Tóm tắt nội dung:
- Năm 1994 GS. Huệ Chi đã cho xuất bản chuyên luận Gương
mặt văn học, lần đầu tiên đưa ra một tiêu chí thật sự cởi mở và thuyết phục
về khái niệm văn học Thăng Long.
- Lần này, nhóm tác giả sẽ làm mới các
bài viết trước bằng phương pháp tiếp cận mới mẻ với nhiều nguồn tư liệu mới bổ
sung.
- Dung lượng bộ sách được mở rộng.
- Về nội dung: làm rõ tính đặc trưng của văn học Thăng
Long, với tính chất chính thống, quan phương, tiềm năng dân chủ; chất trí tuệ,
trữ tình, sang trọng; sức sống dài lâu, lan toả từ đời này sang đời khác… được
thể hiện qua từng chân dung văn học tiêu biểu.
Bình luận
* GS. Phong
Lê (Bình luận bản thảo)
1.
Gương mặt văn học Thăng Long, gồm 3
chương, đề cập 40 gương mặt có tư
cách đại diện cho văn học Thăng Long trên hành trình 10 thế kỷ văn học trung
đại. Tôi tin là Chủ biên cùng với các soạn giả đã cân nhắc kỹ để có con số 40
gương mặt này (so với công trình năm 1994, lần này bổ sung thêm 6 tác giả là
Mãn Giác, Trần Tung, Nguyễn Phi Khanh, Thái Thuận, Trương Hán Siêu và Nguyễn
Thượng Hiền), căn cứ trên 3 tiêu chí cho việc chọn lựa:
-
Tác giả sinh ra ở Thăng Long
-
Tác giả lập nghiệp, sinh sống và sáng tác tại Thăng Long
-
Tác giả có tác phẩm viết về Thăng Long
Ba
loại tác giả, nhưng sự phân biệt chỉ là tương đối, không ít người là thỏa mãn
đủ cả 3 hoặc 2 tiêu chí, nếu sắp xếp theo trật tự thời gian qua các triều đại
thì sẽ cũng cho ta một cách hình dung tốt về lịch sử... Ba loại tác giả, đương
nhiên không phải ứng với 3 chương trong Mục lục. Trong cấu trúc 3 chương thì 2
chương đầu là thuận với tên sách -
gồm những gương mặt tiêu biểu trong sự
nghiệp đuổi giặc, dựng nước, và những gương mặt biểu trưng cho tài hoa, cốt cách Thăng Long. Còn Chương
III: Cảnh và người Thăng Long trong con
mắt xưa, thì cần phải nhờ vào bài Thay
Lời kết để hiểu về sự cần thiết của nó và mối quan hệ gắn nối với 2 chương
đầu. Rõ ràng đây là một chương hay. Một cuốn sách nói về diện mạo văn học Thăng
Long không thể thiếu chương này. Nhưng, trong lôgích của cấu trúc thì vẫn còn
một cập kênh nho nhỏ giữa 2 phương diện: Thăng Long - với các chủ thể sáng tạo, các gương mặt; và
Thăng Long - như một đối tượng thẩm mỹ. Giá có một cách trình
bày như thế nào để thỏa mãn được sự kết hợp giữa hai phương diện đó? Nếu Trương
Hán Siêu, ở cả 2 phương diện: tầm nhìn văn hóa, và tài khắc họa trận thủy chiến
Bạch Đằng (không phải Thăng Long) rõ ràng xếp ở Chương III là không thuận, thì
Ngô Thì Sỹ ở tư cách học giả cùng công chúa Ngọc Hân và bà Huyện Thanh Quan...
vẫn có thể xứng đáng đặt ở Chương II: Tài
hoa và cốt cách Thăng Long... Vân vân. Như vậy, theo tôi nghĩ là cấu trúc 3
chương vẫn có thể sắp xếp lại.
2.
Nhìn chung công trình có chất lượng tương đối đều, qua các bài. Mỗi bài đều
cung cấp được một lượng tri thức cần thiết cho việc hiểu khung cảnh thời đại,
hành trạng tác giả, văn bản tác phẩm. Do đặc thù văn học trung đại nên việc bàn
về tác giả, tác phẩm phải có một tri thức tổng hợp trên các phương diện của
văn, sử, triết, và việc phân tích tác phẩm cần có tri thức Hán, Nôm và đặc
trưng thi pháp văn học cổ. Nhìn vào đội ngũ người viết, thấy ở đây, ngoài một
số tên tuổi có tư cách học giả như Nguyễn Huệ Chi, Trần Băng Thanh, Nguyễn Vinh
Phúc... những người khác cũng đều có thâm niên cao và có tư cách chuyên gia
trên lĩnh vực được phân công viết. Nói cách khác, công trình tập hợp được một
đội ngũ viết đáng tin cậy; và đó là cơ sở bảo đảm cho công trình nói chung cung
cấp được một lượng tri thức cơ bản cho việc hiểu, việc thâm nhập vào thế giới
văn chương- học thuật Thăng Long
trong 1000 năm tự chủ, thấy sự song hành văn chương và lịch sử, đáp ứng tốt cho
Đại Lễ 2010 sắp tới,
Về
văn phong, số lớn các bài đều dễ đọc, có nghĩa là suôn sẻ, ít có lỗi, không khô
khan (điều khó tránh), và cũng thấy ít có làm văn theo lối sáo. Giữ cho được ưu
điểm này, trong suốt 800 trang công trình, đó là điều không phải dễ. Dĩ nhiên
“tán” thì khó tránh, khi đối tượng là thơ - phú, và số lớn tác giả - tác phẩm
là không nhiều, có người là rất ít; vấn đề là tán sao cho vừa đủ, trong tương
ứng với nội dung. Nói cách khác cần một sự cân đối giữa các tác giả, để tránh
sự so lệch, khi nhìn vào số trang dành cho mỗi người; có người trước tác hàng
nghìn trang, có người chỉ có, hoặc chỉ còn dăm bài thơ vài chục chữ. Do vậy,
dài hoặc ngắn, cần sao cho thích hợp và đủ độ.
Từ sự
trình bày như trên, đối chiếu với công trình thực hiện năm 1994, và với Đề
cương công trình mà tôi được đọc và góp ý kiến vào giữa 2007, tôi thấy tập thể
tác giả Gương mặt văn học Thăng Long
đã thực hiện được tốt yêu cầu đặt ra, và đạt được sự “hoán cốt đột thai” như
mong muốn.
II
Một
vài ý kiến xin được trao đổi với Chủ biên và các tác giả nhằm hoàn thiện tốt
hơn chất lượng công trình.
1.
Tên sách, theo tôi nên là Gương mặt văn học Thăng Long (thời Trung
đại). Để thích hợp với nội dung, và người đọc không bị hụt. Và cũng là để
chuẩn bị cho việc tiếp tục một công trình mới, không thể tránh, vào thời điểm 2015 hoặc 2020.
2. Về
40 tác giả, qua nội dung và hình thức trình bày, nhìn chung thỏa mãn được yêu
cầu nhận diện các gương mặt mang đặc sắc Thăng Long.
Dưới
đây là một số tác giả tôi muốn được hiểu thêm.
-
Lý Thường Kiệt: sau loạt bài của PGS. Bùi Duy Tân chứng minh Lý Thường Kiệt
không phải là tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà... tôi muốn Chủ biên và tác
giả Nguyễn Phạm Hùng nên có chủ kiến về câu chuyện này. Nếu Bùi Duy Tân là có
lý (và tôi tin điều này) thì nên thay đổi cách trình bày.
-
Trần Quốc Tuấn và Dụ chư tỳ tướng hịch
văn. Nên cho biết thói quen dùng Hịch
tướng sĩ (hoặc Hịch tướng sĩ văn)
có từ lúc nào và ở đâu? Để bây giờ việc “cần khôi phục lại tên gọi ban đầu cho
tác phẩm” (tr.101), có cần thiết không? (Theo tôi nghĩ, những công trình “kinh
điển” theo kiểu này, cần được xem là căn cứ tin cậy, để bổ sung hoặc thay đổi
sách giáo khoa).
-
Nguyễn Trãi: nên có thêm sự tôn vinh Nguyễn Trãi ở khu vực thơ Nôm trong Quốc âm thi tập.
-
Ngô Thời Nhậm, trong thân thế - hành trạng sao không nói cái chết thảm của ông.
Trần roi đòn ở Văn Miếu cũng nói được nhiều điều trong lịch sử dân tộc và thân
phận kẻ Sỹ ở Việt Nam.
-
Hoàng Diệu, với tư cách là tác gia văn học, nên cho biết đầy đủ bài Di biểu của ông trong quá trình phân
tích.
-
Đoàn Thị Điểm: vấn đề ai là tác giả bản dịch Chinh phụ ngâm đã được bàn luận và kết luận như thế nào nên đặt ra.
-
Lê Quý Đôn - nỗi bất hạnh của sự uyên bác
- cái tên bài không hợp và không hay. Người trí thức chân chính nào trong
xã hội cũ (nhất là vào những thời nhiễu nhương) lại không có sự bất hạnh? Để
gọn: Uyên bác Lê Quý Đôn có hợp hơn không?
-
Phạm Thái - từ bi kịch đến tài năng sáng
tạo, cũng tương tự; nghĩa là chưa nói được cái riêng của Phạm Thái.
-
Hồ Xuân Hương: hình như còn thiếu khu vực thơ chữ Hán.
-
Nguyễn Huy Lượng và Phạm Thái trong cuộc chiến Tụng Tây Hồ phú, với quan điểm chính trị trái ngược nhau, thế nhưng
cả hai cùng được khen, như một sự hòa cả làng, có ổn không? Phạm Thái đã được
khẳng định ở Chương II trong tư cách tác giả Sơ kính tân trang; còn ở chương này là sự đối lập với Nguyễn Huy
Lượng, nên có một đánh giá khách quan hơn.
-
Ngô Thời Sĩ thời trẻ với cảnh quan Thăng Long đặt ở Chương III. Nhưng trong tư
cách là người mở đầu Ngô gia văn phái, với khối lượng sáng tác “khá đồ sộ” của
ông (tr.637), ông vẫn đủ tư cách là một gương mặt Thăng Long tài hoa và uyên bác - sao không để ở
Chương II?
-
Hoàng Lê nhất thống chí, không chỉ có
gương mặt giới Nho sĩ Tràng An mà gần như là cả một bức tranh xã hội rộng lớn,
gồm nhiều tầng lớp của Thăng Long, cùng thời với tác giả.
-
Nguyễn Du, theo tôi là một trường hợp khó xử. Bởi ông là biểu tượng của sự
thống nhất Thăng Long và cả nước; và cũng là sản phẩm của văn hóa Thăng Long.
Cũng như Nguyễn Trãi và một số người khác, trước khi kinh đô chuyển vào phía Nam. Xếp ông
vào Chương II có lẽ vẫn là hợp. Gom ông vào Chương III thì quá chật.
3.
Bài Dẫn luận: Nhận diện văn học Thăng
Long mười thế kỷ rất công phu, đặt ra nhiều vấn đề, gợi được sự suy nghĩ (từ hôm nay và cho hôm nay); nhưng để phù hợp với nội dung sách (10 thế kỷ trung
đại), chỉ nên giới hạn việc luận bàn cho đến cuối XIX hoặc đầu XX mà không nên
bàn lấn sang giữa thế kỷ XX, thậm chí đến cuối thế kỷ, gồm cả trong đó những
vấn đề, một thời là gay cấn, và bây
giờ là nhậy cảm, như Nhân văn Giai
phẩm; hoặc những tác giả quá trẻ và ý kiến đánh giá còn là khác nhau, hoặc trái
nhau, nghĩa là chưa định hình trong dư luận.
Bài
Thay Lời kết làm tốt chức năng hướng
dẫn, chỉ đạo (một cách rốt ráo) cho
việc đọc toàn bộ công trình. Đồng thời là một đúc kết chặt chẽ, ôm sát toàn bộ nội dung đã được viết. Như thế là
rất tốt. Nhưng là một người quen đọc (và cũng đã từng làm) loại công trình này,
với một bài đặt ở cuối sách (Postface)
tôi lại muốn có thêm những gợi mở phóng khoáng hơn cho các ý tưởng, thay vì
những dẫn giải hoặc nhắc lại những gì đã biết.
4.
Một số chi tiết cần sửa:
-
tr.59: Học giả Hoàng Xuân Hãn, thay vì Giáo sư.
-
tr.73: Trần Thánh Tông hay Trần Thái Tông?
-
tr.99: Liên hệ “Con người biết mùi hun khói” không hợp.
-
tr.495: Đã trở lại tên Hải Dương rồi.
-
tr.576: “Đấy. Tự tình khúc...” (văn
nói).
Những
lỗi như thế này (nếu đúng là lỗi) thì vẫn còn nhiều. Mong các tác giả, cùng Chủ
biên rà soát thật kỹ, để cho cuốn sách thật hoàn hảo.
Đây
là văn bản viết. Những gì cần phát triển, hoặc nói rõ thêm, sẽ xin trình bày
trong cuộc họp nghiệm thu.
Nhà xuất bản Hà Nội