Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Văn kiện Lịch sử (bình luận bản thảo)
Tóm tắt nội dung:
-
Đề tài nhằm tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu những văn kiện lịch sử tiêu biểu
trực tiếp gắn với quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội;
hoặc những văn kiện có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử quốc gia và dân tộc
nhưng được ra đời chính tại đây - nơi suốt nghìn năm qua là trung tâm hành
chính, chính trị của đất nước. Kết quả của đề tài sẽ là một hệ thống tư liệu có
độ tin cậy và giá trị khoa học cao, không chỉ chỉ rõ những bước đường phát
triển về mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn
đề của lịch sử đất nước, gắn liền với lịch sử Thủ đô. Đây thực sự là một công
trình khoa học có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; góp
phần giáo dục truyền thống yêu nước của nhân dân cả nước nói chung, người dân
Hà Nội nói riêng. Do vậy, đề tài không chỉ cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên
cứu lịch sử, văn hóa, mà còn hướng tới phục vụ đông đảo độc giả Thủ đô và cả
nước.
- Cách tiếp cận:
Về không gian:
Những văn kiện quốc gia quan trọng nhất nhưng được viết và công bố tại Thăng
Long - Hà Nội; hoặc những quyết định của/liên quan trực tiếp đến kinh thành
Thăng Long trước đây, thủ đô Hà Nội hiện nay.
Về thời gian: Từ
Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến những văn kiện mới nhất của/về Thủ
đô Hà Nội.
Về đối tượng: Khảo sát tất cả các
nguồn tài liệu, từ chính sử biên niên, các văn bản điển chế pháp luật, thơ văn,
tài liệu lưu trữ, sách báo đã công bố…
-
Các nguyên tắc tuyển chọn, trình bày:
+ Tính khách quan: Giới thiệu nguyên bản các văn kiện lịch
sử lưu trong các nguồn tài liệu. Đối với những văn kiện có nhiều bản dịch hoặc
dị bản (chủ yếu ở thời kỳ trung đại), chúng tôi chọn theo chính sử hoặc bản gần
nhất với thời điểm được ban bố. Trong một số trường hợp cần thiết, sẽ có những
chú giải rõ ràng cho phần nội dung.
+
Tính lịch sử: Các văn kiện được trình bày theo trình tự thời gian mà văn bản đó
được công bố.
+ Tính toàn diện: Những văn kiện được tuyển chọn đề cập đến
mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Thăng Long - Hà Nội.
Bình luận sách
* TS. Đào Thị Diến (Bình
luận bản thảo)
1.
Về đề cương: Bản thảo sách được biên soạn theo đề cương đã được chỉnh sửa sau
nghiệm thu ngày 28-10-2009. Những tư liệu mới được bổ sung thể hiện tinh thần
nghiêm túc của chủ biên và các tác giả.
2.
Về nội dung:
-
Trước hết, bản thảo đem đến cho người đọc một độ tin cậy lớn. Đó là vì sách do
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc và PGS. TS Vũ Văn Quân cùng một nhóm ThS, CN trẻ, giỏi,
đầy tâm huyết với Hà Nội tham gia sưu tầm và tuyển chọn.
-
Độ tin cậy của sách còn thể hiện qua nguồn tư liệu biên soạn nên bản thảo. Đây
là lần đầu tiên, một khối lượng đáng kể văn kiện gắn liền với các sự kiện, nội
dung chính yếu trong tiến trình lịch sử Thăng Long - Hà Nội, phần cơ bản của
lịch sử dân tộc được tuyển chọn và được in thành ấn phẩm đặc biệt trong khuôn
khổ của tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Những văn kiện này được sưu tầm,
tuyển chọn có tiêu chí, có nguyên tắc rõ ràng và rất khoa học. Điều này làm nên
tính mới mẻ và sự hấp dẫn của ấn phẩm, mặc dù nhiều văn kiện đã được công bố
rải rác trong một số công trình, sách báo trước đây nhiều thập kỷ.
-
Kết cấu sách hợp lý, nội dung sách được phân chia theo phân kỳ truyền thống,
các văn kiện mở đầu mỗi phân kỳ được lựa chọn chính xác, mang tính lịch sử rõ
nét, toàn bộ các văn kiện trong tuyển tập được sắp xếp theo trình tự thời gian,
rất thuận tiện cho người tra cứu.
-
Tiêu chí đầu tiên và cũng là tiêu chí quan trọng nhất được nhấn mạnh trong Lời
giới thiệu, đó là “Văn kiện được chọn
trong tuyển tập phải là những văn kiện tiêu biểu, có giá trị cao, ý nghĩa sâu
sắc, liên quan đến các vấn đề lớn, đánh dấu những bước chuyển biến quan trọng
trong tiến trình phát triển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội”. Tiêu chí này
được các tác giả quán triệt sâu sắc trong quá trình tuyển chọn. Tuy nhiên, có
một vài văn kiện thuộc giai đoạn 1945-1946, theo thiển ý của chúng tôi là quan
trọng, nên bổ sung như sắc lệnh của Chủ tịch nước VNDCCH quy định về quốc kỳ và
quốc ca… bởi vì văn kiện này đánh dấu việc khẳng định quốc hồn của dân tộc ta
ngay sau ngày giành được độc lập. Hay trong khoảng thời gian từ tháng 12-1945
đến ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã
có rất nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần củng cố và xây dựng Hà Nội, Thủ đô
của nước Việt Nam mới giành được độc lập sau hơn 80 năm bị đế quốc Pháp đô hộ,
trong đó có việc ban hành những văn kiện quan trọng, cần bổ sung vào Tuyển tập,
thí dụ như văn kiện quy định về việc đặt tên cho các phố ở Hà Nội. Lần đầu
tiên, việc đặt tên phố được quy định theo những nguyên tắc thống nhất của Nhà
nước Việt Nam mới, trong đó nguyên tắc đầu tiên là phải giữ nguyên tên cũ của
Hà Nội 36 phố phường. Chính vì vậy, một loạt tên phố gần gũi, thân thương với
người dân Thủ đô như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Thiếc, Hàng Mắm, Hàng Đường...
đã được trở lại với tên gọi từ ngàn xưa, gắn liền với lịch sử hình thành và
phát triển của Hà Nội.
-
Vì những lý do đã được giải thích rõ trong Lời giới thiệu như trong quá trình
xây dựng bản thảo, các tác giả đã gặp trở ngại lớn trong việc tuyển chọn văn
kiện giữa các thời kỳ lịch sử nên Tuyển tập “còn thiếu vắng một số văn bản quan trọng” và “kết cấu các phần còn chưa thật cân đối, đồng đều”. Thật vậy. Trong
3 phần của Tuyển tập thì số văn kiện của phần thứ hai (Hà Nội thời Pháp thuộc)
chỉ chiếm 1/13 toàn bộ nội dung. Nhưng trên thực tế, số lượng các văn kiện do
chính quyền thuộc địa ban hành chỉ có 6, đúng là một con số quá khiêm tốn, nếu
như không nói là quá ít ỏi so với một thời kỳ dài là 80 năm đô hộ của thực dân
Pháp ở Việt Nam. Ngoài ra, Tuyển tập còn thiếu vắng một số văn kiện về lĩnh vực
văn hoá, giáo dục. Theo chúng tôi, điều này hoàn toàn có thể khắc phục được và
khắc phục không khó, nếu như nhóm tác giả được đầu tư thêm thời gian và kinh
phí.
3.
Về các vấn đề khác:
- Trước hết là vấn đề thống nhất hình thức trình bày trong
tuyển tập. Các tác giả đã chú ý sửa lại theo chuẩn hiện đại một số từ trong các
văn kiện được ban hành trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp,
rất thuận lợi cho người tra cứu. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, nguyên
tắc này nên áp dụng cho cả thời kỳ Pháp thuộc nữa, tất nhiên là đối với các văn
bản bằng chữ quốc ngữ, thí dụ: từ “sẩy ra” (tr. 117) hay “đương trức” (tr.
119)…
- Phần chú thích cuối
trang còn có một vài chỗ chưa theo nguyên tắc, chưa có sự khác biệt rõ ràng
trong chú giải giữa tài liệu lưu trữ với tư liệu (sách tham khảo). Chú thích
cho tư liệu nói chung rất tốt, chính xác, kể cả những xuất bản phẩm có sử dụng
các bản dịch từ chữ Hán. Chú thích cho tài liệu lưu trữ cần theo quy tắc: tên
trung tâm lưu trữ (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I), tên phông (phông Toàn quyền
Đông Dương), số hồ sơ, số tờ (nếu có), ngôn ngữ của tài liệu (chữ Hán, chữ Nôm,
chữ Pháp, chữ quốc ngữ). Trường hợp sử dụng bản dịch, nên chú thích tên người
dịch và người hiệu đính.
Trên đây là một vài vấn đề rất nhỏ cần hoàn thiện để
Tuyển tập được ra mắt bạn đọc chào mừng ngày đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội. Cho dù nếu những vấn đề này không được hoàn thiện tất cả vì thiếu
thời gian, “Thăng Long - Hà Nội, Tuyển
tập văn kiện Lịch sử” vẫn là một ấn phẩm có chất lượng tốt, xứng đáng với
sự mong đợi của tất cả những ai quan tâm và yêu thích lịch sử Thăng Long - Hà
Nội.
Nhà xuât bản Hà Nội