Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội thời tiền Thăng Long
Chủ nhật, 14/08/2011 11:38
Chủ biên: TS. Nguyễn Văn Việt. Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.

Tóm tắt nội dung:

- Đề tài nghiên cứu tiến trình lịch sử khu vực Hà Nội từ khi phát hiện dấu tích con người đầu tiên (khoảng 50.000 năm cách ngày nay cho đến khi vùng đất này được chọn làm kinh đô Thăng Long của nhà Lý). Những tư liệu khảo cổ học và cổ sử được tập hợp và phân tích một cách khoa học nhằm tìm hiểu và giải thích bản chất “kinh kỳ” mang tính tất yếu và tự nhiên của vùng đất này trong tiến trình lịch sử dân tộc.

- Được coi như chuyên khảo đầu tiên tập trung giới thiệu và làm rõ những vấn đề về thời tiền sử, sơ sử và sử sớm dựa trên nguồn tư liệu và phương pháp tiếp cận chính là khảo cổ học, tiền sử học hiện đại.

- Dựa trên việc giới thiệu và phân tích các hiện tượng khảo cổ học, tiền sử học, đề tài này nghiên cứu, đong lường một cách khách quan ý nghĩa trung tâm của vùng đất Hà Nội - cái lý thật để Lý Công Uẩn quyết định dời đô và khiến trường tồn hàng ngàn năm nay một Thăng Long trái tim Tổ quốc.

- Đề tài đặt Hà Nội trong một khung cảnh “vùng văn hoá - lịch sử” chứ không đóng khung trong giới hạn hành chính hiện tại. Đây là cách đặt vấn đề khoa học, bởi lẽ cái vĩnh hằng của một vùng đất chính là ý nghĩa địa lý nhân văn của nó chứ không phải là khung hành chính luôn bị biến đổi. Lịch sử Hà Nội cũng không bao giờ là lịch sử đơn thân. Lịch sử chứng minh tính hội tụ, tứ chiếng đã tạo lập Thăng Long, và ở mỗi đời vua chúa Thăng Long lại ghi nhận dấu ấn của một hội tụ dân cư, văn hoá mới. Nhưng dù ở đâu đến, ở thời nào, cái lõi Thăng Long vẫn hoà tan mọi yếu tố ngoại nhập để giữ mãi một bản sắc Thăng Long - Hà Nội.

- Đề tài cũng dành một phần đáng kể xây dựng catalogue các di tích khảo cổ, lịch sử và tôn giáo có liên quan đến “Hà Nội cổ xưa” để giúp các nhà nghiên cứu, giáo viên và các nhà hoạt động văn hoá - xã hội cũng như những người yêu thích sử tiện tra cứu.

- Là một công trình nghiên cứu chuyên sâu nhưng được tác giả chuyển tải đến bạn đọc qua một cuốn sách nhẹ nhàng, thú vị. Những thông tin, tư liệu của cuốn sách hấp dẫn, mới mẻ, thu hút được sự quan tâm của người đọc.

Bình luận

* PGS. Bùi Đình Thanh (Bình luận bản thảo)

Tuy là cán bộ nghiên cứu lịch sử nhưng đối với tôi ngành chuyên sâu khảo cổ học hầu như là ngoại đạo. Do đó, khi được đọc công trình nghiên cứu này, điều chủ yếu đối với tôi là tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi có những nhận xét dưới đây khi đọc công trình nghiên cứu:

1.     Về các khái niệm tác giả đặt ra trong công trình

Một công trình nghiên cứu khoa học thường được chú trọng đầu tiên bởi những khái niệm được đặt ra. Có khi đề tài nghiên cứu không mới nhưng do cách tiếp cận của tác giả với những khái niệm mới nên đem lại những ý tưởng mới, nội dung mới.

Trong công trình này, tôi chú ý đến những khái niệm sau đây:

a. Khái niệm về phạm vi thời gian mà cuốn sách đề cập đến khi nghiên cứu tiến trình lịch sử hình thành vùng đất sẽ tạo ra kết tinh Thăng Long - Hà Nội khi mà vùng khu trũng vịnh Hà Nội cổ được sông Hồng với phụ lưu dải phù sa do quá trình tan băng toàn cầu sau 18.000 năm và biển tiến tạo ra bộ mặt của một đồng bằng cửa sông ven biển lớn vào loại nhất khu vực và cội nguồn Thăng Long - Hà Nội gắn liền với đồng bằng đó.

b. Khái niệm về phạm vi không gian. Tác giả đã áp dụng lý thuyết “vùng địa lý - văn hóa - lịch sử” để nghiên cứu Hà Nội tiền Thăng Long mà không bị phụ thuộc vào những biến đổi địa lý hành chính của địa danh Hà Nội qua những thời kỳ lịch sử trước Thăng Long.

