Tóm tắt nội dung:
Sự kiện Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập ra
vương triều Lý, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là những mốc lịch sử trọng đại,
đánh dấu bước phát triển vượt bậc của vương triều Lý và quốc gia Đại Việt.
Trong lịch sử Việt Nam, triều Lý được coi là triều đại
phát triển thịnh trị. Đó là thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn, thời kỳ
phục hưng toàn diện của nền văn hoá dân tộc sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.
Vương triều Lý đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử
dân tộc - Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Dưới triều Lý, nước Đại Việt trở thành
một quốc gia độc lập, thống nhất và thịnh vượng trong khu vực mà Thăng Long là
trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh, thăng
hoa và toả sáng tâm hồn, trí tuệ dân
tộc.
Với những ý nghĩa đó, tập sách Vương triều Lý (1009 - 1226) là một trong những ấn phẩm khoa học
thiết thực hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tập sách giúp
cho các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bản đọc hiểu rơ hơn, khách quan và toàn
diện hơn những cống hiến to lớn của vua Lý Thái Tổ, của vương triều Lý và quân
dân Đại Việt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn
hoá. Đặt nền tảng cho nền văn minh Việt Nam với trung tâm là kinh đô Thăng Long
tiếp tục phát triển và toả sáng.
Bình luận sách
* PGS.TS
Vũ Văn Quân (Bình luận đề cương)
1. Kỷ niệm
nghìn năm Thăng Long - Hà Nội mà “quên” Lý Công Uẩn và Vương triều Lý thì thật
là không thể được. Trong cơ cấu “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” tuy đây
đó, sách này sách kia mức độ khác nhau có đến cập đến vấn đề này, nhưng tập
trung thành một đề tài, rồi ra một cuốn sách về nó thì chưa - hay đúng hơn
- bây giờ mới thấy. Vì thế, tôi hoàn
toàn đồng tình với việc Nhà xuất bản Hà Nội đưa vào kế hoạch biên soạn và xuất
bản cuốn sách riêng về Vương triều Lý. Kể thì cũng muộn, nhưng cũng có cái hay,
là vì thế mà sách sẽ kế thừa và cập nhật được những thành tựu nghiên cứu mới
nhất, nhất là sau những hoạt động tích cực của Hội Sử học Hà Nội, của Uỷ ban
nhân dân thành phố Hà Nội thời gian gần đây về chủ đề này (thể hiện qua các
cuộc hội thảo và sau đó xuất bản thành các kỷ yếu).
2. Công trình
do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên là đảm bảo rằng sách sẽ rất có chất lượng
và hoàn thành đúng tiến độ. Về khía cạnh thứ nhất, thì ai cũng biết và cũng
tin, vì ông là Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, để tâm nghiên cứu về Lý Công Uẩn và
Vương triều Lý từ hàng chục năm nay, và chính ông là người tổ chức, chủ trì các
cuộc hội thảo khoa học ở nhiều cấp độ khác nhau về chủ đề này, có nhiều phát
hiện khoa học rất có giá trị - khách quan, dù vì thế mà cũng có người mừng và
cũng có người ấm ức. Đội ngũ cộng tác viên có nhiều người trẻ - nhưng tôi biết
cũng đều đã nhiều năm lăn lộn với lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội, cũng
đã có thành tựu bước đầu đáng ghi nhận và hoàn toàn có thể tin cậy được. Về
khía cạnh thứ hai, thì tôi biết xưa nay ông chưa bao giờ không hoàn thành kế
hoạch.
3. Về cơ bản
những định hướng cấu trúc sách được thể hiện trong bản đề cương là hợp lý. Duy
chỉ Phần II tuyển chọn một số bài viết về chủ đề thì chưa thấy thể hiện ở đề
cương. Nếu chủ biên và nhóm tác giả đã có chuẩn bị thì nêu để Hội đồng góp ý.
Một điểm nữa, trật tự các đề mục ở Chương I cũng nên sắp xếp lại (tôi đã đánh
dấu trong bản đề cương và gửi lại Chủ biên).
4. Qua đề cương
Phần I, với cấu trúc chương - phần cùng tên gọi, tôi mường tượng cuốn sách này
viết không phải với “bút pháp” khoa học hàn lâm, mà là văn bút pháp khoa học
văn chương. Cùng với những phát hiện khoa học gần đây, lối tiếp cận cụ thể với
nhân vật và sự kiện, sách này hy vọng sẽ rất hấp dẫn người đọc, thuộc nhiều đối
tượng.
Kết luận: Tôi
đánh giá cao chủ trương của Nhà xuất bản, đã quyết định kịp thời và sáng suốt
trao đề tài đúng chỗ. Đề nghị nhanh chóng cấp kinh phí để nhóm tác giả đẩy
nhanh tiến độ hoàn thành.
Nhà xuất bản Hà Nội