Tóm tắt nội dung:
-
Thu thập, xử lý, tổng hợp số liệu thống kê kinh tế - xã hội của Hà Nội từ 1945 đến
năm 2010 để biên soạn cuốn sách “Tư liệu thống kế kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội
1945 - 2010” góp phần vào Tủ sách “Thăng
Long ngàn năm văn hiến”.
-
Những số liệu thống kê kinh tế - xã hội thu thập, xử lý, tổng hợp thành hệ thống
với dãy số liệu liên tục nhiều năm sẽ góp phần phản ánh khái quát động thái và
thực trạng kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội qua các con số thống kê định lượng
từ Cách mạng tháng Tám đến nay.
-
Cuốn sách là nguồn tư liệu cho những nhà nghiên cứu về kinh tế - xã hội của Thủ
đô Hà Nội những năm 1945 - 2010 dưới chế độ mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam quang vinh.
Bình luận sách
* Ông Đỗ Ngọc Khải (Bình
luận bản thảo)
Hướng tới kỷ niệm đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội,
cuốn sách “Hà Nội qua số liệu thống kê 1945-2008” sẽ là một ấn phẩm đẹp,
có ý nghĩa trong Tủ sách “Thăng
Long ngàn năm văn hiến”. Cuốn sách là một công trình khoa học thể
hiện sự nghiên cứu hết sức công phu và nghiêm túc của tập thể tác giả về Thủ đô
Hà Nội trong suốt hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và phát triển.
Về kết cấu của bản thảo
Cuốn sách được phân bố thành hai phần là hợp
lý. Sau lời giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của việc biên soạn cuốn sách tác
giả cũng đã sơ lược được kết cấu và nội dung của từng phần; trong phần I tác giả đã có những phân tích tổng quan kinh
tế - xã hội Hà Nội; để minh họa rõ hơn cho những phân tích ở phần I, trong phần
II - tác giả đã hệ thống hoá được những chuỗi số liệu thống kê kinh tế, xã hội
Hà Nội giai đoạn 1945-2008. Như vậy, có thể thấy về mặt kết cấu trong quá trình
biên soạn tác giả đã luôn bám sát được tiêu chí và yêu cầu đặt ra là giữa các
phần đã có mối liên hệ và bổ sung chặt chẽ cho nhau.
Về nội dung của bản thảo
Với
mục đích biên soạn một cuốn sách hay về lịch sử phát triển Hà Nội trong giai
đoạn từ sau cách mạng tháng Tám đến nay với những con số thống kê biết nói,
trong nội dung từng phần của cuốn sách tác giả đã làm rõ và đáp ứng được mục
đích nghiên cứu.
Phần
I với tiêu đề “Tổng quan kinh tế - xã hội Hà Nội”, trước khi đi sâu vào
phân tích từng thời kỳ phát triển của Hà Nội từ năm 1945 đến nay, tác giả đã
biết khéo léo giới thiệu về vị trí địa lý, đặc điểm khí hậu, địa hình, đất đai,
tổ chức hành chính, dân cư và lịch sử hình thành nên kinh đô Thăng Long xưa mà
nay là Thủ đô Hà Nội.
Trong
phân tích động thái và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, để làm
nổi bật những đặc trưng và dấu mốc phát triển của Hà Nội trong từng thời kỳ,
tác giả đã phân kỳ rõ thành 4 giai đoạn phát triển cơ bản của Hà Nội từ năm
1945 đến nay. Giai đoạn (1) từ 1945-1954 , Hà Nội cùng cả nước đứng lên giành
chính quyền xây dựng nhà nước non trẻ và thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp. (2) từ 1955- 1975, Hà Nội cùng Miền Bắc xây dựng CNXH,
thực hiện khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá, góp phần xứng đáng
vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất
tổ quốc. (3) từ 1976 - 1985, đẩy mạnh
khôi phục, phát triển kinh tế xã hội thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội 5 năm. (4) từ 1986 - nay, đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng và phát
triển kinh tế xã hội theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN.
Nguồn số liệu trong phân
tích đã được tác giả chú ý cập nhật thường xuyên và sử dụng các phương pháp thống
kê để xử lý, tổng hợp và phân tích. Do biết sử dụng các nguồn số liệu thống kê
để chứng minh và phân tích cũng như những tài liệu tham khảo khá phong phú để
minh họa, nên trong bài phân tích tác giả đã biết làm nổi bật lên được những
đặc điểm phát triển của từng giai đoạn. Nội dung phân tích trong từng giai đoạn
cũng đã đề cập được đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội Hà
Nội như kinh tế, chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục …
Trong phần II, các tác giả đã xây dựng được
một hệ thống chỉ tiêu thống kê tương đối đảm bảo được sự thống nhất về nội
dung, phạm vi thu thập thông tin cũng như phương pháp tính toán để có thể so
sánh, đánh giá về mặt thời gian và không gian.
Do luôn
bám sát vào mục đích nghiên cứu, tính chất và đặc điểm của đối tượng nghiên cứu
mà hệ thống số liệu thống kê kinh tế - xã hội
Hà Nội đã phản ảnh được khá toàn diện các nội dung nghiên cứu. Hệ thống
số liệu được coi là phần lịch sử Hà Nội được viết bằng những con số, bao gồm
các nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan
trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chỉ số phát triển của hầu hết các
lĩnh vực kinh tế xã hội… Ngoài phần số liệu chung là những số liệu thống kê
phản ánh các hiện tượng kinh tế, xã hội và tự nhiên như khí hậu, diện tích, dân
số, lao động … được thu thập và tính toán xuyên suốt cả thời kỳ dài từ 1945 đến
nay, phần II cũng đã đi sâu vào hệ thống số liệu thống kê nhiều năm được phân
tổ chi tiết theo ngành, thành phần kinh tế, đơn vị hành chính nhằm phản ánh
toàn diện thực trạng tình hình kinh tế, xã hội Hà Nội trong từng giai đoạn.
Tuy
nhiên, xét về mặt nội dung và hình thức thể hiện còn một số điểm đề nghị tác
giả cần làm rõ và bổ sung như sau:
Thứ nhất là ở trang đầu tiên tên của bản thảo là “Hà
Nội qua số liệu thống kê 1945 - 2008” nhưng trong lời giới thiệu tác
giả lại giới thiệu với bạn đọc cuốn “Kinh tế - xã hội Hà Nội 1945 - 2008 qua
số liệu thống kê” đề nghị tác giả làm rõ đâu là tên chính thức của cuốn
sách.
Thứ hai là: Trong phần b - mục 2.4 trang 31, để có một bức
tranh phản ánh đầy đủ và sinh động thời kỳ phát triển kinh tế xã hội từ năm
1991 đến nay, tác giả nên phân tích và đánh giá bổ sung một số vấn đề và lĩnh
vực sau:
+
Về đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển cở sở hạ tầng, quy hoạch đô thị (cùng với
tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ, đô thị Hà Nội
đã được mở rộng, nhiều khu đô thị mới và chung cư cao tầng đã được đầu tư xây dựng để phục nhu
cầu về nhà ở cho dân cư…)
+
Về hoạt động tài chính ngân hàng (Hà Nội là một trong hai trung tâm tài chính
của cả nước, nơi tập trung các tập đoàn tài chính trong và ngoài nước…)
+ Khi phân tích những đóng góp của hoạt động
sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong những năm đổi mới nên bổ sung những
thành tựu, đóng góp của các khu công nghiệp. Sự ra đời của các khu công nghiệp
không những giải quyết tốt vấn đề mặt bằng cho các các cơ sở sản xuất mà còn
đóng góp tích cực vào chiến lược và quy
hoạch phát triển công nghiêp Thủ đô.
+
Hà Nội 36 phố phường trước kia đã nổi tiếng với những làng nghề truyền thống.
Sau khi Hà Tây được sát nhập vào cuối năm 2008, Hà Nội là địa phương tập trung
làng nghề đông đúc nhất cả nước. Đây là một trong những nét đặc trưng của Hà
Nội tác giả nên đề cập đến trong phân tích của mình.
+
Trong phân tích về lĩnh vực xã hội tác giả đã đánh giá được những thành tựu
trong lĩnh vực y tế, giáo dục của Hà Nội những năm đổi mới. Tuy nhiên, tác giả
nên bổ sung những phân tích về lĩnh vực văn hoá bởi lẽ Hà Nội không chỉ là
trung tâm về chính trị, kinh tế mà còn là trung tâm văn hoá, khoa học của cả
nước.
+
Phần phân tích, đánh giá của tác giả mới dừng ở thời điểm năm 2007. Nếu cập
nhật thêm thông tin năm 2008 của Hà nội thì phần phân tích, đánh giá này sẽ đầy
đủ và hoàn chỉnh hơn.
Thứ ba
là: Trong hệ
thống số liệu có một số chỉ tiêu cần được sắp xếp hợp lý hơn để đảm bảo nguyên
tắc không thừa, không thiếu, tránh được sự trùng lắp mà vẫn đáp ứng được nhu
cầu thông tin thống kê cần thiết đối với việc nghiên cứu. Một số chỉ tiêu đã
được hệ thống và trình bày chi tiết trong từng thời kỳ, thì trong phần số liệu
chung chỉ nên hệ thống hoá và đưa ra ở một số năm chẵn hoặc những mốc thời gian
đặc biệt, ví dụ những năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hay giải phóng Thủ đô…
Thứ tư
là:
Hệ thống số liệu thống kê được thu thập, tính toán cho giai đoạn từ 1945 -
2008, chưa có phần dự báo đến 2010. Do vậy, trong phần thứ hai trang 287 nên
sửa lại là thời kỳ 1986 - 2008. Hầu hết các biểu số liệu của các phần đều thiếu
thông tin năm 2008, đề nghị các tác giả bổ sung thêm. Đồng thời, trong phần
hai, các biểu số liệu, nên đánh số kí hiệu biểu để người xem tiện theo dõi và
tra cứu.
Trên
đây là những ý kiến nhận xét về bản thảo cuốn “Hà Nội qua số liệu thống kê
1945-2008” do tập thể tác giả Vụ Thống kê Tổng hợp - Tổng cục Thống kê biên
soạn. Cuốn sách sẽ là một tư liệu quý về bức tranh kinh tế - xã hội Hà Nội
trong giai đoan phát triển 1945 - 2008. Chỉ còn ít ngày nữa là Thủ đô Hà Nội sẽ
tiến hành đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội, cuốn sách sẽ là một “món
quà” hết sức ý nghĩa dành tặng bạn đọc gần xa và những người yêu mến Thủ đô Hà
Nội.
Nhà xuất bản Hà Nội