Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương
Thứ hai, 15/08/2011 12:12
Tác giả: PGS.TS. Trịnh Sinh (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.

Tóm tắt nội dung:

Kỷ niệm Hà Nội tròn 1000 năm trở thành kinh đô. Đúng như Vua Lý Công Uẩn đã nói trong chiếu dời đô, mảnh đất này là đất trung tâm của trời đất, mảnh đất “rồng cuộn hổ ngồi”.

Mảnh đất địa linh nhân kiệt đó không chỉ có lịch sử từ 1000 năm cách đây mà còn có lịch sử xa xưa hơn nữa, ít ra từ cách đây hàng vạn năm với văn hoá thời đồ đá Hoà Bình. Sau đó, cách đây khoảng 4000 năm, Hà Nội bước vào thời đại đồng thau, tiền đề để xã hội tiến đến thời đại Hùng Vương - An Dương Vương của người Việt cổ, trong đó có người Việt cổ Hà Nội.

Mục đích chính của đề tài là nâng cao lòng tự hào về Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử, đồng thời cũng là một tài liệu khoa học cho bất cứ một nhà khoa học trong và ngoài nước nào cần tham khảo để nghiên cứu về Hà Nội ngàn xưa. Đề tài cũng là một tác phẩm phục vụ đông đảo bạn đọc, người Hà Nội và cả nước. Thông qua đề tài có thể phổ biến những kiến thức lịch sử cho nhân dân Hà Nội và những ai quan tâm đến lịch sử Hà Nội

Đề tài còn như một nén hương dâng lên các vị tiền nhân đã khuất có công xây dựng và mở mang Hà Nội từ xưa đến nay để Hà Nội luôn xứng đáng là một Kinh đô ngàn đời.

Bình luận sách

* PGS.TS. Trình Năng Chung (Bình luận đề cương)

Nhận được lời mời của Ban Quản lý dự án - Nhà xuất bản Hà Nội về việc thẩm định đề cương đề tài “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”, tôi đã đọc kỹ Bản thuyết minh tổng thểĐề cương chi tiết của đề tài, xin được có ý kiến trao đổi như sau:

          1. Về nội dung và tính cần thiết của đề tài:

1.1. Đối tượng đề cập chính của đề tài là Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương.  Như vậy phạm vi đề tài rất rõ: Phạm vi không gian là Hà nội (bao gồm cả Hà Nội mở rộng), phạm vi thời gian là thời đại kim khí.

Từ đối tượng ấy, tác giả đi sâu nghiên cứu một số vấn đề chủ yếu: Các di tích, di vật thời Hùng Vương - An Dương Vương cũng như đời sống văn hoá, đời sống vật chất, cấu trúc xã hội  đương thời trên đất Hà Nội. Tiếp cận nghiên cứu những vấn đề trên sẽ cho phép các tác giả giải quyết được một số vấn đề trọng tâm của khảo cổ học Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng. Xét trên nhiều góc cạnh, có thể khẳng định, đề tài này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong việc nhận thức thời đại Hùng Vương- An Dương Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như của Hà Nội nói riêng. Đây cũng là công trình nghiên cứu thiết thực để chào mừng Kinh đô Thăng Long tròn 1000 năm tuổi. Điều này được thể hiện trên các điểm dưới đây:

1.1.a. Mảnh đất rồng thiêng Thăng Long không chỉ có lịch sử 1000 năm văn hiến, mà đã có bề dày lịch sử vài vạn năm trước, khi mà những dấu tích của cư dân hậu kỳ đá cũ thuộc văn hoá Sơn Vi phát hiện được trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử và trên vùng đồi gò thuộc huyện Ba Vì (Hà Tây). Sau đó, cách nay khoảng 4000 năm, Hà Nội bước vào thời đại đồng thau, tiền đề để xã hội tiến đến thời đại Hùng Vương - An Dương Vương. Trong bối cảnh đó, người Việt cổ Hà Nội có đóng góp không nhỏ vào văn hoá thời dựng nước của dân tộc.

1.1.b. Trong những thập kỷ gần đây, đã có một số công trình nghiên cứu về thời đại kim khí ở Hà Nội. Tuy nhiên, các công trình này chỉ đề cập đến một vài địa điểm cụ thể, hoặc một vài vấn đề cụ thể. Những tư liệu nhìn chung còn tản mạn, rời rạc và thiếu hệ thống nhất quán. Năm 1982, Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản cuốn sách “Hà Nội thời đại đồng và sắt sớm” do hai tác giả Trịnh Cao Tưởng và Trịnh Sinh biên soạn đến nay gần như là công trình duy nhất nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và An Dương Vương ở Hà Nội một cách có hệ thống. Từ đó đến nay, số lượng di tích, di vật thuộc giai đoạn này ngày càng tăng nhanh và tăng gấp bội kể từ khi Hà Nội mới có thêm phần mở rộng diện tích. Do vậy công trình nghiên cứu Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương của các tác giả là một việc làm hết sức cần thiết và có tính thời sự.

1.1.c. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nghiên cứu Thời đại kim khí Bắc Việt Nam, đã xác lập được các nền văn hoá tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả; đã  làm rõ được nội dung và quá trình hình thành văn hoá Đông Sơn. Song nghiên cứu toàn diện về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trên một địa bàn cụ thể (cấp tỉnh, thành phố) dường vẫn còn là điểm khuyết. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần nhận thức những vấn đề về thời đại Hùng Vương - An Dương trong lịch sử Việt Nam, cũng như đóng góp vào nhận thức thời tiền - sơ sử Hà Nội.

2. Về các tác giả và độ tin cậy của tư liệu được sử dụng

2.1. Chủ nhiệm đề tài - PGS. TS Trịnh Sinh là nhà khảo cổ học, làm việc lâu năm ở Viện Khảo cổ học, là người đã trực tiếp khai quật, trực tiếp xử lý nhiều bộ sưu tập về thời đại kim khí ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Chủ nhiệm đề tài đã có gần 50 công trình đã công bố về các vấn đề thuộc thời đại kim khí Việt Nam, trong đó một số đáng kể liên quan đến đề tài này. Ngoài ra gần 500 tài liệu tham khảo của các tác giả trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài được các tác giả dẫn ra chứng tỏ khối tư liệu sẽ phải sử lý rất đồ sộ. Qua thẩm định, chúng tôi thấy những tư liệu đưa ra trong công trình này là có độ tin cậy cao.

2.2. Trước khi nhận đề tài này, PGS. Trịnh Sinh cũng đã tham gia viết sách “Hà Nội thời đại đồ đồng và sắt sớm” xuất bản năm 1982. Sau công trình này, tác giả cũng đã tham gia vào nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện liên quan đến thời đại kim khí đã được nghiệm thu hoặc xuất bản thành sách như: Trống đồng Đông Sơn; Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam; Khảo cổ học thời đại kim khí Việt Nam; Sự hình thành nhà nước sơ khai ở Bắc Việt Nam (qua tư liệu khảo cổ học) vv... Nói như vậy là tôi đánh giá rất cao năng lực chuyên môn của chủ nhiệm đề tài. Đội ngũ cán bộ cộng tác của đề tài cũng là những nhà nghiên cứu có năng lực giải quyết được các vấn đề liên quan.

 

 

 

3. Về phương pháp nghiên cứu:

Tôi hoàn toàn đồng ý với phương pháp nghiên cứu liên ngành như khảo cổ học, dân tộc học, văn hoá dân gian, thư tịch cổ  và một số khoa học tự nhiên như các tác giả đề ra trong thuyết minh tổng thể đề tài (trang 35-36).                  

4. Về kết cấu của công trình sách:

Trong đề cương, các tác giả sẽ thể hiện nội dung cuốn sách qua 7 chương. Dưới đây tôi xin nêu lên một số đóng góp trong từng phần chính của công trình:

4.1. Về chương 1: Địa lý cảnh quan và môi trường Hà Nội ( cổ?).

Trước hết về tên gọi của chương này, theo tôi nên thêm chữ  “cổ” vào sau chữ Hà Nôi vì tránh với cách hiểu là Hà Nội hiện tại.

 Chúng tôi đồng ý nội dung mà các tác giả sẽ trình bày trong chương này như trong đề cương chi tiết đã nêu (trang 5-6). Tuy vậy cũng cần lưu ý với các tác giả là phạm vi thời gian vấn đề đề cập đến diễn ra vào khoảng trung kỳ Holocene (6.000 năm cách nay) đến khoảng gần 3000 năm cách nay, là khoảng thời gian đang hình thành vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến những đặc trưng văn hoá đương thời ở Hà Nội cổ.

4.2. Về chương 2: Bức tranh toàn cảnh của thời Hùng Vương và An Dương Vương

Tôi hoàn toàn đồng ý nội dung và mục đích của chương này như các tác giả đã đưa ra trong bản đề cương chi tiết (trang 2-3)

4.3. Về chương 3:

Về nội dung của chương này tôi đồng ý với đề cương chi tiết (trang 7)

Về tên gọi của chương này tôi thấy có sự khác nhau giữa Bản thuyết minh tổng thể đề tài (Thời Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội, trang 37) và Bản đề cương chi tiết (Làng xưa, kinh đô cũ và chứng tích hiện vật một thời, trang 7).

Không rõ tác giả chủ biên sẽ chọn tiêu đề nào?

        Tôi nghiêng về cách gọi “Thời Hùng Vương- An Dương Vương ở Hà Nội” vì  nó đề cập thẳng luôn vào vấn đề cần trình bày.

