Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thăng Long - Hà Nội, Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn học - Nghệ thuật
Chủ nhật, 14/08/2011 11:52
Tác giả: PGS.TS. Trần Nho Thìn (Chủ trì tuyển chọn). Thể loại: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu - Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung

- Cho đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu viết về văn học, nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội được đăng tải, công bố... Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu này được đăng tải ở nhiều nơi và ở nhiều thời điểm khác nhau, vì vậy, việc xuất bản một cuốn sách tập hợp những bài viết tiêu biểu về văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội của các tác giả khác nhau sẽ giúp người đọc, người nghiên cứu dễ dàng tiếp cận những vấn đề văn học nghệ thuật của mảnh đất ngàn năm lịch sử.

- Cuốn sách tập hợp, tuyển chọn những bài viết tiêu biểu về Văn học Nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội trong suốt gần 1000 năm lịch sử. Với những bài viết chọn lọc của các học giả tiêu biểu, cuốn sách sẽ tái hiện lại bức tranh văn học nghệ thuật của Thăng Long xưa, của Hà Nội nay trên nhiều phương diện: từ nguồn tư liệu, thư tịch Hán nôm, văn bia, thần tích, thần sắc của Thăng Long - Hà Nội; truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, văn học dân ca, những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của các tác gia văn học Thăng Long - Hà Nội; những vấn đề về kiến trúc Thăng Long, sự chuyển biến của kiến trúc cổ truyền trong thời kỳ cận đại và hiện đại; những vấn đề về mỹ thuật, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa của vùng đất ngàn năm lịch sử.

- Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc - những người quan tâm và yêu mến Thủ đô Hà Nội kiến thức sâu và rộng về văn học nghệ thuật của vùng đất Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống và bản sắc văn hóa.

Bình luận

* PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn (Bình luận đề cương)

1. Việc sưu tầm, tập hợp, hệ thống hóa các nguồn tư liệu liên quan đến thành tựu nghiên cứu văn học – nghệ thuật Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thực sự là việc làm cần thiết. Theo Đề cương, công trình Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn học – Nghệ thuật thuộc Tập III của một công trình có tính cách tổng thành khác (tr.2) nên cũng cần tính đến tương quan giữa các tập.

Cách thức xây dựng, triển khai đề tài kiểu này đã được thực hiện theo nhiều đối tượng, phạm vi khác nhau (tuyển tập văn học – nghệ thuật theo hình thức thể loại, giai đoạn, ngành nghề; theo địa bàn tỉnh, vùng văn hóa, vùng dân tộc; hoặc theo các trường đại học, trung tâm nghiên cứu…). Riêng với đối tượng vùng văn hóa – văn học Thăng Long – Hà Nội, đây là đề tài thực sự có tính khoa học.

 2. Qua ba mươi năm chuyên tâm với công việc giảng dạy và nghiên cứu, PGS. TS. Trần Nho Thìn đã công bố nhiều tiểu luận và chuyên đề khảo sát chuyên sâu về văn hóa - văn học trung đại Việt Nam, có thể đảm đương tốt vai trò Chủ biên. Các nhà nghiên cứu và cán bộ giảng dạy Nguyễn Hải Kế, Vũ Văn Quân, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Kim Sơn, Đỗ Hương Thảo cũng là những chuyên gia am hiểu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, hợp thành những đối tác và cộng sự tin cậy để có thể hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng và theo đúng tiến độ… Trên thực tế, nếu không phải là những chuyên gia và đã có sẵn vốn liếng, đương nhiên Nhóm tác giả không thể hoàn thành đề tài kiểu này chỉ trong  vòng 1-2 năm…

3. Từ những nhận xét khái quát trên, đến đây chúng tôi tập trung nhận xét những điểm cơ bản nhất liên quan đến kết cấu và nội dung công trình, chủ yếu góp thêm ý kiến có ý nghĩa “phản biện”.

 - Theo văn bản “Thuyết minh đề tài” ngày 9/12/2008, dự kiến hoàn thành từ tháng 6/2009. Có vấn đề trong kế hoạch và quá trình triển khai?

- Cấu trúc công trình có 2 phần chính: Văn học Thăng Long – Hà Nội Nghệ thuật (nên viết rõ Nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội, tr.7) về cơ bản là hợp lý. Chưa rõ trong tổng số 1200 trang bản thảo theo dự kiến, mỗi phần Văn học Nghệ thuật sẽ có bao nhiêu trang nhưng nhìn vào số mục bài hiện có trong Đề cương, có thể thấy được sự tương đương về số lượng trang giữa hai phần trên.

- Trong phần Văn học Thăng Long – Hà Nội có 4 mục. Mục Tổng quan có 3 bài gây nên cảm giác không còn là “tổng quan”. Nhan đề tiểu mục Văn học Thăng Long tính hội tụ và nhạy cảm (?) không rõ nghĩa và cũng chưa tương ứng với tầm “tổng quan”… Mục Thơ văn (có lẽ cần thêm thành phần định ngữ để tạo nên sự đăng đối, hệ thống giữa các tiểu mục, chẳng hạn Văn học viết?)… Cần chú ý các mục bài như Về bài thơ Nôm của Bùi Xương Trạch “Đêm trung thu không trăng”, Bài sớ của nông dân trại Văn Chương xin vua Quang Trung dựng lại bia Tiến sĩ đề danh trong nhà Giám, Văn Miếu Câu đối, hoành phi và đề tự bằng chữ Hán ở đề Ngọc Sơn, Hà Nội có sự giao thoa thế nào với mục Khảo sát nguồn tư liệu Hán Nôm?... Về thời gian, các mục bài dừng lại ở “thời kỳ kháng chiến” (Nguyễn Bắc) đã hợp lý chưa? Về lượng bài được chọn, có thể còn một số bài viết tiêu biểu liên quan đến các tác gia – tác phẩm “Thăng Long – Hà Nội” như về Lý Thái Tổ, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ, Tản Đà; dòng văn Ngô Thì, Phan Huy và nhiều tác gia thuộc giai đoạn văn học 1900-1945… Đặc biệt chú ý có thể tuyển thêm bài viết về các tác gia – tác phẩm vùng ngoại thành và miền đất mới sáp nhập thuộc Sơn Tây – “Hà Nội II”. Phần viết liên quan đến ngôn ngữ văn học có thể tuyển thành cụm chủ đề (Chẳng hạn, có thể bổ sung bài của TS. Võ Xuân Quế: Ngôn ngữ một vùng quê trong các tác phẩm đầu tay của Tô Hoài. TCVH, số 5-1990 và một số bài trên Tạp chí Ngôn ngữ, Nghiên cứu nghệ thuật…).

- Chú ý tính toán sự cân đối giữa các mục bài thiên về giới thiệu hoạt động nghiên cứu về văn học – nghệ thuật Hà Nội với các bài nghiên cứu trực diện về từng chủ đề, đề tài, tác giả, tác phẩm… Theo tôi, rất cần có một bài Tổng luận ngắn gọn đúng với nghĩa “tổng luận”, thực hiện nhiệm vụ “nghiên cứu về sự nghiên cứu” một cách khái quát những vấn đề đặt ra trong thành tựu nghiên cứu văn học – nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội…

- Chú ý một vài chi tiết nhỏ. Có 8 lần tuyển bài của Vũ Tuấn Sán thì 7 lần vi tính thành Vũ Tuân Sán; bài Vũ Quốc Trân và Bích Câu kỳ ngộ có lẽ của Phạm Ngọc Lan thay vì Nguyễn Ngọc Lan…

- Phần thứ hai Nghệ thuật chia thành bốn mục: Tổng quan – Kiến trúc – Mỹ thuật – Hội họa, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh thể hiện cách làm sáng tạo, vừa bao quát được hết các lĩnh vực chuyên ngành nghệ thuật vừa giúp độc giả dễ theo dõi. Tuy nhiên mục Tổng quan gồm 4 tiểu mục cũng chưa thật là “Tổng quan” (từ việc sắp xếp thứ tự các mục bài đến tính vấn đề, tính bao quát và hệ thống…). Các bài thuộc chuyên ngành hiếp ảnh trong mục Hội họa, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh mới chỉ có 2 bài và dừng lại ở những năm 70 (Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường…).

5. Kết luận

Bản Đề cương công trình nghiên cứu, tập hợp, tuyển chọn, biên soạn Thăng Long – Hà Nội, Tuyển tập công trình nghiên cứu Văn học – Nghệ thuật thực sự phong phú, chuyên sâu, có tính khoa học và được thực hiện công phu, nghiêm túc, đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, việc gia công, bổ sung và chỉnh lý nhằm tạo nên tính thống nhất, lớp lang, hệ thống ở các phần, các mục và các tiểu mục trong toàn công trình là điều hết sức cần thiết.

 

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá