Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Giáo dục Thăng Long - Hà Nội, truyền thống và hiện đại
Thứ hai, 15/08/2011 12:17
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Đình Hương. Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn hóa - Xã hội.

Tóm tắt nội dung:

- Đề tài tập hợp, tuyển chọn, xâu chuỗi các tư liệu, tài liệu về giáo dục mà Thăng Long - Hà Nội, nơi địa danh nhân kiệt luôn là trung tâm, khởi nguồn của nền giáo dục từ khi dựng nước và giữ nước đến nay.

- Nội dung đề tài cũng  là nội dung chính của cuốn sách "Việt Nam hướng tới nền Giáo dục hiện đại" đã được Nhà xuất bản bản Giáo dục xuất bản năm 2007 và tái bản có bổ sung, chỉnh sửa năm 2009, nay được tác giả hoàn chỉnh, nâng tầm lên, khẳng định, nhấn mạnh vị trí văn hóa của Thăng Long - Hà Nội - cội nguồn tỏa sáng của truyền thống giáo dục Việt Nam, nền giáo dục cách mạng và giáo dục trong thời kỳ đổi mới; là xuất phát điểm, nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân từ truyền thống đến hiện đại trong mọi thời kỳ .

Đề tài gồm Lời giới thiệu và ba phần:

Phần 1: giáo dục Thăng Long - Hà Nội thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc.   Phần 2: Giáo dục Thăng Long - Hà Nội trong nền dân chủ mới

Phần 3: Hiện đại hoá giáo dục Thăng Long - Hà Nội

Bình luận sách

* GS.TS. Phạm Tất Dong (Bình luận đề cương)

Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, nếu xuất bản được cuốn sách về giáo dục của Thăng Long - Hà Nội thì chúng ta sẽ đóng góp thêm một tác phẩm khoa học có ý nghĩa rất thiết thực cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội văn hiến của dân tộc.

Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm xây dựng và phát triển đã chứa đựng một khối lượng khổng lồ các sự kiện lịch sử. Chỉ riêng về phương diện giáo dục, có thể viết hàng chục cuốn sách lớn cũng chưa thể phản ánh hết những sự kiện, những thành tựu của lĩnh vực này qua các giai đoạn lớn như gần 900 năm phát triển Nho học thời kỳ phong kiến; sự phát triển giáo dục ở Hà Nội dưới sự đô hộ của Pháp; Hà Nội kháng chiến chống Pháp và việc phát triển giáo dục; Giáo dục ở Hà Nội thời kỳ chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược và chiến tranh phá hoại của chúng; Giáo dục Hà Nội sau ngày thống nhất đất nước và thời kỳ đổi mới.

Tôi rất mong có được cuốn sách đúng như tên gọi của nó. Do vậy, tôi đòi hỏi cao về nội dung, tính chuẩn xác của nó đúng với nghĩa giáo dục của Thăng Long - Hà Nội qua 1000 năm (chứ không phải giáo dục Việt Nam).

Với tinh thần đó, tôi thẳng thắn nói lên vài nhận xét của mình:

1. Trước hết, tôi cho rằng, đề cương cuốn sách chưa được xây dựng trên cơ sở một vài suy nghĩ, cân nhắc kỹ càng. Cần phải tập trung vào những sự kiện, những phong trào, những thành tựu, những số liệu v.v…của giáo dục Thăng Long - Hà Nội thôi, tách những gì chung của đất nước (tất nhiên giáo dục của Thăng Long - Hà Nội là một bộ phận khăng khít, không tách rời đối với giáo dục của đất nước). Mà chỉ tập trung vào giáo dục của Thăng Long - Hà Nội thì cũng đã quá nhiều, sợ tác giả không thu thập kịp.

Sở dĩ tôi nói như vậy vì nếu xét cả 3 phần trong đề cương thì tên sách sẽ là GIÁO DỤC VIỆT NAM TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI.

2. Về mặt thủ tục đăng ký, tôi thấy phải viết lại. Theo Quyết định 72/QĐ-XBHN của Nhà xuất bản Hà Nội (ngày 29 tháng 12 năm 2009) do Tổng giám đốc Nguyễn Khắc Oánh ký thì Hội đồng nghiệm thu đề cương bản thảo (về cuốn sách), trong khi đó, bản thuyết minh thì lại gọi là Đề tài.

Trong thực tế, Đề tài khoa học và Đề cương cuốn sách không thể là một. Đề tài khoa học phải trình bày kỹ mục tiêu, nhiệm vụ, giả thuyết, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu v.v…Còn cuốn sách thì phải có tác giả, có nội dung, có nội dung chi tiết cho từng chương mục, có đối tượng phục vụ (bạn đọc) v.v…Từ nội dung đề tài chuyển thành sách cũng phải có nguyên tắc, không phải cứ có đề tài là có sách.

3. Xét nội dung của cả 3 phần, tôi thấy viết về giáo dục Thăng Long - Hà Nội thì ít, giáo dục cả nước thì nhiều. Lấy ví dụ Phần 1 có các đề mục:

1. Nước Văn Lang

2. Tài sản trí tuệ

3. Tiếng nói và chữ viết

4. Chữ Nôm

5. Nho học

7. Hịch tướng sĩ

10. Tiến sĩ nho học

11. Trạng nguyên

12. Chữ Quốc ngữ

14. Giáo dục Việt Nam thời kỳ pháp thuộc

15. Đông Kinh nghĩa thục

16. Nguyên khí quốc gia

Phần này có 16 mục thì 12 mục là vấn đề chung của cả nước. Nếu muốn viết thành vấn đề của Thăng Long - Hà Nội thì phải đổi tên các mục đó. Ví dụ:

- Mục NHO GIÁO phải đổi thành NHO HỌC TRÊN ĐẤT THĂNG LONG - HÀ NỘI

- Mục TRƯỜNG ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC phải đổi thành PHONG TRÀO ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC TRÊN ĐẤT THĂNG LONG - HÀ NỘI.

Đông Kinh nghĩa thục gồm nhiều trường tư, không chỉ ở Hà Nội, và cũng không là một trường, mà sưu tầm cho đủ những nghĩa thục này ở Hà Nội cũng đã là mất nhiều công lắm.

Cũng tương tự ở Phần 2 với các mục Hiến pháp 1992, Luật Giáo dục năm 1998, Phong hàm GS.TS v.v…đều là phần chung của Việt Nam, không phải là phần đặc trưng của Hà Nội.

4. Đề cương được thể hiện trong bản thuyết minh có thời gian thực hiện từ 10/2009 đến 12/2009 (3 tháng). Ở đây có mấy vấn đề:

a) Một cuốn sách với dung lượng 600 trang, lại dịch ra tiếng nước ngoài mà làm trong 3 tháng thì khó có thể làm được;

 b) Hội đồng xét một công trình phải kết thúc vào tháng 12/2009,  trong khi Hội đồng còn chưa họp vào đầu tháng 01/2010.

Đề nghị Nhà xuất bản xem lại vấn đề này, làm lại hồ sơ.

Tôi không phản bác cuốn sách, nhưng nếu giữ ba phần trên thì cần đổi tên sách là Giáo dục Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá