Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Thanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (bình luận bản thảo)
Thứ hai, 15/08/2011 12:35
Tác giả: Hồ Bạch Thảo (Dịch giả); Phạm Hoàng Quân và Trần Văn Chánh (Hiệu đính và chú giải bổ sung). Thể loại sách: Nghiên cứu, biên soạn. Mảng sách: Tư liệu Tổng hợp.

Tóm tắt nội dung:

- Thực lục là một thể tài sử thư, chuyên ghi chép những sự kiện lớn nhỏ trong suốt thời gian trị vì của một hoàng đế, đồng thời cũng ghi chép tiểu truyện của các văn thần võ tướng trong triều vua ấy.

- Thanh thực lục, gồm 11 Thực lục (4433 quyển), là bộ sử chép việc xẩy ra trong 267 năm lịch sử triều Thanh (1644-1911). Việt - Thanh chiến tranh mà nổi bật là chiến thắng Kỷ Dậu 1789 gắn chặt với cái tên Thăng Long là 1 mốc quan trọng trong lịch sử 1000 năm của Thăng Long/Hà Nội mà đã có nhiều sử sách mô tả, tuy nhiên, nhiều vấn đề quan trọng vẫn tồn nghi.

Chiến tranh Thanh - Tây Sơn được chép trong Thanh Thực Lục, gồm 209 văn bản (là toàn bộ các văn bản). Tất cả những tư liệu nêu trên được dịch ra, xếp theo thứ tự ngày tháng, để in kèm với nguyên văn.

Do vậy, cuốn sách dịch Việt các tư liệu sử liên quan tới Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong Thanh Thực lục là một tư liệu quan trọng cho giới sử học và những người yêu sử; cung cấp cho giới nghiên cứu và bạn đọc toàn cảnh chiến tranh Thanh - Tây Sơn trong Thanh Thực lục thông qua bản dịch của 209 văn bản gốc mà dịch giả đã rà soát thu thập và dịch từ nguyên bản.

Bình luận sách

* PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn (Bình luận bản thảo)

Trong Thuyết minh tổng thể đề tài “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, tôi đã đọc kỹ những thông tin chung về đề tài Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn, từ Mục đích, ý nghĩa và đối tượng phục vụ của sách, đến Đề cương tổng quátKết cấu tập sách, đặc biệt là nội dung góp ý của các vị trong Hội đồng nghiệm thu Đề cương chi tiết đề tài này, với nhiều ý kiến xác đáng, họp ngày 10 tháng 10 năm 2009.

          Với tư cách là người được mời tham gia hiệu đính lần cuối bản thảo, tôi xin có mấy ý kiến như sau:

          1. Thanh thực lục, tên gọi đầy đủ là Đại Thanh lịch triều thực lục, nhưng thường được gọi Đại Thanh thực lục hay Thanh thực lục, là một bộ sử liệu trường biên, viết theo thể biên niên, do sử quan đời Thanh biên soạn, bao quát từ Thái Tổ (Ái Tân Giác La Nỗ Nhĩ Ha Xích), niên hiệu Thiên Mệnh (1616-1625) đến Đức Tông (Ái Tân Giác La Tá Khoát), niên hiệu Quang Tự (1875-1908), tất cả 11 triều vua.

          Ở Việt Nam, Đại Thanh thực lục có một ảnh hưởng rất lớn đối với triều Nguyễn.

          Khi Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn Đại Nam thực lục, đã mô phỏng rất sát kết cấu và quy cách biên soạn của Đại Thanh thực lục, đồng thời cũng tiếp thu sâu sắc mô hình tổ chức xã hội Trung Quốc đời Thanh ghi chép trong Đại Thanh thực lục.

          Đứng về mặt sử liệu, những ghi chép về quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam thời Càn Long (Cao Tông, Hoằng Lịch, 1736-1795) và Tây Sơn (1788-1802), có thể nói là rất phong phú và có giá trị phản ánh khá thật những sự kiện chiến tranh xảy ra giữa hai bên, cũng như các mối quan hệ chính trị, bang giao, kinh tế…

          Trong lịch sử quan hệ Việt - Trung thời phong kiến, quan hệ giữa nhà Tây Sơn với nhà Thanh là một trang sử ngoại giao ghi đậm dấu ấn thắng lợi của Tây Sơn, không chỉ được phản ánh qua những văn kiện ngoại giao do Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích viết gửi sang nhà Thanh hiện còn lưu giữ trong Bang giao hảo thoại, Dụ am văn tập… mà còn được Đại Thanh thực lục, phần Cao Tông thực lục, ghi chép đầy đủ, cụ thể, khá khớp với sự thật lịch sử khi đối chiếu với tài liệu thời Tây Sơn…

          Nếu nhìn lại những công trình lịch sử ở nước ta nghiên cứu về thời đại Quang Trung đặt trong mối quan hệ với đời Càn Long nhà Thanh, thì thấy về mặt sử liệu học, hình như chỉ có Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm là người đầu tiên, khi viết Quang Trung anh hùng dân tộc 1788-1792, đã khai thác một ít tư liệu trong Đại Thanh thực lục (sách in của Trường Viễn Đông Bác cổ).

          Vì vậy, một công trình sao lục toàn bộ ghi chép về quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thời Càn Long - Tây Sơn trong Đại Thanh thực lục, sắp xếp theo thời gian và dịch nghĩa, chú thích ra tiếng Việt, rồi công bố, là một công trình học thuật thật sự có giá trị cần thiết.

          Công trình này hoàn toàn xứng đáng nằm trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, vì chúng ta biết, sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị, giải phóng Thăng Long (Đầu Xuân năm 1789), trước lúc trở về Phú Xuân, Quang Trung để Ngô Thì Nhậm với Phan Huy Ích ở lại Bắc Thành (Thăng Long) lo liệu công việc bang giao với nhà Thanh. Nhiều văn kiện ngoại giao quan trọng gửi sang nhà Thanh đều do Ngô Thì Nhậm thảo từ Thăng Long. Các cuộc đón tiếp sứ thần nhà Thanh sang sắc phong đều diễn ra tại Thăng Long. Đọc Đại Nam quốc thư, chúng ta sẽ thấy có nhiều tư liệu quý nói về công việc các quan chức triều Tây Sơn tổ chức đón tiếp sứ bộ nhà Thanh ở Thăng Long như thế nào năm 1790. Thăng Long vẫn là trung tâm ngoại giao của triều Tây Sơn.

          2. Về phần dịch nghĩa, chú thích các văn bản viết về quan hệ giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn trong Đại Thanh thực lục, đã được các học giả Hồ Bạch thảo, Trần Văn Chánh và Phạm Hoàng Quân thực hiện rất tốt.

          Tuy nhiên, trong khi làm công việc dịch, chú cổ văn vất vả, khó khăn này, không ai không tránh khỏi những sơ xuất về chữ, nghĩa. Bởi vậy, việc hiệu đính lần cuối cùng bản dịch, chú trước khi xuất bản là rất cần thiết.

          Với bản dịch, chú đã được làm tốt rồi, cộng với việc chỉnh sửa kỹ lần cuối, tôi tin rằng bản dịch, chú sách nói về quan hệ Trung Quốc và Việt Nam trích trong Đại Thanh thực lục, sẽ đạt được đội chính xác cao, bảo đảm độ tin cậy cao đối với độc giả.

          3. Sau đây, tôi có mấy đề nghị:

          a. Về tên sách: Theo tôi, nên đề là Quan hệ giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn trong Đại Thanh thực lục (phải bỏ từ “Sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn”, vì quan hệ giữa hai bên không chỉ có chiến tranh, mà cuộc chiến xẩy ra cũng nhanh).

          Thực ra, tôi muốn đề nghị đặt tên sách là: Những ghi chép về quan hệ với Việt Nam trong Đại Thanh thực lục [tôi phỏng theo tên bộ sách (5 tập) do học giả Nhật Bản là Đào Mộc Chí Lương (Momoku Cưpò) làm: “Đại Thanh thực lục trung Đông Nam Á quan hệ ký sự” (Những ghi chép về quan hệ với Đông Nam Á trong Đại Thanh thực lục)].

          b. Ngoài Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Hà Nội, nên có bài giới thiệu tóm tắt về bộ Đại Thanh thực lục và giá trị sử liệu phản ánh khá đúng về mối quan hệ giữa nhà Thanh với nhà Tây Sơn, trong đó khái quát và nhấn mạnh những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao mà nhà Tây Sơn đã dành được trong quan hệ với nhà Thanh, thời Càn Long – Quang Trung.

          c. Phần in kèm văn bản chữ Hán nên phóng to hơn bản in năm 2007.

          d. Trong Đề cương tổng quát, mục 13.1 (tr.4) viết: “Thực lục là một thể tài sử thư”.

          Lưu ý: “Thực lục” là ghi chép thực, không phải là một thể tài. Đại Thanh thực lục viết theo thể biên niên.

          e. Phần Thư tịch tham khảo trong sách in năm 2007, có ghi: “Hoa Bằng, chính vua Quang Trung đã phá bỏ lệ cống người vàng”. Tạp chí Tri Tân, 1943. Nên thay Tạp chí Tri Tân bằng cuốn Quang Trung anh hùng dân tộc, tái bản năm 1998 (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin) vì trong tác phẩm này có đầy đủ thông tin nhất về quan hệ giữa nhà Thanh và Tây Sơn.

          Trong Tài liệu tham khảo không thể thiếu Bang giao hảo thoại của Ngô Thì Nhậm, vì ở đây nhiều tờ biểu tấu do Ngô Thì Nhậm thay lời Quang Trung viết gửi sang nhà Thanh, có nội dung khá khớp với ghi chép trong Đại Thanh thực lục, làm cơ sở đối chiếu, so sánh rất tốt. (Xem Ngô Thì Nhậm toàn tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố).

Kết luận

          Quan hệ giữa nhà Thanh và Tây Sơn trong Đại Thanh thực lục, là một công trình dịch thuật rất có giá trị về sử liệu, phản ánh được lịch sử ngoại giao đẹp đẽ thời Tây Sơn gắn chặt với Thăng Long (Bắc Thành), nơi từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ Tây Sơn - Thanh triều, dưới thời Càn Long - Quang Trung.

Đề nghị bản thảo sớm được hoàn chỉnh để cho công bố.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá