Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Nghệ thuật múa Hà Nội truyền thống và hiện đại
Chủ nhật, 14/08/2011 11:35
Tác giả: PGS.TS. NSND. Lê Ngọc Canh (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung:

- Công trình nghiên cứu đầy đủ, hệ thống  lịch sử phát sinh, phát triển của nghệ thuật múa Hà Nội.

- Trên cơ sở lịch sử, địa lý, văn hoá xã hội và tính cách người Hà Nội, tác giả đi sâu phân tích:

+ Đặc điểm tính cách nghệ thuật múa truyền thống Hà Nội trong các lĩnh vực: lễ hội, tôn giáo, cung đình, sinh hoạt cộng đồng…

          + Nghiên cứu nghệ thuật múa Hà Nội thời hiện đại (các điệu múa trong cộng đồng, các đoàn nghệ thuật múa chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp).

- Dành một chương cho các công trình lý luận về nghệ thuật múa Hà Nội.

Bình luận

*NSND. Lê Ngọc Cường (Bình luận bản thảo)

Ghi nhận và đánh giá cao tình cảm, tâm huyết, trình độ, năng lực của nhóm tác giả.

Đây là công trình có giá trị, có ý nghĩa, có tác dụng đáp ứng được nhiều đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, những người làm nghề và bạn đọc.

- Từ đề cương tóm lược, tôi rất bất ngờ và thấy thú vị khi đọc bản thảo chi tiết: từ lời nói đầu cho đến hết Chương III công trình đã cung cấp được nhiều thông tin tư liệu có giá trị, cách trình bầy ngắn gọn, súc tích.

- Từ lời nói đầu: tác giả nêu một số nhận định khái quát, lý giải cách thức, phương pháp nghiên cứu, khái quát nội dung công trình (có thể thấy phần này viết rất khéo, vừa đủ dung lượng).

* Chương Mở đầu: Tổng quan nghệ thuật Múa Hà Nội:

Chương này khái quát tốt, không sa đà vào việc sao chép lại tiến trình các sự kiện lịch sử mà nhiều công trình đã viết. Ở đây tác giả đã biết điểm lược những sự kiện lịch sử có tác động trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển nghệ thuật Múa của Hà Nội - Những sự kiện lịch sử trích dẫn rất chọn lọc vừa đủ, viết ngắn gọn, có hệ thống, dễ theo dõi, dễ nhận biết, có độ tin cậy, thuyết phục người đọc.

Tuy nhiên sau khi đọc kỹ toàn bộ Chương mở đầu tôi có 02 ý kiến đề nghị xem xét lại:

a) Căn cứ nội dung trình bầy đề nghị tác giả chỉnh sửa lại tên các đề mục - cụ thể là:

- Tại mục 1. TÌM VỀ bối cảnh xã hội và sự ra đời của nghệ thuật Múa Hà Nội trước nghìn năm Thăng Long - Hà Nội

Đề nghị chỉnh lại là: Bối cảnh xã hội và sự hình thành phát triển nghệ thuật Múa Thăng Long - Hà Nội.

Viết như vậy sẽ ngắn gọn, không cần giải thích vì đây là tiêu đề do đó không cần viết chữ: Tìm về….và bỏ cụm từ "múa Hà Nội trước nghìn năm Thăng Long - Hà Nội ".

b) Thực chất chương này có 02 nội dung cơ bản là :

- Bối cảnh xã hội và sự hình thành phát triển của nghệ thuật Múa Thăng Long - Hà Nội.

- Đặc điểm của nghệ thuật Múa giai đoạn này.

vì vậy không nên chia nhỏ thành 04 đề mục:

+ Tìm về bối cảnh…

+ Nghệ thuật Múa Thủ đô thời kỳ Thăng Long - Hà Nội.

+ Xây dựng nền nghệ thuật múa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên đất Hà Nội (đề mục này không đúng với nội dung của cả chương - lại rất chính trị).

+ Đặc điểm tính cách nghệ thuật Múa Hà Nội (viết như vậy không chuẩn vì múa trong các lễ hội không có TÍNH CÁCH vì vậy chỉ nên nhận định một vài ĐẶC ĐIỂM của nó như thế nào - không dùng chữ "TÍNH CÁCH".

c) Đề nghị sửa lỗi đánh máy trang 12 tại 02 dòng cuối trang:

…năm 968 người giương Nữ cao ngọn cờ độc lập (sửa lại: người dương cao ngọn cờ độc lập).

- Tiếp đến phần thứ Nhất: Nghệ thuật Múa truyền thống Thăng Long - Hà Nội.

* Chương I: Múa trong lễ hội cổ truyền.

Toàn bộ chương này có hàm lượng nội dung tốt, sưu tập được nhiều tư liệu. Tác giả đã cung cấp cho người đọc thấy được sự phong phú, đa dạng về hình thức và nội dung của các điệu múa dân gian trong các lễ hội trên đất Thăng Long - Hà Nội; liệt kê, hệ thống được một loạt các điệu múa còn tồn tại ở các vùng, các làng xã (kể cả vùng Hà Nội mở rộng hiện nay).

Đưa ra một số nhận xét về vai trò, chức năng của nghệ thuật múa trong các lễ hội, kết hợp lồng ghép giữa việc miêu tả cụ thể các trình thức, cách thức tổ chức, nội dung, ý nghĩa của các điệu múa, giúp cho người đọc có nhiều thông tin, hiểu biết mới.

- Tuy nhiên căn cứ nội dung trình bày, đề nghị tác giả cũng xem lại các đề mục (hiện nay 4 đề mục không gắn kết với nội dung trình bày), cụ thể là:

1. Lễ hội dân gian - môi trường tồn tại TRUYỀN THỐNG của các điệu múa cổ (tối nghĩa).

1.1. Múa dân gian trên đất Thăng Long - Hà Nội.

1.2. Môi trường tồn tại TRUYỀN THỐNG của các VŨ ĐIỆU dân gian cổ.

2. Vai trò của múa trong lễ hội.

Thực chất chương này chỉ có 2 nội dung cơ bản là:

+ Lễ hội dân gian - môi trường tồn tại phát triển của nghệ thuật Múa.

+ Nghệ thuật múa - một thành tố quan trọng trong các lễ hội (trong đó nói luôn đến vai trò, chức năng của múa trong lễ hội).

- Nếu tác giả chia nhỏ ra 4 đề mục, ta thấy vô lý, máy móc, cố tạo cho công trình có cái vẻ khoa học nhưng lại rối rắm, tối nghĩa.

* Chương II: Múa Tín ngưỡng và Tôn giáo.

Toàn bộ chương này tác giả trình bày công phu, có nhiều nhận định sắc nét, nắm vững nhiều tư liệu, thể hiện sự hiểu biết phong phú, sưu tầm nghiên cứu kỹ càng, vừa tiếp cận gần, vừa đứng xa để quan sát để có cái nhìn tổng thể rồi mới trình bày. Về tổng thể nội dung là tốt, song có mấy ý đề nghị sau:

Tại mục 2.1: Tính thống nhất trong tín ngưỡng và tôn giáo người Việt (trang 74). Ở mục này tác giả đã liệt kê các thời kỳ văn hóa đồ đá gồm có:

Đồ đá cũ

Đồ đá giữa

Đồ đá mới

Đến thời kỳ văn hóa đồ đồng gồm có:

Sơ kỳ

Trung kỳ

Hậu kỳ

Cả hai thời kỳ này tác giả chỉ đưa ra mấy cái tên mà không thấy có phân tích, dẫn chứng, lý giải gì về nó để đi đến kết luận: "từ thuở bình minh của đất nước, từ thời Văn Lang Âu Việt đến nay, người Việt Nam đã xây dựng thống nhất một nền văn hóa trong đó lấy văn hóa người Việt (người Kinh) làm nền tảng chính và được thể hiện qua 02 dòng văn hóa Tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo.

Nếu ở trên chỉ liệt kê tên mà ở dưới nhận định, kết luận như vậy không ai hiểu, không đủ sức thuyết phục (mặc dù kết luận rất đúng, đúng so với những người đã biết, đã nghiên cứu còn đối với người chưa biết gì thì không đủ thuyết phục).

- Về mặt trình bày: tác giả khảo sát văn hóa Phật giáo trước rồi mới trình bày khảo sát văn hóa Tín ngưỡng là ngược đời vì văn hóa Tín ngưỡng có trước, Phật giáo có sau.

- Nội dung khảo cứu cả hai phần này cũng còn sơ sài.

- Đề mục 2.2: Mỗi quan hệ giữa nghệ thuật Múa với tín ngưỡng Tôn giáo (trang 75) - Nội dung này viết còn sơ sài chưa nêu bật được mối quan hệ của Múa với tín ngưỡng Tôn giáo.

Đặc biệt đến mục 2.3: MÚA TÍN NGƯỠNG cần có một số nhận định khái quát về các hình thức tín ngưỡng Đa thần - không nên vào ngay tín ngưỡng Hầu đồng. Tác giả nên tóm lược liệt kê một số lễ thức tín ngưỡng sơ khai gắn liền với 03 chu kỳ: đời người (ma chay, cưới hỏi, sinh đẻ); chu kỳ cây trồng và các lễ hội cộng đồng.

- Cũng trong chương này - mục 2.4: MÚA PHẬT GIÁO (trang 100): tác giả chỉ để tâm dành công sức liệt kê các chùa ở Thăng Long - Hà Nội và miêu tả các tượng thờ từ đời Lý Thái Tổ xây chùa gì, Lý Thái Tông xây chùa gì - tượng thờ thì kể ra có tượng A Di Đà, tượng Tam Thanh, tượng Quan Âm, La hán… sau đó nhận định luôn về đặc điểm của múa Phật giáo được mấy dòng sơ sài rồi đi vào liệt kê miêu tả các hình thức múa chạy đàn, múa cầu siêu, múa Thiên long Bát bộ...

- Ở đây có lẽ nên đảo lại các đề mục: Sau khi giới thiệu các chùa, các tượng thờ thì nói đến các điệu múa, sau đó mới nhận định về đặc điểm sẽ khoa học hơn, hợp lý hơn về mặt cấu trúc.

* Chương III: Múa trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Nội dung chương này có nhiều tư liệu, thể hiện rõ khả năng hiểu biết của nhóm tác giả khi viết về các điệu múa cổ, song phương pháp trình bày khá lộn xộn, không nhất quán dàn bài, mỗi điệu múa trình bày một kiểu; nên chăng phải thống nhất cách viết:

+ Có phần giới thiệu chung địa điểm, xuất sứ, ý nghĩa của điệu múa, sau đó miêu tả trình tự các trình thức diễn ra, trang phục, đạo cụ, cuối cùng là nhận xét, cảm nhận của tác giả.

Dàn bài chung sẽ thống nhất trong cách viết ở tất cả các điệu múa giúp người đọc lĩnh hội thuận lợi.

+ Khi nhận xét, đánh giá các điệu múa cổ không nên "truy danh tục nghĩa" ngày xưa các cụ không có khái niệm "chủ đề tư tưởng của tác phẩm" và cũng không có phương pháp sáng tác theo kiểu dùng "môtip chủ đạo để phát triển".

Các thành tố tham gia trong một nghi lễ có chức năng riêng nhằm mô phỏng, diễn đạt cái gì, có ý nghĩa gì, vì vậy tác giả không nên nhận xét theo quan điểm lý luận văn học cách mạng, dùng những khái niệm, thuật ngữ quá mới mẻ (đọc thấy vô lý lắm).

- Phần nội dung trình bày: múa trong Múa Rối và múa trong sân khấu Chèo cần xác định lại nội dung viết cái gì ? Đây không phải bản tổng kết. Đọc 2 nội dung này tôi không hiểu tác giả muốn nói điều gì ở công trình này. Nguy hại hơn đến phần tiểu kết của chương III, tác giả trích dẫn một câu viết về nghệ thuật cổ đại Hy Lạp thay cho lời kết thì toàn bộ chương III sẽ vô nghĩa (trang 147), xin trích lại: "Tựu trung lại, Múa như trong một đoạn viết vế nghệ thuật cổ đại Hy Lạp: dẫu nhảy múa lúc này chỉ đóng vai trò là một cuộc vui chơi của dân chúng - nhưng sự có mặt của Múa đã làm tăng tính hoạt náo của lễ hội" ... "Múa thật sự đã đóng góp tích cực vào cuộc sống tinh thần của công chúng".

Nhận xét và kết luận như vậy quả là phàm tục.

Chúng ta ai cũng biết Múa trong các lễ hội văn hóa dân gian là một thành tố quan trọng, có chức năng dâng hiến, giao tiếp với thần linh. Nó không hề có chức năng làm trò mua vui cho thiên hạ (kính mong tác giả rút lại lời nhận xét này).

* Chương IV: Múa cung đình Thăng Long

Chương này thể hiện rõ công sức tra cứu, trích dẫn các nguồn tư liệu trong nhiều cuốn sách: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Hoàng Lê Nhất thống chí, An Nam chí lược và nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo về âm nhạc, về chèo, ca trù ... Tác giả đã sắp xếp có hệ thống theo tiến trình lịch sử những vấn đề có liên quan đến Múa, giúp người đọc có cái nhìn hệ thống, đầy đủ, hiểu biết thêm về Múa trong Cung đình Thăng Long.

- Tuy nhiên cũng đề nghị tác giả không nên nhận xét và miêu tả một số điệu múa Cung đình theo lối tư duy hiện đại vì xưa kia làm gì có "thủ pháp kết cấu", "thủ pháp đan xen", "ngôn ngữ chủ đạo" để phát triển theo kiểu Nếch Môtíp - Đề nghị bỏ mục VIII: Bản sắc của Múa Cung đình (trang 186) không có ý nghĩa gì.

- Phần thứ hai: Nghệ thuật Múa Hà Nội thời hiện đại.

* Chương V: Múa trong lễ hội hiện đại (trang 187)

Chương này tác giả tóm lược 5 kịch bản lễ hội:

Kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội       

Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games 22)

Đại hội Thể dục Thể thao Thủ đô lần thứ 5.

Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc tại Hà Nội.

Liên hoan Du lịch quốc tế tại Hà Nội.

          Tôi không hiểu tác giả tóm tắt 5 kịch bản trên để làm gì ? Chương này phải xác định xem nội dung cần trình bày cái gì, không phải viết lại kịch bản (nếu cần tác giả bỏ tiền tự in riêng một cuốn kịch bản).

          * Chương VI: Nghệ thuật Múa không chuyên Hà Nội.

          Chương này cũng quá yếu, không biết mục đích viết chương này để làm gì, qua nội dung đọc tôi thấy:

          Không phải bản tổng kết

          Không phải lịch sử phát triển nghệ thuật Múa không chuyên.

          Không phải bản nhận định, đánh giá.

          Không phải bản tường thuật, miêu tả

          Không phải bản ghi chép kể chuyện.

          Với 16 mục, mỗi mục một tý, trình bày lộn xộn (đang nói ý nọ xọ qua ý kia).

          Đề nghị tác giả xác định lại nội dung của chương này.

          * Chương VII: Nghệ thuật Múa chuyên nghiệp Hà Nội.

          Chương này nên viết theo cách tổng thuật quá trình hình thành phát triển nghệ thuật Múa chuyên nghiệp của Hà Nội và nêu lên vai trò, vị thế của nghệ thuật Múa trong tiến trình phát triển chung của văn học nghệ thuật, tránh sa đà liệt kê quá nhiều tên tuổi các nghệ sĩ, các nhà giáo ở các trường, các đoàn trong khi những nghệ sĩ của Hà Nội lại không thấy điểm mặt.

          * Chương VIII: Những công trình nghiên cứu về nghệ thuật Múa Hà Nội.

          Chương này cũng nên đưa ra một số nhận định chung, không sa đà vào mọt công trình cụ thể. Đọc cả chương này cho ta cảm giác tác giả đã từng được mời thẩm định một, hai công trình nào đó nên chép lại những nhận xét của mình về công trình đó, như vậy sẽ rất thiên lệch, không có cái nhìn toàn diện, vô hình chung tác giả đã ưu ái hướng người đọc vào 1, 2 công trình mà xem nhẹ các công trình khác.

          - Cuối cùng đề nghị nhóm tác giả đọc lại để chỉnh lỗi đánh máy.

          - Thống nhất khái niệm Đương đại hay Hiện đại (trong đề cương viết Truyền thống và Đương đại - nhưng khi viết lại dùng khái niệm Hiện đại).

 


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá