Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội
Chủ nhật, 14/08/2011 11:45
Tác giả: GS.TS. Đỗ Quang Hưng. Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Văn hóa - Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

- Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội là kinh thành, kinh đô, thủ đô của nước Việt Nam từ năm Canh Tuất (1010), đây không chủ là trung tâm chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước mà còn là nơi có một “không gian” tôn giáo, tín ngưỡng khá tiêu biểu, với một “hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng” hết sức phong phú, góp phần làm nên một “Thăng Long ngàn năm văn hiến” với nhiều giá trị đặc sặc. Việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội” không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn mang ý nghĩa thiết thực chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của Nhà nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

- Cuốn sách cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu hơn về quá trình hình thành và phát triển, cũng như những vấn đề cơ bản của một số tôn giáo chính ở Hà Nội (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hồi giáo).

- Cuốn sách không chỉ tiếp thu, kế thừa và hệ thống hoá những thành tựu nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, mà còn đưa ra một số kết quả nghiên cứu, luận chứng mới có giá trị về “không gian tín ngưỡng tôn giáo” của Thăng Long - Hà Nội.

Bình luận

* GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (Bình luận bản thảo)

Hồi đầu năm 2008, tôi đã được đọc và đóng góp ý kiến cho bản đề cương chi tiết cuốn sách Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long Hà Nội dầy 8 trang giới thiệu 4 chương sách với dự kiến trình bày trong khoảng 300 trang in của GS.TS Đỗ Quang Hưng. Tôi đánh giá rất cao giá trị khoa học, thực tiễn, ý nghĩa quan trọng của việc xuất bản cuốn sách và thành thật tin rằng ở khắp nước ta và ở Hà Nội hiện nay không có ai đảm nhiệm công việc này tốt hơn GS.TS Đỗ Quang Hưng. Hôm nay đọc kỹ tập bản thảo chính thức dầy 276 trang (nếu in ra chắc cũng thành khoảng trên 300 trang), tôi thực sự vui mừng vì điều trông mong đó đã trở thành hiện thực. Xin được chúc mừng Nhà xuất bản Hà Nội, Tủ sách nghìn năm Thăng Long và Tác giả có thêm một cuốn sách tốt, phục vụ cho không chỉ cho Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, mà còn đáp ứng nhu cầu nhận thức về văn hoá, tín ngưỡng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Nếu nhìn nhận một cách hình thức thì bản thảo chính thức phần nào đã vượt ra khỏi đề cương, không trình bày đầy đủ cả 4 chương[1], mà tổ hợp, tích hợp lại theo 3 phần[2], nhưng về cơ bản vẫn chuyển tải đủ những yêu cầu và nội dung đã được xác định và thông qua. Cách trình bày nào cũng có cái mạnh của nó, nhưng trình bày như trong bản thảo chính thức là thuận hơn cho tác giả và chắc chắn sẽ dễ cho người đọc “không chỉ là một cái nhìn tổng quan về hệ thống tôn giáo tín ngưỡng của Thăng Long - Hà Nội (….) mà còn hướng tới một cái đích lớn hơn của tập sách là có thể trình bày cho bạn đọc đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người Thăng Long Hà Nội” [3].

Mặc dù đã được coi là bản thảo chính thức, nhưng tôi nghĩ rằng bản thảo này cũng cần có thêm thời gian để hoàn thiện, và trên tinh thần đó, tôi muốn đóng góp thêm một vài chi tiết:

1. Tên sách: Liệu có cần phải đổi tên sách từ Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội thành Đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở Hà Nội hay không?. Theo tôi, nếu giữ được như tên sách trong đề cương thì hay hơn và phù hợp với yêu cầu và nội dung trình bày hơn. Tôi cũng chưa rõ trước đây giữa “tôn giáo” và “tín ngưỡng” luôn có dấu phẩy, nhưng bản thảo chính thức lại trình bày nhất quán không có dấu phẩy phân cách, không biết tác giả có chủ ý gì ở chỗ này?. Việc thay đổi tên sách, trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng, và chi phối nội dung của sách, bởi vậy dù là tiểu tiết nhưng rất cần quan tâm đến điểm này.

2. Sách viết về lý luận rất hay và rất có giá trị, nhưng một số chỗ do tập trung cho lý thuyết nhiều quá nên phần nào đã làm nhạt bớt nội dung chính phải tập trung trình bày là đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội hay của người Thăng Long - Hà Nội.

3. Trong phần 2, Đạo giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài đều được viết khá cụ thể từng sự kiện nhỏ, trái lại Phật giáo và Nho giáo lại viết hết sức chung chung (nhất là Nho giáo). Kết luận thứ 2 (trang 265) viết rất đúng về vai trò của Tam giáo đồng nguyên trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng Thăng Long – Hà Nội, nhưng phần nội dung lại hầu như không thấy đề cập đến. Bản đề cương không hiểu vì sao lại bỏ qua Khổng giáo, Đạo giáo, nhưng rất may là trong bản thảo chính thức các mục này vẫn được trình bày. Trái lại bản đề cương có nói đến Hồi giáo (chương 2, mục 2.5, trang 6), nhưng bản thảo chính thức lại không có Hồi giáo?. Đề nghị tác giả xem lại điểm này.

4. Trong phần 3, có lẽ cũng cần phải cân nhắc lại bố cục các mục cho hợp lý hơn. Trình bày sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người Thăng Long – Hà Nội chủ yếu về mặt lịch sử, mà ít nói đến hiện trạng; chú trọng trình bày truyền thống (tốt đẹp) mà dường như tránh nói tới những vấn đề phức tạp mới nẩy sinh (chẳng hạn Công giáo, Tin lành…).

5. Một số tư liệu cần phải nghiên cứu thêm như bài thơ “Nam quốc sơn hà” không phải của Lý Thường Kiệt (trang 86); bài thơ “Vận nước” là của Pháp Thuận đời Tiền Lê (trang 88), tượng Huyền Thiên Trấn vũ không phải được đúc bằng đồng đen (trang 118). Nhiều địa danh vẫn viết theo đơn vị hành chính đã bị bỏ từ nhiều năm nay như Hà Bắc (trang 96), Vĩnh Phú, Hải Hưng, Nam Hà (trang 112), Hà Tây (trang 135)…

6. Trong phần chính văn, có một số tên sách hay tên thuật ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp chưa dịch ra tiếng Việt (trang 47, 57, 58, 115…); vẫn còn rất nhiều lỗi kỹ thuật (trang 8, 14, 69, 96, 97, 98, 100, 103, 116, 120, 121, 148, 153, 159, 174, 193, 195, 196, 198, 199, 203, 255, 258, 261, 265, 266, 267, 269…).

Đánh giá chung: Bản thảo Đời sống tôn giáo tín ngưỡng ở Hà Nội trên căn bản đã đạt đến độ chuẩn, chất lượng cao, chỉ cần chỉnh sửa một số chi tiết là có thể xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tôi tin tưởng cuốn sách sẽ sớm đến tay đông đảo độc giả trong không khí hướng tới Đại lễ 1000 năm của Thủ đô.

 


[1] Gồm chương I: Hệ thống tôn giáo của Thăng Long – Hà Nội; chương II: Các tôn giáo chủ yếu của Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử và hiện tại; chương III: Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở Hà Nội hôm nay và chương IV:Những tôn giáo ở Hà Nội trong khung cảnh đổi mới đất nước hiện nay.

[2] Gồm phần I: Không gian tâm linh tôn giáo của Thăng Long – Hà Nội; phần II: Các tôn giáo chính ở Hà Nội và phần III: Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người Thăng Long – Hà Nội

[3] Lời nói đầu của Tác giả


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá