Tóm tắt nội dung:
Sự kiện Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập ra
vương triều Lý, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long là những mốc lịch sử trọng đại,
đánh dấu bước phát triển vượt bậc của vương triều Lý và quốc gia Đại Việt.
Trong lịch sử Việt Nam, triều Lý được coi là triều đại
phát triển thịnh trị. Đó là thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn, thời kỳ
phục hưng toàn diện của nền văn hoá dân tộc sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.
Vương triều Lý đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử
dân tộc - Kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Dưới triều Lý, nước Đại Việt trở thành
một quốc gia độc lập, thống nhất và thịnh vượng trong khu vực mà Thăng Long là
trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, nơi hội tụ, kết tinh, thăng
hoa và toả sáng tâm hồn, trí tuệ dân
tộc.
Với những ý nghĩa đó, tập sách Vương triều Lý (1009 - 1226) là một trong những ấn phẩm khoa học
thiết thực hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tập sách giúp
cho các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bản đọc hiểu rơ hơn, khách quan và toàn
diện hơn những cống hiến to lớn của vua Lý Thái Tổ, của vương triều Lý và quân
dân Đại Việt trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn
hoá. Đặt nền tảng cho nền văn minh Việt Nam với trung tâm là kinh đô Thăng Long
tiếp tục phát triển và toả sáng.
Bình luận sách
* PGS.TS
Lê Đình Sỹ (Bình luận bản thảo)
1. Cho đến nay, sách viết về Vương triều Lý không ít và ở nước
ta cũng đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học về Lý Công Uẩn và
vương triều Lý, kết quả của nó là những tập kỷ yếu khoa học dày dặn với nội
dung tốt đã được xuất bản. Gần đây Hội thảo quốc tế về vương triều Lý và Kinh
đô Thăng Long được tổ chức vào dịp kỷ niệm 1000 năm ngày Lý Công Uẩn lên ngôi
hoàng đế. Đó là những đóng góp rất đáng kể của giới sử học.
Tuy nhiên,
chúng ta rất cần có một công trình phản ánh một cách tổng thể những thành tựu
nghiên cứu của giới sử học trong nhiều năm qua. Cuốn “Vương triều Lý 1009-1225” của tập thể tác giả do GS.TS. Nguyễn
Quang Ngọc chủ biên chắc chắn sẽ đáp ứng được nguyện vọng đó. Tôi nghĩ rằng
cuốn sách là sản phẩm tổng hợp của nhiều công trình nghiên cứu về triều Lý của
các giới sử học trong và ngoài nước. Và cuốn sách sẽ có ý nghĩa thiết thực
trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
2. Tôi đồng ý với kết cấu tập sách, gồm 4 chương chính và phần
tuyển chọn một số công trình viết về vương triều Lý. Điều này hoàn toàn phù hợp
với ý kiến kết luận trong phiên họp của Hội đồng khoa học nghiệm thu đề cương
trước đây mà tôi đã có tham dự.
3. Về nội dung các chương tôi có một số ý kiến như sau:
- Chương 1: Chương 1 viết về Lý Thái Tổ khai sáng
vương triều Lý và định đô Thăng Long. Tôi thấy, đây là một chương viết thành
công, rất hay, rất sâu về nhân vật Lý Công Uẩn, từ nguồn gốc dòng họ, quê
hương, quá trình vận động thành lập vương triều, tổ chức buổi đầu triều chính
nhà Lý và sự nghiệp định đô Thăng Long của Lý Công Uẩn. Tác giả đã chứng tỏ là
một con người hiểu biết hết sức sâu sắc, cặn kẽ về con người, quê hương và sự
nghiệp của Lý Công Uẩn. Chương 1 đã tổng hợp nhiều thành quả và những thông tin
mới nhất xoay quanh nhân vật Lý Công Uẩn/Lý Thái Tổ; đã giải mã thành công
những vấn đề lâu nay giới sở học còn tranh luận như vấn đề quê nội, quê ngoại,
gia đình Lý Công Uẩn. Đọc chương 1 chúng ta hiểu được một cách khá rõ về cống
hiến của Lý Thái Tổ trong việc tổ chức vương triều Lý, vấn đề định đô Thăng Long
và xây dựng đất nước.
Dĩ nhiên, sự
phản ánh trong chương 1 thể hiện quan điểm của các tác giả về những vấn đề nêu
trên. Có thể có những vấn đề khoa học, cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu.
- Chương 2: Chương 2 tập trung viết về thời kỳ hưng
thịnh của vương triều Lý và nước Đại Việt, với 5 đời vua tiếp theo từ Lý Thái
Tông đến Lý Anh Tông (1028-1175). Chương 2 đã phản ánh một cách đậm nét về thân
thể, sự nghiệp của các vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần
Tông và Lý Anh Tông. Cùng với giai đoạn Lý Thái Tổ, đây là giai đoạn phát triển
đi lên của vương triều, một thời kỳ có thể coi là rực rỡ văn trị, võ công của
nước Đại Việt thời Lý.
Nội dung trình
bày của 5 đời vua nói trên nhìn chung là tốt, khá toàn diện và đã nêu được
những nét nổi bật tiêu biểu của từng đời vua, có những đánh giá nhận xét xác
đáng về công lao, sự nghiệp cũng như một số hạn chế của 5 vị vua tiếp đời Lý
Thái Tổ. Về cơ bản, tôi đồng ý với cách trình bày và phương pháp thể hiện, cũng
như những nội dung đã nêu trong chương.
Để chương 2 được tốt hơn, tôi đề nghị bổ
sung, chỉnh sửa một số vấn đề sau đây:
Một là, cách kết cấu của các nội dung trình bày
trong 5 đời vua nói trên chưa thật thống nhất. Cách đánh số thứ tự và kết cấu
các mục, tiểu mục trong đó có chỗ chưa thật rõ ràng, có nơi ghi rõ tiểu mục, có
nơi chỉ đánh số không có tiểu mục. Đó cũng là một cách, nhưng theo tôi nên
thống nhất như phần viết vua Lý Thần Tông (tới trang 134), tức là cần có các
tiểu mục ngắn gọn để nêu rõ nội dung phía dưới.
Hai là, về đối tượng phản ánh trong từng mục
đời vua cần phải suy xét để thống nhất cách trình bày nội dung. Tôi thấy ở vua
nào cũng có mở đầu và kết luận về ông vua đó, nhưng trong nội dung thì lại đề
cập đến nhiều vấn đề hoạt động nói chung của giai đoạn mà vị vua đó trị vì. Có
lúc thì viết về nhà vua, có lúc thì viết về những vấn đề chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội cảu giai đoạn. Như vậy, chưa thống nhất.
Theo tôi, nên
viết về những thành quả văn trị, võ công, những mặt được và chưa được trong
giai đoạn vị vua đó trị vì đất nước. Và thông qua đó để đánh giá vai trò của
nhà vua, chứ không nên đi sâu vào đời tư của các hoàng đế.
Ba là, trong chương 2 có những phần, những
trang trình bày hơi rườm rà, đi quá chi tiết và quá xa với nội dung chính.
Chẳng hạn, khi tác giả trích Đại Việt sử
ký toàn thư thì lại nói thêm rộng ra là: Đó là bộ sở thời Lê, là tập đại
thành của rất nhiều cuốn sử, được khởi thảo đến thời Lê và là bản khắc sớm nhất
tìm thấy có niên đại cuối thế kỷ XVII. Hoặc có chỗ còn đi sâu giải thích kỹ
lưỡng về sự xuất hiện nước Đại Cồ Việt; có chỗ nêu chi tiết, dài dòng về nàng
Chí Cao; hoặc như đi quá chi tiết về
Nguyên phi Ỷ Lan khi đang nói về vua Lý Nhân Tông, mà đáng ra việc này nên viết
ở phần vua Lý Thánh Tông mới phải. Theo tôi, khi trình bày nên chú tâm vào nội
dung chính, không cần thiết đến cụ thể như vậy.
Thứ tư, thứ tự trình bày cũng như dung lượng
các vấn đề còn chưa thật hợp lý. Cần sắp xếp những nội dung chính lên trước.
Mặt khác có những vấn đề được trình bày rất kỹ ví dụ như vấn đề Phật giáo,
những nội dung quan trọng như xây dựng chính quyền, xây dựng đất nước thì viết
còn quá ngắn, chưa nổi bật, thậm chí chưa được đề cập. Chính vì thế, nói là
thuộc giai đoạn hưng thịnh, nhưng đọc thấy chưa thật nổi bật cái hưng thịnh ấy.
Điều đó, có liên quan đến việc đánh giá nhà vua.
Thứ năm, cần viết những nhân vật quan trọng có
công giúp nhà vua làm nên những thành quả lớn lao trong công cuộc xây dựng
vương triều, trong quá trình dựng nước và giữ nước. Những nhân vật đó nên viết
riêng chứ không nên viết chung vào giai đoạn nói về nhà vua. Ví dụ các nhân vật
Nguyên phi Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh… Tôi thấy, vấn đề
này có một số tác giả viết rất tốt trong một số đời vua. Và với những nhân vật
đó cũng nên đi sâu vào những đóng góp chủ yếu chứ không kể lể miên man. Như
viết về Lý Thường Kiệt thì nên viết về cống hiến của ông trong kháng chiến
chống Tống; viết về Nguyên phi Ỷ Lan nên viết về vai trò buông rềm trông coi
chính sự của Bà khi vua còn nhỏ hoặc lúc vua đi chinh phạt nơi xa. Riêng về cuộc
kháng chiến chống Tống không nên viết kỹ ở phần vua Lý Nhân Tông mà nên để dành
khi viết chương 4. Trên thực tế, vua Lý Nhân Tông không nổi bật trong kháng
chiến chống Tống, vì lúc đó vua mới 5 tuổi. Trở lại, nên làm rõ vai trò của Lý
Nhân Tông trong lãnh đạo đất nước lúc hòa bình, vì vị vua này ở ngôi lâu nhất,
56 năm. Khi viết các vua Lý nên khai thác các khía cạnh “thân dân”, tấm lòng từ
bi, độ lượng của nhà vua.
Trong chương 2
cũng cần chuẩn xác các sự kiện, số liệu. Ví dụ, Lý Thái Tông đặt 10 vệ điện tiền
cấm quân chứ không phải 10 vệ điện tiền trúc quân; chính sách ngụ binh ư nông
ra đời từ đời vua Lý Thần Tông là không chính xác…
- Về chương 3: Nội dung chương 3 viết về 50 năm cuối
của vương triều Lý, với 3 đời vua: Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.
Thực tế, đây là 3 triều vua trong giai đoạn xuống dốc của vương triều. Tôi thấy
các tác giả đã tỏ tháo độ rõ ràng trong phê phán các vị vua này, cho là giai
đoạn suy kiệt của vương triều Lý, nguyên nhân là vua bất tài, triều chính lục
đục, chia bè phái, mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến tiêu diệt lẫn nhau. Tuy trình bày
chưa thật đầy đủ về 3 đời vua cuối này nhưng nhìn chung đã nêu được những nội
dung chủ yếu, đã khắc họa được những nét mà lâu nay giới sử học đã bỏ trống,
chưa nghiên cứu sâu.
Tuy nhiên, trong
3 chương còn có một số điểm cần chỉnh sửa như:
+ Cần thống
nhất cách trình bày 3 đời vua này. Ở đời vua Lý Cao Tông thì được trình bày rõ
ràng qua 3 tiểu mục; còn 2 đời Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng thì viết liền
mạch. Nên viết theo vấn đề dễ nhìn nhận,
đánh giá các vị vua này.
+ Tôi nhận
thấy, những nội dung về các cuộc đấu tranh giữa các phe phái, các cuộc nổi dậy
của các thế lực, dòng họ trong giai đoạn này trình bày hơi dài, hơi kỹ, cần
khái quát hơn.
- Về chương 4: Cuốn sách dành cả chương 4 để nhận xét,
đánh giá vương triều Lý trên các lĩnh vực là chính xác. Ta coi đây như một
chương tổng luận về Vương Triều Lý trên các lĩnh vực: Tổ chức vương triều, xây
dựng đất nước, xây dựng quốc gia thống nhất, xây dựng nền văn hóa Thăng Long
cũng như các hoạt động ngoại giao để nâng vị thế nước Đại Việt. Tôi đánh giá
cao thành công của chương này, bởi vì tác giả đã tổng hợp được thành quả nghiên
cứu của giới sử học về Vương triều Lý, nhất là thâu tóm được những nội dung
khoa học trong các cuộc Hội thảo khoa học về Vương Triều Lý.
Tuy
nhiên, cũng còn có những nội dung cần khái quát gọn hơn, để bớt phần trùng lặp:
Ví dụ vấn đề xây dựng quân đội, được nêu hai lần trong cả mục 1 (tr. 226) và
mục 2 (tra. 241). Theo tôi phần này chỉ nên viết ở phần 1 (phần xây dựng đất nước) không nên nhắc lại ở phần
2 khi nói về tổ chức kháng chiến.
Nhìn
chung 4 chương trong phần viết chính cuả tác giả đã được thể hiện tốt, nọi dung
phong phú, tư liệu nhiều...Những hạn chế nho nhỏ nói trên sẽ khắc phục được.
3.
Văn phong diễn đạt trong các chương mục còn theo những cách khác nhau. Có chỗ
trong sáng, hấp dẫn, nhưng cũng còn nhiều chỗ lủng củng, sai câu. Điều này đòi
hỏi có một người biên tập tốt để lược bớt nơi rườm rà, sắp xếp các chương mục
để cuốn sách hấp dẫn hơn.
4.
Về phần các công trình, bản báo cáo khoa học viết về Vương Triều Lý nhìn chung
đã tốt nhưng còn sót khá nhiều đề nghị bổ sung..
5.
Tôi đồng ý với phần Phụ lục với tuyển
chọn giới thiệu 30 bài viết về vương triều Lý của các tác giả trong nước và
quốc tế. Đó là những bài viết có chất lượng, chuyên môn cao, có đóng góp về
khoa học, không trùng lặp. Tiên chỉ tuyển chọn thể hiện trong đó là hợp lý,
cách sắp xếp cũng hợp lý.
Tóm
lại, bản thảo Vương triều Lý 1009 – 1225
là một bản thảo tốt. Trong một thời gian ngắn mà bản thảo đã được hoàn thành
như thế, theo tôi đó là sự nỗ lực rất lớn của chủ biên và tập thể tác giả. Xin
chúc mừng sự thành công này của các tác giả. Tôi cũng mong muốn cuốn sách sớm
được hoàn thiện để xuất bản phục vụ bạn đọc.
Nhà xuất bản Hà Nội