Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Địa bạ cổ Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 12:15
Tác giả: GS. Phan Huy Lê (Chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu biên soạn. Mảng sách: Địa lý.

Tóm tắt nội dung:

  Địa bạ là một nguồn tư liệu rất phong phú và quý giá để nghiên cứu nông thôn và cả đô thị Việt Nam trên nhiều phương diện: tình hình khai phá ruộng đất, đặc điểm của nông nghiệp cổ truyền; chế độ sở hữu ruộng đất; tình trạng chiếm hữu ruộng đất và sự phân hoá xá hội ở nông thôn, kết cấu xã hội và các giai tầng; thống kê các dòng họ và sự phân bố theo các khu vực; bộ máy hành chính và quản lý từ cấp cơ sở…. Đây là nguồn tư liệu quý gần đây được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, khai thác.

  Địa bạ cổ Hà Nội là nguồn tư liệu về hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận (địa giới hành chính cũ của Hà Nội) được dịch, hiệu đính… Trên cơ sở nguồn tư liệu này tổng hợp, đưa ra những phân tích chuyên sâu về quy mô ruộng đất, quy mô sở hữu… của vùng đất Hà Nội cổ. Công trình cũng đưa ra những nghiên cứu chuyên đề về chế độ ruộng đất và cơ cấu đô thị Hà Nội nửa đầu thế kỷ 19; hệ thốn đơn vị hành chính và tổ chức quản lý, cảnh quan tự nhiên của Hà Nội; di tích lịch sử - văn hoá của Hà Nội… Đây là nguồn tài liệu có giá trị về Thăng Long - Hà Nội.

            Bình luận sách

* PGS.TS Trần Đức Cường (Bình luận bản thảo)

1. Địa bạ là văn bản chính thức của chính quyền ghi chép về ruộng đất và quyền sử dụng ruộng đất. Địa bạ tồn tại trong thời kỳ phong kiến. Ở nước ta, Địa bạ tồn tại từ thời Lý (1009 – 1225) đến thời Nguyễn (1802 – 1945). Địa bạ là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong lịch sử. Qua Địa bạ, chúng ta có thể tìm hiểu về tình hình khai phá và sử dụng ruộng đất, về chế độ sở hữu ruộng đất qua các thời kỳ, từ đó, có thể nghiên cứu về sự phân hóa xã hội ở nông thôn, kết cấu xã hội và các giai tầng trong làng xã v.v…Cũng qua Địa bạ, chúng ta có thể hiểu về tình hình văn hóa – xã hội trong lịch sử.

          Với đặc điểm nêu trên, việc sưu tập và nghiên cứu về Địa bạ cổ Hà Nội là rất cần thiết, góp phần quan trọng vào tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

2. Công trình “Địa bạ cổ Hà Nội” thực hiện rất công phu, được xuất bản lần đầu vào năm 2007 và được bạn đọc rất hoan nghênh, nhất là các nhà nghiên cứu. Trong lần tái bản này, các tác giả đã kiểm tra lại bản dịch, nhất là các số liệu, các chữ Hán, chữ Nôm. Phần hệ thống tư liệu cũng được trình bày gọn hơn, tránh sự trùng lặp. Các bài nghiên cứu chuyên đề cũng được các tác giả chỉnh sửa. Đây là cách làm việc hết sức nghiêm túc, cẩn trọng khiến chất lượng công trình được nâng cao hơn nữa.

3. Công trình “Địa bạ cổ Hà Nội” được trình bày trong 3 phần và chia làm 2 tập: Phần thứ nhất: Bản dịch tiếng Việt; Phần thứ hai: Hệ thống tư liệu và Phần thứ ba: Nghiên cứu chuyên đề.

          Với một bản thảo dày dặn gồm 1518 trang, công trình đã cung cấp cho người đọc một khối lượng đồ sộ các tư liệu về Địa bạ của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, tức vùng kinh thành Thăng Long xưa, nay là trung tâm Hà Nội. 160 Địa bạ được in trong công trình đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về Địa bạ cổ Hà Nội, 6 Địa bạ trùng tên nhưng khác niên đại cũng được các tác giả đưa vào phần Phụ lục để cung cấp thông tin về sự biến đổi liên quan đến Địa bạ qua thời gian của một số đơn vị hành chính và tổ chức quản lý về cảnh quan mặt nước và cảnh quan về di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội qua tư liệu Địa bạ cổ.

          Có thể đánh giá, công trình “Địa bạ cổ Hà Nội” được thực hiện rất công phu và đạt chất lượng cao. Rất mong công trình sớm được xuất bản để phục vụ đông đảo bạn đọc nhất là trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá