Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Hương ước
Chủ nhật, 14/08/2011 11:55
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí (Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu). Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Nghiên cứu hương ước Thăng Long - Hà Nội là bộ sách chuyên khảo và tuyển dịch về mảng tư liệu Hán Nôm viết về lịch sử văn hóa của các làng ở Thăng Long  - Hà Nội. Khảo cứu giới thiệu một số bản hương ước ở Hà Nội sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu để hiểu biết về quá trình lập làng, giữ gìn thuần phong mĩ tục của nhân dân ta.

- Hương ước là những qui ước điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong cùng một khu vực, để điều hoà quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, hoặc giữa tập thể này với tập thể khác. Trong xã hội Việt Nam thời xưa, các tổ chức hương thôn như phe giáp, xóm ngõ, làng xã thường đặt ra những điều ước để ràng buộc chế ngự lẫn nhau, điều hoà, giải quyết các tranh chấp va chạm. Hương ước chỉ là một danh từ chung để chỉ những qui ước của làng xã. Trên thực tế chúng ta còn thấy Hương ước được gọi bằng những tên khác nhau: Hương lệ, Hương khoán, Ước lệ, Khoán ước, Qui ước, Lệ định, Lệ tục…

- Thăng Long - Hà Nội có lịch sử hàng ngàn năm, dân số ngày một nhiều thêm, nhân tài bốn phương tụ hội. Cộng đồng dân cư ở đây luôn luôn phải có những qui ước, những điều khoản ràng buộc nhau, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh, đặt ra những qui ước mới để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới. Do vậy hương ước ở vùng kinh kỳ này có lịch sử lâu đời và luôn luôn có thay đổi. Các điều khoản trong hương ước cổ truyền của cư dân vùng Kẻ Chợ kinh kỳ này có thể có những đóng góp tích cực cho các qui ước lối sống văn minh mới.

Hệ thống các bản hương ước cổ phần lớn đã được sưu tầm đưa về lưu giữ ở các Thư viện lớn ở Trung ương và Hà Nội. Một số lượng đáng kể có thể nhiều đến hàng trăm văn bản hiện đang lưu giữ tại các làng xã thuộc Hà Nội. Một bộ phận đã được dịch ra tiếng Việt và giới thiệu rộng rãi. Khi thực hiện công trình này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác khảo cứu văn bản. Tất cả các bản hương ước ở thư viện hay trong dân gian đều được giám định rõ tính chất chân nguỵ của văn bản, sau đó mới dịch giới thiệu.

- Đề tài này tuyển chọn:

+ Các bản hương ước có niên đại cổ gồm các bản khắc trên kim loại, khắc trên bia đá.

+ Các bản hương ước liên quan đến làng nghề. Đặc biệt là địa giới Hà Nội vừa mở rộng. Dân gian có câu “Hà Tây là đất trăm nghề”, do vậy Hà Nội mở rộng có nhiều hơn một trăm nghề.

+ Các bản hương ước giới thiệu về công tác khuyến học, bảo vệ trật tự trị an.

+ Các bản hương ước có nội dung giáo dục tư cách đạo đức.

Bình luận sách

* TS. Nguyễn Đức Nhuệ (Bình luận đề cương)

1. Về mục đích, ý nghĩa của đề tài

Nghiên cứu về hương ước làng xã là một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực sử học, dân tộc học, văn hóa học… quan tâm từ nhiều năm nay. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu rất quan trọng khi chúng ta muốn tìm hiểu về mọi mặt đời sống xã hội của các cộng đồng cư dân xưa. Với Thăng Long - Hà Nội, trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đã hình thành nhiều loại hình cộng đồng (làng xã, phường phố, bang hội…), do vậy sự biểu hiện của hương ước (khoán ước, ước lệ, lệ định, lệ tục…) cũng rất phong phú. Thông qua nghiên cứu hương ước, chúng ta có thể nhận diện được bức tranh chung về đời sống vật chất, đời sống tinh thần cũng như những nét thuần phong mỹ tục của các cộng đồng làng xã, phường phố Thăng Long - Hà Nội xưa, để trên cơ sở ấy, tìm thấy những gì cần bảo lưu, phát huy, những gì cần loại bỏ khỏi đời sống cộng đồng hiện tại. Theo tôi, đề tài mang tính khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

2. Những nội dung cần nghiên cứu trong hệ thống hương ước tuyển chọn đã được nhóm tác giả nêu lên khá cụ thể và toàn diện. Phạm vi địa bàn nghiên cứu (tức các làng xã thuộc các quận huyện) tương đối điển hình. Đây là những làng cổ, có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, là những địa phương bảo lưu khá bền vững phong tục tập quán xưa, cũng là những địa phương còn lưu giữ được những bản hương ước giá trị.

3. Phương pháp nghiên cứu phù hợp. Đặc biệt sự kết hợp giữa nội dung văn bản với điều tra thực tế tại các địa phương sẽ giúp cho nhóm tác giả có được nhiều thông tin quý giá về các hoạt động của cộng đồng cư dân ở những nơi cần nghiên cứu. Đây là một trong những phương pháp tối ưu đảm bảo sự thành công của đề tài.

 4. Cấu trúc của đề tài hợp lý. Nội dung của từng phần tương đối toàn diện với sự phaâ chia các lĩnh vực cụ thể.

5. Một vài điểm cần sửa trong đề cương đề tài:

Tr.8: Phần chính văn tuyển dịch 60 bản hương ước (chứ không phải thần phả như đề cương đã viết). Tr.9 cũng vậy (sưu tầm, tuyển chọn, lập bảng danh mục hương ước).

Tôi cho rằng đây là một bản đề cương tốt. Nhóm tác giả là những người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và biên soạn nên tính khả thi cao.

                            

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá