Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây (bình luận bản thảo)
Tóm tắt nội dung:
- Giới thiệu kho tư liệu tiếng phương Tây (tiếng
Pháp, tiếng Anh) phong phú về Thăng Long – Hà Nội về mọi mặt đời sống (chính
trị, kinh tế, xã hội, văn hoá) từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX.
-
Các tư liệu tiếng phương Tây về Thăng Long - Hà Nội rất
phong phú và đa dạng, có một số các công trình đã được dịch. Tuy nhiên, còn
thiếu tính chất tổng hợp và đánh giá khảo chứng. Trong công trình này có phần
trình bày ngắn gọn về sự tổng hợp đánh giá đó.
- Đối tượng phục vụ là các sinh viên, học viên cao
học, nghiên cứu sinh, các giáo viên, giảng viên và nhà nghiên cứu cùng đông đảo
các bạn đọc gần xa quan tâm và yêu thích đến lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Bình luận
* PGS.TS.
Nguyễn Văn Kim (Bình luận bản thảo)
1. Trong nghiên cứu, tìm
hiểu về một vấn đề, một thời đại hay một nhân vật lịch sử, về mặt phương pháp
luận chúng ta thường phải đồng thời chú ý, khai thác tối đa ba nguồn sử liệu.
Đó là, 1. Các nguồn sử liệu đương đại; 2. Các sử liệu xuất hiện trước và sau sự
kiện hay thời đại đó; và 3. Các sử liệu bên ngoài. Nguồn tư liệu này vốn vẫn
được coi là nguồn sử liệu “khách quan” vì chúng thường được tạo ra trong điều
kiện ít bị chi phối bởi những tác nhân chính trị của quốc gia sở tại.
Các
nhà nghiên cứu thường hay có khuynh hướng đề cao nguồn sử liệu thứ nhất bởi
phần lớn chúng được coi là tư liệu gốc. Điều đó đúng nhưng trong không ít
trường hợp nguồn tư liệu này rất thiếu vắng, thậm chí khan hiếm hay chỉ có thể
tập trung phản ánh phần nào diện mạo lịch sử mà thôi. Vì thế, nguồn tư liệu thứ
hai và thứ ba có vai trò hết sức quan trọng trong việc bổ sung những khiếm
khuyết cho nguồn sử liệu thứ nhất. Với tư cách là một đô thị lớn, có lịch sử
lâu dài và phát triển tương đối liên tục, Thăng Long - Hà Nội đã để lại một kho
tư liệu tương đối đồ sộ. Đó là sức sống, sáng tạo của Thăng Long nhưng đồng
thời cũng thể hiện vai trò, vị thế và sức hấp dẫn của kinh đô - thủ đô trong
hành trình lịch sử dân tộc. Đó là vốn quý của Thăng Long - Hà Nội, của đất nước
và trong một ý nghĩa nào đó các nguồn tư liệu đó còn là giá trị chung của văn
hóa khu vực, nhân loại. Hiểu văn hóa, sức sống văn hóa của một dân tộc theo
quan điểm phi biên giới (borderless)
chúng ta có thể tự tin và tự hào nghĩ như vậy.
2. Để hiểu về lịch sử hình
thành, phát triển của thành thị rồi thủ đô Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi
với biết bao biến đổi hiển nhiên chúng ta không thể chỉ khai thác nguồn tư liệu
đơn tuyến tức những nguồn tư liệu bản địa (local
documents). Nguồn tư liệu đó, dù có phong phú cũng rất cần phải được bổ
sung những ghi chép, phản ánh của nhiều nguồn tư liệu khách quan khác mà chúng
ta có thể phát hiện và cần phải khai thác. Với tư cách là người học sử tôi đánh
giá cao sáng kiến của Nhà xuất bản Hà Nội trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức
thực hiện, khai thác, dịch thuật, giới thiệu... nguồn tư liệu của nước ngoài
viết về Thăng Long - Hà Nội mà cụ thể ở đây là Tuyển tập tư liệu phương Tây viết về thủ đô.
Vấn
đề đặt ra là, đôi khi trong công tác nghiên cứu và tổ chức công tác chuyên môn
không phải bao giờ có ý tưởng hay, sáng tạo mà chúng ta cũng có thể thu nhận
được kết quả như mong đợi. Nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, Nhà
xuất bản Hà Nội đã thực hiện thành công ý tưởng khoa học của mình bởi lẽ đã tin
cậy giao trọng trách nói trên cho một nhóm các nhà chuyên môn có năng lực ngôn
ngữ và tâm huyết với nghề. Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - trong suốt
mấy chục năm qua đã chuyên canh, thâm canh trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội và
đã đặt dấu ấn trong sự nghiệp khoa học của mình với nhiều công trình nghiên cứu
chuyên sâu, nổi tiếng về Thăng Long thế kỷ XVI-XVIII được giới nghiên cứu trong
nước, quốc tế tham khảo, ngưỡng mộ.
3. Hiển nhiên, các nguồn
tư liệu nước ngoài viết về Thăng Long - Hà Nội, cũng như các kinh đô, đô thị
lớn ở Đông Nam Á như Angkor, Ayutthaya, Batavia, Manilar... đều có những nguồn
tư liệu phong phú. Nhưng hẳn là Hà Nội có nhiều nguồn sử liệu đa dạng và trội
vượt bởi Việt Nam
là quốc gia có truyền thống văn hiến, người Việt yêu sử và thích làm sử. Hơn
thế, sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của
môi trường văn hóa khu vực trong đó đặc biệt là văn minh Trung Hoa. Tôi nghĩ
rằng, rồi đây cùng với nguồn tư liệu phương Tây (mà chúng ta có thể khai thác
triệt để hơn nữa) cũng cần có kế hoạch khai thác, dịch thuật giới thiệu nguồn
tư liệu chữ Hán (đó là các tư liệu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên...) viết
về kinh đô Thăng Long (với vương quốc An Nam - Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể khai thác một số nguồn tư liệu từ các quốc
gia trong khu vực viết về Thăng Long - Đại Việt như tư liệu của Chiêm Thành,
Chân Lạp, Xiêm La, Srivijaya... Hẳn là, nếu có thể khai thác tất cả các nguồn
tư liệu đó thì nhận thức của chúng ta về Thăng Long - Hà Nội chắc chắn sẽ được
bổ sung thêm nhiều lượng thông tin bổ ích đồng thời có thể làm phong phú hơn
kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
4. Trước một khối lượng tư
liệu đa dạng, tương đối đồ sộ có thể khai thác từ các kho lưu trữ, thư viện
trong nước và phương Tây các tác giả đã tự xác định rõ mục tiêu và yêu cầu đặt
ra đối với nội dung công việc. Đó là, “tuyển tập những tư liệu văn bản, thư
tịch phương Tây, nói chính xác hơn, là của những tác giả người châu Âu. Khung
thời gian được lựa chọn là hơn ba thế kỷ từ đầu thế kỷ XVII đến 1945. Không
gian khảo sát tập trung vào khu nhân lõi của nó, Thăng Long - Kẻ Chợ và Hà Nội
36 phố phường, nhưng trong những sự kiện và thông tin liên quan đến Thăng Long
- Hà Nội, nó có thể mở rộng ra một không gian rộng lớn hơn của xứ Đàng Ngoài và
sau đó là xứ Bắc Kỳ. Những lĩnh vực được đề cập đến là toàn diện từ chính trị,
kinh tế đến xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, cuốn sách sẽ không đi sâu vào những sự
biến lịch sử mà chú trọng đến những miêu tả xã hội. Ở một phạm vi hẹp hơn của
đô thị Thăng Long - Hà Nội, cuốn sách sẽ đặc biệt quan tâm đến chính sách của
nhà cầm quyền, quy hoạch và diện mạo đô thị, các hoạt động và đời sống kinh tế
- xã hội đô thị, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của thị dân...
Đây
là một sưu tập các cuốn sách và bài viết của các tác giả người phương Tây viết
về những gì của và có liên quan đến Thăng Long - Hà Nội. Nó đồng thời có những
khuyết thiếu hạn chế, cũng như những lợi điểm và ưu thế của nó”.
Tôi
cho rằng, việc Chủ nhiệm đề tài và các tác giả xác định mục tiêu công việc như
vậy là hoàn toàn chính xác bởi lẽ: Thứ nhất, hạn chế được đến mức tối đã sự
“choáng ngợp” trước nguồn tư liệu đám đông; Thứ hai, tập trung vào những mảng
mà nguồn tư liệu thứ nhất và thứ hai còn khuyết thiếu; và Thứ ba, phạm vi mà
các tác giả tập trung khai thác cũng là thế mạnh nhất của nguồn tư liệu phương
Tây. Đó chính là những mô tả xã hội, diện mạo đô thị,
các sinh hoạt văn hóa vật thể, phi vật thể và cả các chủ trương, chính sách của
giới cầm quyền được nhìn nhận, xem xét và phê phán từ bên ngoài. Việc
lựa chọn và xác định mục tiêu công việc như vậy không chỉ cho thấy các tác giả
đề tài đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, đã khai thác, trải nghiệm qua
nhiều nguồn tư liệu đồng thời có những đánh giá chính xác, khách quan về những
ưu thế của các nguồn tư liệu này. Điều cần nhấn mạnh là, nhiều nguồn tư liệu
được chọn dịch là tài liệu nguyên gốc, chưa từng được dịch, giới thiệu ở Việt Nam. Các tư
liệu này có giá trị nguyên sơ, đặc biệt của nó. Phần lớn các tư liệu khác cũng
chỉ mới được giới thiệu sơ bộ qua các đoạn trích trong một số công trình sử
học, xã hội, dân tộc học, văn hóa học.
Cũng
cần phải nói thyêm là, tuy xác định các tư liệu lựa chọn là của các tác giả
phương Tây nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ được chọn dịch đó là các bức
Thư của chúa Trịnh Tráng gửi Ban lãnh đạo giáo đoàn Dòng Tên ở Macao và Thư của
vua Lê Hy Tông (hay chúa Trịnh Căn?) gửi Hoàng đế Pháp Louis XIV. Tôi cho rằng
những ngoại lệ đó là hợp lý, hơn thế còn góp phần làm phong phú thêm nội dung
cuốn sách.
5. Được Nhà xuất bản Hà
Nội và Hội đồng Tư vấn khoa học tin cậy giao trách nhiệm đọc phản biện, tôi đã
xem kỹ hồ sơ của đề tài trong đó có cả đề cương và biên bản ghi ý kiến đóng góp
của các chuyên gia, nhà khoa học khi thông qua đề cương nghiên cứu. Có thể nói,
các tác giả đã nghiêm túc xem xét và chỉnh sửa, bổ sung theo những ý khiến đó.
Vì thế, trong bản thảo lần này, chúng ta thấy nội dung của các bản dịch đã có
sự lựa chọn tinh hơn đồng thời cũng phong phú hơn. Cấu trúc của bản thảo cuốn
sách cũng đã trở nên sáng tỏ hơn với việc phân định ra thành hai thời kỳ cơ bản
là: 1. Các nguồn tư liệu phương Tây thời kỳ tiền thực dân (Từ đầu thế kỷ XVII
đến 1883, hiệp ước Harmand); và 2. Thời kỳ Pháp thuộc (Từ 1883 đến 1945 được
ghi dấu bằng cuộc Cách mạng Tháng tám). Theo tôi sự phân chia mốc thời gian như
vậy là hoàn toàn hợp lý. Nếu như ở thời kỳ thứ nhất, các tác giả đã lọc chọn kỳ
công nhiều nguồn tư liệu giá trị để dịch thuật, giới thiệu thì trong thời kỳ
thứ hai với sự bùng nổ thông tin viết về Thăng Long - Bắc Kỳ, các tác giả đã
thể hiện rõ bản lĩnh của mình trước một khối lượng tư liệu đám đông. Các tư
liệu đó tuy có những mô tả hữu ích, thực tế về Hà Nội nhưng cũng luôn ẩn chứa
trong đó nhiều quan điểm thực dân, và một “sứ mệnh khai hóa”... Từ việc khảo
sát trên diện rộng, các tác giả đã chọn ra những phần tư liệu hữu ích về Hà
Nội. Như vậy, cùng với những khói khăn trong việc dịch thuật đặc biệt là việc
xác định các khái niệm lịch sử, tên đất, tên người, các loại chức vị, phẩm hàm
v.v... có thể hình dung ra chặng đường vất vả, nhiều thách thức mà các tác giả
đã đi qua để rồi có thể đúc rút ra 633 trang tư liệu có giá trị cao về Thăng
Long - Hà Nội. Lời giới thiệu của
công trình theo tôi cũng thật sự sâu sắc và toàn diện. Các tác giả không chỉ
xác định rõ nội dung, mục tiêu của cuốn sách mà còn phân tích rõ giá trị của các nguồn tư liệu thể hiện diện
mạo của Thăng Long - Hà Nội cùng diễn tiến của thủ đô trong khoảng hơn 3 thế
kỷ.
Tuy
vậy, để có được một bản thảo đạt chất lượng cao và hoàn thiện hơn nữa, các tác
giả và bộ phận biên tập cũng nên tập trung thêm thời gian để khắc phục triệt để
các lỗi về kỹ thuật văn bản cũng như chỉnh sửa thêm một số câu, ý trong bản dịch để bảo đảm sự trong sáng về văn phong, tính
hiện thực lịch sử và qua đó sẽ làm cho nội dung bản dịch trở nên dễ hiểu hơn
đối với đông đảo bạn đọc. Bên cạnh đó, các tác giả cũng nên xem xét để trong
một số trường hợp cần thiết nên có thêm những chú giải. Các chú giải đó sẽ góp
phầm làm sáng tỏ hơn nữa một số vấn đề mà các nguồn tư liệu nêu ra cũng như chỉ
ra những thiếu sót, nhầm lẫn trong mô tả và nhãn quan của những người ngoại
quốc.
Tóm
lại: Công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây”
của tập thể tác giả do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ làm Chủ nhiệm là một công trình
khoa học có giá trị. Công trình có nội dung phong phú, thể hiện sinh động diện
mạo và những chuyển biến căn bản của Thăng Long - Hà Nội trong suốt hơn ba thế
kỷ. Cấu trúc công trình hợp lý, bảo đảm tính cơ bản và toàn diện của một cuốn
sách về Thủ đô được phản ánh qua các nguồn tư liệu phương Tây. Kính đề nghị Hội
đồng nghiệm thu và Nhà xuất bản Hà Nội thông qua nội dung bản thảo và sớm có kế
hoạch công bố công trình.
Nhà xuất bản Hà Nội