Kinh tế xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX
Tóm tắt nội dung
- Cuốn sách
nghiên cứu chuyên sâu đời sống kinh tế - xã hội của Thăng Long - Hà Nội (sự phát
triển kinh tế hàng hóa, quan hệ kinh tế đối ngoại, cộng đồng dân cư đô thị)
trong toàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Từ đó có thể gợi mở
ra những kinh nghiệm đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội đô thị,
công cuộc đô thị hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô Hà Nội, đón chào kỷ niệm
“ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”.
- Mục đích thiết
thực là có thể dùng làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên, học viên, nghiên cứu
sinh; tài liệu tham khảo cho giới nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách của
Thành phố và những độc giả yêu mến và quan tâm đến Thủ đô ở trong và ngoài nước.
Bình luận
* PGS.TS. Vũ Huy Phúc
(Bình luận bản thảo)
Bản thảo là một
công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc với nhiều tài liệu phong phú rất
đáng tin cậy. Tác giả đã cố gắng phác họa lại diện mạo mọi mặt đời sống kinh tế
- xã hội của Thăng Long Hà Nội chủ yếu ở các thế kỷ XVII, XVIII và nửa đầu thế
kỷ XIX. Phần Phụ lục cũng là những tài liệu quý đã được chuyển sang tiếng
Việt hoặc do chính tác giả thực hiện hoặc do các dịch giả khác đã làm. Thư mục
có tới 278 đầu sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài, chứng tỏ một năng lực một
nhiệt tình và một công sức rất đáng kính phục. Đó là những ưu điểm lớn của bản
thảo.
Mọi
người, nhất là giới nghiên cứu đều biết rằng lõi cốt của tập bản thảo là luận
án Tiến sĩ của tác giả đã được bảo vệ thành công năm 1984, sau đó được Hội khoa
học Lịch sử lúc đó tên là Hội Sử học xuất bản thành sách năm 1993 cách đây 16
năm. Vì vậy cái cốt lõi ấy đã được công bố rộng rãi cho bạn đọc trong một
khoảng thời gian không xa lắm. Do đó cái khó của tác giả cũng là cái khó của
Nhà xuất bản là dẫu thế nào bản thảo cũng phải có cái gì đó mới mẻ hơn. Theo
một sự suy nghĩ như vậy tôi xin thực thà phát biểu một vài cảm nghĩ và nhận xét
như sau:
-
Bản thảo có nội dung tốt, hữu ích cho nhiều giới, nhất là vào dịp đại lễ kỷ
niệm 1000 năm Thủ đô Hà Nội.
-
Bản thảo quá dài, 5 chương, nêu kể cả phụ lục và thư mục thì số trang lên tới
441. Đó là chưa kể bản đồ, sơ đồ và tranh ảnh.
-
Nội dung có thêm một số tư liệu mới nhưng không nhiều.
-
Cần chú ý đến đầu đề có nội dung: Kinh thế xã hội thế kỷ XIX. Tác giả không nói
rõ có đề cập đến kinh tế xã hội Hà Nội giai đoạn Pháp vào Hà Nội cuối thế kỷ
XIX, cụ thể là từ 1884 đến 1900 không? Theo tôi, đã nói thế kỷ XIX thì phải đề
cập toàn bộ thế kỷ XIX, trong đó có giai đoạn 1884-1990. Giai đoạn này tuy ngắn
ngủi nhưng lại cực kỳ quan trọng vì nó đánh dấu thời gian đầu tiên kinh tế xã
hội Hà Nội chuyển sang thời thuộc địa với nhiều điều cực kỳ mới mẻ cực kỳ đảo lộn.
Cuốn sách của tôi "Lịch sử tiểu thủ
công nghiệp Việt Nam thời cận đại 1858-1945" xuất bản năm 1996 đã nêu
ra nhiều ngành nghề mới xuất hiện ở Hà Nội thời kỳ trước 1900 (trong thư mục
của bản thảo chưa ghi cuốn sách này). Thời ấy Hà Nội đã có điện, có nước đá, có
thợ in, thợ ảnh, hiệu ảnh, cắt tóc, phụ xe kéo, xe đạp, ô tô... có nhiều doanh
nhân doanh nghiệp, nhà in, báo chí, nhà máy rượu, máy điện, lực lượng bồi bếp,
công nhân nhà máy đèn... các trường dạy nghề, trường học... nền giáo dục mới,
vườn Bách thảo, v.v...
-
Hầu hết các chương đều thiếu tài liệu về kinh tế xã hội Hà Nội 1884 -
1900. Ngay cả những luận điểm ở chương V cũng không hề có sự khái quát hóa nào
tính đến Hà Nội giai đoạn đầu thuộc địa này. Theo tôi nghĩ sức bật của Hà
Nội giai đoạn này rất mạnh mẽ về tất cả các mặt. Nhiều bài học thực tế lịch
sử có thể rút ra ở đây.
-
Về cấu trúc của bản thảo: khá nhiều điều bị trùng lắp rải ra ở các chương bởi
vì các đề mục được sắp xếp theo chiều ngang dàn trải. Ví dụ mục 3 ở chương I
trùng lặp với chương II, mục I ở chương II gắn với chương I chứ không gắn với
kinh tế, v.v...
-
Lời giới thiệu ở đầu bản thảo chế bản sai từ ngữ rất nhiều, khiến cho người đọc
thấy quá nhiều điều lạ lùng. Văn thì Tây quá. Chương II mục kinh tế nông nghiệp
quá sơ lược. Người đọc không hiểu nông dân làm ăn như thế nào trên đồng ruộng
ngoại thành. Lẽ ra các tài liệu về cân đong đo đếm và thuế má, tiền tệ giá cả
cần phải được đưa lên ngay phần đầu để tính toán ra vốn lãi và đời sống. Đọc
xong cũng chưa hiểu Hà Nội tiêu tiền gì? Cuối thế kỷ XIX Hà Nội tiêu tiền Đông
Dương chưa?, v.v...
Chương
III cũng có những trùng lặp giữa mục 1 và 2. Mục của các giai tầng xã hội lại
nói nhiều đến các chức năng quan chức. Chương này cũng thiếu các lớp người mới
xuất hiện ở Hà Nội đầu thời thuộc địa. Chương IV có thể đưa lên lồng vào các
chương II và III. Chính sách đường lối nhà nước không nên tách rời ra khỏi thực
tế vận hành các chính sách đó. Cho nên có thể bỏ chương IV.
Chương V đầy tâm huyết của tác giả,
tôi chia sẻ những nhìn nhận đó. Tuy vậy người đọc chưa thấy có gì mới mẻ. Nếu
tác giả chú ý đến Hà Nội giai đoạn cuối thế kỷ XIX (1884-1900) chắc chắn có
nhiều điều lý thú hơn.
Kết luận:
Cần sửa chữa bổ sung:
1. Nên bổ sung tình hình kinh tế xã
hội Hà Nội đầu thời thuộc địa. Hà Nội trở thành thành phố cấp I từ 1888.
2. Bỏ chương IV, lồng vào 2 chương
trên.
3. Chương V nên ngắn gọn hơn, xem như
một Lời kết luận nhưng có đề cập đến Hà Nội đầu thời thuộc địa.
Nhà xuất bản Hà Nội