Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Văn kiện Lịch sử
Thứ hai, 15/08/2011 12:05
Tác giả: GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ trì tuyển chọn). Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển chọn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Đề tài nhằm tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử tiêu biểu trực tiếp gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội; hoặc những văn kiện có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử quốc gia và dân tộc nhưng được ra đời chính tại đây - nơi suốt nghìn năm qua là trung tâm hành chính, chính trị của đất nước. Kết quả của đề tài sẽ là một hệ thống tư liệu có độ tin cậy và giá trị khoa học cao, không chỉ chỉ rõ những bước đường phát triển về mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề của lịch sử đất nước, gắn liền với lịch sử Thủ đô. Đây thực sự là một công trình khoa học có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân cả nước nói chung, người dân Hà Nội nói riêng. Do vậy, đề tài không chỉ cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mà còn hướng tới phục vụ đông đảo độc giả Thủ đô và cả nước.

- Cách tiếp cận:

          Về không gian: Những văn kiện quốc gia quan trọng nhất nhưng được viết và công bố tại Thăng Long - Hà Nội; hoặc những quyết định của/liên quan trực tiếp đến kinh thành Thăng Long trước đây, thủ đô Hà Nội hiện nay.

          Về thời gian: Từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến những văn kiện mới nhất của/về Thủ đô Hà Nội.

Về đối tượng: Khảo sát tất cả các nguồn tài liệu, từ chính sử biên niên, các văn bản điển chế pháp luật, thơ văn, tài liệu lưu trữ, sách báo đã công bố…

- Các nguyên tắc tuyển chọn, trình bày:

          + Tính khách quan: Giới thiệu nguyên bản các văn kiện lịch sử lưu trong các nguồn tài liệu. Đối với những văn kiện có nhiều bản dịch hoặc dị bản (chủ yếu ở thời kỳ trung đại), chúng tôi chọn theo chính sử hoặc bản gần nhất với thời điểm được ban bố. Trong một số trường hợp cần thiết, sẽ có những chú giải rõ ràng cho phần nội dung.

+ Tính lịch sử: Các văn kiện được trình bày theo trình tự thời gian mà văn bản đó được công bố.

          + Tính toàn diện: Những văn kiện được tuyển chọn đề cập đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Thăng Long - Hà Nội.

Bình luận sách

* PGS.TS. Ngô Đăng Tri (Bình luận đề cương)

1. NHỮNG ƯU ĐIỂM CƠ BẢN

  1.1. Về đề tài nghiên cứu:  Đây là một công trình cần phải có và nên có sớm nhất trong hệ thống các công trình của Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bởi nó vừa là nơi cung cấp các tài liệu lịch sử về các quy phạm pháp luật, lãnh đạo, chỉ đạo liên quan đến xây dựng, quản lý Thăng Long - Hà Nội mà còn như là tập biên niên sự kiện lớn, tập thư mục cơ bản về lịch sử Thăng Long - Hà Nội và phần nào là của nước Việt Nam. Thực hiện tốt đề tài này sẽ làm cho Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến có một công trình mang tính cơ bản, hệ thống về khoa học và có tính ứng dụng cao, phục vụ kịp thời thực tiễn xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô hiện nay cũng như lâu dài về sau. Đây là loại đề tài mới, thuộc khoa học lịch sử; đối tượng phục vụ vừa chuyên sâu vừa rộng rãi, rất hữu ích về mọi phương diện.

Cách tiếp cận về không gian, thời gian, đối tượng và các nguyên tắc tuyển chọn các văn kiện cũng như phương pháp nghiên cứu nhìn chung thích hợp. Đối tác hợp tác và nội dung hợp tác đáng tin cậy, có tính khả thi cao.

1.2. Về nội dung đề cương: 

- Bố cục Tuyển tập gồm Lời giới thiệu và ba phần chính theo diễn trình ba thời kỳ xuất hiện của các văn kiện lịch sử là thời kỳ Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt, thời kỳ cận đại, thời kỳ từ cách mạng Tháng Tám đến nay, trong đó thời kỳ thứ ba (hiện đại) là trọng tâm với các giai đoạn nhỏ kế tiếp: 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - nay, là phù hợp.

- Danh mục các văn kiện của Tuyển tập dự kiến gồm 159 đầu mục nhìn chung là khách quan, đúng tiến trình lịch sử, toàn diện, cơ bản, tiêu biểu và khá đầy đủ.

- Tiến độ thực hiện và quy trình thực hiện đề tài rõ ràng, khẩn trương.

 

2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN BỔ SUNG

2.1. Vấn đề còn thiếu:

- Các công trình có liên quan đến đề tài (mục 9.2), thư mục.

- Cần lưu ý đến một số công trình sẽ cung cấp thêm văn kiện cho Tuyển tập, như:

+ Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam toàn tập (Nxb CTQGHN đã đến tập 50?)

+ Văn kiện các Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Nxb CTQGHN)

+ Văn kiện Quốc hội toàn tập (đã xb Tập 1, 1945- 1960, Nxb CTQGHN, 2005);

+ Hồ Chí Minh toàn tập (Nxb CTQGHN);

+ Tổng Mục lục văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam 1945- 2002;…

2.2. Cần bổ sung thêm một số loại văn kiện hoặc văn kiện sau:

- Phần thứ nhất: Thời kỳ Kỷ nguyên Đại Việt:

+ Một số thư tịch, ghi chép về vùng Hà Nội trước năm 1010

+ Một số ghi chép, hiểu biết về kinh đô Hoa Lư, Tây Đô và Huế

+ Một số văn kiện của nước ngoài có liên quan đến Thăng Long -Hà Nội (của Trung Quốc, của Pháp…)

- Phần thứ hai: Thời cận đại (phần này đang ít, cần bổ sung thêm):

+ Các đạo sắc, thần phong của Triều đình Huế cho vùng Hà Nội

+ Thư tạ tội của Tổng đốc Hoàng Diệu

+ Các văn kiện của Đông Kinh nghĩa thục (trích)

+ Các chủ trương của Việt Nam Quốc dân Đảng (trích)

+ Tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng

+ Luận cương chính trị của Đảng

+ Vấn đề Dân cày của Qua Ninh và Vân Đình (trích)

+ Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ (trích)

 + Một số văn kiện của Đảng ra đời ở Hà Nội trước cách mạng Tháng Tám

- Phần thứ ba: Thời hiện đại

Giai đoạn 1945 - 1954:

+ Một số văn kiện về thiết lập bộ máy Nhà nước VNDCCH năm 1945 - 1946

+ Một số văn kiện về xây dựng nền đại học Việt Nam mới năm 1945 - 1946

+ Một số văn kiện về chỉ đạo kháng chiến ở Nam Bộ 1945 - 1946

+ Một số văn kiện về đối ngoại, ngoại giao thời kỳ 1945 - 1946

+ Một số văn kiện của Trung ương và của Hà Nội thời kỳ 1946 - 1954

Giai đoạn 1954 - 1975:

+ Các văn kiện của Trung ương, của Hà Nội về tiếp quản Thủ đô

+ Một số văn kiện của Trung ương, Hà Nội về khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa 1954 - 1960

+ Văn kiện Đại hội lần thứ III của Đảng (trích)

+ Một số văn kiện của Trung ương và Hà Nội thực hiện kế hoạch 1961 - 1965

+ Một số văn kiện của Trung ương, Hà Nội với miền Nam 1954- 1975

+ Một số thư, điện khen của Trung ương, Hồ Chí Minh cho Hà Nội 1954 - 1975

+ Một số thư, điện của Mặt trận DTGPMNVN và Chính phủ CMLTCHMNVN của các địa phương miền Nam cho Hà Nội 1954- 1975.

+ Một số văn kiện quốc tế ra đời tại Hà Nội, liên quan đến Hà Nội 1954 - 1975

Giai đoạn 1975 - 2009

+ Văn kiện các đại hội Đảng  từ  Đại hội IV đến X (trích)

+ Cương lĩnh Đại hội VII

+ Văn kiện một số đại hội Đảng bộ Hà Nội

+ Một số văn kiện quốc tế ra đời tại Hà Nội (tuyên bố Hà Nội của ASEAN…)

+ Một số văn kiện quốc tế liên quan đến Hà Nội (Hà Nội - Thù đô vì hòa bình…)

+ Một số văn kiện đối ngoại của Hà Nội (với thủ đô các nước, với các tỉnh…) 

 

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

3.1. Một số kiến nghị cụ thể:

- Nên tiếp cận các văn kiện đến 12 – 2009.

- Nâng tổng số trang sách lên 1.000 trang.

- Một số văn kiện không nên đưa nguyên văn, toàn văn mà có thể trích đoạn.

- Vấn đề nguồn, xuất xứ các văn kiện thời cận, hiện đại nên theo các văn bản mới nhất do các nxb lớn trong nước công bố (Văn kiện Đảng, Văn kiện Quốc hội, Hồ Chí Minh toàn tập…).

3.2. Kết luận và kến nghị chung:

Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng, cần thiết. Đề cương thể hiện sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của chủ nhiệm và các tác giả, đã bao quát và đáp ứng tốt các nội dung do đề tài đặt ra, có tính khả thi cao. Đề nghị cho nghiệm thu đề cương và chuyển sang triển khai thực hiện sau khi bổ sung, sửa chữa theo kết luận của hội đồng nghiệm thu.

 

 Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá