Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội
Chủ nhật, 14/08/2011 11:57
Tác giả: PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, PGS.TS. Phan Phương Thảo (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.

Tóm tắt nội dung:

Bộ Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội được biên soạn với tư cách công trình tra cứu nhằm mục đích:

- Cung cấp cho các đối tượng bạn đọc những hiểu biết một cách hệ thống và toàn diện về tiến trình lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội.

- Cung cấp cho các nhà quản lí những thông tin cần thiết về mọi mặt của đời sống đô thị và những biến đổi về nhiều mặt qua quá trình lịch sử, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo thực tiễn.

- Cung cấp cho các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hoá Thủ đô những tư liệu cơ bản nhất, góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu, thúc đẩy sự phát triển của ngành Hà Nội học;

- Cùng với bộ Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (do GS. Phan Huy Lê chủ biên), bộ Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội sẽ là hai bộ sách có tính chất tập đại thành về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, là những ấn phẩm đặc biệt có ý nghĩa chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi nhằm góp phần tổng kết lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong chiều dài 1000 lịch sử một cách khoa học.

Cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài nươc muốn tìm hiểu một cách toàn diện về lịch sử và văn hoá Thăng Long – Hà Nội; Cung cấp cho các nhà khoa học hệ thống tư liệu đầy đủ nhất, góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội.
Đồng thời đây cũng là tư liệu rất quý cho các nhà quản lí trong việc kế thừa và vận dụng những giá trị lịch sử nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo trong thực tiễn hiện nay.

Bình luận sách

* GS.TS. Đỗ Quang Hưng (Bình luận bản thảo)

Chúng tôi đã nhận được bản thảo Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội dài 1894 trang (vi tính A4) với kết cấu 2 tập (tập 1 từ khởi đầu đến 1945 và tập 2 từ 1945 đến 2008), với tổng số trên 5000 sự kiện. Dưới đây là một số nhận xét chính của chúng tôi.

1. Những ưu điểm cơ bản

1.1. Về sự lựa chọn các đơn vị sự kiện

          Với một quan niệm đúng đắn là làm biên niên sự kiện lịch sử cho một thành phố tiêu biểu của đất nước như Thăng Long - Hà Nội, thì nó phải luôn hài hòa giữa yếu tính “ở Hà Nội” và “của Hà Nội”. Các tác giả tập sách đã quan niệm đúng đắn nên nhìn chung hàng nghìn sự kiện đã được chọn lọc tương đối hợp lý, phản ánh khá đầy đủ mọi lĩnh vực của đời sống chính trị xã hội và văn hóa của Thăng Long - Hà Nội một nghìn năm qua.

          Không phải mọi sự kiện đã được lựa chọn chính xác, nhưng về cơ bản chúng tôi tán thành với hệ thống sự kiện trong cả 3 phần: thời kỳ cổ trung đại, thời kỳ cận đại và thời kỳ hiện đại. Ưu điểm của sự lựa chọn còn ở chỗ: để làm rõ tiến trình lịch sử của thủ đô Hà Nội, các tác giả đã không “bỏ sót” bất cứ sự kiện nào, bất cứ thuộc giai đoạn nào. Ưu điểm này càng rõ với giai đoạn lịch sử cận và hiện đại của thành phố.

          1.2. Về nội dung mỗi sự kiện

          Chúng tôi cũng tán đồng cách thể hiện của tập sách đó là: kết hợp sự phản ánh trung thành nội dung của các sự kiện nếu như có cội nguồn từ tư liệu gốc (các bộ chính sử, tài liệu lưu trữ, công báo, tài liệu báo chí...) với việc tự thể hiện, bình luận của các tác giả.

          Điều này càng quan trọng đối với các sự kiện ở thời kỳ cổ trung đại, giai đoạn không thể có nhiều các tư liệu gốc.

          Có rất nhiều tư liệu được thể hiện với những nội dung lịch sử chuẩn xác, nghiêm túc, phản ánh rõ được những nội dung lịch sử chủ yếu ở mỗi giai đoạn của lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt với những sự kiện lớn, các tác giả đã không ngần ngại ưu tiên cho các tư liệu gốc (Chiếu Dời đô, các văn bản hiệp ước, sắc lệnh, chỉ dụ...) có liên quan trực tiếp đến sự phát triển lịch sử của thành phố và của đất nước.

          1.3. Về cơ sở tư liệu

          Có thể nói các tác giả đã sử dụng tốt, hợp lý những nguồn tài liệu chính như các bộ chính sử trong các triều đại phong kiến Việt Nam; các công trình tiêu biểu của các tác giả qua nhiều thời kỳ về lịch sử Hà Nội, đặc biệt nhiều tư liệu lưu trữ khá mới mẻ về lịch sử cũng như về sự hình thành và phát triển đô thị Hà Nội thời cận hiện đại (các phông lưu trữ của Thống sứ Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương, Tòa Đốc lý Hà Nội...). Các tư liệu Công báo, lưu trữ công văn hành chính của thành phố qua các chế độ chính trị khác nhau cho đến các tài liệu sách vở, các công trình nghiên cứu, tư liệu báo chí...

          Riêng với các tư liệu biên niên có liên quan về lịch sử đất nước và Hà Nội cũng được khai thác đúng mức. Riêng phần lịch sử cận đại của Hà Nội (1873 - theo ý kiến của nhóm tác giả - đến 1945, được phân thành 5 chặng đường quen thuộc theo lối phân kỳ) được các tác giả mạnh dạn sử dụng các tài liệu của các tác giả người Pháp những năm gần đây mới được công bố cũng khiến cho tính sinh động của công trình được rõ hơn.

          Với giai đoạn hiện đại, việc dựa vào những tài liệu chính thống của thành phố (Thành ủy, UBND, các Sở, ban, ngành...) được khai thác khá tốt.

          1.4. Về “kỹ thuật biên soạn”, điều này cũng rất quan trọng đối với mỗi công trình thuộc loại biên niên. Chúng tôi căn bản tán thành với sự thể hiện của các tác giả. Chẳng hạn việc tính theo dương lịch với các sự kiện ngay thời cổ trung đại (trừ tính thêm năm theo âm lịch) là hợp lý với bạn đọc phổ thông; lối ghi xuất xứ, sự bình luận khi cần thiết; văn phong của thể loại biên niên... nói chung khá đảm bảo.

          1.5. Nhìn chung, chúng tôi cảm thấy công trình cũng đã đạt yêu cầu về cơ bản. Nó tạo được cảm giác tin cậy cho người đọc vì tính nghiêm túc, tính cách khoa học, tính cập nhật (không phải mọi trường hợp) của các tác giả. Người đọc đã có thể mường tượng được lịch sử 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội qua hai tập biên niên này với gần 2000 trang khổ A4.

          Nếu tập sách được tu chỉnh và nâng cao ở một số chỗ thì chắc hẳn nó sẽ có thể tham gia một cách xứng đáng Tủ sách “Nghìn năm Thăng Long” và có chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc xa gần.

          2. Những điểm cần trao đổi, góp ý

          2.1. Trước hết, băn khoăn của chúng tôi là ở cấu trúc và cách thể hiện các sự kiện trong mỗi tập. Cách thể hiện theo lối “biên niên” có thính tuyệt đối, ở cả hai tập đều chưa thuận tiện cho việc tra cứu. Với người đọc, khi sử dụng biên niên (tất nhiên theo năm tháng), nhưng cũng cần chia theo thời đại, cho dễ theo dõi. Chẳng hạn thời Lý, rồi thời Trần, Lê - Nguyễn...

          Một thí dụ: Phần I tác giả (trong đề cương) gọi là “Hà Nội trước khi định đô”, gồm 29 sự kiện, từ đầu đến 939. Sau đó không rõ là kỷ nguyên độc lập lấy từ lúc nào? Cũng vậy, với sự kiện Trần Cảnh lên ngôi (1225; sự kiện số 341, tr.159) cũng không được làm rõ...

          2.2. Lối thể hiện của các tác giả, dù đúng hướng nhưng vẫn không tránh khỏi sự lẫn lộn với rất nhiều sự kiện trong đó sự trưng dẫn các tài liệu gốc với sự bình luận không rõ ràng.

          2.3. Về mặt tư liệu, từ thế kỷ XVII, dường như các tác giả đã “bỏ quên” loại tư liệu khá quý những năm gần đây càng có điều kiện tiếp cận như các sách hành trình và truyền giáo của các giáo sĩ, sách du ký, thậm chí sách nghiên cứu tôn giáo, văn hóa, phong thổ ký... của họ. Nên nhớ rằng việc A. De Rhodes, Tabert... là những người đầu tiên vẽ bản đồ Việt Nam, Thăng Long - Kẻ Chợ không nên bỏ qua.

          Cũng như vậy ở thời cận đại, các tác giả mới chỉ khai thác được một số cuốn sách của một vài tác giả Pháp.

          Riêng tư liệu thời hiện đại, từ 1945 trở lại đây, rất tiếc lại hơi... đơn giản. Chỉ thấy tài liệu “đơn tuyến”. Ít các tài liệu quý, nhất là của nước ngoài.

          2.4. Riêng phần đánh giá, cân nhắc một số sự kiện “đặc biệt tế nhị” cũng như việc không thể bỏ qua những sự kiện mà thiếu nó sự hiểu biết về Hà Nội sẽ hẫng hụt, tiếc rằng đây đó vẫn thể hiện trong bản thảo.

          Thí dụ, việc đánh giá không đúng kể cả kiến thức đối với các sự kiện như việc nhận chức Khâm mạng Tòa thánh của Dooley ở Hà Nội 1951, Vesak ở Hà Nội 2008... Người đọc cũng rất tiếc không thấy có Đại hội III tháng 9/1960; không có từ “Khâm Thiên” và “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội tháng 12 năm 1972. Gần đây hai sự kiện lớn là khai quật Hoàng thành Thăng Long cũng như Hà Nội mở rộng đều không có hoặc rất sơ lược...

          Đương nhiên ở Hà Nội còn có hàng loạt các sự kiện phong phú, phức tạp khác, nhưng theo chúng tôi cũng không nên bỏ qua (sự kiết thúc vai trò của Đảng Dân chủ và Xã hội cuối thập kỷ 80 chẳng hạn).

          Cũng cần điều chỉnh cho cập nhật sự đánh giá một số nhân vật chính trị - xã hội - văn hoă nổi tiếng ở/ của Hà Nội. Đồng thời cũng cần cân nhắc có nên đưa thành sự kiện của một vài sinh hoạt khoa học bình thường hay có quan trọng, liên quan đến một số nhân vật cụ thể, thậm chí ngay trong giới khoa học của chúng ta.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá