Sách điện tử Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI
Tóm tắt nội
dung
- Sách điện tử đa phương tiện “Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu
thế kỷ XXI” là quyển sách điện tử đầu tiên trong bộ sách điện tử được thực
hiện trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do NXB Hà Nội làm chủ đầu
tư.
-
Sách Điện tử đa phương tiện “Ca khúc Hà
Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI” được tuân thủ đúng với nội dung
của sách truyền thống. Nhưng lại cung cấp nhiều phương tiện khác hỗ trợ cho
người đọc có thể tìm hiểu nội dung của sách trên nhiều phương diện khác nhau. Theo
đó nội dung sách có các phần: thuyết luận, 300 bài hát ra đời trong các giai
đoạn lịch sử: trước cách mạng tháng 8 năm 1945, kháng chiến chống Pháp, kháng
chiến chống Mỹ, từ năm 1975 đến nay và giới thiệu sơ lược chân dung các nhạc sĩ
– tác giả của các ca khúc trong tập sách. Qua đó mục tiêu của cuốn sách hướng
tới không những ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội như nguồn cảm hứng cho âm nhạc, thể
hiện tình yêu của các nhạc sĩ dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến mà còn tái
hiện diện mạo của nền âm nhạc Thủ đô một cách sống động, chân thực và truyền
tải tới người đọc, người nghe những cách cảm nhận mới mẻ.
- Với việc đem lại cho
người đọc một công cụ mới, một phương pháp mới trong việc nghiên cứu cũng như
tra cứu những thông tin âm nhạc Hà Nội. Bộ sách điện tử được sử dụng dành cho mọi
người có nhu cầu nghiên cứu về âm nhạc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ
XIX.
Bình luận
Nhà thơ Bằng Việt (Bình
luận đề cương)
Đây
là đề cương đầu tiên thuộc loại này trong Tủ sách “Thăng Long 1000 năm văn hiến”,
nên khó tránh khỏi một số bỡ ngỡ khi đi vào trình bày cụ thể những yêu cầu cần
phải đặt ra, đối với một cuốn sách từ dạng bình thường khi chuyển sang dạng
“sách điện tử” và những đặc thù của nó.
Tuy
nhiên, với cách bố cục khá mạch lạc, các tác giả đã làm nổi rõ lên được nội
dung, yêu cầu về kỹ thuật cũng như về chức năng đối với một cuốn sách điện
tử. Tôi chỉ xin phép được góp thêm một
số ý cụ thể như sau :
1. Phần TỔNG QUÁT nên rút gọn phần trên, chỉ
tóm tắt kế hoạch xuất bản 5 đầu sách điện tử như đã liệt kê, rồi đi thẳng vào
những vấn đề của cuốn “Ca khúc Hà Nội...”
được thiết kế để trở thành cuốn sách điện tử đầu tiên trong bộ sách. Đoạn 2 (Mục tiêu của Dự án), có lẽ nên miêu tả
kỹ hơn về mọi trang bị cho một cuốn sách điện tử, để người đọc dễ hiểu hơn, vì
đây là cuốn đầu tiên. Ví dụ, khi NXB đưa ra cho độc giả một cuốn sách điện tử,
thì họ sẽ được trang bị (các thiết bị và phụ kiện) theo cách nào sau đây:
-
Một đĩa DVD (hay VCD thông thường, hay
CD - ROM , hay VCD - ROM, hoặc DVD - ROM, để có thể tiện sử dụng theo 2 cách,
một là với đầu đĩa phát VCD và DVD có nối vào màn hình Tivi thông thường, hai
là có thể đưa lên máy tính và ghi được vào bộ nhớ?
-
Cũng như trên, nhưng còn được cung cấp thêm một cuốn sách (có thể thu nhỏ khổ sách lại để dễ bỏ túi), trong đó in
toàn bộ nội dung các bài giới thiệu, các tiểu luận của các nhà biên soạn sách,
đồng thời cũng in kèm toàn bộ ca khúc có trong đĩa và chân dung, tiểu sử các
tác giả?. Như vậy cũng gần giống với các sách giáo khoa để tự học ngoại ngữ,
vừa đọc bằng mắt, vừa có đĩa để nghe phát âm và luyện nói, luyện thực hành qua
cả tai, mắt, và miệng. Người mua tác phẩm âm nhạc, khi có cả đĩa và cả sách đi kèm, cũng có được ưu thế tương tự, khi cùng một
lúc có thể vừa thưởng thức (nghe và nhìn), vừa thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu (đọc
và suy ngẫm, liên tưởng, đúc kết những cảm nhận riêng, thỏa mãn những tìm hiểu
sâu hơn về tác phẩm).
2. Phần II (NỘI DUNG): Các tác giả Dự án còn
phân vân là: “Các ca khúc được tuyển và giới thiệu có khi chỉ có âm thanh hoặc có khi lại được kèm theo hình ảnh...”. Theo tôi, nên cố gắng làm đồng bộ tối đa, để
từng ca khúc đã được giới thiệu ở đây nên có cả nhạc, cả lời và đồng thời cũng
có cả hình ảnh, tức là có cả 2 ưu thế “nghe, nhìn” một lúc, nhất là đã gọi là
“sách điện tử”, chẳng lẽ lại không hơn một Album CD thông thường!
3.
Các ca khúc ở phần 1 nói chung đã
được chọn đích đáng, tuy nhiên, tác giả Văn Cao có tới 5 bài trong tổng số 14
bài của cả phần này, e rằng hơi mất cân đối trên tổng thể?. Có thể bớt đi 1 bài
của Văn Cao để lấy thêm 1 tác giả khác cũng xứng đáng đứng trong giai đoạn này?
Chẳng hạn như đã lấy “Biệt ly” của Doãn Mẫn, thì nên lấy một bài khác của Bùi
Công Kỳ, hoặc ca khúc của Văn Chung (như “Bóng ai qua thềm”), của Hoàng Quý
(“Cô láng giềng”), của Phạm Văn Chừng (“Con chim lạc bạn”)...
4. Các ca khúc ở phần 2 cũng khá đủ và tiêu biểu. Nếu tiếc, thì có thể kể một số ca
khúc hay trong thời kỳ này của các tác giả đã đi Kháng chỉến từ Hà Nội, nhưng
đã biết viết về nhiều đề tài công nông binh trong Kháng chiến cũng rất thành
công, như Lê Yên với bài “Bộ đội về làng”, Xuân Oanh với bài “Quê hương anh bộ
đội”, Nguyễn Đình Phúc với bài “Hoan hô chiến sĩ Sông Lô”. Hoặc cũng có thể lấy
thêm một bài trong hai bài hay của Nguyễn Xuân Khoát: “Tiếng chuông nhà thờ” hoặc
“Chiều Việt Bắc”.
5.
Các ca khúc ở phần 3 chọn khá nhiều
và đủ (20 bài). Nếu có thể thêm, thì tôi nghĩ có thể bổ sung bài “Trên đường Hà
Nội” của Hồ Bắc và bài “Tình trong lá thiếp” của Phan Huỳnh Điểu. Hoặc cũng có
thể bớt đi một bài của các tác giả có
nhiều bài được chọn ( 2 bài trở lên ), cho cân đối.
6. Phần
4 của các ca khúc từ sau năm 1975 chọn đến 25 bài, cũng khá phong phú. Tuy
nhiên, tôi cũng tiếc một số bài, như: “Mùa Xuân làng lúa làng hoa” của Ngọc
Khuê, “Một thoáng Hồ Tây” của Phó Đức Phương, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh
Công Sơn, “Hà Nội đêm trở gió” của Trọng Đài, “Ngẫu hứng sông Hồng” của Trần
Tiến... Có thể cũng giải quyết được như đối với phần 3, ví dụ rút bớt đi 1 bài
đối với các tác giả đã được chọn nhiều bài rồi, mà đề tài cũng có phần trùng
lặp, để dành chỗ cho 1 sáng tác khác mới lạ và đem lại cảm xúc tươi tắn, đa
dạng hơn cho cả phần tuyển chọn này. Ngoài ra, nếu đã kéo dài phần tuyển chọn
sang đến thế kỷ XXI, thì cũng nên có thêm 1, 2 bài, dành riêng cho các tác giả thật trẻ, tuy mới xuất hiện
mà cũng đã có những tác phẩm đủ tự khẳng định được mình .
7.
Phần IV. YÊU CẦU VỀ CHỨC NĂNG (trang 14). Chức năng quan trọng nhất khi làm
sách âm nhạc điện tử này là phải tạo ra chức năng THƯỞNG THỨC, tức là phục vụ
tốt nhất cho nhu cầu nghe nhạc, nghe hát, xem hình và các cảnh quay đẹp...với
kỹ thuật và công nghệ Multimedia cao đối với người được thưởng thức, để có được
cảm xúc sâu xa, thú vị và bổ ích khi được hưởng thụ một giá trị tinh thần cao,
một giá trị văn hóa chắt lọc và giàu thẩm mỹ. Vì vậy, tôi đề nghị mục 1 của
phần này nên để là “Chức năng thưởng thức và tra cứu”, và phải
trình bày chi tiết và kỹ lưỡng hơn về các biện pháp đảm bảo cho chức năng này
được thỏa mãn ở mức cao nhất !.
Nhà xuất bản Hà Nội