Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Năm trăm năm lịch Việt Nam (1504-2043)
Thứ hai, 15/08/2011 12:16
Tác giả: PGS.TS. Lê Thành Lân. Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Lịch sử.

Tóm tắt nội dung:

1.1 Cuốn Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043)(có ghi chú về lịch chúa nguyễn và lịch Trung Quốc) trong đó còn có một Niên biểu lịch sử Việt Nam được soạn lại, chính xác và dễ dùng là một sách công cụ hữu hiệu cho việc nghiên cứu Lịch sử Văn hóa của Hà Nội nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung với các vương triều, các danh nhân, các biến động lịch sử ... Các trường học, các nhà văn hóa, các viên bảo tàng cần có cuốn lịch này. Các nhà nghiên cứu khoa học Xã hội như Lịch sử, Khảo cổ, Văn hóa, Văn học cổ, Hán Nôm, Gia phả học ... các giáo viên, sinh viên ... đều cần đến nó.

1.2. Nhờ tìm kiếm kỹ trong các thư viện tại Hà Nội, chúng tôi đã phát hiện được giá tri to lớn của 3 cuốn lịch cổ Việt Nam vô cùng quý báu là:     

a) Bách trúng kinh (bản in) ở TV Viện Hán Nôm; có lịch Lê–Trịnh từ 1624 đến 1786.

b) Khâm định vạn niên thư (bản in) ở TV Quốc gia; có lịch Lê từ năm 1544 đến 1630, lịch của Chúa Nguyễn ở Đàng trong từ 1631 đến 1801; lịch nhà Nguyễn từ 1802 đến 1903.

c) Lịch đại niên kỷ bách trung kinh (LĐNK – một bản chép tay) ở TV Viện Hán Nôm, có lịch Lê – Trinh từ 1744 đến 1788; lịch Tây Sơn từ 1789 đến 1801; lịch nhà Nguyễn từ 1802 đến 1883.

Chúng tôi đã khảo cứu kỹ về Văn bản học cũng như đối chiếu so sánh toàn diện các cuốn lịch để tìm ra lịch Lê – Trịnh từ 1544 đến 1788, lịch Tây Sơn từ 1789 đên 1801, lịch Nguyễn từ 1802 đến 1945. Chúng tôi còn xác định lại cho chính xác niên đại của 8 niên hiệu nhà Mạc mà Đại Việt sử ký toàn thư chép sai dẫn đến nhiều sự kiện khác cũng bị cuốn sử gốc này chép sai niên đại.

1.3. Một điều quan trọng là: các cuốn thư tịch cổ, đặc biệt các cuốn cổ sử đều dùng lịch Việt Nam mà chúng tôi đã phát hiện được này để ghi chép các sự kiện lịch sử.

1.4. Nhiều triều đại đóng đô tại Thăng Long – Hà Nội, nhiều sự kiện quan trong của đất nước diễn ra tại Hà Nội, còn đây 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc tử giám. Tất cả đều cần xác định rõ, chính xác thời điểm. Đến như Toàn thư còn ghi sai thời điểm 53 sự kiện, Cương mục ghi sai thời điểm 40 sự kiện, Các nhà khoa bảng chép sai năm thi đỗ của 126 vị Tiến sĩ ... Tất cả đều liên quan đến Hà Nội và đều cần đến cuốn lịch này mỗi khi cần khảo cứu.     

1.5. Cuốn lịch còn là kết quả của việc khai thác các cuốn lịch cổ hiện được lưu giứ tại Hà Nội. Sách sẽ in chụp để cung cấp cho độc giả 2 văn bản lịch cổ quý hiếm. Đưa cuốn lịch này vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là một cách tôn vinh báu vật đó của Hà Hội, góp một phần vào việc khẳng định vị trí trung tâm văn hóa dân tộc của Hà Nội.

Bình luận sách

* Ths. Trần Tiến Bình (Bình luận đề cương)

Mọi sự kiện lịch sử đều diễn ra trong một không gian thời gian nhất định. Xét theo nghĩa đó, trong số 100 cuốn sách xuất bản nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, rất cần có một cuốn lịch để định vị thời gian. PGS Lê Thành Lân là người duy nhất phát hiện ra lịch cổ Việt Nam trên cơ  sở tìm ra 3 cuốn sách cổ tại Hà Nội. Đó là bản in cuốn Bách trúng kinh (162 năm lịch) ở Thư viện Viện Hán Nôm, bản in cuốn Khâm định vạn niên thư (360 năm lịch) ở Thư viện Quốc Gia và cuốn Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh (144 năm lịch) ở thư viện Viện Hán Nôm. Từ đó tìm ra các lịch nhà Lê Trung Hưng (1544 - 1788), lịch nhà Tây Sơn (1789-1801), lịch nhà Nguyễn (1802 - 1945); lịch chúa Nguyễn Đàng Trong (Nam Hà - 1631-1801). Việc in thêm lịch cho các năm đến năm 2043, không chỉ cho chẵn 500 năm mà còn kéo dài thời gian sử dụng cuốn lịch cho nhiều năm sau. Với những phát hiện của mình, có lẽ ông là người duy nhất có được cái lợi thế để đứng ra biên soạn những cuốn lịch nhiều năm của quá khứ.

Cuốn lịch này còn chứa một Niên biểu lịch sử kéo dài từ thời họ Khúc tự chủ vào năm 905 cho đến hết thời Nguyễn (1945). Nhờ những phát hiện rất có giá trị, nhất là về Niên biểu nhà Mạc với thời dụng chính xác của 8 niên hiệu thời Mạc mà trước đây bị hiểu sai; phần niên biểu này là một công cụ tra cứu hữu ích và chính xác cho các sự kiện của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.

Cách bố trí mới mẻ độc đáo, khiến người dùng chuyển đổi nhanh chóng được từng ngày lịch Âm - Dương Việt Nam với lịch Dương; với những ghi chú ngắn gọn và việc tô nền đen nhạt những ngày lịch khác nhau khiến ta dễ dàng tra ra lịch Trung Quốc và lịch Nam Hà. Sau cùng, nhờ nhừng con số “gốc” với một phép cộng ta còn tìm được lịch Can Chi, Tuần lễ, Nhị thập bát tú và ngày Julius khiến cuốn lịch trở nên phong phú về nội dung. Các lịch này cũng còn tìm được nhờ các lịch vĩnh cửu, rất gọn và dễ dùng, tựa như một công cụ tra cứu độc lập mà cũng là để kiểm tra qua lại với cách tra cứu trên, rất riêng biệt.

Các triều đại thịnh suy, lịch sử thăng trầm, việc kế vị ngai vàng, khoa thi hội thi đình ... thường diễn ra ở Thủ đô và tất cả các sự kiện đó đều cần biết đến thời điểm và như vậy cả phần lịch và niên biểu đều rất hữu dụng.

Đây là lần đầu tiên kết quả nghiên cứu này được công bố rộng rãi đến công chúng trong một cuốn sách in lịch Âm - Dương của Việt Nam đối chiếu chi tiết đến từng ngày với lịch Dương và nhờ một phép cộng cho phép tra ra ngày Can Chi, Tuần lễ, Nhị thập bát tú, ngày Julius rất tiện lợi và gọn gàng.    

Nhìn vào các cuốn lịch đã in của tác giả, tôi tin rằng tác giả sẽ nhanh chóng hoàn thàh bản thảo, để kịp thời in ấn để phục vụ cho dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội này.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho soạn cuốn lịch này nằm trong khuôn khổ chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá