Tóm tắt nội dung:
- Tinh thần
“uống nước nhớ nguồn”, trân trọng danh nhân là một truyền thống lâu đời và thực
sự có ý nghĩa trong việc giáo dục tình yêu nước thương dân, tinh thần chống
ngoại xâm, chống thiên tai và đó cũng chính là nhiệm vụ, nhu cầu, đích đến của
công tác sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu tiểu sử danh nhân qua ngàn năm văn hiến
Thăng Long - Hà Nội.
-
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên công trình sưu tập cần tuyển
chọn được những danh nhân Lịch sử - Văn hóa tiêu biểu trong trường kỳ lịch sử.
Chú ý ưu tiên tuyển chọn các danh nhân sinh sống hoặc có đóng góp rõ ràng với
Thăng Long - Hà Nội.
Đây thực sự là
việc làm hữu ích và in đậm tính thời sự, cần có sự tham gia của đông đảo các
nhà nghiên cứu và mất nhiều năm nữa mới có thể thực hiện được tương đối đầy đủ,
trọn vẹn vấn đề “Danh nhân Thăng Long -
Hà Nội” trong hệ đề tài Nghiên cứu tiểu sử danh nhân… Trên cơ sở loại đề
tài “Danh nhân Thăng Long - Hà Nội”, sau này có thể thành lập một Trung tâm
Tiểu sử danh nhân Việt Nam (Tập hợp và định hình ngân hàng dữ liệu tiểu sử,
phục vụ nghiên cứu, tra cứu và kỷ niệm, tuyên truyền về danh nhân…).
- Khái niệm
"danh nhân Thăng Long - Hà
Nội" bao quát phạm vi rộng lớn, bao gồm những người từng gắn bó, góp công
với Hà Nội, bất kể người đó đã sinh ra hay chỉ có một phần đời hoạt động trên
đất Hà thành. “Danh nhân” ở đây được quan niệm là những người có tên tuổi, có
tiểu sử tương đối rõ ràng và tồn tại như là những con người thực trong cuộc
sống, được lưu truyền trong lịch sử. Tuy nhiên, còn có những nhân thần và nhiên
thần đã được thần thoại hóa, cổ tích và truyền thuyết hóa, có khi nằm ở đường
biên hoặc giao thoa với kiểu danh nhân lịch sử (loại thần núi, thần sông, thần
làng nghề, thần tứ trấn, tổ làng nghề, thành hoàng…). Loại danh nhân này cần
được cân nhắc, phân loại và có cách xếp đặt trong một công trình khác, hoặc đặt
trong một đề mục độc lập với loại danh nhân lịch sử.
-
Trên cơ sở hệ thống tư liệu, công trình biên soạn, sưu tập, phác thảo chân dung
danh nhân lưu ý chọn lựa các nhân vật tiêu biểu cho các giai đoạn lịch sử, sát
đúng với tiêu chí danh nhân lịch sử…
- Công trình Danh nhân Thăng Long - Hà
Nội không chỉ nhằm phục vụ một dịp niệm mà thực sự có ý nghĩa trong việc
giới thiệu chiều sâu truyền thống văn hoá, cung cấp một cách nhìn khái quát về
lịch sử thủ đô thông qua chính những tấm gương danh nhân vốn là chủ nhân của
Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách
* PGS.TS Lã Nhâm Thìn (Bình
luận đề cương)
I. NHỮNG ƯU
ĐIỂM CẦN KHẲNG ĐỊNH
1. Về đề tài nghiên cứu: Đề tài thật sự
có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Về mặt khoa học, công trình cung cấp những dữ
liệu về danh nhân để phục vụ cho công tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Về
mặt thực tiễn, công trình vừa có ý nghĩa lâu dài (giáo dục truyền thống yêu
nước, nhân đạo, văn hoá...), vừa có ý nghĩa thời sự (hướng tới Đại lễ kỉ niệm
một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội).
2.
Về phạm vi, nội dung nghiên cứu: Đề
tài xác định phạm vi nghiên cứu là những danh nhân Thăng Long - Hà Nội với
những tiêu chí mang tính khoa học:
-
Những con người có tên tuổi, có tiểu sử tương đối rõ ràng, có thực trong đời
sống, được lưu truyền trong lịch sử. Những nhân thần và nhiên thần, về cơ bản
không thuộc phạm vi nghiên cứu của công trình.
-
Những người từng gắn bó, góp công với Hà Nội, dù là người gốc Thăng Long - Hà
Nội, hay chỉ gắn bó một phần đời, hoặc chỉ gắn bó bằng sự nghiệp với mảnh đất
đế đô.
Đề
tài tự giới hạn ở những danh nhân thuộc thời kì trung - cận đại, tính đến hết
thế kỉ XIX. Sự tự giới hạn này là cần thiết.
3.
Về kết cấu công trình: Công trình gồm hai phần nhìn chung là hợp lí.
-
Phần Tổng luận đã nêu được những nội
dung khoa học cơ bản cần triển khai.
-
Phần Tinh tuyển đã nêu được 132 danh
nhân (số lượng theo số thứ tự là 134 nhưng không có số 4, mục Bà Huyện Thanh Quan
bị trùng lặp - số 105 và số 124 đều là Bà Huyện Thanh Quan). Các danh nhân đã
được sắp xếp theo trình tự thời gian khá cẩn thận.
4.
Về đội ngũ tác giả: Từ chủ biên đến
thư kí và các cộng tác viên, nhìn chung là những nhà khoa học, những nhà nghiên
cứu có uy tín. Đây là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định sự thành
công của đề tai.
II. NHỮNG TRAO
ĐỔI, GÓP Ý
1.
Phần Tinh tuyển cần thống nhất và cụ
thể hơn một số nội dung cơ bản khi viết về danh nhân. Ví dụ: Tên, tự, hiệu, năm
sinh, năm mất, quê quán, sự nghiệp, những đóng góp nổi bật v.v... Sự thống nhất
này tạo nên tính nhất quán của công trình.
2.
Rà soát lại để bổ sung thêm những danh nhân đích thị là danh nhân Thăng Long -
Hà Nội. Ví dụ:
+
Lí Ngọc Kiều (1041 - 1113), người hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay thuộc
ngoại thành Hà Nội, cháu nội vua Lí Thái Tông. Bà là thiền sư, là nhà thơ, có
những đóng góp đối với Phật giáo thời Lí - là người nổi tiếng trong thế hệ thứ
mười sáu dòng thiền Nam phương...
+
Ngô Chi Lan, người làng Phù Lỗ, huyện Kim Anh, xứ Phúc Yên, nay thuộc ngoại
thành Hà Nội, sống ở thời Lê sơ. Bà là người giỏ thi ca, từ khúc (có Mai trang tập - Tập thơ vườn mai), từng
giữ chức Phù gia nữ học sĩ, dạy đạo đức, nghi lễ, thơ văn cho các cung nhân
trong vương phủ...Ngô Chi Lan là nhà thơ nữ có đóng góp quan trọng đối với sự
phát triển của văn học Việt Nam.
Đưa
thêm Lí Ngọc Kiều, Ngô Chi Lan vào phần Tinh
tuyển càng làm sáng danh nữ danh nhân Thăng Long - Hà Nội, hơn nữa hai bà
đều là người quê gốc Thăng Long.
3.
Nên thống nhất tên gọi: các danh nhân từng xưng danh hiệu hoặc ở ngôi vua đều
không gọi tên thật (ví dụ gọi Lí Thái Tổ, không gọi Lí Công Uẩn) thì trường hợp
danh nhân Lí Bí (số thứ tự 3) nên chăng đổi thành Lí Nam Đế.
4.
Có một số lầm lẫn do lỗi kĩ thuật: số thứ tự 38 ghi là Trần Nguyên Hãn (1325 -
1390) thực ra phải là Trần Nguyên Đán (năm sinh, năm mất đều là của Trần Nguyên
Đán, vả lại số 47 có mục Trần Nguyên Hãn).
III. KẾT LUẬN
CHUNG
Đề
cương chi tiết Danh nhân Thăng long - Hà
Nội mang tính khoa học, tính khả thi cao. Hi vọng công trình Danh nhân Thăng long - Hà Nội sẽ được
hoàn thành với chất lượng cao và kịp ra mắt bạn đọc trong dịp Đại lễ kỉ niệm
Thăng Long - Hà Nội tròn thiên niên kỉ.
Nhà xuất bản Hà Nội