Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập các công trình nghiên cứu Văn hoá
Tóm tắt nội dung:
- Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa
Thăng Long - Hà Nội được đăng tải, công bố về đất và người Thăng Long - Hà Nội,
về lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, về cách thức ứng xử của người Thăng Long - Hà
Nội với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội… Tuy nhiên, những công trình
nghiên cứu này được đăng tải ở nhiều nơi và ở nhiều thời điểm khác nhau. Vì
vậy, việc xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn hóa
Thăng Long - Hà Nội nhằm giúp người đọc, người nghiên cứu dễ dàng tiếp cận
những vấn đề văn hóa của mảnh đất ngàn năm lịch sử là việc làm cần thiết.
-
Cuốn sách tập hợp, tuyển chọn những bài viết tiêu biểu về văn hóa Thăng Long -
Hà Nội trong suốt gần 1000 năm lịch sử. Với những bài viết tiêu biểu về văn hóa của mảnh đất ngàn năm
văn vật, cuốn sách sẽ tái hiện lại bức tranh văn hóa của Thăng Long xưa, của Hà
Nội nay trên nhiều phương diện: từ môi trường sinh thái, cảnh quan, những vấn đề về đời sống vật chất như cách thức ăn, mặc,
ở, đi lại đến những vấn đề về đời sống tinh thần như: tôn giáo, tín ngưỡng, lễ
hội, tiếp xúc giao lưu văn hóa và về người Hà Nội.
-
Cuốn sách cung cấp cho người đọc những kiến thức sâu rộng về văn hóa của vùng
đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật…
Bình luận
* PGS.TS. Lâm Bá Nam (Bình
luận đề cương)
1.
Trước hết tôi hoan nghênh Nhà xuất bản Hà Nội chủ trương xuất bản tập sách này
trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng
Long - Hà Nội. Đây là việc thiết thực để nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế có
điều kiện nhận diện một cách có hệ thống và toàn diện về văn hoá Thăng Long -
Hà Nội qua trường kỳ lịch sử.
2.
Tuyển tập này được cấu trúc thành 6 phần hay 6 mảng vấn đề về văn hoá. Hoàn
toàn chính xác khi cuốn sách đặt văn hoá Thăng Long - Hà Nội trong môi trường
sinh thái. Tôi đồng ý với các tác giả khi xác định một cách khá toàn diện về
văn hoá Thăng Long - Hà Nội từ đời sống vật chất kinh tế đến tôn giáo tín
ngưỡng, từ sinh hoạt văn hoá đến đặc điểm người Hà Nội và cuối cùng là giao
thoa văn hoá. Về cơ bản tôi đồng ý với cách cấu trúc này.
3. Công trình do PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, một chuyên gia về lịch
sử văn hoá làm chủ biên và do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển
thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì là sự lựa chọn đúng đắn.
Hầu hết các công trình
nghiên cứu tiêu biểu của các nhà khoa học từ khoa học tự nhiên đến các khoa học
xã hội và nhân văn đã được thống kê tuyển chọn khá đa dạng và toàn diện.
4.
Để hoàn thiện hơn, tôi xin tham góp một vài điểm nhỏ với các tác giả:
- Về tiêu đề các phần
nên cân nhắc thêm, ví dụ phần thứ nhất, phải chăng nên đặt Môi trường sinh thái - nhân văn; phần thứ hai chỉ nên đặt đời sống vật chất (đã bao hàm cả kinh
tế).
- Trong từng phần nếu có
thể nên xếp thứ tự theo nhóm vấn đề, ví dụ phần hai nên sắp xếp từ sự hình
thành và diện mạo phố phường đến hoạt động kinh tế, tiếp đó là các đặc điểm
sinh hoạt văn hoá như ăn, mặc, ở…
- Trước khi đưa các công
trình tuyển chọn nên có phần giới thiệu tổng quát về vấn đề này. Cần nói rõ về
không gian Hà Nội.
5.
Đánh giá chung: Đây là tập hợp tuyển chọn các công trình có dung lượng và nội
dung phong phú. Đề nghị sớm hoàn chỉnh bản thảo và cho xuất bản để phục vụ rộng
rãi.
Nhà xuất bản Hà Nội