c. Tác giả đã không theo cách phân kỳ cổ điển của khảo cổ học truyền thống với các thuật ngữ: thời đại đồ đá (đá cũ, đá giữa, đá mới), thời đại đồ đồng, thời đại đồ sắt mà sử dụng các thuật ngữ phân kỳ theo hình thái kinh tế - xã hội. Tôi đồng tình với cách phân kỳ này, vì trên thực tế, không có sự phân biệt ranh giới rạch ròi giữa các thời đại đó mà luôn luôn có sự đan xen, gối đầu, quá độ từ thời đại này qua thời đại kia. Tính quá độ (transitoire) là một đặc trưng của quá trình phát triển lịch sử, dù cổ đại hay hiện đại, như ngày nay, những người cộng sản khái niệm về tính chất của thời đại là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nhà nhân học văn hóa người Pháp Maurice Godelier đã có một công trình nghiên cứu khá sâu sắc về vấn đề này. Chính trên quan điểm nói trên, tác giả có sự phân tích khá thuyết phục khi chứng minh có sự tồn tại song hành ở những địa vực sống truyền thống khác nhau giữa những nhóm cư dân tiền sử Hòa Bình, Sơn Vi. Theo quan điểm đó, lối sống Sơn Vi ở ngoài các vùng hang động có thể tồn tại từ 30.000 năm trước, thậm chí sớm hơn, cùng song song tồn tại với lối sống Hòa Bình (Bắc Sơn) kéo dài tới tận 34000 năm cách ngày nay.

Tuy nhiên, ở phần này cũng có một điểm nhỏ góp ý với tác giả. Tác giả dịch ba thời đại khảo cổ kiểu truyền thống (theo tiếng Anh là three ages system hoặc three areas of orchaelogy) là tam đoạn luận (tr.30 - 31). Theo tôi, cách dịch đó không chính xác vì từ lâu đã hình thành cách dịch tam đoạn luận cho từ syllogisme. Một thí dụ về tam đoạn luận: Toret homme est mortel. M2: X. est un homme - Donc, M2: X. est mortel. Mọi người đều có lúc chết. Ông X. là một con người. Vậy thì ông X. cũng có lúc chết.

d. Khái niệm về người Việt cổ đại. Chúng ta đều biết rằng lịch sử hình thành người Việt khá phức tạp. Nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã dành nhiều công sức để nghiên cứu vấn đề này. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã tận dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài (Trung Quốc, Thái Lan…) kết hợp với các công trình nghiên cứu của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á mà tác giả cuốn sách là một trong những người sáng lập dễ đi sâu vào cội nguồn vấn đề, tìm ra mối quan hệ giữa một khối cư dân lớn gồm nhiều tộc người khác nhau sống ở phía Nam những người tộc Hoa Hạ được ghi chép chung là ‘Yue” mà chúng ta thường dịch là Việt với ý nghĩa đó là tổ tiên của người Việt (Kinh).

Trong thực tế, thuật ngữ “Yue” bao hàm cả tổ tiên các nhóm tộc Nam Trung Quốc khác nữa như Tày, Thái, Choang, H’Mông, Dao và các nhóm Việt khác mà người Việt hiện nay chỉ là một trong số đó.

Tác giả đã nhấn mạnh khối người được coi là “Yue” sống xa người Hoa Hạ nhất là những người Lạc Việt. Sự thâm nhập trực tiếp của người Hoa Hạ vào khu vực Lạc Việt, diễn ra rõ rệt nhất vào thời Tần Thủy Hoàng thế kỷ III trước CN.  Sự phân tích này giúp chúng ta hiểu được tính chất Nhà nước Nam Việt của Triệu Đà và Nhà nước Âu Lạc.

đ. Khái niệm về địa danh Cổ Loa

Trong công trình nghiên cứu của tác giả, Cổ Loa không chỉ giới hạn trong phạm vi thành Cổ Loa với ba vòng thành xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ III trước CN mà là một khái niệm rộng lớn hơn để chỉ một vùng văn hóa trồng lúa sớm khi vùng đất này được chọn làm thủ đô của nước Âu Lạc đầu thế kỷ II trước CN. Đây là một vùng văn hóa lịch sử xuất hiện vào loại sớm nhất ở Hà Nội.

2.     Về nội dung và bố cục của công trình nghiên cứu

Theo tôi, nội dung căn bản của công trình nghiên cứu này có nhiệm vụ cung cấp cho người đọc những hiểu biết tương đối đầy đủ, toàn diện, cập nhật về lịch sử Hà Nội thời tiền Thăng Long, không quá đi sâu vào chuyên ngành khảo cổ, không quá “bác học”, nhưng phải có tài liệu và sự đánh giá “đủ và cần” giúp cho người đọc có những hiểu biết tương đối cơ bản về một thời lịch sử xa xưa của Hà Nội nhưng lại rất gần với thời hiện đại. Để đạt được mục đích đó thì việc bố cục công trình nghiên cứu là rất quan trọng.

Trừ chương Mở đầu và phần Kết luận, trong 8 chương còn lại, tác giả đã thể hiện rõ sự bám sát nội dung chủ đề công trình nghiên cứu.

Các chương 1 và 2 đã cho người đọc thấy quá trình lịch sử hình thành địa chất và cảnh quan tiền sơ sử Hà Nội với sự biển tiến và hình thành đồng bằng sông Hồng trẻ và vết tích con người đầu tiên khai thác vùng đất Hà Nội.

Chương 3 trình bày những cư dân trồng lúa đầu tiên ven vịnh Hà Nội.

Chương 4 phân tích sự biển thoái và sự hình thành vựa lúa đầu tiên ở hạ lưu sông Hồng và những hệ quả xã hội.

Các chương 5 và 6 là những chương rất cơ bản phân tích những vùng kinh tế - văn hóa Đông Sơn trên nền vựa lúa vịnh Hà Nội cổ, sự manh nha những trung tâm thủ công nghiệp, sự hình thành mạng giao lưu rộng khắp trên đồng bằng trẻ sông Hồng, bức tranh lương thực, đời sống vật chất, văn hóa, xã hội cổ truyền Đông Sơn, sự ra đời Nhà nước Âu Lạc, văn minh Đông Sơn đạt đến đỉnh cao và vai trò lịch sử của An Dương Vương, người đã chọn Cổ Loa làm kinh kỳ đầu tiên của Việt Nam hơn 1000 năm trước Lý Công Uẩn.

Chương 7 trình bày Hà Nội dưới những quyền lực mới của thời Bắc thuộc. Tư tưởng chủ đạo của chương này là chuyển dần từ Giao Chỉ Hán sang Giao Chỉ Việt.

Tính chất lý thú của chương này là ở chỗ nếu xét về mặt nghiên cứu nhân học lịch sử và nhân văn thì có thể xem đấy là biểu hiện đầu tiên của sự tiếp biến văn hóa (acculturation) giữa Việt Nam cổ đại và Trung Quốc. Nếu xét về mặt chính trị thì có thể xem kẻ xâm lược có đưa đến những yếu tố văn hóa Hán làm phong phú thêm văn hóa Việt, nhưng đồng thời cũng nhận trở lại ảnh hưởng của văn hóa Lạc Việt.

Chương này đã dẫn đến lôgic tất yếu là ý thức độc lập dân tộc ngày càng phát triển từ Lý Bí, Phùng Hưng, cha con họ Khúc, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đến Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn và cuối cùng là chương 8 với sự dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

3.     Về phương pháp luận và phương pháp biên soạn

Một công trình nghiên cứu về tiền sử và sơ sử thì chủ yếu phải căn cứ vào tài liệu khảo cổ học là lẽ tất nhiên. Trong điều kiện tài liệu khảo cổ học còn có những mặt hạn chế, tác giả đã áp dụng phương pháp luận liên ngành, từ địa chất học, sử học, dân tộc học, nhân chủng học, văn hóa học, ngôn ngữ học lịch sử và so sánh, thực vật học… để cố gắng làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong điều kiện cho phép. Một điều đáng chú ý là tác giả rất tôn trọng khoa học, không vũ đoán, không “cưỡng bức” lịch sử và đã nêu lên những vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu như:

- Gần như rất hiếm khi khảo cổ học phát hiện được bằng chứng của việc luyện quặng chế đồng trong thời đại kim khí ở Việt Nam.

- Hiện chúng ta còn thiếu những bằng chứng trực tiếp của nghề trồng dâu, nuôi tằm lấy sợi.

- Về chữ viết thời Hùng Vương, cho dù yêu nước thế nào chăng nữa, cũng cần rất dè dặt.

- Cho đến hiện nay, chúng ta vẫn thiếu những bằng chứng niên đại chắc chắn khẳng định lúa đã tồn tại trong khung cảnh sinh sống của cư dân văn hóa Hòa Bình thời cánh tân và đầu toàn tân.

- Có lẽ do thời gian tồn tại của An Dương Vương ở Cổ Loa không dài, chỉ chừng trên dưới 50 năm, nên mặc dù đã rất cố gắng, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm được những bằng chứng chắc chắn dấu vết kiến trúc của một “triều đình” Âu Lạc. Những khu mộ táng của quý tộc Âu Lạc cũng chưa thấy. Về phương pháp, tác giả thể hiện rõ thái độ trân trọng đối với những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, đồng thời cũng nói rõ những luận điểm nghiên cứu của mình với những vấn đề đang có ý kiến khác nhau.

Phương pháp thử nghiệm việc phục chế các tên và lẫy nỏ thời Âu Lạc rất hay. Phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgic dược tác giả vận dụng khá nhuần nhuyễn.

Nhìn chung lại, tôi đánh giá cao sự nỗ lực của tác giả đã bám sát đề cương, biên soạn một công trình nghiên cứu công phu xứng đáng với kỷ niệm lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Để hoàn chỉnh bản thảo, đề nghị:

-       Sửa chữa những lỗi đánh máy sai chữ nước ngoài (tôi đã có sửa trong bản thảo).

-   Tr.58: thiếu chú thích về thế cân bằng của ba thế đất.

-       Tr.228: từ pendant dịch là khánh - nên dịch là hoa tai hoặc khuyên thì đúng hơn.

-   Tr.319: không có trích dẫn nguyên văn và bản dịch thần tích ngôi đền Long Hưng điện như chú thíc ghi.

-   Tr.347: mật độ dân số Giao Chỉ là trên 10 khẩu/m2. Phải là 10 khẩu/km2  chứ!


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá