ngụy triều. Nhưng
cảm quan hiện thực lại tạo ra những trang viết hào hùng về phong trào Tây Sơn độc
nhất vô nhị của văn học đương thời. Quan điểm nhất thống là chính thống đối với
nhà Lê nhưng cảm quan hiện thực lại là tác phẩm duy nhất diễn tả được quy luật
dẫn đến sự sụp đổ của triều Lê…
- “Hoàng Lê nhất thống chí” là tác phẩm tiểu thuyết rất hiếm có trong
lịch sử tiểu thuyết Việt Nam
xưa nay ở các quan điểm sau:
+ Có một không gian nghệ
thuật gần như ở cả nước (dĩ nhiên Bắc Hà là chính).
+ Có một thời gian nghệ
thuật cũng dài hơn đâu hết từ khoảng 1776 - 1804.
+ Có một khối lượng, một
thế giới nhân vật nhiều không đâu bằng, mà nhân vật đâu ra đấy.
+ Có một vốn sống không đâu
sánh kịp.
***
Đúng là tôi đã hơi dài
dòng, thậm chí là hơi đa sự, nhưng như đã nói: công trình này là để kỷ niệm
1000 năm Thăng Long, sẽ là công trình để đời đối với hậu thế, và cũng là công
trình chắc là không chỉ người Việt Nam trong nước mà cả ngoài nước và cả các
học giả ngoài đón đọc, nên càng tốt được chút nào thì càng hay chút đó. Nhất là
một khi bản thảo của công trình đã đạt đến mức mà tôi rất kính nể. Cho nên tôi
lại muốn các soạn giả cố thêm chút nào hay chút đó.
Tóm lại là tôi rất muốn
nâng cấp bài khái quát chung này. Nâng như thế nào là tuỳ tác giả. Có thể có 2
cách:
1. Vẫn giữ nguyên kết
cấu như thế nhưng điều chỉnh thêm ở những chỗ chưa ổn như đã nói. Nhưng gì thì
gì vẫn phải gọn bớt bằng cách tránh lan man, tránh lặp.
2. Nếu được thì xoay
chuyển lại cách tiếp cận theo thể loại. Vì như đã nói với cách này dễ làm hơn và
cũng hiện đại hơn, cũng chi ly hơn, làm rõ sự nghiệp của Ngô gia văn phái hơn.
Theo tôi nên xoay lại, như thế đối với tác giả cũng không mất thời gian lắm vì
tác giả đã là người chiếm lĩnh đối tượng khá chu đáo. Vấn đề ở đây là thay đổi
cách làm bánh, cải tiến kỹ thuật làm bánh, chứ nguyên vật liệu thì đã sẵn cả
rồi.
Những điều tôi nói trên đây,
không chắc điều gì cũng đúng. Nhưng với động cơ như đã nói, tôi cố nói hết ra.
Mong các soạn giả, nhất là 2 chủ biên thông cảm và chủ động trong khi xem xét
vấn đề.
Nhà xuất bản Hà Nội