Tóm tắt nội dung:
-
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên công trình sưu tập cần tuyển
chọn được những tác phẩm tiêu biểu của tác gia Cao Bá Quát với tư cách danh
nhân Hà Nội, chú ý ưu tiên chọn các tác phẩm viết về con người và cảnh vật
Thăng Long.
- Công trình Thơ
văn Cao Bá Quát sẽ dựa trên cơ sở văn bản sách Thơ chữ Hán Cao Bá Quát do GS. Vũ Khiêu chủ biên (Nxb Văn học, H.,
1970. Tái bản, 1984) để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện.
-
Trên cơ sở hệ thống tư liệu, công trình sưu tập văn bản và dịch thuật lưu ý
phân bố phù hợp các mục tác phẩm tiêu biểu cho các thể loại, sát đúng với mỗi
giai đoạn sáng tác cụ thể của Cao Bá Quát.
Bình luận
* PGS.TS. Trần Thị Băng
Thanh (Bình luận bản thảo)
I. Căn cứ vào đề cương đã
thông qua, tôi thấy bản thảo đã thực hiện đúng, khoảng 250 đơn vị tác phẩm đã
được chọn và đủ các mục như dự kiến.
Đưa lại toàn bộ thơ, văn dịch đã xuất bản, đã được dư luận
chấp nhận, cho nên chất lượng bản thảo tin tưởng được. Tôi cũng đã rà soát lại
tất cả, thấy cũng không có chỗ nào cần điều chỉnh. Có thể có vài trường hợp có
thể hiểu khác, nhưng cũng không nhất thiết cần sửa nếu nhóm công trình chưa bị
thuyết phục.
Phần thơ bổ sung do Thái Trọng Lai thực hiện cũng thêm được
một vài khía cạnh để hiểu thêm về Cao Bá Quát, tiếc là không có điều kiện chọn
rộng.
Phần văn xuôi, những truyện chọn đều hay; ba bài luận
thuyết rất có giá trị về lý luận.
Về phần nghiên cứu, bài của Giáo sư Vũ Khiêu tuy viết đã
lâu nhưng đã đặt ra những vấn đề rất đúng về Cao Bá Quát. Những tư tưởng quan
trọng của Cao Bá Quát, những đặc điểm về nhân cách, con người ông đều được nêu
lên, nhìn nhận đúng mực. Bài viết điều chỉnh được những nhận xét của nhiều
người đi trước chỉ nhấn mạnh cái ngông, sự khinh ngạo ở Cao, nhấn mạnh sự bất
mãn về việc không được dùng, bị ngược đãi, hoặc tâm trạng hoài Lê, ... Thực ra
Cao là con người đi trước thời đại và cũng tiêu biểu cho lớp sĩ phu đương thời.
Vấn đề của triều Nguyễn không phải là việc họ xóa bỏ nhà Lê mà là những nhiệm
vụ trước mắt đối với đất nước. Nho sĩ đầu thế kỷ XIX đều trăn trở về điều đó và
họ li tâm với nhà Nguyễn cũng ở điều đó. Bài viết cũng khá cập nhật, có thể
dùng làm bài nghiên cứu đầu cũng được.
Các bài của PGS. Nguyễn Hữu Sơn, Trần Nho Thìn đều có thêm
những ý kiến mới, bổ sung cho bài của giáo sư Chủ biên.
Các bài của GS. Trương Chính, GS. Nguyễn Lộc, Nguyễn Tài
Thư tuyển lại cũng được, bởi mỗi bài cũng có khai thác sâu thêm một số ý.
II. Những điều góp ý
Tuy tên đề của công trình là Tuyển tập thơ văn và nghiên cứu, nhưng theo tôi nên coi trọng tâm
là Tuyển tập thơ văn, nghiên cứu chỉ
chọn một số bài có tính chất hỗ trợ cho ý tưởng của công trình, chỉ nên coi là
phần “phụ lục”. Lý do là:
- Thứ nhất đây là công trình giới thiệu tác giả, trong tủ
sách Kỷ niệm, cốt để người đọc nhìn nhận đúng tác giả, khác với kiểu công trình
nghiên cứu sâu, như “Về tác gia tác phẩm” của Nxb. Giáo dục, chẳng hạn. Những
bài nghiên cứu đã lâu, trong điều kiện nhà nghiên cứu chưa tiếp xúc được đầy đủ
tư liệu, có những nhận định không toàn diện không nên đưa vào, làm loãng ý
trung tâm của công trình. Ví dụ như bài của Hà Như Chi. Bài của Xuân Diệu, bài
của GS. Lê Trí Viễn cũng không toàn diện, khiến tôi rất phân vân, có nhất thiết
là nên chọn, trong khi mình không có điều kiện để lý giải lại, nói thêm về một
số ý kiến của các tác giả đó.
Bài của Hữu Sơn tốt, nhưng tôi thấy nên sửa cho mạch lạc và
đỡ dài dòng một chút.
Bài của GS. Vũ Khiêu tôi đề nghị nên coi là bài viết trong
nhiều năm, vì thế không nhất thiết giữ lại một số ý ngày nay không cần cho công
trình.
Theo ý tôi cứ để bài viết này lên đầu sách làm bài Dẫn
luận. Bài Lời dẫn đưa xuống phần sau, như một bài về Lịch sử công trình, hoặc
coi như Lời nói đầu, đặt trước bài Dẫn luận. Nhưng do vậy phải lược bớt một số
đoạn trùng.
Cũng do vậy, nếu có thể chỉ để tên sách là Cao Bá Quát - Tuyển tập thơ văn. Lý do
là không thể tuyển được hết những bài nghiên cứu hay, và như trên đã nói, nhiều
bài nghiên cứu không phải chỉ vì không phù hợp với cách nhìn của ta ngày nay về
tác giả mà quả thật do hạn chế về tư liệu, do những yêu cầu cụ thể của lịch sử,
bài viết thiếu một cái nhìn toàn diện, khiến cho cách đánh giá về Cao Bá Quát
chưa được chuẩn xác. Phần II này nên tuyển thêm những bài giúp thêm tư liệu về
tiểu sử, do đó có thể chọn một số thơ của bạn bè tác giả: Vũ Tông Phan, Nguyễn
Văn Lý, Trần Thận tư, câu đối Nguyễn Văn Siêu, ... , cả sử nhà Nguyễn. Rà soát
lại những bài đã chọn, bảo đảm tập trung ý.
Ngoài ra có một số giai thoại đã được xác định rõ thì không
nên đưa vào, như câu đối về hoa mai, câu đối dán nhà học.
2. Về phần tác phẩm:
- Những bài của dịch giả Thái Trọng Lai cần được tu chỉnh
thêm. Một số bài lời dịch nghĩa chưa đạt đến độ nhã, đọc rất khó hiểu; phần
dịch thơ cũng còn những bài chưa bảo đảm đúng vần (ý kiến cụ thể đã ghi ngay
vào bản thảo).
- Lỗi kỹ thuật rất
nhiều, nhất là phần phiên âm. Có bài thơ 8 câu thì 5 câu có lỗi. Cần phải đọc
soát thật kỹ để chữa. Tôi đã ghi những lỗi ngay vào bản thảo, nhưng còn những
bài không có văn bản chữ Hán nên cũng không thể đoán để sửa được.
- Cần thống nhất quy
cách: kiểu chữ các phần, cách kết cấu các phần trong một bài ...
III. Kết luận
Công trình đạt chất lượng tốt. Sau khi chữa tốt các lỗi kỹ
thuật có thể đưa đi in được.
Riêng
mấy đề xuất của người phản biện, mong được Nhóm biên soạn lưu ý, nếu có thể cố
gắng điều chỉnh, kể cả kết cấu sách thì tốt.
Nhà xuất bản Hà Nội