        4.4. Về chương 4: Trống đồng Đông Sơn - Báu vật trong lòng đất Hà Nội

          Vì chương này có liên quan đến chương 7 của đề cương chi tiết, do vậy tôi sẽ đề cập sau.

        4.5. Về chương 5: Đời sống vật chất của cư dân Hà Nội thời đại Hùng Vương - An Dương Vương.

 Về đời sống kinh tế của người Việt cổ Hà Nội, các tác giả muốn dựng lại qua các lĩnh vực chủ yếu như:

-       Kinh tế nông nghiệp

-       Kinh tế luyện kim

-       Nghề săn bắn - chăn nuôi

-       Nghề đánh cá

-       Một vài nghề thủ công khác

-       Nghề dệt vải

-       Làm đồ đá trang sức

-       Làm đồ gốm (trang 11 bản đề cương chi tiết)

       Theo tôi như vậy chưa hợp lý, vừa thừa lại vừa thiếu, vì theo quan điểm của chúng tôi, đời sống vật chất bao gồm hai bộ phận cơ bản cấu thành là hoạt động kinh tế và hoạt động sống hàng ngày. Do vậy theo tôi chương này nên cấu trúc  như sau:

     I. Hoạt động kinh tế:

        A. Kinh tế nông nghiệp: Bao hàm cả nghề trồng trọt lương thực, thực phẩm và chăn nuôi. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp còn có một số hoạt động kinh tế khác nhằm bổ sung hỗ trợ cho trồng trọt và chăn nuôi. Đó là các nghề đánh cá, hái lượm, khai thác rừng và đánh cá.

        B. Nghề thủ công: bao gồm nghề luyện kim, nghề làm gốm, nghề dệt vải, nghề mộc, nghề chế tác đá vv...

       II. Hoạt động sống hàng ngày:

        + Đề cập đến các hoạt động ăn, ở, trang phục, phương tiện đi lại hàng ngày của cư dân Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương.

      Trong đề cương chi tiết chưa thấy đề cập đến phần này. Theo tôi, khai thác các tài liệu khảo cổ học, dân tộc học, thư tịch cổ có thể phục dựng được phần này.

4.6. Về chương 6: Cuộc sống tinh thần của người Hà Nội thời đại Hùng Vương- An Dương Vương.

Căn cứ vào nội dung thể hiện của chương này được trình bày trong Đề cương chi tiết (trang 11) thì theo tôi là đang đề cập đến cấu trúc xã hội cổ truyền của người Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương. Do vậy theo tôi chương này phải là “ Câú trúc xã hội Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”.

4.7. Về chương 7: Hà Nội có một nền văn hoá trống đồng trong dặm dài lịch sử.

Căn cứ vào nội dung của chương này được trình bày trong đề cương chi tiết (trang 11) thì theo tôi một phần lớn là đề cập đến văn hoá tinh thần của người Hà Nội, phù hợp với tiêu đề chương 6 mà các tác giả đề ra. Chương7 nên dành cho “ Cấu trúc xã hội Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”.

Còn về nội dung Hà Nội có một nền văn hoá trống đồng thì theo tôi nên gộp lại vào chương 4 cho hợp với logic của vấn đề.

5. Kết luận:

5.1. Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong việc nhận thức thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như của Hà Nội nói riêng. Đây cũng là công trình nghiên cứu có ý nghĩa, thiết thực chào mừng Kinh đô Thăng Long tròn 1000 năm tuổi

5.2. Tác giả chủ biên và các cộng sự là những người có đầy đủ năng lực giải quyết các vấn đề liên quan trong đề tài.

5.3. Toàn bộ nội dung của đề tài được nêu trong đề cương chi tiết đã bao quát được bức tranh toàn cảnh về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương của Hà Nội.

5.4. Theo ý kiến của cá nhân tôi, một số chi tiết ở một số chương nên chỉnh lại cho phù hợp với nội dung đề ra.

Nhìn lại toàn bộ, đây là đề tài hay, hứa hẹn có nhiều đóng góp có giá trị khoa học. Trong bản nhận xét của mình, tôi đã có một số ý kiến đóng góp cụ thể vào bố cục và nội dung của đề cương. Những ý kiến đó không phương hại đến chất lượng của đề tài và có thể góp thêm một cách nhìn để người xây dựng đề cương tham khảo, hoàn chỉnh bản đề cương này. Mặc dù có vài tình tiết như vậy, nhưng đề cương đã nêu được những vấn đề cơ bản cần giải quyết nhằm dựng lại bức tranh toàn cảnh về thời đại Hùng Vương - An Dương Vương ở Hà Nội. 

          Tôi trân trọng đề nghị Hội đồng nghiệm thu đề cương xét duyệt, chấp nhận và thông qua đề tài này.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá