Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Thứ hai, 15/08/2011 12:25
Tác giả: PGS.TS. Trần Lâm Biền; PGS.TS. Trịnh Sinh (Đồng chủ biên). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Văn học - Nghệ thuật.

Tóm tắt nội dung

Trong tạo hình của người Việt, yếu tố biểu tượng đã phát triển rất cao. Biểu tượng Việt gắn rất chặt với bước đi và xã hội Việt, đặc biệt là lịch sử văn hóa. Cuốn sách nhằm hệ thống hoá và đánh giá giá trị biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa, từ đó nhằm giải mã những giá trị trong di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Đối tượng của đề tài liên quan chặt chẽ với các hiện vật chính được bài trí dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều chất liệu khác nhau ở di tích. Tư liệu về biểu tượng chủ yếu thông qua kết quả của các đợt điền dã thực địa ở nhiều địa điểm khác nhau, mà địa bàn cơ bản là châu thổ Bắc Bộ, tức là địa bàn sinh tụ và định cư lâu đời củ người Việt với một trọng tâm là Hà Nội. Đề tài có đóng góp tích cực vào việc xác định giá trị tích cực của di tích.

Bố cục của công trình như sau:

Phần 1: Những tiên đề tiếp cận giá trị biểu tượng

I. Địa lý cảnh quan một Hà Nội cổ

II. Cư dân thời đại đồ đá ở Hà Nội với các biểu tượng văn hoá nghệ thuật

III. Cư dân thời đại đồng thau và sắt sớm với các biểu tượng văn hoá nghệ thuật

IV. Phong cách nghệ thuật của người nghệ sĩ Hà Nội thể hiện trên các biểu tượng

Phần 2: Giá trị biểu tượng Hà Nội dưới thời quân chủ dân tộc

I. Giá trị biểu tượng trong kiến trúc chung và Hà Nội

II. Về giá trị biểu tượng trong điêu khắc tượng tròn, đồ thờ ở Hà Nội

IV. Giá trị biểu tượng trong chạm khắc trang trí trên địa bàn Hà Nội

Bình luận sách

* PGS.TS. Bùi Quang Thanh (Bình luận đề cương)

1. Biểu tượng văn hóa qua kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của các di tích hoặc thông qua các thành tố văn hóa phi vật thể tham gia cấu thành nên quy trình diễn xướng thực hành trong những lễ hội dân gian là đối tượng vừa đa dạng sinh động, vừa bí ẩn phức tạp, hiện diện thường trực trong môi trường sinh hoạt văn hóa nhân văn của cộng đồng người Việt nói riêng và cộng đồng nhân loại nói chung, luôn được sáng tạo, gìn giữ và không ngừng được tiếp nối, bồi đắp trên tiến trình lịch sử. Và do vậy, các biểu tượng văn hóa từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra theo nhu cầu của thực tế cuộc sống, vừa mang tính chung tầm nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa của một cộng đồng người nhất định, vừa là đối tượng thân quen, vừa ẩn chứa những ý nghĩa cùng giá trị văn hóa trừu tượng, bí hiểm, nhiều khi không dễ lý giải. Chính vì thế, ngay cả khi đã trở thành đối tượng nghiên cứu tìm hiểu của các ngành khoa học khác nhau, biểu tượng văn hóa nói chung và biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình nói riêng vẫn là nơi chứa đựng nhiều thách đố đối với mọi ý đồ kiến giải. Nói như vậy để đi đến nhận thức được rằng, việc đi sâu tìm hiểu các biểu tượng văn hóa vốn được lưu tàng trong không gian sinh hoạt văn hóa lễ hội cụ thể, gắn với những di tích vật chất cụ thể, những hình thức diễn xướng cụ thể, và trong chừng mực có thể, đi đến góp phần giải mã hiện tượng/ thành tố văn hóa này, thực ra là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhiều khi không tránh khỏi sự suy diễn mang tính chủ quan hay những áp đặt khiên cưỡng của người nghiên cứu. Thực tế cho thấy, ở hầu khắp mọi vùng quê hiện đã, đang và sẽ còn tồn tại các di tích văn hóa, các kỳ sinh hoạt lễ hội, nơi chứa đựng hàng loạt biểu tượng nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, gắn với tôn giáo tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa nói chung của người dân bản địa. Với người dân của mỗi cộng đồng nhất định, các biểu tượng văn hóa từ các không gian thờ tự và sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng này thường gần gũi, thân quen, được từng thành viên mặc nhiên thừa nhận, thưởng thức và gắn tâm trí mình với thế giới trừu tượng và bí hiểm linh thiêng đó, nhiều khi đến mức sùng kính. Tuy nhiên, khi đối diện với các biểu tượng văn hóa này, không phải cá nhân nào trong cộng đồng cũng nhận thức được bản chất và hiểu được ý nghĩa cùng giá trị của các biểu tượng văn hóa vốn hiện tồn trong môi trường sống của mình. Vì thế mà sinh ra những cách hiểu, cách ứng xử khác nhau, tiếp nhận giá trị văn hóa truyền thống khác nhau, trong số đó có không ít trường hợp - vô tình hoặc cố ý - suy diễn một cách chủ quan, hay hiểu sai, xuyên tạc, lợi dụng để phục vụ cho mục đích - lợi ích cá nhân. Trong quá trình bảo tồn, tu bổ, phục dựng, nâng cấp nhiều di tích, lễ hội hiện nay, đã và đang có hiện tượng hiện đại hóa, làm lệch lạc giá trị thực của di sản truyền thống, trong đó có các biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng, làm biến dạng giá trị lịch sử - nghệ thuật vốn có của từng di tích, lễ hội…

Xuất phát từ thực trạng đó, chúng tôi nhận thấy, đề tài "Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” đã đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết của khoa học và thực tiễn đã và đang đặt ra không chỉ ở Hà Nội mà còn mang tầm phạm vi quốc gia hiện nay. Hơn nữa, đề tài này lại được thực hiện bởi các chuyên gia khoa học chuyên ngành và đầu ngành, do vậy sẽ mang lại niềm tin về hiệu quả khoa học và ý nghĩa thực tiễn của những kiến giải sâu sắc, đủ độ tin cậy với bạn đọc nói chung.

          2. Đề tài đặt ra các phương pháp nghiên cứu như vậy là hợp lý đối với quá trình tiếp cận một đối tượng nghiên cứu vừa phong phú, đa dạng, vừa ẩn chứa những lớp lang văn hóa phức tạp, nhiều khi rất khó giải mã.

          3. Bố cục của đề tài phù hợp với những yêu cầu nội dung nghiên cứu đặt ra.

4. Một số ý kiến để các tác giả tham khảo:

          - Theo tôi, tên của đề tài “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa” chưa phản ánh đúng thực trạng nội dung được nghiên cứu. Chẳng hạn, ngoài các biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình, các tác giả còn đi sâu tìm hiểu các biểu tượng nghệ thuật từ hệ thống kiến trúc, từ các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được chắt lọc ra qua văn hóa phi vật thể hoặc vật dụng phục vụ đời sống con người…

Theo tôi, có thể lấy tên đề tài là: "Hành trình vào thế giới biểu tượng của di sản văn hóa Hà Nội”.

- Xem lại tên một số đề mục cho ngắn gọn, phù hợp và tránh trùng lặp. Chẳng hạn, trong mục IV phần I, bỏ cụm từ “của người nghệ sĩ Hà Nội”; trong mục II phần II, bỏ cụm từ "và Hà Nội”;…

- Cần có sự gắn kết giữa Phần I với Phần II sao cho logic và quan hệ chặt chẽ, tránh gây ra ấn tượng đây là sự hợp nhất của 2 công trình khoa học.

- Mở rộng thêm việc tìm hiểu biểu tượng nghệ thuật từ trong di sản của vùng đất Hà Nội mở rộng (Hà Tây cũ). Trên cơ sở đó, làm lộ diện dấu ấn / bản sắc văn hóa của 2 vùng văn hóa là văn hóa Thăng Long và văn hóa xứ Đoài trên một địa bàn mang danh chung là Hà Nội hiện nay.

- Cân nhắc thêm việc đặt ra phần phụ lục ảnh riêng ở cuối đề tài hay nên in mang tính minh họa cho nội dung trọng yếu trong phần chính văn (khi tổ chức bản thảo xuất bản).

Đánh giá chung: Đây là đề tài hay, hấp dẫn và chuyển tải được dung lượng kiến thức khoa học đa dạng, phong phú, cần thiết đối với không chỉ cư dân Hà Nội tìm về văn hóa truyền thống của mình, mà còn có giá trị tích cực đối với người Việt Nam nói chung và người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trong điều kiện ngày càng mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế hiện tại và lâu dài. Công trình này xứng đáng được xúc tiến để đóng góp vào Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến một tác phẩm có giá trị cả về khoa học lẫn thực tiễn.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá