Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Minh thực lục: Tư liệu về Thăng Long thế kỷ XIV - XVII
Thứ hai, 15/08/2011 12:26
Tác giả: Hồ Bạch Thảo (Dịch giả) cùng nhóm biên soạn hiệu đính và chú giải bổ sung. Thể loại sách: Sưu tầm, tuyển dịch. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

Thực Lục là một thể tài sử thư, chuyên ghi chép những sự kiện lớn nhỏ trong suốt thời gian trị vì của một hoàng đế, đồng thời cũng ghi chép tiểu truyện của các văn thần võ tướng trong triều vua ấy.

Minh Thực Lục, gồm 13 Thực Lục (3.053 quyển), khoảng bốn mươi ngàn trang, là bộ sử chép việc xẩy ra trong gần 300 năm lịch sử triều Minh (1368-1644). Minh Thực Lục là bộ sử lưu hành hạn chế trong triều đình, nên đương thời người dân chưa từng được xem. Minh Thực lục -  về thể loại - được giới sử học Trung Quốc hiện đại định tính là “biên niên thể sử liệu trường biên”

Việt Nam là nước láng giềng được chép nhiều nhất trong Minh Thực Lục, cuốn sách này gồm 1.329 văn bản (là toàn bộ các văn bản) liên quan đến Đại Việt và Champa; trong khi các nước khác như Singapore, Mã Lai chỉ được đề cập trong vài chục văn bản.

Do vậy, cuốn sách dịch Việt các tư liệu sử liên quan tới Việt Nam (Đại Việt và Champa) trong “Minh Thực lục” là một tư liệu tối thiểu và quý báu cho giới sử học và những người yêu sử; cung cấp cho giới nghiên cứu và bạn đọc toàn cảnh quan hệ giữa nhà Minh với Đại Việt và Champa thể hiện trong Minh Thực lục thông qua bản dịch của 1.329 văn bản gốc mà dịch giả đã rà soát thu thập và dịch từ nguyên bản.

Bình luận sách

* PGS. Trần Nghĩa (Bình luận bản thảo)

Tôi đã nhận được tập bản thảo “Minh thực lục: Quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV - XVII” do NXB Hà Nội gửi tới để đọc và góp ý. Tập bản thảo này gồm 2 phần chính:

- Lời mở

- Phần tuyển dịch, hiệu đính, chú thích

Sau đây là một số nhận xét của tôi về từng phần.

1. Về tiêu đề sách: Hiện có nhiều cách gọi không nhất quán về tiêu đề sách như:

- “Minh thực lục: Tư liệu về Thăng Long thế kỷ XIV-XVII” (Lời mở, tr.1, tr.44).

- “Minh thực lục: Quan hệ Trung Hoa - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII” (Lời mở, tr.38, tr.41).

- “Minh thực lục: Quan hệ Việt - Trung thế kỷ XIV-XVII” (Thư mời tham gia Hội đồng nghiệm thu của NXB Hà Nội).

Vậy cần có một tên gọi hợp lý và thống nhất cuốn sách. Chẳng hạn “Minh thực lục và phần ghi chép về quan hệ Việt - Trung trong bộ sách”. Với một tiêu đề như thế, những người biên soạn trong phần Mở đầu, có thể giới thiệu kỹ một chút về Minh thực lục và sang phần 2, phần tuyển dịch, sẽ đi sâu vào quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn XIV - XVII, thời gian tồn tại của nhà Minh.

2. Phần Mở đầu (Dẫn luận hoặc Tổng quan):

Tác giả đã tiếp cận văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau và trên cơ sở các nguồn thông tin, tư liệu dồi dào, người viết phần Mở đầu đã cho ta thấy quá trình hình thành “Minh thực lục” cũng như giá trị nhiều mặt của nó, đặc biệt là phần ghi chép liên quan tới Việt Nam mà giới nghiên cứu của ta chưa khai thác được hết.

Bên cạnh ưu điểm nổi bật trên, tôi có một chút băn khoăn là giữa phần giới thiệu Minh thực lục với phần giới thiệu về quan hệ Việt - Trung trong Minh thực lục có không ít chỗ trùng lặp, làm sao tránh bớt để bài viết đỡ cảm giác lộn xộn, nặng nề như hiện thấy.

3. Về khảo dị và hiệu đính:

Nhóm biên dịch đã bỏ nhiều công sức để làm phần khảo dị và từ đó có những hiệu chỉnh rất xác đáng, mang tính khoa học cao.

Tuy nhiên, có chỗ theo tôi cần xem lại:

- Trích đoạn số 51, tr.57, chú thích 3: nguyên văn viết “vô vi họa thủ, vô vi phúc tiên”, người hiệu đính ngờ câu này lấy ý từ câu trong sách Lễ ký, thiên Đàn cung hạ “Vô vi nhung thủ, bất điệc thiện hồ”, và dịch là “chớ đùa với mối họa để mang phúc đến” (tr.56). Theo thiển ý, chữ “vi” thứ 2 có thể là viết (hoặc đọc) nhầm chữ “ninh” thành “vi”. Câu đúng phải là “vô vi họa thủ, vô ninh phúc tiên”, “vô ninh” ở đây dịch sang tiếng Việt là “thà”, cả câu trên có thể dịch là “dấy họa chi bằng đạo phúc”. Ý này còn được nhắc lại trong trích đoạn số 54, tr.58: “đừng kết thù dai, để dân được yên”...

4. Dịch: Nói chung là nắm vững nội dung văn bản và dịch tốt. Nhưng cũng có một số chỗ cần soát lại như:

- Trích đoạn 54, tr.59, chú thích 1. Nguyên văn: “Hữu quả, giả quả măng hành nhân dĩ hợp thiên đạo”, chữ “quả” thứ nhất được hiệu đính là “quốc” như các dị bản khác, điều hoàn toàn đúng. Nhưng khi dịch, câu “Hữu quốc giả quả năng hành nhân dĩ hợp thiên đạo” dịch là “Có được nước bởi thành quả của lòng nhân” thì hình như chưa sát lắm về ý. “Hữu quốc giả” tức “người có nước”, “kẻ làm vua”. Cả câu có thể dịch là “Kẻ làm vua, nếu thực sự có thể thi hành chính sách nhân đạo để hợp với đạo trời, thì...”.

- Hay phần Lời mở, tr.3, đầu trang, chữ “trùng tu” để nguyên không dịch, với bạn đọc hiện đại, có điều không ổn. Ngày nay, thông thường người ta hiểu đối tượng của việc “trùng tu” là đình miếu, đền chùa... Còn với xuất bản phẩm thì dùng chữ “sửa chữa” (như “tái bản có sửa chữa”), không ai nói “trùng tu một cuốn sách”, “trùng tu lần thứ...” đối với một cuốn sách (id, tr.35). Cũng ở phần Lời mở, tr.37, chữ ‘vụ tại” và chữ “hứa” trong câu “Trần Trí, Phương Chính chuyên trách tiến binh, vụ tại hòa hợp để thành công, không hứa trì hoãn để lỡ việc” cũng không thể dùng nguyên phiên âm Hán Việt mà không dịch, mà “vụ tại” phải được thay bằng “cốt ở”, và “hứa” phải được thay bằng “cho phép”.

5. Chú thích: Rất tốt, rất tỉ mỉ. Nhưng cũng có chỗ “quá tỉ mỉ” tới mức không cần thiết, theo tôi nên lược bớt. Chẳng hạn trích đoạn 51, tr.57, chú thích số 2, “Xuân thu: tên bộ sử Khổng Tử viết cho thời đại từ Chu Bình Vương thứ 49 [-723] đến Chu Kính Vương [-481] gồm 242 năm, thời này được gọi là Xuân thu”. Lẽ ra, chữ cần chú thích trong thượng văn là “Thời đại Xuân thu”. Theo các từ điển Trung Quốc hiện nay, thời đại này kéo dài từ năm 722 TCN đến 481 TCN. Nay, khi nói đến thời Xuân thu, người ta đóng khung trong khoảng thời gian từ 770 TCN đến 476 TCN. Và cũng chỉ chú thích như thế là đủ. Còn chữ không trực tiếp liên quan đến từ ngữ cần chú thích.

6. Lỗi chính tả:

Cần soát và đính chính lại, khá nhiều chỗ trong cả phần Lời mở cũng như phần tuyển trích văn bản để dịch, đặc biệt là các chữ Hán. Như tr.48, đóa cam chữ Hán còn thiếu chữ “đóa”, tr.74, “An Nam đồ thuyết”, chữ “đồ” viết thành “quốc”; tr.111, chú thích 1, chữ Hồ Đê, “Đê” (trên đại, dưới hỗ) còn được thay bằng @v.v...

7. Kết luận:

Công trình biên dịch và giới thiệu này theo tôi là rất thành công, có thể nghiệm thu được trong cuộc họp hôm nay. Đề nghị nhóm biên soạn tranh thủ thời gian hoàn chỉnh thêm tập bản thảo theo các ý kiến góp ý của Hội đồng và nộp lại cho NXB Hà Nội để xuất bản đúng dịp kỷ niệm 1000 năm đại lễ.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá