Tóm tắt nội dung:
- Hướng tới kỷ niệm 1000
năm Thăng Long - Hà Nội nên công trình sưu tập cần tuyển chọn được những tác
phẩm tiêu biểu của tác gia Cao Bá Quát với tư cách danh nhân Hà Nội, chú ý ưu
tiên chọn các tác phẩm viết về con người và cảnh vật Thăng Long.
- Công trình Thơ
văn Cao Bá Quát sẽ dựa trên cơ sở văn bản sách Thơ chữ Hán Cao Bá Quát do GS. Vũ Khiêu chủ biên (Nxb Văn học, H.,
1970. Tái bản, 1984) để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện.
-
Trên cơ sở hệ thống tư liệu, công trình sưu tập văn bản và dịch thuật lưu ý
phân bố phù hợp các mục tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại, sát đúng với mỗi
giai đoạn sáng tác cụ thể của Cao Bá Quát.
Bình luận
* PGS.TS. Lã
Nhâm Thìn (Bình luận đề cương)
I. NHỮNG ƯU ĐIỂM CẦN KHẲNG ĐỊNH:
1. Lần
đầu tiên nhân kiệt lịch sử Cao Bá Quát được sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu một
cách đầy đủ nhất: từ tác phẩm chữ Hán đến tác phẩm chữ Nôm, từ thơ đến văn
xuôi, từ quan điểm nghệ thuật đến sáng tác. Công trình hoàn thành sẽ khẳng định
được tầm cao và vóc lớn của Cao bá Quát cả về con người và sự nghiệp.
2.
Lần đầu tiên nhân kiệt lịch sử Cao Bá Quát được sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu
một cách khoa học nhất. Khoa học bởi vì công trình vừa kế thừa những thành
tựu sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu về Cao Bá Quát đã có bề dày hàng thế kỉ, vừa
có phương pháp tiếp cận mới, những nội dung khoa học mới, những phát hiện mới
về Cao Bá Quát. Nội dung tuyển chọn, biên soạn, dịch thuật mang tính khoa học
cao. Khoa học từ khâu xác định văn bản:
sưu tập, khảo sát, so sánh 21 văn bản thơ văn Cao Bá Quát hiện còn, chọn bản
gốc, bản trục, bản nền..., từ đó xác định một văn bản tốt nhất để tuyển chọn
các sáng tác đích thực của danh nhân họ Cao đưa vào tuyển tập. Khoa học ở nội dung tuyển chọn: những
sáng tác của Cao gồm cả thơ (chữ Hán và chữ Nôm), phú, hát nói, văn xuôi
(truyện ngắn, tạp kí); những nghiên cứu về Cao (khoảng 30 bài). Khoa học trong định hướng và tiêu chí tuyển
chọn: định hướng Cao Bá Quát danh nhân Hà Nội, tiêu chí tuyển chọn vừa tiêu
biểu cho cuộc đời, con người, vừa tiêu biểu cho văn chương của Cao. Khoa học trong kết cấu của công trình:
gồm ba phần - Tổng luận - Tuyển tác phẩm
- Tuyển công trình nghiên cứu.
3. Bản thảo thể hiện được nhiệt tâm và
năng lực của tập thể những nhà khoa học, nhà văn, nhà báo... có trình độ chuyên
môn cao, có tình cảm sâu nặng, có niềm tự hào sâu sắc đối với Thủ đô Hà nội.
Hơn nữa, cuốn Thơ văn Cao Bá Quát lại
được GS Vũ Khiêu chủ biên - một người đã từng dày công nghiên cứu về Cao Bá
Quát, một "tổng công trình sư" của công trình Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long (đã xuất bản), nhất định sẽ
là cuốn sách tiêu biểu, có giá trị cao trong tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến".
II. ĐÔI
ĐIỀU TRAO ĐỔI GÓP Ý:
1. Qua Thơ văn Cao Bá Quát, người đọc không những thấy được "phẩm
chất, tài hoa và cốt cách Thăng long" mà còn phải thấy được tầm vóc thời
đại của danh nhân họ Cao. Vị trí của Cao Bá Quát là vị trí đổi mới, cách tân cả
về tư tưởng, cả về văn chương nghệ thuật. Công trình cần chú ý nhiều hơn nữa về
phương diện này.
2. Đặc biệt chú ý tuyển chọn những tác
phẩm của Cao Bá Quát mới được sưu tầm, dịch thuật.
3. Khi tuyển chọn những công trình
nghiên cứu về Cao Bá Quát cần chú ý tính toàn diện: cuộc đời và thơ văn tác
giả, các giai đoạn nghiên cứu, các quan điểm, trường phái, tính chất vùng miền
v.v... Tuy nhiên, không vì tính toàn diện mà coi nhẹ giá trị khoa học, giá trị
kết tinh của những công trình nghiên cứu được tuyển chọn.
Những tác giả có nhiều công trình
nghiên cứu về Cao Bá Quát thì chỉ nên tuyển chọn một công trình. Chỉ trong
trường hợp không thể thay thế, cực chẳng đã thì mới "buộc" phải tuyển
hơn một công trình của cùng một tác giả.
III.
KẾT LUẬN CHUNG
Đề cương bản thảo Thơ văn Cao Bá Quát là một đề cương mang tính khoa học, tính khả
thi cao, hứa hẹn một công trình mới rất có giá trị về nhân kiệt lịch sử Cao Bá
Quát.
Nhà xuất bản Hà Nội