Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Địa chí
Chủ nhật, 14/08/2011 11:39
Tác giả: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn và TS. Nguyễn Thuý Nga (Đồng chủ trì tuyển dịch, giới thiệu). Thể loại sách: Sưu tầm tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Kể từ khi vua Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô về Thăng Long (1010), đến nay Thủ đô của chúng ta đã ngót 1000 năm tuổi. Trong gần 10 thế kỷ ấy, Thăng Long - Hà Nội đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đặc biệt về phương diện địa lý.

          - Một khối lượng đồ sộ thư tịch, bi ký Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội hiện còn lưu trữ tại các thư viện lớn. Trong kho thư tịch cổ có một mảng tư liệu đặc biệt quý giá dùng để nghiên cứu địa lý lịch sử, diên cách địa danh và nhiều mặt khác của Hà Nội: đó là các sách địa chí. Sách địa chí ghi chép nhiều lĩnh vực như: địa danh, diên cách, thành trì, núi sông, danh lam cổ tích, nhân vật, đường xá, bến đò v.v…, trong đó có một số quyển kê được tên địa danh đến cấp thôn xóm.

- Đây là công trình dịch chú hầu hết tư liệu Hán Nôm hiện còn viết về địa chí Hà Nội, nhằm cung cấp cho người nghiên cứu cũng như độc giả những tư liệu gốc về Thăng Long - Hà Nội xưa ở 6 mảng:  

+ Sự thay đổi địa dư của Thăng Long - Hà Nội.

+ Sự thay đổi địa danh

+ Lớp địa danh đến cấp phường, xã, thôn đời Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái và các tài liệu lưu trữ ghi đến năm 1932. Đây là nguồn tư liệu hết sức quý giá và cần thiết để nghiên cứu diên cách địa danh đến từng phường xã thôn của Hà Nội trong thời gian hơn một thế kỷ.

+ Thành Thăng Long thời Lê, Hoàng thành thời Nguyễn.

+ Tên và vị trí 17/21 cửa ô; tên 55 phố thuộc nội thành đầu thế kỷ XX, đặc biệt quý là tên Nôm và mặt hàng bán đặc trưng của các phố.

+ Các núi sông, di tích v.v... ngoài giá trị văn hoá, lịch sử thì vị trí của chúng còn có giá trị trong việc góp phần giúp các nhà nghiên cứu xác định vị trí Hoàng thành và các kiến trúc liên quan đến thành Thăng Long xưa.

Bình luận

* PGS. TS. Phạm Thị Thùy Vinh (Bình luận đề cương)

1. Địa chí về Thăng Long - Hà Nội trong kho sách Hán Nôm khá là phong phú, nguồn tài liệu này đã từng được các nhà nghiên cứu khai thác và công bố từng phần. Có thể kể đến như: Các trấn tổng xã danh bị lãm, Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt địa dư toàn biên, Đồng Khánh địa dư chí và gần đây là tập sách Địa chí Thăng Long - Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm do một nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiến hành. Đề tài Thăng Long - Hà Nội, Tuyển tập tư liệu văn hiến: Địa chí lần này cũng do chính các tác giả của nhóm công trình trên thực hiện với sự cộng tác của một số cộng tác viên có kinh nghiệm. Điều này cho thấy có sự kế thừa rất rõ trong nội dung bản thảo. Nếu lần trước các tác giả chỉ chọn dịch và giới thiệu 14 tài liệu chính thì lần này phần tài liệu tuyển dịch đã là 55 đơn vị tài liệu. Như vậy về quy mô và phạm vi của đề tài đã mở rộng hơn rất nhiều.

2. Với mục đích cung cấp mảng tư liệu địa chí cổ của Hà Nội nên danh sách tư liệu tuyển chọn là hợp lý, bao quát được cả địa bàn Hà Nội mới sát nhập như các tài liệu địa chí của tỉnh Sơn Tây cũ. Tuy nhiên, nếu đề cương cho biết trong số danh mục tuyển chọn đó, sách nào đã dịch rồi, do ai dịch, sách nào dịch mới hoàn toàn thì sẽ đưa lại những thông tin cập nhật về toàn bộ sách địa chí Hà Nội .

3. Nếu trong số các sách địa chí về Hà Nội đã dịch trước đây chiếm số lượng lớn trong số danh mục tuyển dịch thì vấn đề bản quyền của người dịch cũ là như thế nào và tuyển chọn thế nào cho phù hợp vì công trình này chủ yếu là dịch chú các văn bản về địa chí. Nếu có thể các đồng chủ biên thuyết minh rõ hơn về vấn đề này.

4. Kết cấu của tập sách theo đề cương là hợp lý, tiến độ thực hiện trong một thời gian ngắn cho thấy các thành viên tham gia công trình phải có sự nỗ lực rất lớn. Nhưng với đội ngũ các đối tác tham gia có kinh nghiệm chuyên môn, chúng  tôi tin tưởng đề tài Thăng Long - Hà Nội, Tuyển tập tư liệu văn hiến: Địa chí sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

5. Đề nghị hội đồng thông qua bản đề cương của bản thảo để đề tài được triển khai thuận tiện.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá