Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích
Chủ nhật, 14/08/2011 11:56
Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí; PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh (Đồng Chủ trì tuyển chọn, giới thiệu). Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Thần phả thần tích là loại hình văn bản tồn tại phổ biến khắp các làng xã, nó góp phần giúp chúng ta hiểu biết rõ hơn về lịch sử vùng Thăng Long - Hà Nội. Nhiều bản thần phả thần tích ghi lại các câu chuyện đối nhân xử thế của cha ông ta cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, được nhiều người tôn trọng. Do vậy cần thiết có những chuyên khảo đi sâu vào nghiên cứu giới thiệu rộng rãi, nhằm giúp cho đông đảo bạn đọc ở Thủ đô và trong cả nước hiểu thêm về lịch sử truyền thống vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

- Bộ sách chuyên khảo và tuyển dịch về mảng tư liệu Hán Nôm viết về lịch sử văn hóa của các di tích ở Thăng Long - Hà Nội. Khảo cứu giới thiệu một số bản Thần phả thánh tích ở Hà Nội sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu để hiểu biết về quá trình lập làng dựng nước của nhân dân ta.

- Đề tài chọn các bản thần phả có niên đại cổ gồm các vị tôn thần được thờ ở bốn vùng ở kinh thành Thăng Long như Cao Sơn Đại vương, Linh Lang Đại vương, Huyền Thiên đại đế. Các bản thần phả ghi các vị anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Số còn lại, sẽ chọn các bản thần phả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành của Hà Nội.

- Cuốn sách sẽ gồm hai phần chính:

Phần thứ nhất: Bài khảo cứu tư liệu về Thần phả thánh tích ở các di tích của Thăng Long - Hà Nội. Trong phần này sẽ chú ý phân tích về giá trị của nguồn tư liệu này.

Phần thứ hai: Tuyển dịch khoảng 60 bản thần phả (Có danh sách kèm theo).

Bảng sách dẫn các thuật ngữ chuyên môn, các từ điển tích, các từ cổ, nhân danh, địa danh xuất hiện trong các bản thần phả.

          Bình luận sách

* PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn (Bình luận đề cương)

Thần tích là loại tài liệu Hán Nôm rất có giá trị trong việc tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu đời sống văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của các địa phương. Thần tích Thăng Long - Hà Nội cũng là những tài liệu thể hiện rất sinh động và sâu sắc các chiều văn hóa và đời sống nhân dân Thăng Long ngàn năm qua và Hà Nội ngày nay. Trong thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, việc sưu tầm, chọn tuyển và biên soạn bộ sách: “Thần tích thần phả Thăng Long - Hà Nội” đương nhiên là hết sức cần thiết và có giá trị.

Những ưu điểm của công trình thể hiện trong đề cương:

-   Công trình dự kiến chọn 60 bản thần tích (trong danh sách là 71), bình quân mỗi bản có độ dài từ 15-20 trang, tổng số trang nguyên bản chữ Hán vào khoảng  trên dưới 700 trang + phiên âm, dịch nghĩa, chú thích, tổng quan... công trình sẽ có độ dài khoảng 1500 trang. Với số trang chữ như vậy, đây là công trình có quy mô khá lớn trong các bộ sách biên soạn đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long này.

-   Nhìn qua danh mục các công trình dự kiến chọn tuyển thấy có mặt hầu hết các địa phương (đơn vị quận huyện) thuộc Hà Nội thời điểm 2009. Trong đó có trên 40 bản thuộc địa bàn Hà Nội trước sáp nhập Hà Tây. Tỷ lệ chọn như vậy là ổn thỏa.

-   Danh mục các thần tích được chọn đã thể hiện rõ diện mạo, danh mục các thần nổi tiếng, ảnh hưởng lớn trong dân gian và được thờ phụng trên nhiều địa bàn  thuộc Thăng Long - Hà Nội như: Đổng Thiên Vương; Linh Lang đại vương; Tản Viên Sơn Thánh, Thục An Dương Vương; Quốc Đô Thành hoàng đại vương, Văn Xương đế quân, Từ Đạo Hạnh... Các thần được thờ cũng phong phú về đối tượng, từ nhiên thần, nhân thần, các danh nhân lịch sử và danh nhân văn hóa được thờ phụng, các thần gắn với sơn xuyên, phong tục và văn hóa tín ngưỡng vùng Thăng Long. Việc chọn như vậy theo tôi là hợp lý.

-   Đề tài có tính khả thi, vì thứ nhất: nhóm biên soạn là những người có bề dầy nghiên cứu, sưu tầm thần tích. Thứ hai: Một bộ phận quan trọng thần tích đã được sưu tầm về các trung tâm lưu trữ và thư viện tại Hà Nội (như đề cương nói); Thứ 3 danh mục được lập chứng tỏ nhóm biên soạn đã có được sự chiếm lĩnh, làm chủ đối với tư liệu.

Vài điểm góp thêm

-   Về hai từ thần tích thần phả, có thể cân nhắc chọn một.

-   Trong đề cương cần có một sự giới thuyết, thậm chí là định nghĩa vắn tắt về thần tích thần phả. Trong đề cương trích nguyên văn mấy đoạn thần tích dài, tuy lý thú nhưng nó làm giảm tính “đề cương” của đề cương và tính chặt chẽ của văn bản. (Mặt khác, tài liệu được trích lại không phải một thần tích tiêu biểu của Thăng Long cổ).

-   Đề cương còn có phần vắn tắt, đặc biệt là chưa có một vài nội dung chính dự định sẽ viết trong tổng quan. Phần lịch sử nghiên cứu nên có thêm mấy dòng đánh giá về tình hình nghiên cứu đối với các thần tích Thăng Long.

-   Vị thần hoàng của đất Thăng Long thì có vẻ như chưa được chú ý đúng mức. Long Đỗ Thần Quân, thần hoàng của Thăng Long hiện đang thờ tại đền Bạch Mã  không thấy nhắc tới. Trong danh mục có hai tài liệu số 28 và 30 thờ thần sông Tô Lịch và Long Vương sự tích (ghi chú là Quốc đô Thăng Long thành hoàng Đại Vương), nhưng hai thần tích này thờ tại xã Hoàng Đông huyện Phú Xuyên và  phường Phú Gia quận Tây Hồ chứ không phải nơi thờ chính thần Long Đỗ. Tại nội thành Hà Nội hiện nay có 11 nơi thờ Long Đỗ, vậy những nơi này còn thần tích không và hệ thống liên hệ của chúng ra sao? Sự thờ phụng thần Long Đỗ ở các nơi này có gì khác biệt… Nhóm tác giả cần dành nhiều thời gian cho việc khảo hệ thống thờ thần Long Đỗ (Có thể thần tích ở đền Bạch Mã không còn, nhưng hình như trong Hà thành linh tích cổ lục vẫn còn ghi chép và không có lý gì 11 nơi trên không còn lưu giữ bản nào).

Kết luận: Đây là công trình có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa giáo dục truyền thống văn hóa địa phương. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đây là cuốn sách rất có giá trị. Nhóm biên soạn đã thể hiện được tính khả thi của đề tài.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá